Nhà sử học bác học
Chủ biên Từ điển tiếng Việt, soạn bộ Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam, Từ điển Việt – Trung, nhưng trên hết Giáo sư Văn Tân luôn tự nhận mình là nhà sử học. Giáo sư Phan Huy Lê đã gọi ông là nhà sử học thuộc thế hệ những người đã có công xây dựng cho nền sử học hiện đại của đất nước.
Chủ biên Từ điển tiếng Việt, soạn bộ Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam, Từ điển Việt – Trung, nhưng trên hết Giáo sư Văn Tân luôn tự nhận mình là nhà sử học. Giáo sư Phan Huy Lê đã gọi ông là nhà sử học thuộc thế hệ những người đã có công xây dựng cho nền sử học hiện đại của đất nước.
Nhìn lại, nhìn phê phán, nhìn chính xác
Cho đến khi Giáo sư (GS) Văn Tân nêu vấn đề đánh giá vai trò Hồ Quý Ly thế nào cho đúng, nhà cải cách này vẫn bị đánh giá một chiều theo các sử gia phong kiến – họ đã chê trách ông rất nhiều. Nhưng vào những năm 1960-1961, GS Văn Tân đã nêu một nhận định khác, trong đó ông nhìn nhận nhân vật này với những đóng góp mang tính cải cách. Giờ đây, những đóng góp của Hồ Quý Ly đã được khẳng định, đồng thuận, dường như không còn ai đặt lại vấn đề nữa.
“Khi nghiên cứu và viết về các nhân vật lịch sử – văn hóa, nhà sử học cần có sự đánh giá họ một cách khách quan, công tâm, sòng phẳng. Phẩm chất này của GS Văn Tân được thể hiện khá rõ khi ông viết về Hồ Quý Ly, Nguyễn Trường Tộ”, PGS-TS Tạ Ngọc Liễn cho biết. Những bài viết về nhân vật lịch sử của GS Tân, theo ông Liễn, đều được viết toàn diện, chính xác bằng văn phong sảng khoái, giàu tình cảm.
|
Trong lĩnh vực sử học, GS Văn Tân đi sâu hơn cả vào nghiên cứu lịch sử cổ – trung đại Việt Nam. Điều này, theo một học trò là PGS-TS Nguyễn Minh Tường, có hai lý do chính. Một, GS được Viện trưởng Viện Sử học Trần Huy Liệu giao trách nhiệm là Tổ trưởng tổ cổ sử. Thứ hai, ông muốn phát huy sở trường vốn Hán học và Đông phương học của mình. Ông đã dành nhiều tâm sức tích lũy kiến thức từ thư tịch Hán Nôm của Việt Nam, Trung Quốc và sau đó là tài liệu tiếng Pháp của các sử gia Pháp hiện đại.
Cũng chính trên cái nền tư liệu, sử liệu dày dặn, GS Văn Tân đã có thể tránh được sai sót khi sử dụng chúng với tinh thần phê phán sử liệu thường trực. Điều này có thể thấy rõ khi GS Văn Tân trao đổi với GS Đào Duy Anh về tô tem của người Việt nguyên thủy. Theo đó, do quá tin vào ý kiến của hai nhà sử học Pháp, GS Đào Duy Anh đã cho rằng chim lạc là tô tem của người Việt cổ. Không những phủ nhận thuyết này, GS Văn Tân còn đề xuất ý kiến rằng tô tem của người Việt cổ chính là con giao long, tức con rồng. Đầu tiên tô tem là một loài rắn (có thể là một giống cá sấu nào đó), rồi biến thành loài rồng. Đồng ý với ý kiến đó, sau này trong tác phẩmNguồn gốc dân tộc Việt Nam, GS Đào Duy Anh viết: “Trong truyền thuyết con Rồng cháu Tiên, người Lạc Việt cũng còn ghi nhớ tín ngưỡng của tổ tiên xa là người Việt tộc thờ giao long làm vật tổ. Người Lạc Việt cũng còn giữ tục xăm mình thành hình trạng giao long”.
Cũng với tinh thần phê phán sử liệu như vậy, GS Văn Tân dù đề cao giá trị Đại Việt sử ký toàn thư, vẫn cảnh báo giới nghiên cứu về sự chính xác của bộ thông sử này. Ông công bố luận văn có đoạn: “Nói rõ hơn, khi sử dụng tài liệu của Đại Việt sử ký toàn thư, chúng ta cần nhớ rằng chính bộ sách quý này, cũng có những sai lầm không nhỏ về mặt tài liệu”. Kèm theo đó là hàng loạt dẫn chứng nhiều tư liệu sai trong đó như chiến tranh Việt – Tống thế kỷ 11, Phùng Hưng, Ngô Quyền…
Sau này, một bộ sách cũng được GS Văn Tân góp ý là Lịch sử chế độ cộng sản nguyên thủy ở Việt Nam của GS Trần Quốc Vượng và GS Hà Văn Tấn biên soạn. Theo PGS-TS Nguyễn Minh Tường, những góp ý của ông với bộ sách phần lớn đều đúng. Vì vậy, cho tới bộ Lịch sử Việt Nam tập 1 do các GS Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Lương Ninh biên soạn, phần do GS Hà Văn Tấn chấp bút, ông Tường thấy tác giả đã sửa chữa hầu hết những sai sót mà GS Văn Tân góp ý.
