Đức Thánh Cha Phanxicô tố cáo hệ thống kinh tế tôn thờ tiền bạc và lợi nhuận
Cuộc khủng hoảng kinh tế Âu châu và toàn cầu cũng là cuộc khủng hoảng luân lý đạo đức, tinh thần và nhân bản. Ở nguồn gốc của nó có sự phản bội thiện ích chung từ phía các cá nhân và các nhóm quyền lực. Nó là hậu quả của một lựa chọn quốc tế, của một hệ thống kinh tế đưa tới thảm cảnh này, một hệ thống kinh tế có một thần tượng ở trung tâm gọi là tiền bạc. Tất cả chúng ta phải cùng nhau tranh đấu để ở trung tâm, ít nhất của cuộc sống chúng ta, là người nam, người nữ và gia đình. Anh chị em đừng để cướp mất niềm hy vọng!
Đức Thánh Cha Phanxicô tố cáo hệ thống kinh tế tôn thờ tiền bạc và lợi nhuận
Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hàng chục ngàn công nhân và gia đình họ trong buổi gặp gỡ tại Cagliari, thủ phủ đảo Sardaigna, sáng Chúa Nhật 22-9-2013.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã viếng thăm Cagliari, nơi có Đền thánh Đức Bà Bonaria, trên đảo Sardaigna, trong vòng 10 tiếng. Đây là chuyến viếng thăm thứ hai tại Italia sau chuyến viếng thăm người tị nạn trên đảo Lampedusa.
Theo truyền thuyết, chính tại Cagliari này, vào năm 1370, các ngư phủ đã vớt được một tượng Đức Mẹ được họ rất tôn kính và nhận làm Bổn mạng. Khi một nhóm ngư phủ di cư sang Argentina họ đã truyền bá lòng sùng mộ này và lấy tên Bonaria đặt cho thủ đô Argentina. Đây là lý do khiến cho Đức Thánh Cha, nguyên Tổng Giám mục Buenos Aires, quyết định viếng thăm Cagliari. Đảo Sardaigna rộng hơn 24.000 cây số vuông có hơn 1,6 triệu dân, đa số sống về nông nghiệp và chăn nuôi.
Sau đây là chi tiết chuyến viếng thăm. Lúc 7 giờ sáng Đức Thánh Cha đã rời Vatican để ra phi trường Ciampino lấy máy bay đi Cagliari, thủ phủ đảo Sardaigna. Máy bay đã cát cánh lúc 7 giờ 30 và đến phi trường Mario Mameli của thành phố Cagliari-Elmas sau 45 phút bay. Tiếp đón Đức Thánh Cha tại phi trường có Đức cha Arrigo Miglio, Tổng Giám mục Cagliari, và giới chức chính quyền tiếp đón. Sau đó, Đức Thánh Cha đã đi xe vào thành phố để gặp gỡ giới công nhân tại quảng trường Carlo Felice. Hàng chục ngàn công nhận thuộc mọi nghành nghề khác nhau mặc sắc phục riêng đã cùng với gia đình họ tiếp đón Đức Thánh Cha. Một công nhân thất nghiệp, một thành viên nghiệp đoàn và một nông dân đã đại diện mọi người chào mừng Đức Thánh Cha và trình bày các khó khăn của họ.
Đức Thánh Cha mạnh dạn tố cáo: Nó là hậu quả của một lựa chọn quốc tế, của một hệ thống kinh tế đưa tới thảm cảnh này, một hệ thống kinh tế có một thần tượng ở trung tâm gọi là tiền bạc. Thần tượng tiền bạc chỉ huy mọi sự, và để bảo vệ nó tất cả chồng chất ở trung tâm và những người ở hai cực bị ngã, người già ngã, vì trong thế giới này không có chỗ cho họ… Và người trẻ ngã, vì không tìm ra việc làm, và phẩm giá. Một thế giới có hai thế hệ người trẻ không có việc làm, thì không có tương lai, vì họ không có phẩm giá.
Đức Thánh Cha nói ngài gần gũi và hiểu biết thảm cảnh thất nghiệp, vì đó đã là kinh nghiệm gia đình ngài kể lại cho ngài. Chúng ta muốn một hệ thống công bằng. Một hệ thống làm cho chúng ta tất cả tiến tới, chứ không muốn hệ thống kinh tế toàn cầu gây ra biết bao đau khổ!
