Có tham nhũng trong lực lượng chống tham nhũng không?
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã đặt câu hỏi như vậy tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 18-9 khi Uỷ ban Tư pháp cho rằng “phát hiện và tố cáo tham nhũng vẫn chưa trở thành ý thức, trách nhiệm của người dân”.
Có tham nhũng trong lực lượng chống tham nhũng không?
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng – Ảnh: Phương Hoa
Báo cáo của Chính phủ do Tổng thanh tra Huỳnh Phong Tranh trình bày với phần nhận định, đánh giá rằng tham nhũng còn nghiêm trọng, phức tạp, có ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực; việc phát hiện và xử lý tham nhũng chưa tương xứng với tình hình; các cơ quan chức năng đã nỗ lực trong công tác phòng chống, đem lại kết quả tích cực…
“Không tham nhũng lấy đâu tiền mà chạy…”
Chưa hài lòng với cách báo cáo như vậy, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Chính phủ đánh giá rõ những nhận định của công luận, dư luận trong nước và quốc tế về hoạt động đấu tranh phòng chống tham nhũng. “Tôi đọc báo cáo thấy nói nhiều tiến bộ, nhưng khi nghe, xem thông tin bên ngoài thì buồn lắm. Các đồng chí phải đánh giá được những gì dư luận nói. Không tham nhũng thì lấy tiền đâu mà nhậu này nhậu kia, đi chơi này đi chơi kia, chức vụ này chức vụ kia. Không tham nhũng lấy đâu tiền mà chạy…” – ông Hùng nêu vấn đề. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cũng đề nghị “phải đưa ra con số để chứng minh nhận định tham nhũng chưa giảm, chứ năm nào cũng nói như vậy thì rất khó đánh giá”.
Báo cáo thẩm tra được Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện trình bày có đoạn: “Trong nhận thức và tư tưởng nhiều người dân vẫn cho rằng phát hiện tham nhũng là việc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền… Phát hiện và tố cáo tham nhũng vẫn chưa trở thành ý thức trách nhiệm của người dân. Việc tổ chức khen thưởng đối với người tố cáo tham nhũng vẫn còn hình thức, có trường hợp dư luận chưa đồng tình (vụ tố cáo tham nhũng tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức được Sở Y tế Hà Nội thưởng 320.000 đồng/người); có trường hợp người tố cáo tham nhũng từ chối khen thưởng vì cho rằng vụ việc tham nhũng chưa giải quyết đến nơi đến chốn, vẫn còn biểu hiện bao che (vụ tố cáo tham nhũng tại Trung tâm Y tế Thăng Bình, Quảng Nam)”. Lập tức, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt vấn đề: “Dân nào mà không muốn đấu tranh phòng chống tham nhũng?! Hay là người ta chán rồi? Người ta đấu tranh mãi, góp ý mãi, đưa lên báo mãi nhưng không có tác dụng gì? Các đồng chí phải đánh giá cái này đi chứ”.
Thiếu cơ chế giám sát các cơ quan phòng chống tham nhũng
Ông Hùng tiếp tục đặt hàng loạt câu hỏi: “Chưa thấy nói rõ trong lực lượng đấu tranh phòng chống tham nhũng có tiêu cực, bỏ sót tội phạm, bao che không? Có tham nhũng trong đấu tranh phòng chống tham nhũng không? Trách nhiệm của các cơ quan đấu tranh, phòng ngừa thế nào? Ông thanh tra làm hết sức chưa, ông điều tra làm hết trách nhiệm chưa, ông kiểm sát hoàn thành nhiệm vụ chưa? Các đồng chí nói đi, đã làm việc thế nào, nếu không nói được là chưa làm tốt trách nhiệm”.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng những câu hỏi Chủ tịch Quốc hội đặt ra “rất khó trả lời”. Tuy vậy, ông Hiện bình luận: “Kiểm toán, thanh tra hàng ngàn vụ, phát hiện nhiều sai phạm lên đến hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng nhưng chuyển sang điều tra rất ít, chủ yếu xử lý hành chính, vậy thì có tiêu cực, tham nhũng trong quá trình xử lý không? Rồi đình chỉ điều tra nhiều vụ án, xét xử đưa ra mức án dưới khung hình phạt, cho hưởng án treo nhiều, vậy có tiêu cực không?”.
