10/01/2025

Tiến sĩ “bò cạp”

Gần 25 năm gắn cuộc đời với các loài bò cạp và nọc độc của chúng, TSKH Hoàng Ngọc Anh, Viện Khoa học vật liệu, ghi kỷ lục về thời gian, thành quả, số lượng công trình nghiên cứu nọc độc và là người tiên phong cho những nghiên cứu về lĩnh vực này tại VN.

 

Tiến sĩ “bò cạp”

Gần 25 năm gắn cuộc đời với các loài bò cạp và nọc độc của chúng, TSKH Hoàng Ngọc Anh, Viện Khoa học vật liệu (Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ VN), ghi kỷ lục về thời gian, thành quả, số lượng công trình nghiên cứu nọc độc và là người tiên phong cho những nghiên cứu về lĩnh vực này tại VN.
 

 

 

 

 

TSKH Hoàng Ngọc Anh sinh năm 1952 tại Huế, lớn lên ở Hà Nội. Vốn là một học sinh giỏi hóa, tốt nghiệp phổ thông năm 1969, Hoàng Ngọc Anh được cử đi học đại học tại khoa hóa Trường ĐH tổng hợp Tashkent (Liên Xô cũ). Năm năm học tại đây là những năm tháng hữu ích, Hoàng Ngọc Anh đã đi những bước đầu tiên trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học.

Máy xung điện và tên cho bò cạp VN

 

Những loại thuốc tiền triệu

Các loại kem, thuốc giảm đau, thuốc từ nọc bò cạp (nhiều loài) được bán với giá khá cao. Chẳng hạn như Escozine 120ml, một loại dung dịch chiết xuất từ nọc bò cạp xanh (Cuba) hiện do Công ty TNHH một thành viên Dược phẩm trung ương 2 phân phối được bán với giá 15 triệu đồng/120ml.

 

Hoàng Ngọc Anh bị “nọc độc” mê hoặc ngay từ những năm 1983, khi sang Liên Xô làm luận án tiến sĩ. Bởi bà biết được rằng các loại nọc độc là công cụ hữu hiệu cho các nghiên cứu hóa sinh mà “các con có nọc thì phổ biến ở quê mình, vùng nhiệt đới”. Bà bắt đầu nghiên cứu về nọc độc và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khi tìm ra cấu trúc không gian toxin M9 từ nọc bò cạp Buthus eupeus.

Năm 1989, niềm đam mê dẫn lối để bà đặt chân đến nhiều nơi ở miền Nam đất nước, khảo sát những con có nọc. Hơn hai tháng đi suốt nhiều nơi như Sài Gòn, Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh… quà mang về Hà Nội của bà là một tá con bò cạp nâu. Khi có bò cạp trong tay, TS Hoàng Ngọc Anh quyết định nghiên cứu theo hướng tìm những độc tính, đưa ra tác dụng dược lý và hướng ứng dụng của nọc bò cạp. Thế nhưng “giờ làm sao lấy nọc bò cạp để nghiên cứu khi tại VN chưa hề có máy lấy nọc”. Khó khăn ấy không hề làm chùn bước người say nghề như TS Hoàng Ngọc Anh, bà tìm những tài liệu bằng tiếng Pháp về các dạng máy xung điện, cơ chế hoạt động và mang đi đặt hàng.

Cảm động trước say mê nghiên cứu khoa học của TS Hoàng Ngọc Anh, dù không chuyên về sản xuất máy, một tiến sĩ tại phòng cấu trúc của Viện Hóa học đã nhận lời và “vừa làm vừa thử” theo chỉ dẫn của bà. Cuối cùng chiếc máy xung điện dùng chích nọc của VN đầu tiên ra đời. Sau đó bà tiếp tục xây dựng quy trình thu, bảo quản nọc và kết hợp với Viện Sinh thái và tài nguyên để định danh, nuôi và lấy nọc bò cạp.

Những năm cuối thập niên 1980, đầu thập niên 1990, hoàn cảnh đất nước đang khó khăn, các nhà khoa học lại càng thiếu thông tin và công cụ để nghiên cứu. Thế nên các nhà khoa học tại Viện Sinh thái và tài nguyên VN đã gọi tên không chính xác cho loài bò cạp nâu mà TS Hoàng Ngọc Anh nhờ định danh. Năm 2003 bà đã phải gửi mẫu cho nhà phân loại có tiếng về bò cạp, giáo sư Lorenco ở Bảo tàng Tự nhiên Paris, để gọi cho đúng tên khoa học của chúng. Giáo sư Lorenco xác định tên của bò cạp nâu đó là Lychas mucronatus.

