11/01/2025

Báo động trẻ béo phì ở 5 thành phố lớn

Cả nước có 300.000 trẻ dưới 5 tuổi thừa cân, béo phì, thì 86.000 trẻ trong số này đang sống ở Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ. Đặc biệt ở khu vực nội ô TP.HCM, tỉ lệ trẻ béo phì vượt xa mức trung bình của thế giới.

 

Báo động trẻ béo phì ở 5 thành phố lớn

Cả nước có 300.000 trẻ dưới 5 tuổi thừa cân, béo phì, thì 86.000 trẻ trong số này đang sống ở Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ. Đặc biệt ở khu vực nội ô TP.HCM, tỉ lệ trẻ béo phì vượt xa mức trung bình của thế giới.

 

Tại hội thảo khoa học về thực trạng dinh dưỡng trẻ em ở đô thị do Viện Nghiên cứu y – xã hội học vừa tổ chức, ThS Nguyễn Anh Tuấn (Sở Y tế TP.HCM) nêu một con số đáng báo động: tại nhiều trường học ở Q.1, TP.HCM, có nơi cứ năm học sinh thì có một trẻ thừa cân, béo phì.

Uống sữa, nước ngọt gấp 2-3 lần mức bình quân

ThS Tuấn cho biết có những trẻ 6 tuổi nặng tới 40kg, hoặc trẻ 1 tuổi cân nặng tới 20kg, đều vượt xa mức cân nặng trung bình (trẻ 1 tuổi cân nặng tiêu chuẩn chỉ 11-12kg, trẻ 6 tuổi cân nặng trên 20 kg).

Trong khi trẻ em miền núi, vùng sâu thiếu ăn, hình ảnh thường thấy qua các chuyến cứu trợ là các thùng mì gói, thì bữa ăn của trẻ đô thị rất nhiều thịt, cá, trứng, sữa… Theo thống kê về khẩu phần bữa ăn của trẻ em 2-5 tuổi ở đô thị của PGS.TS Lê Bạch Mai, phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng, trẻ em khu vực Đông Nam bộ đang dẫn đầu cả nước về lượng tiêu thụ thịt các loại, sữa bột, phomat, sữa tươi, sữa hộp và các loại hải sản. Riêng lượng sữa tươi, sữa hộp tiêu thụ bình quân, trẻ em Đông Nam bộ đang dùng gần gấp đôi bình quân chung cả nước (228g/trẻ/ngày, bình quân cả nước mới đạt 135g/trẻ/ngày). Các trẻ 2-5 tuổi ở Đông Nam bộ cũng uống rất nhiều đồ ngọt (gần gấp ba mức bình quân chung cả nước).

TS Trương Hồng Sơn, Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho biết thêm ở nhiều khu vực có tỉ lệ trẻ thừa cân béo phì cao, có đến 30% năng lượng khẩu phần của trẻ do chất béo cung cấp. “Trẻ càng lớn thì nhu cầu chất béo càng giảm, nhưng các bà mẹ lại có thói quen tăng lượng chất béo khi trẻ 2 tuổi trở lên” – TS Sơn đánh giá.

Báo động nguy cơ sức khỏe

Nhiều năm theo dõi chương trình dinh dưỡng ở trẻ em VN, chuyên gia chương trình dinh dưỡng Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc cho biết các điều tra liên tục về tỉ lệ trẻ thừa cân, béo phì từ năm 2004 đến nay cho thấy tỉ lệ này đang gia tăng ở mức đáng báo động. Trong đó, mức tăng hằng năm giai đoạn 2004-2011 ở mức 5-11%/năm, giai đoạn 2011-2013 tăng 15-21%/năm. Theo chuyên gia này, mức tăng kể trên được xem là nhảy vọt, đột biến.

Chính vì thế, ông Trương Hồng Sơn cảnh báo nguy cơ với sức khỏe sẽ đến rất nhanh, đặc biệt các bệnh mãn tính không lây như đái tháo đường, tim mạch, huyết áp… Thậm chí hiện có những trẻ mới 9 tuổi đã béo phì kèm đái tháo đường type 2.

Tuy nhiên, khi bàn về các biện pháp can thiệp để giảm béo phì, thừa cân, ông Sơn cho biết tốc độ gia tăng của tình trạng này chưa có điểm dừng. Mặt khác, các bà mẹ VN rất thích con bụ bẫm, thường quan niệm bé mập để “dành” phòng khi bệnh có thể sút cân. Ngoài ra, tới 30% bà mẹ có con thừa cân béo phì vẫn muốn con tăng cân nữa!

Dinh dưỡng kết hợp với chế độ học tập – luyện tập hợp lý có thể giúp giải quyết vấn đề này. Song theo khảo sát của Viện Dinh dưỡng trên khẩu phần ăn của trẻ béo phì ở Hà Nội, cho thấy các trẻ giảm bột nhưng tăng ăn các món đường ngọt, tăng thức ăn động vật, chất béo. Các trẻ cũng thích ăn các món quay, chiên, xào, xốt cà chua vốn giàu năng lượng hơn món luộc, hấp. Khảo sát cũng cho thấy do gia đình ít con và chăm sóc các cháu thái quá, trẻ được cung cấp năng lượng vượt quá nhu cầu. “Tất cả thực phẩm thừa đều chuyển hóa thành mỡ tích lũy trong cơ thể, lâu dài đó là nguồn gốc của các bệnh mãn tính nguy hiểm” – TS Sơn khuyến cáo.

LAN ANH

 

Tỉ lệ trẻ thừa cân gần tương đương trẻ suy dinh dưỡng

Tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng đã giảm liên tục trong những năm gần đây tại VN và năm 2013 ở mức 16% trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân (các thành phố lớn khoảng 7,5%) và VN được cho là đã kiểm soát được suy dinh dưỡng. Nhưng tỉ lệ trẻ thừa cân béo phì lại tăng lên không ngừng và đang ở mức hơn 6%.

Tại năm TP lớn Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng và Cần Thơ, tổng số có 86.000 bé dưới 5 tuổi thừa cân béo phì và 106.000 bé suy dinh dưỡng.

Báo cáo tại hội thảo ngày 25-9, TS Trương Hồng Sơn, Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho biết điều tra sơ bộ tại nội ô TP.HCM, tỉ lệ trẻ dưới 5 tuổi thừa cân béo phì đã ở mức 12,2%, vùng ngoại thành TP.HCM tuy tỉ lệ có thấp hơn nhưng có đến 9,1% trẻ dưới 5 tuổi thừa cân béo phì. Ở Đà Nẵng, tình hình nguy cấp không kém khi số trẻ béo phì, thừa cân là 9,9%. Các tỉ lệ này đều vượt xa mức trung bình chung của thế giới (6,9%). Riêng tại nội thành TP.HCM, tỉ lệ 12,2% trẻ dưới 5 tuổi thừa cân béo phì đã vượt cả mức trung bình của các nước phát triển.