Thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A: hại nhiều hơn lợi
Bộ Tài nguyên – môi trường vừa báo cáo Thủ tướng hàng loạt tác hại nếu triển khai dự án thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A. Bộ cũng kiến nghị rà soát lại quy hoạch đối với hai dự án này cũng như quy hoạch thủy điện trên lưu vực sông Đồng Nai.
Thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A: hại nhiều hơn lợi
Ông Trần Văn Thành – Ảnh: Mai Vinh
Trước đó, trả lời chất vấn của đại biểu Đồng Nai tại diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng khẳng định nếu hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A ảnh hưởng lớn đến môi trường thì sẽ kiên quyết không cho phép đầu tư.
Mất vĩnh viễn 372ha rừng
Theo Bộ Tài nguyên – môi trường (TN-MT), căn cứ trên nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) mà chủ đầu tư (Công ty cổ phần tập đoàn Đức Long Gia Lai) đã điều chỉnh vào tháng 6-2013, khi vận hành hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A sẽ sản xuất trên 929 triệu kWh, nộp thuế cho Nhà nước khoảng 300 tỉ đồng/năm. Tuy nhiên, đi kèm với nó là hàng loạt cái hại.
“Bộ TN-MT đã báo cáo Thủ tướng rằng dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A khi triển khai sẽ có nhiều tác hại đến môi trường thì Bộ Công thương phải báo cáo Thủ tướng và đề nghị loại hai dự án này ra khỏi quy hoạch ngay. Đừng làm phiền toái, làm tốn công, tốn giấy mực nữa” Ông Trương Văn Vở |
Cụ thể, qua đánh giá ĐTM của chủ đầu tư, Bộ TN-MT khẳng định nơi dự kiến làm hai dự án sẽ làm mất vĩnh viễn trên 372ha đất rừng, trong đó có hơn 128ha đất ở khu Cát Lộc thuộc vùng lõi Vườn quốc gia Cát Tiên.
ĐTM nói dự án thủy điện Đồng Nai 6A không tác động đến khu ngập nước Bàu Sấu ở Vườn quốc gia Cát Tiên nhưng chưa đưa ra được số liệu cụ thể về chế độ dòng chảy theo mùa từ sông Đồng Nai ra vào khu đất ngập nước.
ĐTM chưa đánh giá đầy đủ sự tổn thất về đa dạng sinh học trong vùng ngập và thiếu tính khả thi khi không đề ra biện pháp bảo vệ, bảo tồn loài cá chình hoa quý hiếm.
Báo cáo với Thủ tướng, Bộ TN-MT còn cho biết sau khi thẩm định ĐTM cho thấy hai dự án thủy điện còn tác động đến dòng chảy hạ lưu, tác động đến nhu cầu sử dụng nước ở phía hạ du đập thủy điện Đồng Nai 6 và 6A và vi phạm Luật di sản văn hóa.
Bộ TN-MT nhận xét ĐTM của hai dự án thủy điện chưa cập nhật bổ sung các thông tin về thủy văn và chưa làm rõ phương án vận hành hồ chứa phù hợp với chế độ vận hành của riêng hồ thủy điện Đồng Nai 5 và chế độ vận hành liên hồ chứa trên sông Đồng Nai…
Ngoài ra, Bộ TN-MT còn cảnh báo các nguy cơ tiềm ẩn khác sẽ xảy ra như: khi hai dự án thủy điện được triển khai sẽ phải xây dựng các hạng mục công trình phụ trợ, đường dây truyền tải, đường giao thông sẽ tác động bất lợi đến môi trường tự nhiên và kinh tế – xã hội tại nơi diễn ra thi công, tạo cơ hội cho các hành vi xâm hại Vườn quốc gia Cát Tiên. “Việc triển khai các dự án sẽ còn có tác động bất lợi đến quá trình xem xét công nhận di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Cát Tiên” – Bộ TN-MT khẳng định.
Đừng tốn công sức nữa!
Chiều 10-9, ông Trương Văn Vở – phó Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai – cho biết đã nhận được báo cáo của Bộ TN-MT về hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Ông Vở cho rằng đây là chuyển biến rất tốt của các bộ ngành liên quan trong việc tuân thủ pháp luật, đặc biệt là việc giữ gìn kỷ cương khi lập các dự án thủy điện.
