23/01/2025

Bất an với trạm thu phát sóng

Các trạm thu phát sóng thông tin viễn thông di động mọc lên dày đặc giữa khu dân cư khiến người dân lo lắng, nhất là khi việc quản lý của cơ quan chức năng quá lỏng lẻo.

 

Bất an với trạm thu phát sóng

Các trạm thu phát sóng thông tin viễn thông di động mọc lên dày đặc giữa khu dân cư khiến người dân lo lắng, nhất là khi việc quản lý của cơ quan chức năng quá lỏng lẻo.


Một trạm thu phát sóng thông tin viễn thông di động ngã đổ gây thiệt hại cho nhà xung quanh - Ảnh: T.L  

Tính đến thời điểm hiện tại, VN có 5 nhà mạng cung cấp dịch vụ thông tin di động mặt đất gồm Vinaphone, MobiFone, Viettel, Gtel, Vietnamobile với trên 151,2 triệu thuê bao. Với số lượng thuê bao lớn như vậy, tại các thành phố lớn nhà mạng phải xây dựng các trạm thu phát sóng thông tin viễn thông di động (BTS) với mật độ cao. Gần đây, các nhà mạng lại tăng cường đầu tư hạ tầng mạng để cung cấp dịch vụ trên nền 3G nên mật độ BTS càng dày hơn. Theo số liệu thống kê, cả nước hiện có trên 50.000 BTS. Nếu khoảng cách giữa các BTS trên cùng một mạng trước đây đối với 2G ở vào khoảng 2 km thì nay rút ngắn còn 800 m.

Người dân phản đối

Mấy hôm nay, các hộ dân ở hẻm 103 đường số 20 (P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức, TP.HCM), đứng ngồi không yên khi trên nóc nhà 103/16 lù lù xuất hiện một BTS. “Nhà cấp 4, lại nằm ở khu vực bờ sông nên nền móng rất yếu. Việc lắp đặt ở đây là rất thiếu an toàn, có nguy cơ gãy đổ. Hơn nữa, tiếng ồn phát ra rất khó chịu, gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống, sinh hoạt của các hộ xung quanh”, bà Nguyễn Thiên Diễm, nhà 103/18A bức xúc. Điều đáng nói là BTS được lắp đặt tại đây chưa có giấy phép, UBND P.Hiệp Bình Chánh đã từng có quyết định đình chỉ thi công, Thanh tra Sở Thông tin – Truyền thông TP.HCM cũng đã có văn bản yêu cầu không được lắp đặt thêm trụ cột hay các thiết bị phát sóng tại địa chỉ trên. Tuy nhiên, trạm vẫn tồn tại khiến người dân càng thêm hoang mang.

Tương tự, nhiều năm nay, trạm thu phát sóng đặt trên sân thượng một căn nhà phố tại đường số 9, khu phố 4, P.An Phú (Q.2) cũng gây bất an cho người dân sinh sống xung quanh. Trong các cuộc họp tổ dân phố, đã nhiều lần bà con đề nghị di dời nhưng đến nay vẫn chưa có ai “đá động”.

 

 
 

Dù lắp đặt ở đâu, theo hình thức nào, thì trước khi đưa vào khai thác, hoạt động phải được kiểm định và cấp giấy chứng nhận kiểm định để đảm bảo an toàn cho người dân

 

Ông Nguyễn Đức Thọ, Chánh thanh tra Sở Thông tin – Truyền thông TP.HCM

 

 

Tại Phú Yên, các hộ dân sinh sống trên đường Huỳnh Thúc Kháng (TP.Tuy Hòa) cũng sống trong thấp thỏm khi các BTS len lỏi vào trong nhiều hộ dân. Ông Lê Văn Thúc (nhà số 1/2 Huỳnh Thúc Kháng) đặt vấn đề: “Vì thu được tiền thuê nên các hộ có sân thượng tất nhiên là ủng hộ, còn đa phần người dân là phản đối bởi chúng tôi ở vùng bão lũ, năm nào cũng có vài cơn bão quét qua đây. Do đó, việc lắp đặt các trạm với độ cao từ 30 – 40 m liệu có an toàn? Từ trường do các trạm này phát ra liệu có ảnh hưởng đến sức khỏe của con người, nhất là người già và trẻ nhỏ?”.

