09/01/2025

Chúa Nhật 25 TN-C: Đào tạo về tôn giáo như một nét văn hoá mới

Nếu chúng ta cứ giữ thái độ thù địch hay tiêu cực đối với tôn giáo, nếu chúng ta cứ giết nhau, làm hại sự sống của nhau như hiện tại vì chỉ tham những đồng bạc vật chất, để tìm danh lợi bên ngoài, thì sợ rằng một ngày nào đó dân tộc chúng ta không còn tồn tại!

 

Đào tạo về tôn giáo như một nét văn hoá mới

 

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Các bài Kinh Thánh hôm nay như mời gọi mỗi người tín hữu chúng ta quan tâm đến chính trị hơn. ĐTC Phanxicô đã nhắc nhở điều đó tại Vatican vào thứ Hai ngày 16/9/2013 vừa qua. Ngài nói rằng: “Một người Công giáo tốt là một người biết tham gia vào chính trị, tham gia và đóng góp nhiều điều tốt nhất như đóng góp ý tưởng, kiến nghị, nhưng trên hết là lời cầu nguyện cho viên chức chính quyền để họ biết yêu thương người dân, biết khiêm nhường lắng nghe những ý kiến khác nhau của người dân để chọn ra phương cách tốt nhất”. Thánh Phaolô trong bài đọc II cũng nhắc nhở chúng ta “cầu nguyện cho vua chúa và các nhà cầm quyền” (1Tm 2,2).

Trong ít phút này, chúng ta được mời gọi vào thực tế chính trị trong đất nước chúng ta để tìm ra thái độ đúng đắn đối với tôn giáo.

1. Tình trạng suy thoái đạo đức và hoàn cảnh kinh tế xã hội hôm nay

Bài đọc I (x. Am 8,4-7) của tiên tri Amos như vẽ ra một bức tranh của xã hội Do Thái thời trước và Việt Nam thời nay: Một thiểu số giàu có trong nước với quyền hành “đàn áp người cùng khổ và tiêu diệt kẻ nghèo hèn trong xứ” bằng cách buôn gian, bán dối, bán hàng độc hại, tăng giá hàng độc quyền như điện nước, xăng dầu, thông tin, truyền hình… Họ nói với nhau: “Ta sẽ làm cho cái đấu nhỏ lại, cho quả cân nặng thêm, ta sẽ lấy tiền bạc mua đứa cơ bần”. Bài Tin Mừng cũng kể ra những toan tính của kẻ bất lương (x. Lc 16,1-13).

Trong Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện “Nghị quyết Trung ương 5 về việc xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” đã diễn ra tại Hà Nội tại ngày 8/8/2013 vừa qua, Tiến sĩ Nguyễn Minh Thuyết đã phát biểu rằng: “Đáng tiếc là sau 15 năm nhìn lại, có thể thấy xây dựng con người là lĩnh vực không thành công nhất trong những lĩnh vực không thành công của Nghị Quyết 5”.

Giáo sư Hoàng Chí Bảo cũng nói: “Xã hội chúng ta đang ở trong tình trạng đạo đức xuống cấp, thậm chí có thể nói là bị một thương tổn rất nặng nề. Xuất hiện gia tăng đáng lo ngại về tội phạm, tệ nạn, thậm chí những hành động rất xa lạ với nhân tính như con giết cha, vợ đốt chồng…”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu: “Đạo đức-lối sống-nhân cách-văn hoá của người VN chúng ta nhiều nơi nhiều lúc vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Sự tha hoá, lối sống xa hoa, giả dối, vô cảm có khuynh hướng phát triển. Theo tôi, đây là nguy cơ, thậm chí còn là nguy cơ của mọi nguy cơ trong bối cảnh hiện nay của dân tộc”. (x. Báo Thanh Niên, ngày 9/8/2013; www.thanhnien.com.vn).

Sự suy thoái đạo đức gây nên những hậu quả vô cùng tai hại trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là văn hoá vì văn hoá là tổng thể nói chung những giá trị vật chất và tinh thần, do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử. Nạn buôn gian bán dối, bán hàng độc hại, lương thực, nông sản, thuỷ sản chứa dư lượng các hoá chất nguy hiểm cho sự sống hầu như phổ biến khắp nơi do ước muốn làm giàu bằng bất cứ cách nào. Tệ nạn này có thể dẫn cả một dân tộc suy yếu về sức khoẻ, bị đủ loại bệnh tật dẫn đến diệt vong. Các quán nhậu, cà phê ôm, bia ôm, massge trá hình, mãi dâm nhan nhản khắp các thành phố, thị trấn, quận huyện như tạo điều kiện cho con người ăn chơi sa đoạ về đạo đức, về tinh thần.

