Di sản to lớn của Đức Lêô XIII để lại cho Giáo Hội
Đức Giêsu đã thẳng thắn tuyên bố ba điều kiện cần thiết để làm môn đệ của Người; yêu Chúa hơn bất cứ người nào khác, và hơn cả mạng sống mình; vác thập giá mình mà theo Người; từ bỏ mọi của cải.
Di sản to lớn của Đức Lêô XIII để lại cho Giáo Hội
Viếng thăm mục vụ tại CARPINETO ROMANO – Thánh lễ tại Quảng trường Monti Lepini, Carpineto Romano (Latium, Ý) Chúa Nhật XXIII – TN, 5/9/2010
Anh chị em thân mến!
Trước tiên, xin cho tôi biểu lộ niềm vui được hiện diện giữa anh chị em tại Carpineto Romano, theo bước chân của những vị Tiền nhiệm rất đáng mến của tôi là Đức Phaolô VI và Gioan Phaolô II! Và đây cũng là dịp đem tôi về đây: lễ kỷ niệm 200 năm ngày sinh Đức Giáo Hoàng Lêô XIII, Vincenzo Gioacchino Pecci, ngày 2/3/1810, trong thành phố bé nhỏ và xinh đẹp này. Tôi xin cám ơn tất cả anh chị em đã đón tiếp tôi! Đặc biệt, với lòng biết ơn, tôi xin chào Đức cha Lorenzo Loppa, Giám mục Giáo phận Anatri – Alatri, và ngài Thị trưởng thành phố Carpineto, đã chào đón tôi trước giờ cử hành Thánh lễ, cũng như các cấp chính quyền khác nhau đang hiện diện. Tôi đặc biệt nghĩ đến các bạn trẻ, nhất là những bạn trẻ vừa tham dự chuyến hành hương giáo phận. Rất tiếc là chuyến thăm viếng của tôi ngắn ngủi, chỉ hoàn toàn đặt trọng tâm vào buổi cử hành Bí tích Tạ Ơn này: nhưng ở đây, chúng tìm thấy tất cả: Lời và Bánh sự sống vĩnh cửu nuôi dưỡng đức tin, đức cậy và đức mến; và chúng ta canh tân mối dây hiệp thông làm cho chúng ta trở nên Giáo Hội duy nhất của Chúa Giêsu Kitô.
Chúng ta đã lắng nghe Lời Chúa, và trong dịp này, chúng ta đón nhận Lời Chúa thật hết sức tự nhiên khi nghĩ lại gương mặt của Đức Giáo Hoàng Lêô XIII và di sản người đã để lại cho chúng ta. Chủ đề chính được rút ra từ những bài đọc Sách Thánh là tối thượng quyền của Thiên Chúa và của Đức Kitô. Trong trích đoạn Tin Mừng của Thánh Luca, chính Đức Giêsu đã thẳng thắn tuyên bố ba điều kiện cần thiết để làm môn đệ của Người; yêu Chúa hơn bất cứ người nào khác, và hơn cả mạng sống mình; vác thập giá mình mà theo Người; từ bỏ mọi của cải. Đức Giêsu thấy một đám đông đi theo Người cùng với các môn đệ của mình, và Người muốn rõ ràng với hết thảy mọi người: đi theo Người là một điều mang tính đòi hỏi, nó không hề lệ thuộc vào hứng khởi hay những tư lợi cá nhân; mà phải là một quyết định đã được suy nghĩ chín chắn, sau khi đã hoàn toàn tự vấn lương tâm: đối với tôi, Đức Giêsu là ai? Người có thực sự là “Chúa”, Người có chiếm chỗ nhất giống như mặt trời có các hành tinh quay chung quanh không? Và bài đọc thứ nhất trích từ Sách Khôn Ngoan gợi cho chúng ta một cách gián tiếp về lý do của tối thượng quyền tuyệt đối của Đức Giêsu Kitô: trong Người, chúng ta có thể tìm lời giải đáp cho những câu hỏi của con người thuộc mọi thời đang đi tìm chân lý về Thiên Chúa và về chính mình. Thiên Chúa ở ngoài tầm tay với của chúng ta, và những dự định của Ngài thì khôn dò. Nhưng chính Ngài đã muốn tự mạc khải, trong tạo vật và nhất là trong lịch sử ơn cứu độ, cho đến khi Ngài hoàn toàn mạc khải chính mình cũng như ý muốn của Ngài trong Đức Kitô. Mặc dầu “chưa ai thấy Thiên Chúa bao giờ” (Ga 1,18), điều này vẫn mãi không sai, nhưng hiện nay, chúng ta biết được “tên” của Ngài, “gương mặt” của Ngài, cũng như ý muốn của Ngài, bởi vì Đức Giêsu, sự Khôn ngoan của Thiên Chúa làm người, đã mạc khải cho chúng ta. “Chính vì thế, – Tác giả thánh viết – mà con người đã học được điều đẹp lòng Ngài, và nhờ Đức Khôn Ngoan họ đã được cứu độ” (Kn 9,18).