Không đâu xa, hồi tháng 5 vừa qua, BTS ở căn nhà số 21, đường Bạch Liêu, TP.Vinh (Nghệ An) bốc cháy, gây nên một vụ hỏa hoạn ảnh hưởng đến một số căn nhà xung quanh.

Buông lỏng kiểm định

Theo quy định về cấp giấy phép xây dựng đối với BTS ở các đô thị, doanh nghiệp thông tin di động muốn xây dựng, lắp đặt thì phải xin chủ trương của UBND tỉnh, TP. Sau khi cơ quan chức năng có ý kiến bằng văn bản thì mới tiến hành lập hồ sơ xin cấp phép xây dựng. BTS lắp đặt mới trong thời gian 90 ngày kể từ ngày đưa vào sử dụng phải được kiểm định. Tất cả các BTS không được gây ra mức phơi nhiễm vượt mức 2 W/m2 (hoặc 27,5 V/m) trong khu vực dân cư sinh sống, đi lại xung quanh; đồng thời phải đảm bảo các yêu cầu về tiếp đất, chống sét bằng hình thức công bố sự phù hợp. Khi các BTS muốn tăng công suất bức xạ, thay đổi vị trí, độ cao và hướng ăngten… phải kiểm định lại.

Ngoài ra, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận kiểm định, tổ chức, doanh nghiệp phải niêm yết bản sao Giấy chứng nhận kiểm định tại địa điểm lắp đặt trạm. Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV Thanh Niên, tại các điểm lắp đặt BTS hiện nay đa số không thực hiện các quy định niêm yết này.

Ông Nguyễn Đức Thọ, Chánh thanh tra Sở Thông tin – Truyền thông TP.HCM, cho biết: “Dù lắp đặt ở đâu, theo hình thức nào, thì trước khi đưa vào khai thác, hoạt động phải được kiểm định và cấp giấy chứng nhận kiểm định để đảm bảo an toàn cho người dân.  Sở Thông tin – Truyền thông hoặc cơ quan, tổ chức quản lý xây dựng, đô thị tại địa phương hoặc chính quyền sở tại có trách nhiệm kiểm tra, xử lý việc thực hiện quy định. Nếu vi phạm quy định về an toàn bức xạ điện từ trường thì doanh nghiệp phải tiến hành khắc phục, trường hợp không thể khắc phục được thì phải dừng hoạt động. Người dân có thể liên hệ với Thanh tra Sở Thông tin – Truyền thông các tỉnh, thành hoặc Thanh tra Bộ để phản ánh vấn đề trên”.  

 

Kích thích hệ thần kinh, hệ cơ…

 

Theo Tổ chức Y tế thế giới, cường độ sóng phát ra từ các trạm thu phát sóng điện thoại di động, truyền hình, phát thanh… tùy thuộc vào tần suất sử dụng, khoảng cách giữa thiết bị (điện thoại di động, máy phát thanh…) với trạm. Sóng điện từ bắt đầu có những tác động về mặt sinh học khi một người đứng cách nguồn phát dưới 2 m, phổ biến nhất là kích thích hệ thần kinh, hệ cơ, gây tác dụng nhiệt lên mô…

Nghiên cứu gần đây của các chuyên gia thuộc Đại học Picardie Jules-Verne (Pháp) đăng trên chuyên san Environnement Science and Pollution Research cho thấy sóng điện từ có thể ảnh hưởng đến sự cân bằng năng lượng. Cụ thể, chuột thí nghiệm bị cho phơi nhiễm ở sóng băng tần 900 MHz với cường độ 1 V/m liên tục trong 6 tuần đã có những biểu hiện như ăn nhiều hơn, ngủ không sâu và không đúng giờ giấc, phản ứng chậm khi nhiệt độ môi trường thay đổi.

Lan Chi

 

 

Quang Thuần – Hải Nam