Tuần lễ Xã hội Công giáo Italia lần thứ 47
Trong các ngày từ 12 đến 15-9, Tuần lễ Xã hội Công giáo Italia lần thứ 47 diễn ra tại Torino, bắc Italia. Tuần lễ Xã hội năm nay có đề tài là “Gia đình hy vọng và tương lai của xã hội”.
Tuần lễ Xã hội Công giáo Italia lần thứ 47
Trong các ngày từ 12 đến 15-9, Tuần lễ Xã hội Công giáo Italia lần thứ 47 diễn ra tại Torino, bắc Italia. Tuần lễ Xã hội năm nay có đề tài là “Gia đình hy vọng và tương lai của xã hội”.
Để chuẩn bị cho Tuần lễ này, Uỷ ban Gia đình của Hội đồng Giám mục Italia đã tổ chức một cuộc họp tại Đền thánh Đức Bà Loreto, trung Italia, cho các đại biểu của toàn vùng Marche. Trong diễn văn chào mừng, Đức cha Giuseppe Orlandoni, Giám mục Senigalla, đặc trách Mục vụ Xã hội các giáo phận toàn vùng Marche, đã nhắc lại các nét chính yếu của tài liệu chuẩn bị cho Tuần lễ Xã hội Công giáo năm nay, chú ý đến gia đình như là yếu tố nòng cốt trong cuộc sống của Giáo Hội và của xã hội. Đức cha ghi nhận rằng ngày nay có qúa nhiều yếu tố gây khó khăn cho các gia đình, và có nguy cơ làm biến mất bản chất đích thực của gia đình. Gia đình không phải là một giá trị của tín hữu Công giáo, mà là một gia trị nhân bản và xã hội đối với tất cả mọi người, bởi vì nó là môi trường, nơi con người hiện thực chính mình, được giáo dục trên bình diện tình cảm và tinh thần không thể tìm được trong bất cứ cơ cấu nào khác.
Ông Bruno Volpi, người thành lập Phong trào Cộng đoàn Gia đình hồi năm 1973, cho biết hiện có khoảng 30 nhóm trên toàn nước Italia với 650 gia đình thành viên. Tuy đã 76 tuổi nhưng ông nói cho tới khi nào còn có sức, ông sẽ không ngừng đi diễn thuyết về gia đình và các gia trị của nó. Mục đích của các cộng đoàn gia đình này là tương trợ lẫn nhau theo tinh thần Tin Mừng và liên đới Kitô. Ông cho biết cũng đã có những lúc nghi ngờ về sự hữu hiệu và mục đích xem ra quá ảo tưởng, và ông đã trình bầy với Đức Hồng y Carlo Maria Martini, hồi đó là Tổng Giám mục Milano. Nhưng Đức Hồng y nói: phong trào phải tiếp tục mục đích của nó. Một năm trước khi Đức Hồng y qua đời, ông Volpi nói rằng Đức Hồng y Martini có đến dùng bữa tối với nhóm và lặp lại: “Tôi thích Phong trào này, anh chị em hãy cứ tiến bước.”
Ông Volpi nói tiếp: Đến lúc này thì không thể thoái lui được nữa. Đức Gioan Phaolo II đã có lần nói: “Hỡi gia đình hãy tự cứu lấy mình và cứu Giáo Hội”, và ngài cũng ngạc nhiên khi thấy phong trào thành công như vậy. Trên bình diện xã hội, Phong trào Cộng đoàn Gia đình thực thi điều 4 của Hiến pháp Italia, theo đó mỗi công dân có bổn phận lãnh nhận một trách nhiệm theo khả năng của mình, một nhiệm vụ góp phần vào việc thăng tiến vật chất và tinh thần cho xã hội. Mỗi người phải cảm nhận được giá trị của mình trên vùng đất mình sinh sống. Tình liên đới vốn đã có từ ngàn xưa, giờ đây là lúc thực thi nó một cách cụ thể giữa các gia đình trong cùng một cộng đoàn với nhau trên bình diện kinh tế. Các gia đình thành viên thường là các cặp vợ chồng trẻ đã lấy nhau được vài năm hay có con nhỏ cần có một môi trường lớn hơn. Sự hiện diện của các linh mục Dòng Tên trong các cộng đoàn là sự hiện diện của các người đồng hành giúp các gia đình thành viên hiểu biết ý nghĩa ơn gọi của họ. Trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế tài chính hiện nay, các cộng đoàn cũng có thể rộng mở cho các gia đình không còn chịu đựng nổi cuộc sống khó khăn nữa.
Cộng đoàn đầu tiên đã được hai vợ chồng ông Bruno Volpi và bà Enrica thành lập năm 1978 tại Villapizzone ở Milano, bao gồm một nhóm gia đình và một cộng đoàn của các linh mục Dòng Tên. Nó theo một hình thức tổ chức mới cuộc sống thường ngày qua việc chia sẻ không gian và các giá trị. Kiểu sống là tin tưởng lẫn nhau và liên đới trợ giúp người gặp khó khăn.
Sau đây, chúng tôi xin gửi tới quý vi và các bạn một số nhận định của Đức cha Michele Pennisi, Tổng Giám mục Monreale. Theo Đức cha cần phải đầu tư nhiều cho việc giáo dục giới trẻ, bắt đầu từ các chứng tá trong gia đình.
Hỏi: Thưa Đức cha, gia đình là “niềm hy vọng và tương lai của xã hội”. Nhưng ngày nay làm thế nào để gợi ý với hai người trẻ thành lập gia đình trước cảnh bất ổn kinh tế và công căn việc làm mà họ đang phải đương đầu?