Khi cơ bản nhắc lại Lời Chúa, chúng ta liên tưởng tới hai khía cạnh trong đời sống và thừa tác vụ của người đồng hương đáng kính mà hôm nay chúng ta tưởng nhớ, đó là Đức Giáo Hoàng Lêô XIII. Trước tiên, ta phải nhấn mạnh rằng người có một niềm tin vững chắc và một lòng mộ đạo sâu xa. Đây là nền tảng của mọi sự cho mỗi Kitô hữu, kể cả Đức Giáo Hoàng. Không có kinh nguyện, nghĩa là không có sự kết hợp nội tâm với Thiên Chúa, thì chúng ta chẳng làm được gì, như Đức Giêsu đã nói rõ với các môn đệ trong bữa Tiệc ly (x. Ga 15,5). Lời nói và hành động của Đức Giáo Hoàng Pecci cho chúng ta thấy lòng sùng đạo của người rất sâu xa; và điều này cũng âm vang trong Huấn quyền của người: trong số lớn các Thông điệp và Tông thư, như thể sợi chỉ trong một chuỗi hạt, có những tài liệu mang đặc tính hoàn toàn tu đức, chủ yếu được dành cho việc đào sâu lòng tôn sùng Đức Mẹ, đặc biệt là qua tràng chuỗi Mân côi. Đấy là một “huấn giáo” thực sự đã nhịp bước theo suốt triều đại Giáo Hoàng hai mươi lăm năm của người, từ lúc khởi đầu cho đến cuối. Nhưng chúng ta cũng tìm thấy những tài liệu về Chúa Kitô Cứu Thế, về Chúa Thánh Thần, và về sự tận hiến cho Thánh Tâm, về lòng tôn sùng đối với Thánh Giuse, đối với Thánh Phanxicô Assise. Đức Lêô XIII đặc biệt gắn liền với gia đình Phan Sinh, và chính người cũng gia nhập Dòng ba. Tôi muốn đề cập đến tất cả các yếu tố khác nhau này như thể các mặt của cùng một thực tại duy nhất: dứt khoát ta không được đặt trước tình yêu của Thiên Chúa và của Đức Kitô. Và chính nơi đây, trong ngôi làng sinh trưởng, Vincenzo Gioacchino Pecci đã học được đức tính đầu tiên và chính yếu này từ cha mẹ và giáo xứ của mình.
Nhưng ta thấy còn có một khía cạnh thứ hai, vẫn luôn xuất phát từ tối thượng quyền của Thiên Chúa và của Đức Kitô, và ta có thể tìm thấy trong hoạt động công của bất cứ vị mục tử nào trong Giáo Hội, đặc biệt là của bất cứ vị Giáo Hoàng nào, với những đặc tính riêng biệt của nhân cách mỗi vị. Tôi cũng có thể nói được rằng khái niệm “khôn ngoan Kitô giáo” được nhắc đến trong bài đọc một và bài Phúc Âm tổng hợp nét đặc trưng của Đức Lêô XIII – đây không phải là điều tình cờ, mà là incipit – những từ đầu tiên – của một trong số các thông điệp của người. Chúa mời gọi mỗi vị mục tử không những chuyển trao lại cho dân Chúa những giá trị trừu tượng, mà còn chuyển trao một sự “khôn ngoan”, nghĩa là một sứ điệp liên kết đức tin và cuộc sống, chân lý và thực tế cụ thể. Đức Giáo hoàng Lêô XIII, với sự giúp đỡ của Chúa Thánh Thần, có khả năng làm được điều này vào một trong những giai đoạn lịch sử khó khăn nhất đối với Giáo Hội, và người vẫn luôn sống trung thành với truyền thống, và đồng thời, vẫn đọ sức với những câu hỏi lớn được đặt ra. Và người đã thành công, khi dựa trên nền tảng “khôn ngoan Kitô giáo”, được xây dựng trên Kinh Thánh, trên di sản lớn lao của Giáo Hội về thần học và tu đức, cũng như dựa trên nền triết học vững chắc và rõ ràng của Thánh Tôma Akinô được Đức Giáo Hoàng đánh giá ở mức độ cao nhất, và được người cổ vũ trong toàn thể Giáo Hội.
