09/01/2025

Chúa Nhật XXIV TN – C – 2013: Ơn cứu độ theo Công giáo là gì?

Các bài Kinh Thánh hôm nay tập trung vào chủ đề Thiên Chúa cứu độ con người để giúp chúng ta tin tưởng và hy vọng vào tình yêu vô bờ của Thiên Chúa. Vậy ơn cứu độ là gì, được thực hiện như thế nào và chúng ta phải làm gì để cảm nghiệm được ơn cứu độ ấy?

 

Ơn cứu độ theo Công giáo là gì?

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Các bài Kinh Thánh hôm nay tập trung vào chủ đề Thiên Chúa cứu độ con người để giúp chúng ta tin tưởng và hy vọng vào tình yêu vô bờ của Thiên Chúa. Vậy ơn cứu độ là gì, được thực hiện như thế nào và chúng ta phải làm gì để cảm nghiệm được ơn cứu độ ấy?

1. Ý nghĩa các bài Thánh Kinh

1.1. Bài đọc I (x. Xã hội 32, 7-11.13-14) diễn tả Thiên Chúa tha thứ cho sự phản bội trắng trợn của dân tộc Israel khi họ rời bỏ Ngài ngay sau khi Ngài cứu họ thoát khỏi ách nô lệ người Ai Cập, ngay khi mỗi ngày họ vẫn ăn manna, uống nước từ tảng đá, bước đi dưới cột mây che nắng và cột lửa soi đường ban đêm trong sa mạc. Họ đã tôn thờ con bò vàng, dù mới thề hứa tôn thờ một Thiên Chúa duy nhất. Điều này gợi ý cho sự bội phản của mỗi người chúng ta hằng ngày. Chúng ta vẫn đón nhận ơn lành của Chúa: sự sống, tình yêu, suy nghĩ, hành động bởi vì Thiên Chúa là nguồn của chân thiện mỹ, nguồn của mọi ân sủng, nguồn của sự sống vô biên và hạnh phúc vĩnh hằng … Vậy mà chúng ta vẫn bỏ Ngài để chạy theo những hạnh phúc nho nhỏ, chạy theo những mối lợi bất chính!

1.2. Bài đọc II (x. 1Tm 1,12-17) cũng theo hướng đó nhưng diễn tả tình yêu thương cứu độ của một Thiên Chúa cụ thể là Đức Giêsu đối với con người cụ thể là thánh Phaolô. Phaolô là một người Pharisêu nhiệt thành theo đạo Do Thái nên đã lộng ngôn đối với Đức Giêsu, đã bắt bớ và đối xử ngạo ngược với tín hữu, như thế là xúc phạm nặng nề đến Thiên Chúa và Chúa Giêsu. Chúa Giêsu nói với Phaolô: “Saolô, Saolô, tại sao ngươi tìm bắt ta?” (Cv 9,4). Nhưng Thiên Chúa đã gọi Phaolô trên đường Đamas, đã cứu độ Phaolô, ban cho Phaolô rất nhiều ân sủng để hiểu ơn cứu độ là gì.

Ơn cứu độ đó là cho Phaolô được tham gia vào đời sống của Chúa Giêsu, chữa lành cho nhiều người, thậm chí cho người chết sống lại như cứu cậu bé Euticô bị té từ tầng ba xuống đất, là cảm nghiệm được sự sống thần thiêng khi được đưa lên tầng trời thứ ba và sau này được sống mãi mãi với Chúa.

Kinh nghiệm của Phaolô có lẽ cũng là kinh nghiệm của mỗi người chúng ta về ơn cứu độ. Nếu Chúa đã cứu Phaolô là một người tội lỗi như vậy, thì sao Ngài lại không ban ơn cứu độ cho chúng ta! Vì thế, Phaolô đã nhắn gửi chúng ta hôm nay rằng: “Đức Giêsu đã đến thế gian để cứu những người tội lỗi, mà kẻ đầu tiên là tôi. Sở dĩ tôi được thương xót là vì Đức Giêsu Kitô muốn tỏ bày tất cả lòng đại lượng của Người nơi tôi là kẻ đầu tiên, mà đặt tôi làm gương cho những ai sẽ tin vào Người để được sống muôn đời” (2Tm 1,15-16).