Khi được hỏi có bình luận gì về việc chủ đầu tư lại xin rút ĐTM để điều chỉnh tiếp, ông Vở khẳng định: “Đã nhiều lần Đoàn đại biểu Quốc hội Đồng Nai đã đặt câu hỏi tại nghị trường Quốc hội về cơ sở pháp lý nào để cho phép lập hai dự án trên rồi. Bởi “đầu vào” của dự án công trình quan trọng quốc gia đã vi phạm nhiều luật và cũng không trình ra Quốc hội để quyết định như nghị quyết 49/2010/QH12 quy định thì làm sao đảm bảo tính pháp lý?”.
HÀ MI
Từ chức nếu để xây thủy điện trong lõi vườn quốc gia
Đó là phát biểu của ông Trần Văn Thành, quyền giám đốc Vườn quốc gia Yok Đôn (Đắk Lắk), sau nhiều lần kiến nghị dừng dự án xây dựng thủy điện Đrăng Phốk.
Ngày 10-9, Vụ Kinh tế – xã hội Ban chỉ đạo Tây nguyên vừa có báo cáo về hai công trình thủy điện Ea K’tour (Vườn quốc gia Chư Yang Sin) và thủy điện Đrăng Phốk (Vườn quốc gia Yok Đôn) tại Đắk Lắk để thường trực Ban chỉ đạo Tây nguyên có kiến nghị với Chính phủ, các bộ ngành trung ương.
Năm 2007, UBND tỉnh Đắk Lắk đồng ý về chủ trương cho Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và ứng dụng công nghệ mới khảo sát, lập quy hoạch xây dựng thủy điện Đrăng Phốk với công suất dự kiến 28MW, diện tích rừng bị lấn chiếm là 63ha (trong đó 10ha rừng lấn chiếm tạm thời). Đến ngày 29-5-2013, UBND tỉnh Đắk Lắk cho chủ đầu tư tiếp tục thực hiện dự án, lập đánh giá tác động môi trường theo quy định…
Ông Trần Văn Thành một lần nữa kiến nghị không xây thủy điện này. Ông Thành cũng chính là người từng phản ứng quyết liệt với dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A.
* Khi còn là giám đốc Vườn quốc gia Cát Tiên (Lâm Đồng) ông cũng đã phản ứng với dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Phải chăng có câu chuyện tương đồng giữa các dự án thủy điện này?
– Sự tương đồng là ở chỗ các nhà đầu tư đã bất chấp ảnh hưởng đến môi trường, đa dạng sinh học, bất chấp những cánh rừng nguyên sinh để xây dựng thủy điện. Lý do để các nhà đầu tư lựa chọn các địa điểm này khá đơn giản: đây là những khu vực ít dân cư, không có đất nông nghiệp nên chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng thấp. Nói thật, đa dạng sinh học, những cánh rừng nguyên sinh mất đi thì không bao giờ có thể lấy lại được. Không bao giờ!
* Bộ TN-MT vừa có báo cáo gửi Thủ tướng là dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A hại nhiều hơn lợi, cảm giác của ông thế nào?
– Thật sự tôi rất vui trước thông tin này, đây là động thái ủng hộ Vườn quốc gia Cát Tiên của Bộ TN-MT. Hi vọng điều này sẽ diễn ra với Vườn quốc gia Yok Đôn.
MAI VINH – TRUNG TÂN
Không nên làm! Liên quan đến chuyện thủy điện Đồng Nai 6 và 6A sẽ làm mất vĩnh viễn trên 372ha rừng, trong đó có trên 128ha nằm trong vùng lõi Vườn quốc gia Cát Tiên, trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 10-9, giáo sư Nguyễn Ngọc Lung – viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững, ủy viên hội đồng của Bộ TN-MT về thẩm định ĐTM thủy điện Đồng Nai 6 và 6A – cho biết ngoài chuyện cơ quan quản lý, các nhà khoa học phải xem xét, cân nhắc thận trọng, có một số ý kiến cũng thẳng thắn nêu ở thời điểm hiện nay khi dư luận không đồng tình với việc lấy đất rừng quốc gia làm thủy điện thì không nên làm nữa. Bản thân quy mô của thủy điện Đồng Nai 6 và 6A cũng phải được Quốc hội thông qua về mặt chủ trương. “Cái này là phải theo luật, như lấy trên 50ha đất rừng tự nhiên là phải được Quốc hội cho chủ trương. Vậy thì thủy điện Đồng Nai 6 và 6A với quy mô 372ha phải để Quốc hội xem xét” – ông Lung nói. XUÂN LONG |