Thay đổi chỗ ở vì đam mê bò cạp

Năm 2002, sau khi bảo vệ thành công tiến sĩ khoa học ở Nga với đề tài “Nghiên cứu nọc bò cạp VN, tìm kiếm những chất có hoạt tính sinh học mới ứng dụng trong hóa sinh và y học”, bà Hoàng Ngọc Anh về nước và quyết định sẽ nuôi bò cạp để lấy nọc. Nhưng việc nuôi bò cạp tại Hà Nội không hề đơn giản vì “không hợp khí hậu bò cạp bị chết rất nhiều”. Năm 2003, TSKH Hoàng Ngọc Anh quyết định vào Bình Phước để nuôi bò cạp tại chỗ. Hai tháng ở miền Nam, bà đã nuôi 3.500 con bò cạp và tìm ra quy trình nuôi khác hẳn với những gì bà được “truyền thụ” từ Viện Sinh thái và tài nguyên.

“Ban đầu tôi nuôi từng hộp riêng nhưng thấy chúng cứ mất dần. Hóa ra chúng là loài ăn thịt nên khi sống dưới ánh sáng chúng dễ ăn nhau lắm” – TSKH Hoàng Ngọc Anh chia sẻ. Thế là từ chỗ nuôi từng hộp riêng, bà “dọn nhà” cho bò cạp vào các loại chậu lớn, phủ lá khô, cỏ ướt lên trên để chúng sống. Ngoài ra, TSKH Hoàng Ngọc Anh cũng biết được sở thích ăn uống của chúng là côn trùng như dế, châu chấu… “500 con bò cạp mỗi tuần tiêu thụ hết 1kg dế. Không được để chúng đói vì đói là chúng ăn thịt nhau” – TSKH Hoàng Ngọc Anh tiết lộ. 3.500 con bò cạp nâu đó giúp TSKH Hoàng Ngọc Anh thực hiện xong đề tài “Nghiên cứu tái tổ hợp protein ứng dụng trong y dược”.

Rồi như duyên nợ, năm 2006 khi các con vào TP.HCM sinh sống, TSKH Hoàng Ngọc Anh quyết định vào miền Nam nắng gió để tiếp tục những nghiên cứu về nọc bò cạp. Ngay trong năm đó bà đã đề xuất đề tài “Nghiên cứu nọc bò cạp nâu Lychas mucronatus với dược tính kháng viêm giảm đau nhằm ứng dụng trong y dược” lên Sở Khoa học và công nghệ TP.HCM. Bà lại bắt đầu những ngày nuôi bò cạp để lấy nọc, có lúc bà nuôi đến 5.000 con bò cạp. “Thú thật đến nay nuôi bao nhiêu bò cạp tôi cũng không nhớ rõ nữa, nhưng phải trên 10.000 con rồi” – TSKH Hoàng Ngọc Anh khẳng định.

MỸ DUNG

 

 

Từ cánh tay tê liệt đến kem xoa bóp, giảm đau

TSKH Hoàng Ngọc Anh kể chính bà đã bị bò cạp nâu cắn vào cánh tay khiến tay tê liệt nửa ngày không cử động được. Từ đó, bà bắt đầu nung nấu việc bào chế một loại kem xoa bóp, giảm đau tại chỗ từ nọc bò cạp. Năm 2007, công trình khoa học này đã được đăng ký ở Sở Khoa học và công nghệ TP.HCM và mới đây hội đồng khoa học do sở lập đã xét duyệt để TSKH Hoàng Ngọc Anh thực hiện đề tài này.

Đề tài đã có những bước đầu khả quan khi 1.000 tuýp kem loại 0,1mg và 0,5mg được chế thử, xoa vào chân đã cho tác dụng cụ thể. GS.TS Lê Quang Nghiệm, Trường ĐH Y dược TP.HCM, chủ tịch hội đồng khoa học xét duyệt đề tài nói trên, cho biết ông rất hi vọng sẽ sản xuất đại trà được loại kem xoa bóp, giảm đau làm từ nọc bò cạp mà TSKH Hoàng Ngọc Anh đang thực hiện.