Để đối phó với cuộc khủng hoảng và nạn thiếu công ăn việc làm hiện nay, tất cả mọi thành phần xã hội: các giới chức lãnh đạo chính trị, kinh tế, tôn giáo và xã hội phải sát cánh cộng tác, đối thoại với nhau, để hiểu biết thực tại và tìm ra các con đường giúp tạo công ăn việc làm xứng đáng, nhân bản, công bằng, an ninh cho mọi người, chứ không phải công việc lậu hay công việc nô lệ, không tôn trọng thiên nhiên, nhịp sống và nhu cầu nghỉ ngơi trong các ngày lễ của gia đình. Cần biết can đảm liên đới chia sẻ và hy vọng. Tất cả chúng ta phải cùng nhau tranh đấu để ở trung tâm, ít nhất của cuộc sống chúng ta, là người nam, người nữ và gia đình. Anh chị em đừng để cướp mất niềm hy vọng!
Sau cùng, Đức Thánh Cha đã mời mọi người cùng ngài cầu nguyện trong thinh lặng. Ngài thưa với Chúa: “Lạy Chúa, xin hãy nhìn thành phố và dân chúng của toàn đảo Sardaigna, xin hãy nhìn từng người trong chúng con. Lạy Chúa, chúng con thiếu công ăn việc làm. Các thần tượng muốn cướp mất phẩm giá của chúng con. Các hệ thống bất công muốn ăn trộm niềm hy vọng của chúng con. Lạy Chúa, xin đừng để chúng con cô đơn. Xin giúp chúng con giúp đỡ nhau, để chúng con quên đi một ít ích kỷ và cảm thấy trong con tim tiếng “chúng tôi”, chúng tôi, dân muốn đi tới. Lạy Chúa Giêsu, Chúa không thiếu việc làm, xin cho chúng con có việc làm và xin dạy chúng con tranh đấu cho việc làm và chúc lành cho chúng con.” Diễn văn và lời cầu của Đức Thánh Cha đã khiến cho nhiều người khóc vì cảm động.
Đức Thánh Cha đã bắt tay chào và hôn 30 người đại diện giới công nhân. Có một công nhân tặng ngài chiếc mũ thợ màu vàng, ngài cám ơn và đội ngay lên đầu. Sau cùng, một em bé chạy lên tặng Đức Thánh Cha lá cờ Vatican em cầm trong tay.
Rời quảng trường Carlo Felice, Đức Thánh Cha đến quảng trường trước đền thánh nằm sát bãi biển. Đã có hơn 300.000 tín hữu từ khắp nơi trong đảo Sardaigna tuốn về đây để tham dự Thánh lễ do Đức Thánh Cha chủ sự. Trước cửa đền thánh ông Ugo Cappellacci, Chủ tịch đảo Sardaigna, và ông Massimo Zedda, Tỉnh trưởng Cagliari, đã ngỏ lời chào mừng Đức Thánh Cha. Tiếp đến, Đức Thánh Cha vào Đền thánh và chúc lành cho khoảng 100 bệnh nhân, đa số nằm trên giường, trước khi vào phòng thánh mặc áo để dâng Thánh lễ cho tín hữu. Cùng đồng tế Thánh lễ với Đức Thánh Cha có các Giám mục toàn đảo Sardaigna và hàng trăm linh mục.
Giảng trong Thánh lễ, Đức Thánh Cha nói ngài đến để chia sẻ các niềm vui, hy vọng, sự nhọc mệt, các dân thân và khát vọng của người dân toàn đảo Sardaigna và để củng cố đức tin của họ. Cuộc sống của người dân gặp nhiều thử thách vì thiếu công ăn việc làm, bấp bênh và tương lai không chắc chắn. Cần phải có sự cộng tác của tất cả mọi người, và sự dấn thân của giới hữu trách các cơ cấu để bảo đảm cho các cá nhân và gia đình các quyền nền tảng, khiến cho xã hội lớn mạnh với nhiều tình huynh đệ và liên đới hơn.
Đức Thánh Cha nói: Tôi gần gũi anh chị em, tôi nhớ anh chị em trong lời cầu nguyện và tôi khích lệ anh chị em kiên tri làm chứng cho các giá trị nhân bản và Kitô đâm rễ sâu trong đức tin và lịch sử của vùng đất này và của dân tộc này. Anh chị em hãy luôn luôn duy trì ánh sáng của niềm hy vọng!
Tiếp tục bài giảng, Đức Thánh Cha nói ngài cũng đến để cùng họ ở dưới chân Đức Mẹ, Đấng đã ban Con Mẹ cho thế giới. Nơi đây, biết bao thế hệ người Sarde đã đến hành hương để khẩn nài sự chở che của Đức Bà Bonaria, Bổn mạng lớn nhất của đảo. Nơi đây, anh chị em đem theo các niềm vui, khổ đau của vùng đất này, của các gia đình, của các người con ở xa, thường ra đi với nỗi đau đớn và sự nhung nhớ, để kiếm việc làm và một tương lai cho mình và cho những người thân yêu. Hôm nay tụ họp nhau nơi đây, chúng ta muốn cám ơn Mẹ, vì Mẹ luôn gần gũi chúng ta, chúng ta muốn canh tân sự tin tưởng và tình yêu của chúng ta đối với Mẹ.