1.3. Bài Tin Mừng (x. Lc 15,1-32) kể lại 3 dụ ngôn về ơn cứu độ. Thiên Chúa cứu độ giống như một người chăn chiên đi tìm con chiên lạc, trèo đèo lội suối và vui mừng vác chiên trên vai trở về. Chúa Giêsu nói: “ Trên trời cũng vui mừng vì một người tội lỗi hối cải”. Hoặc giống như người phụ nữ mất một quan tiền, phải đốt đèn, moi móc từng góc nhà, kẹt tủ để tìm cho bằng được, khi tìm được bà rất vui mừng. Dụ ngôn người cha tha thứ cho đứa con phung phá đã quá quen thuộc nên hôm nay chúng ta không nghe lại dụ ngôn này. Chúng ta thấy Thiên Chúa tôn trọng tự do của con người ban rất nhiều ân huệ, giống như người cha tôn trọng tự do của con mình, ông chia tài sản, khuyên nhủ con nhưng nó không nghe nên phung phí tài sản của cha cho đến khi nhận ra rằng mình khốn khổ như thế này là vì xa rời Cha.

Đó cũng là kinh nghiệm của mỗi người chúng ta, Chúa ban cho chúng ta biết bao ân sủng, chia sẻ sự sống kỳ diệu của Ngài nhưng chúng ta lại phung phí và vẫn sống trong tội lỗi. Chúng ta luôn được mời gọi trở về để lại được sống trong ân sủng của người con thật sự của Thiên Chúa.

Qua những bài Thánh Kinh mô tả một cách cụ thể như vậy, chúng ta có thể hiểu được ơn cứu độ là gì.

2. Ơn cứu độ là gì

2.1. Ơn cứu độ theo các tôn giáo khác

Rất nhiều tín hữu, khi nói đến ơn cứu độ, là nghĩ ngay đến việc Chúa cứu mình khỏi một cơn hoạn nạn, bệnh tật, nghèo khổ, khó khăn nào đó. Nếu hiểu như vậy thì ơn cứu độ của Chúa quá tầm thường.

Thật sự khi nói đến ơn cứu độ, chúng ta nghĩ đến việc Chúa giải thoát, chữa lành bản tính hư hỏng của loài người để đưa họ vào đời sống mới của ân sủng nhờ cuộc khổ nạn và phục sinh của Đức Giêsu. Ơn cứu độ của Công giáo khác với ơn cứu độ của rất nhiều tôn giáo khác.

Theo Phật giáo, tất cả chúng sinh cứ luân chuyển mãi trong vòng sinh tử ở sáu đường, gọi là lục đạo: địa ngục, ngã quỷ, súc sinh, Atula, nhân, thiên như bánh xe quay mãi không ngừng. Sở dĩ có vòng luân hồi là do nghiệp. Muốn thoát khỏi vòng luân hồi phải dứt được nghiệp, thoát khỏi dục giới và sự cám dỗ của nó bằng con đường bát chính đạo. Như thế, mỗi người sẽ trải qua nhiều kiếp theo vòng luân hồi và theo định luật nhân quả: từ thú lên người, rồi lên thiên như thần tiên, nhưng nếu không đàng hoàng lại trở về kiếp thú, kiếp người để rồi qua hàng triệu, hàng tỷ kiếp, mới thoát ra khỏi vòng luân hồi để vào được cảnh giới an lạc tuyệt đối, vỉnh viễn, gọi là Niết Bàn,  để có thể chia sẻ sự sống kỳ diệu, vĩnh hằng, tốt đẹp giống như Đức Phật.

Đối với anh em Hồi giáo, ơn cứu độ gần gũi với thực tế đời sống hơn. Nếu dưới trần này được quyền lấy 4 vợ, thì trên thiên đàng, các tiên nữ rất đẹp và những chàng trai khoẻ mạnh có thể đáp ứng và thoả mãn mọi yêu cầu của con người. Trên thiên đàng có những dòng sông chảy sữa và mật giúp con người chẳng cần lao động mà vẫn sống đầy đủ và sung sức. Vì thế nên người ta sẵn sàng ôm bom trong người cho nổ để lên thiêng đàng ngay như các vị thánh tử đạo.

