09/01/2025

Có ít lý do để lạc quan về quan hệ Trung Quốc – Vatican

Đức Tổng Giám mục Pietro Parolin thu hút sự chú ý của thế giới khi các phương tiện truyền thông đưa tin tán thành việc ngài được bổ nhiệm làm tân Quốc vụ khanh Toà Thánh.

 Có ít lý do để lạc quan về quan hệ Trung Quốc – Vatican

 

Đức Tổng Giám mục Pietro Parolin, tân Quốc vụ khanh Toà Thánh

Lantian Geshao (*) từ Bắc Kinh, Trung Quốc 


Bổ nhiệm Đức cha Parolin không phải là phương thuốc thần diệu

Đức Tổng Giám mục Pietro Parolin thu hút sự chú ý của thế giới khi các phương tiện truyền thông đưa tin tán thành việc ngài được bổ nhiệm làm tân Quốc vụ khanh Toà Thánh.

Trước đó, trong vai trò trợ lý ngoại trưởng từ năm 2002-2009, nhà ngoại giao lỗi lạc này dẫn đầu các cuộc thương lượng của Toà Thánh với Trung Quốc, Israel và Việt Nam. Tuy nhiên, tên tuổi của ngài xa lạ với hầu hết người Công giáo Trung Quốc.

Khi đảm nhận chức vụ mới, chỉ xếp thứ hai sau Đức Giáo hoàng trong Giáo triều Rôma, Đức cha Parolin sẽ mang lại những thay đổi gì trong quan hệ Trung Quốc – Vatican?

Một số người trong Giáo Hội ở Trung Quốc đang lạc quan hy vọng quan hệ Trung Quốc – Vatican sẽ được cải thiện. Nhưng tôi đoán thời gian bế tắc còn khá dài.

Tại sao vậy? Chúng ta hãy bắt đầu từ năm 2000 khi có nhiều hy vọng về quan hệ ngoại giao. Mỗi khi quan hệ ngoại giao có vẻ sắp được nối lại, thì các vụ tấn phong giám mục không được Vatican chấp thuận lại diễn ra, khiến Toà Thánh lên án. Thế rồi thương lượng lại bị đình lại.

Tại sao Hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc (CCPA) được chính quyền công nhận dám tổ chức các vụ tấn phong giám mục bất hợp thức vào những thời điểm mang tính quyết định như thế? Rõ ràng đây là những hành động cố ý phá hoại, do chính quyền sắp đặt.

Trung Quốc không vội gì thiết lập quan hệ với quốc gia châu Âu nhỏ bé này. Khi Vatican đề nghị nghị hoà, Trung Quốc từ chối cách khéo léo để bảo vệ hình ảnh của mình trước cộng đồng quốc tế.

Do đó, Trung Quốc cho phép CCPA bày ra tình huống trớ trêu này để Vatican lên án. Để rồi chính quyền Bắc Kinh có thể buộc tội Vatican “can thiệp chuyện nội bộ của Trung Quốc”, để lỗi cho Vatican cản trở các cuộc thương lượng.

Tại sao hiện nay Trung Quốc không muốn bình thường hoá quan hệ với Vatican?

Có lẽ nên nhìn vấn đề này từ một góc độ khác: Trung Quốc sẽ được gì từ việc bình thường hoá quan hệ vào lúc này?

Vấn đề chính là trong mắt Bắc Kinh quan hệ quốc tế mang giá trị chính trị còn quan hệ với Vatican chẳng mang lại lợi ích quân sự hay kinh tế gì cả.

Cách đây vài thập niên, Trung Quốc có thể sử dụng quan hệ ngoại giao với Vatican để quảng bá địa vị và hình ảnh của mình trên trường quốc tế. Nhưng ngày nay, quan hệ như thế ít quan trọng. Trung Quốc đã nổi lên trở thành một cường quốc trên thế giới.

Thị trường khổng lồ của Trung Quốc có hơn 1,3 tỷ người vẫn còn là sức hấp dẫn không thể cưỡng lại được đối với thế giới, đặc biệt là sau vụ khủng hoảng tài chính toàn cầu nhiều nền kinh tế đang bị suy thoái trong khi Trung Quốc đạt tăng trưởng GDP ở mức kỷ lục trên 7%. Điều đó có ý nghĩa gì?

Công cụ mạnh nhất mà Mỹ dùng để trói buộc Trung Quốc cách đây 20 năm là ưu đãi thương mại được cấp theo Nguyên tắc tối huệ quốc. Lúc đó Trung Quốc cần đến, nhưng trong những năm gần đây chúng ta có nghe nói người ta dùng những chiến lược tương tự như thế để kiềm chế nền kinh tế lớn thứ hai sau Mỹ trên thế giới này không?

Không quá cường điệu khi nói một quốc gia phải đảm bảo đủ các nguồn lực trước khi có thể chỉ trích Trung Quốc. Trung Quốc có nhiều bạn trên khắp thế giới, trong đó có nhiều nước kết bạn thông qua thương mại và đầu tư.

Trung Quốc không cần cấp bách thiết lập quan hệ với Vatican, và không quan tâm hiện nay có người nào chỉ trích mình không. Thiết lập quan hệ với Vatican sẽ ảnh hưởng đến sự đối kháng giữa Trung Quốc và Đài Loan vì Bắc Kinh vẫn còn yêu cầu Vatican chấm dứt quan hệ với Đài Bắc.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc và Đài Loan đã chấm dứt chiến tranh lạnh và đồng ý không cản trở quan hệ ngoại giao của nhau. Tầm quan trọng của quan hệ Vatican tương đối lu mờ.

Vatican xem quan hệ ngoại giao với Trung Quốc là điều then chốt cho công cuộc truyền giáo trong quốc gia đông dân nhất hành tinh này, kêu gọi thêm nhiều người Trung Quốc theo Đức Giêsu Kitô và Phúc Âm của Ngài. Còn Trung Quốc thì không hưởng lợi gì từ động thái này.

Không phải có giáo hoàng mới hay quốc vụ khanh mới là có thể đẩy mạnh thương lượng. Tuy nhiên, chúng ta hãy thận trọng trong khi vẫn lạc quan – chắc chắn một ngày nào đó Trung Quốc sẽ thuộc về Nước Thiên Chúa.


——————-

(*) Lantian Geshao là bút danh của một linh mục Công giáo ở Trung Quốc đại lục.