Mẹ Maria đã cầu nguyện cùng với cộng đoàn các môn đệ và dậy chúng ta tin tưởng tràn đầy nơi Thiên Chúa, nơi lòng thương xót của Người. Chúng ta đừng mệt mỏi gõ cửa của Thiên Chúa. Qua Mẹ Maria, chúng ta hãy đem tới cho con tim của Thiên Chúa toàn cuộc sống và mỗi ngày sống của chúng ta.
Từ Thánh giá, Chúa Giêsu đã trao phó Thánh Gioan cho Đức Mẹ. Nơi Thánh Gioan là tất cả chúng ta, và cái nhìn yêu thương của Chúa Giêsu phó thác chúng ta cho sự giữ gìn hiền mẫu của Mẹ.
Sau cùng, chúng ta cũng đến đây để gặp gỡ cái nhìn của Mẹ Maria, bởi vì ở đó phản ánh cái nhìn của Thiên Chúa Cha, đã khiến cho Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, và cái nhìn của Con Mẹ từ thập giá khiến cho Người là Mẹ của chúng ta. Và với cái nhìn đó hôm nay Mẹ Maria nhìn chúng ta. Chúng ta cần đến cái nhìn dịu dàng, cái nhìn hiền mẫu của Mẹ, là Đấng hiểu biết chúng ta hơn bất cứ ai khác, chúng ta cần đến cái nhìn đầy cảm thương của Mẹ. Lạy Mẹ Maria, hôm nay chúng con muốn nói với Mẹ: Lạy Mẹ, xin hãy ban cho chúng con cái nhìn của Mẹ. Cái nhìn của Mẹ đem chúng con tới với Thiên Chúa, cái nhìn của Mẹ là một ơn của Thiên Chúa Cha nhân lành, chờ đợi chúng con ở mỗi khúc rẽ của con đường cuộc sống…
Nhưng trên con đường thường khó khăn đó chúng ta không cô đơn, chúng ta đông đảo và là một dân, và cái nhìn của Mẹ giúp chúng ta nhìn nhau một cách huynh đệ.
Đức Thánh Cha khích lệ mọi người: Chúng ta hãy nhìn nhau một cách huynh đệ hơn! Mẹ Maria dạy chúng ta có cái nhìn tìm tiếp đón, đồng hành, che chở. Chúng ta hãy tập nhìn nhau dưới cái nhìn hiền mẫu của Mẹ Maria! Có những người chúng ta coi như ít, nhưng trái lại, họ lại cần đến cái nhìn đó hơn: những người bị bỏ rơi, người đau yếu, người không có phương tiện sống, người không biết Chúa Giêsu, người trẻ gặp khó khăn. Chúng ta đừng sợ hãi nhìn các anh chị em của chúng ta với cái nhìn của Mẹ.
Trước khi kết thúc Thánh lễ, Đức Thánh Cha đã đọc lời phó dâng toàn đảo Sardaigna cho Đức Bà Bonaria và nói: “Lạy Mẹ, con xin Mẹ hướng cái nhìn của Mẹ trên tất cả và trên từng người. Con cầu xin cho từng gia đình của thành phố và vùng này. Con khẩn nài Mẹ cho các trẻ em và người trẻ, cho người già và người bệnh, cho tất cả những người cô đơn và những người bị tù tội, cho những người đói khát và cho những người không có công ăn việc làm, cho những người đã đánh mất niềm hy vọng và cho những người không có đức tin. Con cũng khẩn nài Mẹ cho các người cầm quyền và các nhà giáo dục. Lạy Mẹ, xin gìn giữ tất cả chúng con với lòng hiền dịu và ban cho chúng con sức mạnh của Mẹ và biết bao ủi an. Chúng con là con cái Mẹ, chúng con đặt mình dưới sự che chở của Mẹ. Xin đừng để chúng con cô đơn trong lúc khổ đau và thử thách. Chúng con tín thác nơi trái tim hiền mẫu của Mẹ và thánh hiến cho Mẹ tất cả những gì chúng con là và chúng con có. Và nhất là, lạy Mẹ rất dịu dàng, xin chỉ cho chúng con Chúa Giêsu và dạy chúng con luôn luôn và chỉ làm những gì Người nói với chúng con.
Thánh lễ đã kết thúc với Kinh Truyền Tin và phép lành Toà Thánh Đức Thánh Cha ban cho mọi người.
Trong Đền thờ Đức Thánh Cha còn chào, an ủi và chúc lành cho các bệnh nhân, rồi về đại chủng viện miền để dùng bữa trưa với các giám mục và nghỉ ngơi chốc lát trước khi gặp các người nghèo và các tù nhân, cũng như giới văn hoá và giới trẻ vào ban chiều.