Tất cả những hiện tượng này nói lên một sự thật mà xã hội Việt Nam đang chịu đựng, đó là sự suy thoái về đạo đức trầm trọng, dù chính quyền đã phát động rất nhiều phong trào để cổ vũ nền đạo đức. Đạo đức gắn liền với lương tri con người, với tôn giáo vì người có tôn giáo tin tưởng vào Đấng thấu suốt lòng người, dù không ai nhìn thấy việc mình làm. Nhưng thử hỏi trong nền giáo dục hiện nay, khi người ta dạy học sinh, sinh viên rằng tôn giáo là “một loại thuốc phiện ru ngủ quần chúng” hay là “một hình thái xã hội phản ánh một cách hư ảo thế giới hiện thực…” – như Từ điển Bách khoa Việt Nam đang phổ biến (x. Hội đồng Quốc gia, NXB Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2005, tr.485, tập 4) – thì làm sao giữ vững được nền đạo đức xã hội?

Nếu chúng ta theo dõi vụ xô xát xung đột giữa chính quyền, công an và tín hữu tại giáo xứ Mỹ Yên của giáo phận Vinh từ ngày 4/9/2013 đến nay, chúng ta sẽ thấy nguy cơ tan rã lòng tin tưởng nhau và sự đoàn kết của dân tộc trước các vấn đề chính trị xã hội liên quan đến tôn giáo. Vậy tôn giáo đóng vai trò gì trong đời sống và văn hoá dân tộc?

2. Vai trò của tôn giáo trong đời sống và văn hoá dân tộc?

2.1. Thành phần tôn giáo trong cơ cấu dân tộc

Theo Thống kê của Tổng điều tra Dân số và Nhà ở Việt Nam thực hiện ngày 01/4/2009, Việt Nam có 13 tôn giáo với tổng số tín đồ là 15.651.467, chiếm tỷ lệ 18,23% dân số. Trong số đó có các tôn giáo lớn như Phật giáo chiếm 7,92%, Công giáo: 6,61%, Hoà Hảo: 1,66%, Cao Đài: 0,94% và Tin Lành: 0,85%. Còn lại hơn 81% dân số là không tôn giáo (x. Ban Chỉ Đạo Tổng Điều tra Dân số, Tổng điều tra Dân số và Nhà ở Việt Nam, Kết quả Toàn bộ, NXB Thống Kê, Hà Nội 2010, tr. 281).

Nếu căn cứ vào số liệu này, người ta – nhất là chính quyền – có thể đánh giá thấp vai trò của các tôn giáo trong xã hội bởi vì ảnh hưởng chưa tới 20% dân số toàn quốc. Nhưng thực tế, người Việt Nam chúng ta có lòng đạo đức sâu xa mà chúng ta gọi là tín ngưỡng dân gian, là đạo ông bà tổ tiên vì hầu hết tin vào một Đấng Tối Cao, Đấng Linh Thiêng mà chúng ta gọi là Trời, Ông Trời, Chúa Trời, Ông Thiên… Đấng đó là nền tảng cho đạo lý con người, giúp con người sống công minh chính trực, ăn ở lương thiện. Đây là điểm đặc biệt của người Việt Nam mà các nhà văn hoá xã hội học gọi là bản sắc văn hoá dân tộc có từ vài ngàn năm qua.

Trong văn chương cũng như trong thực tế đời sống, nhiều người dân Việt Nam vẫn thường nói: “Trời cao có mắt”, “Thiên bất dung gian”, “Lưới trời lồng lộng”, “Duyên trời se định”. Các trẻ em vẫn hát bài đồng dao:

Lạy Trời mưa xuống

Lấy nước tôi uống

Lấy ruộng tôi cày

Lấy đầy bát cơm

Lấy rơm đun bếp…

Hoặc chơi trò chơi “Thiên đàng hoả ngục”:

Thiên đàng hoả ngục hai bên

Ai khôn thì vào, ai dại thì sa

Đêm nằm nhớ Chúa, nhớ Cha

Đọc kinh cầu nguyện kẻo sa linh hồn…

Để bảo vệ được nền đạo đức và gìn giữ bản sắc văn hoá của dân tộc, chúng ta cần để ý những con người Việt Nam đang được giáo dục như thế nào về niềm tín ngưỡng này.

