23/01/2025

Giáo Hội thánh thiện theo nghĩa nào?

Giáo Hội là thánh thiện theo nghĩa nào, khi chúng ta thấy rằng Giáo Hội lịch sử, trong hành trình qua bao thế kỷ, đã gặp bao nhiêu khó khăn, có nhiều vấn đề và trải qua những thời kỳ đen tối? Làm sao một Giáo Hội gồm những phàm nhân, những người tội lỗi lại có thể là Giáo Hội thánh thiện được? Những người nam nữ tội lỗi, các linh mục, nữ tu, giám mục, hồng y, giáo hoàng tội lỗi. Tất cả như thế? Vậy làm sao Giáo Hội có thể là thánh thiện được?

 Giáo Hội thánh thiện theo nghĩa nào?

 

 

VATICAN – Trong buổi tiếp kiến chung hơn 50.000 tín hữu hành hương sáng thứ tư 2-10-2013, ĐTC Phanxicô quảng diễn bài giáo lý “Giáo Hội thánh thiện”, qua đó ngài xác định Giáo Hội thánh thiện theo nghĩa nào, và ơn gọi nên thánh của tất cả các tín hữu.

Trên thềm trước Đền thờ, ở bên tay trái nhìn xuống, có gần 50 giám mục, trong đó nhiều vị đã tham dự cuộc gặp gỡ về hoà bình do Cộng đồng Thánh Egidio ở Roma tổ chức trong những ngày qua. Từ gần 10 giờ sáng, trong lúc ĐTC bắt đầu đi xe díp trắng mui trần tiến qua các lối đi để chào thăm các tín hữu, hôn các em bé do các nhân viên an ninh bế lên ngài, thì xướng ngôn viên lần lượt giới thiệu tên các phái đoàn hành hương.

Sau nửa tiếng chào thăm như thế, xe chở ĐTC dừng lại gần trước thềm lễ đài, và ngài đi bộ tiến lên, làm thánh giá với lời chào phụng vụ bắt đầu buổi tiếp kiến.


Huấn dụ của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em,

Trong Kinh Tin Kính, sau khi tuyên xưng: “Tôi tin Giáo Hội duy nhất”, chúng ta thêm tính từ “thánh thiện”; nghĩa là chúng ta khẳng định sự thánh thiện của Giáo Hội, và đây là một đặc tính hiện diện ngay từ đầu trong ý thức của các tín hữu Kitô tiên khởi, họ được gọi một cách đơn thuần là “các thánh” (x. Cv 9,13.32.41; Rm 8,27; 1 Cr 6,1), vì họ xác tín rằng chính hoạt động của Thiên Chúa, Chúa Thánh Linh thánh hoá Giáo Hội.

Nhưng Giáo Hội là thánh thiện theo nghĩa nào, khi chúng ta thấy rằng Giáo Hội lịch sử, trong hành trình qua bao thế kỷ, đã gặp bao nhiêu khó khăn, có nhiều vấn đề và trải qua những thời kỳ đen tối? Làm sao một Giáo Hội gồm những phàm nhân, những người tội lỗi lại có thể là Giáo Hội thánh thiện được? Những người nam nữ tội lỗi, các linh mục, nữ tu, giám mục, hồng y, giáo hoàng tội lỗi. Tất cả như thế? Vậy làm sao Giáo Hội có thể là thánh thiện được?

1. Để trả lời cho câu hỏi này, tôi muốn để cho mình được một đoạn thư Thánh Phaolô gửi tín hữu thành Ephêsô hướng dẫn. Thánh Tông Đồ đã lấy ví dụ về tương quan gia đình và khẳng định rằng “Chúa Kitô đã yêu thương Giáo Hội và đã hiến mình vì Giáo Hội, để làm cho Giáo Hội trở nên thánh thiện” (5,25-26). Chúa Kitô đã yêu thương Giáo Hội, hiến trọn thân mình trên thánh giá. Điều này có nghĩa là gì? Thưa có nghĩa là Giáo Hội là thánh thiện vì xuất phát từ Thiên Chúa là Đấng thánh, Chúa trung tín với Giáo Hội và không bỏ mặc Giáo Hội cho quyền lực của sự chết và sự ác (x. Mt 16,18). Giáo Hội là thánh thiện vì Chúa Giêsu Kitô, Đấng Thánh của Thiên Chúa (x. Mc 1,24) kết hiệp với Giáo Hội một cách không thể tách rời (x. Mt 28,20); Giáo Hội là thánh vì được Chúa Thánh Linh hướng dẫn, Ngài thanh tẩy, biến đổi, canh tân Giáo Hội. Giáo Hội thánh thiện không phải vì công trạng của chúng ta, nhưng vì Thiên Chúa làm cho Giáo Hội nên thánh, đó là hoa trái của Thánh Linh và các Hồng ân của Chúa. Không phải chúng ta làm cho Giáo Hội thánh thiện: nhưng là Thiên Chúa, là Chúa Thánh Linh, trong tình thương, Ngài làm cho Giáo Hội thánh thiện!

