16/01/2025

Tình hình Syria: Đức Thượng phụ Giêrusalem kêu gọi phải thận trọng

Gần như khó tránh khỏi một cuộc tấn công chống lại chế độ Syria, đang bị cáo buộc đã sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc chiến chống quân nổi dậy. Sự can thiệp này về mặt quân sự của phương Tây sẽ do Hoa Kỳ, Anh và Pháp cầm đầu. Damascus quyết tâm tự vệ. Các đồng minh Nga và Iran của chế độ Bashar al-Assad cũng cảnh báo nguy cơ mất ổn định của toàn khu vực trong trường hợp nước ngoài tấn công vào Syria.

 Tình hình Syria: Đức Thượng phụ Giêrusalem kêu gọi phải thận trọng

 
WHĐ (31.08.2013) – Gần như khó tránh khỏi một cuộc tấn công chống lại chế độ Syria, đang bị cáo buộc đã sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc chiến chống quân nổi dậy. Sự can thiệp này về mặt quân sự của phương Tây sẽ do Hoa Kỳ, Anh và Pháp cầm đầu. Damascus quyết tâm tự vệ. Các đồng minh Nga và Iran của chế độ Bashar al-Assad cũng cảnh báo nguy cơ mất ổn định của toàn khu vực trong trường hợp nước ngoài tấn công vào Syria.

Đức Thượng phụ Fouad Twal, Thượng phụ Giêrusalem, đã đưa ra lời kêu gọi phải thận trọng vì sự ổn định của toàn khu vực.

Đức Thượng phụ cho thấy rằng càng lúc càng có thêm tín hiệu về viễn cảnh phương Tây sẽ can thiệp vào Syria, và ngài dâng “lời cầu nguyện với Chúa Thánh Thần, xin Chúa soi sáng con tim của những ai đang nắm trong tay vận mệnh của các dân tộc”. Ngỏ lời với những nhà lãnh đạo này, ngài nhắc nhở họ “trong các quyết định của mình, đừng quên đi yếu tố con người”. Đức Thượng phụ lưu ý rằng “người Israel đã đổ xô đến các trung tâm phân phối mặt nạ phòng chống hơi độc và các cư dân của khu vực Trung Đông bắt đầu dự trữ lương thực thực phẩm”, và nghiêm túc tự hỏi về những rủi ro nếu xảy ra một sự leo thang bạo lực trong khu vực:

“Sao lại có thể tuyên chiến trong khi các chuyên gia Liên hiệp quốc vẫn chưa đưa ra kết luận cuối cùng về cuộc tấn công vũ khí hoá học và ai là người chịu trách nhiệm về cuộc tấn công ấy? Ở đây chúng tôi thấy có một logic khiến chúng ta nhớ lại việc chuẩn bị cuộc chiến tranh Iraq năm 2003. Không được lặp lại “tấn hài kịch này về các vũ khí hủy diệt hàng loạt ở Iraq” trong khi không hề có. Ngày nay đất nước này (Iraq) vẫn còn ở trong tình trạng khốn khổ”.

“Sao bạn lại quyết định tấn công một quốc gia, một dân tộc? Bạn có quyền gì? Nếu Tổng thống Mỹ có quyền đơn phương phát động các cuộc không kích chống Syria (nhưng vẫn phải thông báo cho Quốc hội), vậy còn Liên đoàn Ả Rập và Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc thì sao? Các bạn của chúng tôi ở phương Tây và Hoa Kỳ đã không bị Syria tấn công. Căn cứ vào pháp luật nào mà họ dám tấn công một quốc gia? Ai đã đặt họ làm ‘cảnh sát dân chủ’ ở Trung Đông?”

“Có ai đã nghiêm túc nghĩ đến hậu quả của một cuộc chiến tranh như thế với Syria và các nước láng giềng? Liệu có cần nâng thêm tổng số người chết – đến nay đã là hơn 100.000 – nữa không? Cần phải lắng nghe tiếng khóc than khổ đau của những người đang sống ở Syria kéo dài đã 2 năm rưỡi nay. Có ai nghĩ đến các bà mẹ, trẻ em, và những người vô tội? Và liệu những nước tấn công Syria có thấy rằng công dân của họ trên khắp thế giới, các đại sứ quán và lãnh sự quán của họ có thể sẽ là mục tiêu của các cuộc tấn công và đánh bom trả đũa?”

“Nói rộng hơn, chúng ta có lường được các hậu quả đối với khu vực Trung Đông? Theo các nhà quan sát, cuộc tấn công cần phải nhắm mục tiêu rõ ràng và tập trung vào một vài địa điểm chiến lược để ngăn chặn việc tiếp tục sử dụng vũ khí hoá học. Theo kinh nghiệm chúng tôi biết rằng một cuộc tấn công nhằm mục tiêu có thể có những hậu quả phụ – nhất là những phản ứng mạnh mẽ có thể châm ngòi khu vực”.

Về tất cả những vấn đề này, Đức Thượng phụ Fouad Twal kêu gọi phải thận trọng và mong muốn có “hòa bình và an ninh trong toàn khu vực này, vốn đã chịu quá nhiều đau khổ”. Ngài nói thêm: “Là những Kitô hữu ở Thánh Địa, chúng ta cầu nguyện cho người dân Syria, mà chúng ta đã thấy tất cả những đau khổ của họ khi họ đến tị nạn trong giáo phận của chúng ta tại Jordan”.

Cuộc xung đột đã thúc đẩy làn sóng hơn 500.000 người Syria đến Jordan tị nạn.

(Theo LPJ)