Sự suy thoái của đạo đức và văn hoá Việt Nam cũng phản ánh một nền giáo dục kém chất lượng mà cả xã hội quan tâm bàn đến rất nhiều trong thời gian vừa qua: những bộ sách giáo khoa trong mấy chục năm gần đây, nhất là từ năm 1954 ở ngoài miền Bắc và 1975 trên toàn quốc, không còn những bài học đạo đức để cổ vũ cho niềm tin vào Đấng Linh Thiêng này, trái lại còn đả phá nặng nề tôn giáo.

2.2. Vai trò của tôn giáo trong nền văn hoá

Vì thế, có lẽ người ta cần nhìn lại vai trò của tôn giáo trong nền văn hoá. Luật pháp không có khả năng khám phá tất cả những hành động bí ẩn của con người bắt nguồn từ trong tâm trí. Vì thế, khi tin vào một hay nhiều chủ thể luân lý tối cao soi thấu lòng mình, khi tin vào “Trời cao có mắt”, “Ông bà, cha mẹ đã khuất luôn nhìn thấy mình” thì con người mới ý thức và tự nguyện sống theo lương tâm ngay chính, vượt qua những quyến rũ vật chất, đam mê để sống đạo đức.

Từ căn bản đạo đức này người ta mới có thể vượt qua những tệ nạn dối trá, tham nhũng, lãng phí, phá thai và biết bao nhiêu những tệ nạn khác trong xã hội hiện nay. Do đó, người ta cần cổ vũ tôn giáo vì tôn giáo, như ta đã biết, là hình thái cao nhất của văn hoá, có chức năng giáo dục, thôi thúc con người sống theo chân-thiện-mỹ khi tôn giáo bao gồm những “giới luật, điều răn” dạy con người xa tránh điều ác, cổ vũ điều lành. “Mục tiêu của văn hoá là hướng đến con người cho nên chức năng giáo dục là chức năng bao trùm của văn hoá. Văn hoá bao gồm những giá trị tốt đẹp mà cộng đồng người tích luỹ qua nhiều đời và được cô đặc lại thành những tinh hoa. Các thế hệ kế tục, hành xử và phát triển các giá trị tinh hoa ấy đồng thời hình thành nên những giá trị mới(x. Lê Văn chưởng, Cơ sở Văn hoá Việt Nam, NXB Trẻ, 1999, tr.23). Sự suy đồi đạo đức của xã hội hiện nay bắt nguồn từ sự suy đồi của văn hoá, trong đó có yếu tố chối bỏ tôn giáo, như là một tổng hợp những giá trị cao cả nhất của văn hoá là chân thiện mỹ, mà dân tộc VN tích luỹ từ mấy ngàn năm qua.

Việc bài bác tôn giáo trên các phương tiện truyền thông xã hội, trong các sách báo, thậm chí trong cả những bộ sách giáo dục hiện nay, là những động thái làm cho nền đạo đức của xã hội đi xuống. Vì thế, chúng ta cần phải thôi thúc, đề nghị với chính quyền thay đổi thái độ đối với tôn giáo. Có như thế chúng ta mới hy vọng phát triển một đất nước đoàn kết, yêu thương, phát triển bền vững.

Nếu chúng ta cứ giữ thái độ thù địch hay tiêu cực đối với tôn giáo, nếu chúng ta cứ giết nhau, làm hại sự sống của nhau như hiện tại vì chỉ tham những đồng bạc vật chất, để tìm danh lợi bên ngoài, thì sợ rằng một ngày nào đó dân tộc chúng ta không còn tồn tại! Chúng ta đang sống trên miền đất của nước Thuỷ Chân Lạp. Cách đây 500-600 năm, Thuỷ Chân Lạp là một dân tộc rất phồn thịnh. Vậy mà bây giờ trên cả nước Việt Nam đâu còn chỗ nào là của nước Chiêm Thành, Chân Lạp, Thuỷ Chân Lạp! Nếu chúng ta cứ để nền đạo đức xã hội suy thoái, sợ rằng chính dân tộc chúng ta sẽ suy vong.

Lời kết

Hôm nay, đáp lại lời kêu gọi của ĐTC Phanxicô, chúng ta cầu nguyện rất nhiều cho chính quyền, cho những người đang nắm giữ quyền lực, cũng như cho tất cả chúng ta, để biết xoá đi những thành kiến, hiểu lầm, mặc cảm đối với tôn giáo, thay đổi những đường lối “chia để trị” đối với tôn giáo, bằng chính sách tích cực cổ vũ sự đoàn kết. Chúng ta sẽ cộng tác với mọi thành phần dân tộc để hành động vì công ích, nhất là xây dựng một bản sắc mới cho dân tộc bằng cách đào tạo đúng đắn về tôn giáo như một nét văn hoá mới.