2. Có thể anh chị em nói với tôi: nhưng Giáo Hội do những người tội lỗi họp thành, chúng ta thấy điều đó hằng ngày! Đúng vậy, chúng ta là một Giáo Hội gồm những người tội lỗi; và trong tư cách là những người tội lỗi, chúng ta được kêu gọi để cho mình được Thiên Chúa biến đổi, canh tân và thánh hóa. Trong lịch sử đã có những người bị cám dỗ nói rằng: Giáo Hội chỉ là Giáo Hội của những người tinh tuyền, những người hoàn toàn sống phù hợp với niềm tin, còn những người khác cần phải bị gạt bỏ. Thật vậy, đây là một sự rối đạo. Giáo Hội là thánh thiện, nhưng không từ khước những người tội lỗi; Giáo Hội không từ khước tất cả chúng ta, vì Giáo Hội kêu gọi tất cả; Giáo Hội đón nhận người tội lỗi, Giáo Hội cũng mở rộng đối với những người xa xăm nhất, kêu gọi tất cả hãy để cho mình được lòng từ bi, sự dịu hiền và tha thứ của Chúa Cha ấp ủ, Chúa trao tặng mọi người cơ hội được gặp gỡ ngài, tiến bước về sự thánh thiện. “Nhưng thưa cha, con là một kẻ tội lỗi, con có những tội tầy đình, làm sao con có thể cảm thấy mình là thành phần của Giáo Hội?” Anh chị em thân mến, chính đó là điều Chúa muốn; Chúa muốn anh chị em nói: “Lạy Chúa con đây, với những tội lỗi của con. Xin Chúa tha thứ, xin giúp con tiến bước, xin biến đổi tâm hồn con!” 

Trong Giáo Hội, Thiên Chúa mà chúng ta gặp không phải là một quan án không biết thương xót, nhưng như Người Cha trong dụ ngôn Tin Mừng. Bạn có thể như người con đã bỏ nhà, đã tụt xuống thẳm sâu của sự xa lìa Thiên Chúa. Khi bạn có can đảm nói: Tôi muốn trở về nhà, thì bạn sẽ thấy cánh cửa mở rộng. Thiên Chúa đến gặp bạn vì Ngài luôn chờ đợi bạn, Ngài ôm lấy bạn, hôn bạn và tổ chức mừng lễ. Chúa muốn chúng ta là thành phần của một Giáo Hội biết mở rộng vòng tay đón nhận mọi người, Giáo Hội không phải là căn nhà của vài người, nhưng là nhà của tất cả, trong đó tất cả đều có thể được đổi mới, biến đổi, thánh hoá bằng bình yêu Chúa, những người mạnh nhất cũng như người yếu nhất, người tội lỗi, những người dửng dưng, những người cảm thấy thất vọng và lạc loài. Giáo Hội trao tặng tất cả mọi người cơ hội tiến bước trên con đường thánh thiện, là con đường của tín hữu Kitô: Giáo Hội làm cho chúng ta gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô trong các bí tích, nhất là trong Bí tích Giải Tội và Thánh Thể; Giáo Hội thông truyền cho chúng ta Lời Chúa, làm cho chúng ta sống trong tình bác ái, trong tình thương của Thiên Chúa đối với mọi người. Vì thế, chúng ta hãy tự hỏi: Chúng ta có để cho mình được thánh hóa hayt không? Chúng ta có phải là một Giáo Hội kêu gọi và mở rộng vòng tay đón nhận những người tội lỗi, mang lại can đảm, hy vọng hay chúng ta là một Giáo Hội khép kín vào mình? Chúng ta có phải là một Giáo Hội trong đó ta sống tình thương của Thiên Chúa, trong đó có sự quan tâm đối với tha nhân, trong đó mọi người cầu nguyện cho nhau hay không?