Đặt nền móng cho văn học, từ điển
Không chỉ ghi dấu trong sử học, GS Văn Tân còn quen thuộc với người dùng từ điển miền Bắc nước ta trong thời kỳ còn chiến tranh. Ông đã chủ biên cuốn Từ điển tiếng Việt mà dù có hơn chục người soạn sau này vẫn được gọi là Từ điển Văn Tân. “Kể từ khi ra mắt người dùng vào năm 1967 cho đến suốt cả một thời gian dài sau đó, có thể nói Từ điển tiếng Việt (Văn Tân chủ biên) là cuốn từ điển chiếm vị trí độc tôn về từ điển tiếng Việt trên thị trường sách ở nước ta”, PGS-TS Phạm Hùng Việt, Viện trưởng Viện Từ điển cho biết.
Cũng theo ông Việt, đây là cuốn từ điển được biên soạn công phu, thận trọng, đảm bảo tính chính xác cao về định nghĩa từ ngữ, thuận tiện cho người dùng. Hơn nữa, dù ra đời trong hoàn cảnh đất nước chia cắt, song cuốn từ điển phổ thông này vẫn xác định đối tượng là nhân dân toàn quốc, miền Bắc cũng như miền Nam và kiều bào ở nước ngoài. “Riêng về lượng sách in, có thể nói số lượng phát hành của cuốn từ điển này trong một lần in là cực lớn, khó có cuốn từ điển tiếng Việt nào sánh nổi”, ông Việt đánh giá.
GS Văn Tân cũng là người đã biên soạn cuốn Từ điển Trung – Việt đầu tiên vào năm 1956 – đóng vai trò cuốn từ điển đầu tiên, mang sứ mạng lịch sử như thế. Khi đó giao lưu Việt – Trung phát triển, trong nước số người học tiếng Trung càng đông. Song đó cũng là thời điểm nước ta chưa có một cuốn từ điển Trung – Việt thực thụ nào để người học, người sử dụng tiếng Trung tra cứu. Vì thế, người Việt Nam, vốn chỉ biết chữ Trung Quốc theo nghĩa văn ngôn, thường lúng túng trước những sách báo mới của Trung Quốc, gặp từ ngữ mới không biết tra cứu vào đâu.
“Từ điển Trung – Việt của GS Văn Tân có hơn 7.000 chữ đơn và 20.000 từ ghép. Về tầm cỡ như vậy chưa phải lớn nhưng cũng bao gồm được vốn từ cơ bản của tiếng Hán hiện đại, đáp ứng tương đối đủ nhu cầu tra cứu của các độc giả Việt Nam thời bấy giờ”, PGS Lê Xuân Thại, Viện Ngôn ngữ cho biết.
Cũng thời kỳ đầu đặt nền móng cho văn học sau 1954, GS Văn Tân đã tham gia viết bộ Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam 5 quyển. Cả 5 người trong nhóm Sơ thảo gồm Văn Tân, Nguyễn Hồng Phong, Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Đổng Chi, Hoài Thanh sau đó đều đóng vai trò cốt cán trong các viện lớn của Viện Khoa học xã hội sau này. “Với chủ biên Văn Tân, ông có mặt trong cả 5 quyển. Bao quát cả ba khu vực lớn: phần mở đầu, tổng luận, kết luận; văn học và văn hóa dân gian; văn học viết cả Hán và Nôm”, GS Phong Lê viết.
“Tài năng của GS Văn Tân bao quát trên nhiều lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn: từ nghiên cứu văn học, nghiên cứu văn hóa dân gian đến từ điển học, sử học…”, PGS-TS Nguyễn Văn Nhật, Viện trưởng Viện Sử học nói. “Có điều rất đáng ghi nhận là ở các lĩnh vực kể trên, GS Văn Tân đều có những đóng góp xuất sắc. Các tác phẩm của ông đều có tính chất gợi mở vấn đề, và có công đầu khai sơn phá thạch”.
GS Văn Tân, tên thật là Trần Đức Sắc (1913 – 1988) là con một gia đình nhà nho yêu nước tại thôn Kim Hoàng, xã Thọ Nam, H.Hoài Đức, Hà Tây (nay là Hà Nội). Từ 1938, ông cùng ông Trần Huy Liệu và một số người khác làm báo Tin tức, tờ báo công khai của Đảng. 1952 – 1955, ông học rồi tham gia giảng dạy ở khu học xá T.Ư tại Trung Quốc. Năm 1955, ông về công tác nghiên cứu tại Ban Nghiên cứu văn học – lịch sử và địa lý T.Ư rồi gắn bó với sử học, khoa học xã hội.
Ông là tác giả và đồng tác giả của hàng chục đầu sách, hàng trăm bài nghiên cứu, phê bình, dịch thuật, đáng chú ý là các tác phẩm: Tiếng cười Việt Nam (1957); Văn học trào phúng Việt Nam (1958); Thời đại Hùng Vương (1973); Ngô Thì Nhậm – Con người và sự nghiệp (1974)… Trong đó, cụm công trình Cách mạng Tây Sơn (1958); Nguyễn Huệ – Con người và sự nghiệp (1967) đã được truy tặng Giải thưởng Nhà nước năm 2000.
|
Trinh Nguyễn