25/11/2024

Cha theo con đi học

Ở ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM có một người cha theo con đi học. Đó là ông Nguyễn Quỳnh Lộc, cha của Nguyễn Minh Phú, sinh viên năm thứ 3 Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM.

 

Cha theo con đi học

Ở ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM có một người cha theo con đi học. Đó là ông Nguyễn Quỳnh Lộc, cha của Nguyễn Minh Phú, sinh viên năm thứ 3 Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM.

 
Đôi chân của Phú dù rất giỏi nhưng có nhiều việc phải cần đến đôi tay của cha 

 
Khiếm khuyết đôi tay nhưng đôi chân của Phú lại làm được rất nhiều việc - Ảnh: Hữu Thành

Vì trường hợp đặc biệt nên hai cha con Phú được xếp vào ở một căn phòng cũng khá đặc biệt. Nó không giống như hàng ngàn phòng khác ở ký túc xá bởi đó là căn phòng dành cho người khuyết tật.

Tôi gặp Phú đang dùng chân để gõ bàn phím. Những ngón chân cứ lướt trên bàn phím  không thua kém những người dùng tay để gõ chữ.

Nguyễn Minh Phú bị ảnh hưởng chất độc màu da cam từ cha nên sinh ra không có đôi tay. Bù lại đôi chân của Phú lại rất giỏi, có thể làm được nhiều việc như viết chữ, may vá, câu cá, nhặt rau, giặt đồ… Nhưng có nhiều việc mà chỉ có đôi tay mới làm được, vì thế năm 2011, Phú vào TP.HCM nhập học thì người cha cũng khăn gói theo con cho tới ngày ra trường.

Phú tâm sự: “Người khác ở tuổi cha là tuổi ăn nghỉ, con cái phụng dưỡng nhưng cha mình thì ngược lại, phải chăm sóc con cái. Mình lại càng thương cha”.

Ông Lộc ở xã Thọ Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Ông có một cuốn nhật ký luôn mang theo suốt bao nhiêu năm. Từ tình đồng đội thời chiến cho đến khoảnh khắc vui đùa của đứa con không tay đều được ông viết tỉ mỉ như sợ mình quên mất.

Đứa bé không tay ấy chính là Phú, đến sáu tuổi mới học nói, tập đi. Bây giờ Phú đã là sinh viên năm thứ 3. Vì thương con nên ông Lộc phải xa vợ. Để vợ ở quê một mình lo việc nhà cửa, đồng áng là một nỗi ray rứt hằng đêm của ông. Nhiều đêm trở trời, vết thương chiến tranh làm ông đau đớn. Là thương binh 3/4, một chân không co lại được, đi đứng khó khăn, mang trong người nhiều bệnh nhưng không khi nào ông than thở mà tự chịu đựng để không ảnh hưởng đến việc học tập của con. Hằng ngày ông đều dậy sớm chuẩn bị sửa soạn cho Phú đi học, rồi tranh thủ làm thêm các công việc nhẹ trong ký túc xá như lau dọn cầu thang phòng học, nhổ cỏ, gom ve chai… vừa kiếm được tiền, vừa là niềm vui như ông chia sẻ.

“Chừng nào thằng Phú ra trường kiếm được việc làm rồi có vợ thì lúc đó tôi mới nhẹ người, may chăng mới có thể nghỉ ngơi. Còn bây giờ sinh con ra thì phải có trách nhiệm lo cho con tới nơi tới chốn”, ông Lộc nói.

Hữu Thành