3. Câu hỏi cuối cùng: Vậy tôi có thể làm gì, tôi cảm thấy yếu đuối, dòn mỏng, tội lỗi? Thiên Chúa nói với bạn: đừng sợ sự thánh thiện, đừng sợ hướng lên cao, để cho mình được Thiên Chúa yêu mến, thanh tẩy, đừng sợ để cho mình được Thánh Linh hướng dẫn. Chúng ta hãy để cho mình được lây sự thánh thiện của Thiên Chúa. Mỗi Kitô hữu được mời gọi nên thánh (x. Hiến chế Lumen Gentium, 39-42); và sự thánh thiện trước hết không hệ tại làm những việc ngoại thường, nhưng là để cho Thiên Chúa hành động. Đó là cuộc gặp gỡ giữa sự yếu đuối chúng ta với sức mạnh của ơn thánh Chúa, là tín thác nơi hoạt động của Chúa, giúp chúng ta sống trong đức bác ái, làm mọi sự với niềm vui và khiêm tốn, vì vinh danh Chúa và phục vụ tha nhân. Có một câu nói thời danh của văn hào Pháp Léon Bloy; trong những lúc cuối cùng của cuộc đời, ông nói: “Chỉ có một sự buồn sầu duy nhất trong đời, đó là buồn vì không phải là thánh.” Chúng ta đừng mất hy vọng nơi sự thánh thiện, tất cả chúng ta hãy tiến theo con đường này. Chúng ta có muốn nên thánh không? Chúa đang đợi chúng ta, tất cả với vòng tay rộng mở. Chúa đợi chúng ta để tháp tùng chúng ta trên con đường thánh thiện! Chúng ta hãy sống đức tin trong vui mừng, hãy để cho Chúa yêu thương chúng ta. Trong kinh nguyện, chúng ta hãy cầu xin Chúa ban ơn này cho chúng ta và cho tha nhân nữa.”

Chào thăm các nhóm

Sau bài giáo lý trên đây, các giám chức tại Toà Thánh đã lần lượt tóm tắt ý chính bài huấn giáo của ĐTC, cũng như dịch những lời chào của ngài từ tiếng Ý sang các ngôn ngữ chính.

Bằng tiếng Pháp, ĐTC đặc biệt nhắc đến đoàn hành hương thuộc Giáo phận Besancon và một nhóm người du mục thuộc Cộng đoàn Emmanuel ở Pháp.

Bằng tiếng Anh, ĐTC thân ái cháo phái đoàn thuộc Trung tâm Quốc tế Đối thoại Liên tôn và Liên văn hoá. Ngài nhắc đến nhiều nhóm Phật từ Nhật Bản, kể cả phái đoàn của Tông phái Phật giáo Thiên Đài va Trung tâm Nakano Dharma thuộc Phật giáo Rissho Kosei-kai ở Nhật.

Với các tín hữu nói tiếng Đức, ĐTC chào thăm các vị chủ tịch, các giám đốc toàn quốc và thành viên, cũng như ân nhân của Quỹ Giáo hoàng Trợ giúp các Giáo Hội đau khổ. Ngài khích lệ họ: “Các bạn thân mến, xin Chúa luôn phong phú hoá kinh nguyện và sự dấn thân của các bạn để nâng đỡ sứ mạng của Giáo Hội tại các nơi trên thế giới, nhất là tại những nơi Giáo Hội đang chịu đau khổ vì thiếu thốn tinh thần và vật chất, cũng như những nơi Giáo Hội đang bị kỳ thị và bách hại.”

Sau cùng, bằng tiếng Ý, ĐTC chào thăm các tín hữu về Roma hành hương nhân dịp Năm Đức Tin, các bạn trẻ thuộc Tu hội đời “Những người tôi tớ của đau khổ” đang tham dự Hội nghị Toàn quốc Tông đồ Cầu nguyện và Hội nghị Toàn quốc Những người thờ lạy Thánh Thể. Ngài nói: “Sau cùng, tôi thân ái nghĩ đến các bạn trẻ, các bệnh nhân và các đôi tân hôn. Hôm nay chúng ta kính nhớ các Thiên thần bản mệnh. Hỡi những người trẻ, ước gì sự hiện diện của các ngài củng cố nơi mỗi người trong các con xác tín Thiên Chúa đang tháp tùng các con trong hành trình cuộc sống; xin Chúa nâng đỡ các anh chị em bệnh nhân quý mến, làm dịu những cơ cực hằng ngày của anh chị em… và hỡi các đôi tân hôn, xin Chúa giúp đỡ anh chị em trong việc xây dựng gia đình trên tình yêu của Thiên Chúa.

ĐTC đã kết thúc buổi tiếp kiến với Kinh Lạy Cha và phép lành Toà Thánh ban cho mọi người.