Trả lời câu hỏi của Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước rằng “nhiều vụ án thấy teo tóp sau một quá trình điều tra, khởi tố, xét xử, có dư luận cho rằng có sự can thiệp của lãnh đạo này, lãnh đạo kia?”, Tổng thanh tra Huỳnh Phong Tranh đáp: “Vấn đề này thuộc quá trình tố tụng: điều tra, truy tố, xét xử, nên chúng tôi không thấy có báo cáo”.
Theo Phó viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Hải Phong, hiện nay vẫn đang thiếu cơ chế giám sát các cơ quan phòng chống tham nhũng. Hơn nữa, ở ta có nhiều cơ quan có chức năng chống tham nhũng nhưng lại thiếu cơ chế kết nối và để xảy ra tình trạng như nhiều đại biểu Quốc hội nói là lắm sãi không ai đóng cửa chùa. “Tôi đề nghị có một cơ quan điều tra độc lập chống tham nhũng. Trên thế giới có nhiều nước áp dụng mô hình này cho thấy hiệu quả rất cao” – ông Phong nói.
Mù mờ thông tin thì dân hoài nghi
Ông Ksor Phước quyết liệt: “Cần có trả lời tại sao các vụ án tham nhũng thì điều tra, truy tố, xét xử lại bị kéo dài thời gian. Có những vụ án thông tin ra công luận rồi, tưởng là rõ ràng rồi, nhưng cuối cùng lại đi vào im lặng. Trung ương được cho là nơi có nhiều thông tin mà tôi ở trong đó cũng còn băn khoăn. Nếu thông tin cứ mập mờ như vậy, đến ngay cả tôi là ủy viên trung ương còn băn khoăn thì dư luận còn đâu niềm tin nữa”. Ông Phước dẫn ví dụ: “Vụ Dương Chí Dũng ở Hải Phòng, tôi nghe thông tin rất nhiều, liên quan đến nhiều cán bộ, nhưng đã xử lý đến đâu? Tôi đề nghị cứ ba tháng một lần phải công khai thông tin quá trình xử lý các vụ án tham nhũng. Mình cứ âm thầm như vậy, thông tin mù mờ như vậy thì dân hoài nghi”.
Theo ông Ksor Phước, hiện nay trong quản lý nhà nước, nhiều lĩnh vực cho thấy có dấu hiệu tiêu cực. “Ví dụ như vừa qua rà soát mới biết hàng trăm dự án thủy điện được cho phép đầu tư nhưng vẫn chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường nên bị đề nghị loại bỏ. Phải có chuyện gì trong đó chứ làm gì có việc cán bộ nhà nước lại không nắm rõ pháp luật trong quá trình phê duyệt dự án? Tôi nghĩ báo cáo của Chính phủ phải đưa ra lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm cần phải sờ vào, ví dụ năm 2014 phải đi vào xây dựng, cầu đường. Dân người ta nói những khu nhà to chưa có người ở không phải là nợ xấu đâu, có người mua cả rồi đấy, người ta nghỉ hưu là về ở thôi, miền Bắc thì quan chức tập trung mua nhà ở Hà Nội, miền Nam thì tập trung vào TP.HCM” – ông Phước nói.
Kê khai tài sản, thu nhập không giúp phát hiện vụ “lương khủng” Báo cáo của Thanh tra Chính phủ đưa ra con số kê khai tài sản rất ấn tượng: năm 2012 có 113.000 người kê khai tài sản lần đầu, trên tổng số gần 116.000 người phải kê khai (đạt 97,9%); có hơn 519.000 người kê khai bổ sung (đạt 98,6%); hơn 376.000 người được công khai bản kê khai tài sản, thu nhập tại cơ quan… Nhưng báo cáo của Ủy ban Tư pháp cho thấy con số trên chỉ là hình thức: “Việc kê khai tài sản, thu nhập mới chỉ dựa vào sự tự giác của người phải kê khai; việc công khai bản kê khai tài sản, thu nhập tại nơi cán bộ, công chức thường xuyên công tác chưa được thực hiện hoặc chưa phát huy tác dụng. Thời gian qua có nhiều trường hợp lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước, nhất là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công ích, được nhận lương hàng tỉ đồng/năm, có nơi đến 2,6 tỉ đồng/người/năm và kéo dài nhiều năm nhưng qua công tác kê khai, minh bạch tài sản không phát hiện được cho thấy tính hình thức của biện pháp phòng ngừa tham nhũng này”. |
LÊ KIÊN