Do đó, sau khi đã suy nghĩ về nền tảng, nghĩa là đức tin và đời sống thiêng liêng, cũng như khung cảnh chung của sứ điệp Đức Lêô XIII, tôi có thể nhắc lại huấn quyền xã hội của người rất nổi tiếng và bất diệt qua Thông điệp Rerum novarum – Tân sự -, nhưng ngoài ra, cũng còn có những tài liệu khác tạo nên một tổng hợp có tổ chức, là cái nhân đầu tiên của học thuyết xã hội của Giáo Hội. Chúng ta hãy khởi đi từ Thư gửi cho Philémon của Thánh Phaolô. Phụng vụ đã rất có lý khi đưa ra cho chúng ta đọc trong ngày hôm nay. Đây là bản văn ngắn nhất trong các Thư của Thánh Phaolô. Trong suốt thời gian bị cầm tù, Thánh Tông đồ đã chuyển trao đức tin cho Onésime, một người nô lệ gốc Côlôxê đã chạy trốn chủ của mình là Philémon, một cư dân giàu có trong thành phố này, ông đã cùng gia đình trở lại đạo nhờ lời rao giảng của Phaolô. Giờ đây, Tông đồ Phaolô biên thư cho Philémon, và kêu gọi ông tiếp nhận Onésime, không phải như một người nô lệ nữa, mà là một người anh em trong Đức Kitô. Tình huynh đệ mới của Kitô giáo vượt lên trên sự phân chia giữa nô lệ và người tự do, và khai mào trong lịch sử nguyên tắc về thăng tiến con người, và nguyên tắc này đã chuẩn bị cho việc huỷ bỏ chế độ nô lệ, cũng như vượt qua những rào cản mà ngày hôm nay vẫn còn có đó. Đức Giáo hoàng Lêô XIII đã dành Thông điệp Catholicae Ecclesiae, năm 1890, cho chủ đề về nô lệ.
Từ kinh nghiệm đặc trưng này của Thánh Phaolô đối với Onésime, ta có thể suy nghĩ sâu xa hơn về nhiệt huyết trong việc thăng tiến con người do Kitô giáo mang lại trên con đường văn minh, cũng như phương pháp và cách thức đóng góp, dựa theo những hình ảnh trong Tin Mừng về hạt giống và men trong bột: bên trong thực tế lịch sử, các Kitô hữu, khi hoạt động riêng rẽ như những công dân, hay dưới hình thức đoàn thể, đều tạo nên một sức mạnh tốt lành và hoà bình mang lại những thay đổi sâu xa, cổ vũ cho sự phát triển những tiềm năng nội tại của chính thực tại. Đó là cách thức hiện diện và hoạt động trên thế giới được học thuyết xã hội của Giáo Hội đề nghị, học thuyết này nhằm giúp các lương tâm trở nên chín chắn hơn, và đó là điều kiện cần thiết để có được những thay đổi hữu hiệu và bền vững.
Giờ đây, chúng ta đặt câu hỏi: đâu là bối cảnh, cách đây đã hai thế kỷ, của một con người mà sáu mươi tám năm sau sẽ trở thành Đức Giáo Hoàng Lêô XIII? Châu Âu lúc đó trải qua cơn bão tố lớn mang đậm nét Napoléon, tiếp theo sau cuộc Cách mạng Pháp. Người ta đã đặt lại vấn đề một cách triệt để về Giáo Hội, và về nhiều hình thức biểu lộ của nền văn hoá Kitô giáo, (chẳng hạn người ta không còn tính niên lịch từ lúc Đức Kitô sinh ra, nhưng tính từ đầu kỷ nguyên mới của cách mạng, hay bỏ tên các Thánh ra khỏi niên lịch, hay không còn giữ tên các Thánh cho các đường phố, làng mạc v.v…). Chắc chắn là dân chúng ở các vùng quê không tán thành những đảo lộn này, và họ vẫn sống gắn bó với các truyền thống tôn giáo. Cuộc sống thường nhật thì nặng nhọc và khó khăn: những điều kiện vệ sinh y tế và thực phẩm lại rất bấp bênh. Đồng thời, công nghiệp phát triển, và cùng với nền công nghiệp, phong trào thợ thuyền ngày càng được tổ chức một cách chính trị hơn. Huấn quyền Giáo Hội, nằm ở bình diện cao nhất, được hỗ trợ và giúp đỡ bởi những suy tư và kinh nghiệm địa phương, nhằm đưa ra một đường hướng chú giải toàn bộ trong viễn tượng của xã hội mới và công ích. Do đó, khi Đức Lêô XIII được bầu làm Giáo Hoàng vào năm 1878, người cảm thấy mình được Chúa kêu gọi hoàn thiện hoá cách chú giải này nhờ những kiến thức rộng lớn có tầm cỡ quốc tế của người, nhưng đồng thời, cũng chịu ảnh hưởng của nhiều sáng kiến được thực hiện “tại chỗ” của những cộng đoàn Kitô giáo, và của những con người trong Giáo Hội, nam cũng như nữ.