2.2. Ơn cứu độ của Công giáo

Người Công giáo chúng ta chỉ có một kiếp người và chúng ta được mời gọi để nhìn vào ơn cứu độ thật sự của chúng ta, vì ơn cứu độ này dành cho hết mọi người và thể hiện cho con người toàn diện: cả về thể xác lẫn linh hồn; cả lịch sử lẫn siêu việt. “Ơn cứu độ Công giáo là được chia sẻ sự sống kỳ diệu của chính Đức Giêsu Kitô Phục sinh, được hiệp thông vĩnh viễn vào sự sống siêu việt của Chúa Cha và được hưởng niềm vui với biết bao nhiêu ân phúc của Thánh Thần” (x. Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hoà bình, Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo, số 38).

Nếu như vậy thì con người yếu đuối, tầm thường,tội lỗi của chúng ta không thể tự cứu độ mình. Là những con người bị giới hạn bởi vật chất trong không gian và thời gian, ta không thể tự cho mình sự vô hạn, tuyệt đối, siêu việt của Thiên Chúa. Chúng ta cần phải nhờ vào Đức Giêsu Kitô – Thiên Chúa cụ thể – để cứu thoát ta. Khi chúng ta tin vào Người thì Người chuyển thông cho chúng ta thần tính của Thiên Chúa vì Người đã giao hoà chúng ta với Chúa, đã đền tội thay cho ta.

Sự cứu độ này giống như Phaolô đã cảm nghiệm: khi ta gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu, ta sẽ cảm nghiệm được sự sống của Thiên Chúa ngay trong cuộc đời trần thế, được hưởng những ơn lành của Chúa như được đưa lên tầng trời thứ ba, được những ân sủng của Thánh Thần để chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ, tha thứ tội lỗi, làm cho kẻ chết sống lại như ngài.

Ơn cứu độ ấy không đơn giản hay tầm thường vì cứu ta thoát khỏi cảnh khổ, sự thất bại hay bệnh tật nào đó – dù chúng ta mỗi ngày có thể xấu hơn, già hơn, yếu hơn –  Với thể xác này, đến giờ phút nào đó mà Chúa định, nó sẽ biến đổi khi ta vượt qua ngưỡng cửa của cái chết để chia sẻ trọn vẹn sự sống thần linh hay ơn cứu độ của Chúa dành sẵn cho ta.

2.3. Vậy muốn cảm nghiệm được ơn cứu độ ấy, chúng ta phải làm gì?

Ơn cứu độ này mời gọi chúng ta phải “tự nguyện hưởng ứng và chấp nhận” vì Chúa tôn trọng tự do của chúng ta, giống như người cha tôn trọng tự do của đứa con, không can thiệp, không kéo tay chúng ta để khỏi phạm tội. Ngài mời gọi chúng ta tự nguyện dâng hiến chính bản thân và đời sống của mình cho Chúa, mời gọi chúng ta đáp lại tình yêu đi bước trước của Thiên Chúa bằng cách yêu thương anh chị em mình một cách cụ thể vì ai yêu thương anh chị em mình là yêu Chúa. Khi chúng ta chia sẻ cho họ những ân phúc mà Chúa ban cho chúng ta thì Chúa cũng rộng rãi để chia sẻ sự sống kỳ diệu của Ngài cho ta (x. Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hoà bình, Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo, số 39).

Chúng ta luôn sống trong niềm hy vọng và trung thành trong tình yêu vì Chúa luôn trung tín, Ngài không tiếc ban Con Một của Ngài là Đức Giêsu cho chúng ta thì Ngài không tiếc với chúng ta bất cứ ân huệ nào. Điều quan trọng là chúng ta phải gặp gỡ được Đức Giêsu và sống theo lời dạy của Người, yêu thương một cách trọn vẹn như Người. Chính khi chúng ta yêu thương và kết hợp trọn với Chúa Giêsu, Người chuyển thông cho chúng ta sự sống kỳ diệu của Chúa Cha và những ân phúc của Thánh Thần.

Lời kết

Đây là một vài gợi ý để anh chị em cảm nghiệm được ơn cứu độ trong đời sống vì ơn đó không ở xa chúng ta. Mỗi khi gắn bó với Đức Giêsu thật sự, ta sẽ cảm nghiệm được ơn cứu độ của Người nhờ đó ta luôn sống trong niềm vui, hy vọng và bình an.