Đáp: Trước khi bất ổn về kinh tế và công ăn việc làm sự bất ổn đã có tính cách hiện sinh, liên quan tới cuộc sống rồi, bởi vì nó tuỳ thuộc nơi sự kiện người ta không chắc chắn là có ai hoặc có cái gì đó để đáng sống và hy sinh cho nó hay không. Thật là quan trọng việc nhận thức được rằng các giá trị tinh thần là các thiện ích hấp dẫn của con người và là dịp tạo ra một sự phong phú của cuộc sống bõ công cho sự vất vả và hy sinh của con người. Nếu Giáo Hội giáo dục nhìn vào mầu nhiệm của cuộc sống và ý nghĩa của nó, thì đó không phải là vì chống đối ý thức hệ, nhưng là kinh nghiệm của nhân loai được canh tân mà hôn nhân Kitô tạo ra, nó cũng giúp hai người trẻ lập gia đình với nhau.
Hỏi: Thưa Đức cha, sự kiện thiếu công ăn việc làm thúc đẩy người ta di cư hay tới với các hệ thống khách hàng làm ô nhiễm chính trị cũng như xã hội. Làm thế nào để cống hiến cho họ một sự lựa chọn khác? Hay phải luôn luôn hài lòng với điều tạm bợ?
Đáp: Chúng ta đang sống một cuộc khủng hoảng lâu dài. Vì thế cần phải xắn tay áo lên để tìm ra các điều kiện phát triển mới. Nhất là các người trẻ phải được đồng hành để thu hồi khả năng liều lĩnh đối với các tài năng của họ, mà không luôn luôn chờ đợi một chỗ làm việc ổn định gần nhà mình. Cuộc khủng hoảng đã tạo ra một vài thay đổi mời gọi chúng ta có cuộc sống thanh đạm hơn. Rất nhiều đường lối chính trị công cộng bảo vệ nay không còn đủ nữa, và chúng cũng không thích hợp nữa. Chỉ còn lại một thúc đẩy lớn của sáng kiến của các cá nhân và các gia đình lãnh trách nhiệm tao ra công ăn việc làm cho chính mình và cho những người khác, trong mức độ chừng nào có thể.
Hỏi: Xã hội ngày nay đề nghị các mô thức khác cho gia đình truyền thống gồm một người nam và một người nữ. Cơ cấu ngày càng thường xuyên hơn của các sổ bộ là các cuộc kết hợp dân sự chứng minh cho thấy điều đó. Làm thế nào để đối thoại với những người nghĩ khác chúng ta, thưa Đức cha?
Đáp: Đối thoại không chỉ là việc trao đổi các ý kiến lý thuyết. Chính trong giai đoan văn hoá này cần phải đưa ra các chứng tá cuộc sống hôn nhân cho thấy vẻ đẹp và sự phù hợp nhân bản của hôn nhân Kitô. Tuần lễ Xã hội này muốn thông truyền biết bao nhiêu chứng tá tích cực, rất thường khi không được dư luận công cộng biết tới. Tuy nhiên, ngày nay sống kinh nghiệm thôi không đủ, nhưng cũng là điều định đoạt việc thông truyền kinh nghiệm đó nữa. Nếu không thì Giáo Hội bị giản lược vào vào một vùng đất được che chở, trong đó người ta tiếp tục cử hành và trình bày với công chúng những người cử hành lễ vàng hay lễ ngọc đám cưới. Nhưng họ sẽ được ghi vào sổ như là trường hợp trừ xác nhận luật lệ. Đầu sao đi nữa, Giáo Hội phải sẵn sàng theo dõi trên bình diện mục vụ cả những hình thức sống chung khác nhau nảy sinh từ hôn nhân.
Hỏi: Thưa Đức cha, đâu là các giá trị mà chúng ta thông truyền cho các thế hệ trẻ? Có phải là các giá trị hư hoại, như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói?
Đáp: Người ta có cảm tưởng là từ nhiều diễn đàn người ta rao giảng lợi lộc cá nhân và chủ thuyết hư vô. Các giá trị không gây ra thay đổi, nếu không có kinh nghiệm đi kèm. Ngày nay cả trong Giáo Hội nữa kinh nghiệm hoặc là thiếu, hoặc là không được phổ biến và chia sẻ một cách rộng rãi đủ, vì thế chỉ cần một chương trình rác rưởi trên truyền hình cũng để đủ gây ra các hậu quả tiêu cực trong việc giáo dục, mà cần phải mất hàng tháng mới có thể lấp đầy được. Với các giá trị hư hỏng ấy, người ta không thể tiến xa được. Một cách không thể thấy trước và bất ngờ Chúa đã cho chúng ta có Đức Thánh Cha Phanxicô. Chúng ta hãy bắt đầu bằng cách theo ngài. Chúng ta hãy bắt đầu bằng cách giúp nhau nhìn nhiều hơn vào trong trái tim con người, và ít coi truyền hình hơn.
Hỏi: Thưa Đức cha, trong thách đố hy vọng này giáo dục nắm giữ vai trò nào?
Đáp: Giáo dục là điều cấp thiết đích thực hiện nay. Vấn đề không phải là người trẻ, mà là người lớn không có khả năng thông truyền chứng tá đáng tin cậy của cuộc sống cho người trẻ. Nâng đỡ nhiệm vụ giáo dục trong gia đình thật là điều quan trọng, vì gia đình là nơi người ta học phát triển các tương quan nhưng không. Các giới chức chính trị hãy biết tôn trọng quyền tự do giáo dục của các gia đình, và chú ý tới thiện ích chung của xã hội.