Thực thế, có rất nhiều vị Thánh và Chân phước, từ cuối thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XIX, đã tìm cách thử nghiệm, với tính sáng tạo về phương diện bác ái, nhiều đường hướng để áp dụng sứ điệp Tin Mừng giữa lòng những thực tại mới của xã hội. Chắc hẳn những sáng kiến này, cùng với hy sinh và suy tư của những người đàn ông và phụ nữ này đã chuẩn bị mảnh đất cho Thông điệp Rerum novarum – Tân sự – và những tài liệu xã hội khác của Đức Giáo Hoàng Pecci ra đời. Ngay từ thời người còn làm Sứ thần Toà Thánh tại Bỉ, người đã hiểu rằng vấn đề xã hội có thể được giải quyết một cách tích cực và hữu hiệu qua đối thoại và suy tư. Ở vào một giai đoạn chống đối hàng giáo sĩ một cách quyết liệt, và biểu tình chống đối Đức Giáo Hoàng một cách mãnh liệt, Đức Lêô XIII đã biết xử trí thế nào để hướng dẫn và nâng đỡ người Công giáo trên con đường hướng đến việc tham gia có tính xây dựng, phong phú về nội dung, cương quyết về mặt nguyên tắc và có khả năng cởi mở. Chẳng bao lâu sau Thông điệp Rerum novarum, ta đã thấy xuất hiện tại Ý và trong nhiều quốc gia khác rất nhiều sáng kiến: các hội đoàn, các quỹ hỗ trợ vùng quê và thợ thủ công, báo chí… một “phong trào” vĩ đại và ta có thể xem người Tôi tớ Chúa, Giuseppe Toniolo, là một người thúc đẩy đầy sáng suốt. Một vị Giáo Hoàng rất già, nhưng lại đầy khôn ngoan và sáng suốt, và như thế, có thể đưa một Giáo Hội tươi trẻ, với một thái độ đứng đắn để đương đầu với những thách đố mới, vào trong thế kỷ XX. Xét về mặt chính trị và thể lý, người ta vẫn xem Đức Lêô XIII là vị Giáo Hoàng bị “giam chặt” tại Vatican, nhưng trên thực tế, với huấn quyền của mình, Đức Lêô XIII đã đại diện cho một Giáo Hội có khả năng đương đầu với những vấn nạn to lớn của thế giới mà không hề có một chút phức cảm nào.
Các bạn Carpineto Romano thân mến, chúng ta không có nhiều giờ để đào sâu những vấn nạn này. Bí tích Thánh Thể mà chúng ta cử hành, Bí tích Tình yêu, đưa chúng ta về với điều chính yếu: bác ái, tình yêu của Đức Kitô đổi mới con người và thế giới; đó chính là điều thiết yếu, và chúng ta thấy rõ điều này, chúng ta trực giác được điều này ngay trong lời nói của Thánh Phaolô trong Thư gửi cho Philémon. Thực thế, trong lá Thư ngắn gọn này, ta thấy được cả sự dịu hiền, và đồng thời, sức mạnh cách mạng của Tin Mừng; ta thấy được phong cách kín đáo, nhưng đồng thời cũng không thể nào cưỡng lại được của tình bác ái, như tôi đã viết trong Thông điệp xã hội của tôi, Caritas in veritate, là “sức mạnh năng động thiết yếu để mỗi người và toàn thể nhân loại có thể được thực sự phát triển” (s.1). Như thế, với niềm vui và tình yêu mến, tôi xin gửi lại cho anh chị em giới răn cổ xưa nhưng lại luôn mới mẻ: anh chị em hãy yêu thương nhau như Đức Kitô đã yêu thương chúng ta, và với tình yêu này, anh chị em hãy là muối và ánh sáng cho trần gian. Như thế, anh chị em sẽ trung thành với di sản của người đồng hương vĩ đại và đáng kính của anh chị em là Đức Giáo Hoàng Lêô XIII. Và ước gì người luôn mãi như thế trong toàn thể Giáo Hội! Amen.