18/10/2024

Khiêm nhường để nhận được phần thưởng Chúa ban

Bài Phúc Âm Chúa Nhật hôm nay (Lc 14,1.7-14) giới thiệu Đức Giêsu được một thủ lãnh nhóm người biệt phái mời dùng bữa tại nhà ông. Khi Chúa thấy các thực khách đều chọn những chỗ nhất tại bàn tiệc, Người liền kể một dụ ngôn về tiệc cưới. “Khi người ta mời anh đi ăn cưới, anh đừng ngồi vào cỗ nhất, bởi vì người ta có thể mời một ai đó quan trọng hơn anh.

 Khiêm nhường để nhận được phần thưởng Chúa ban

Kinh Truyền Tin – Dinh Castel Gandolfo Chúa Nhật XXII TN, 29/8/2010

Anh chị em thân mến,

Bài Phúc Âm Chúa Nhật hôm nay (Lc 14,1.7-14) giới thiệu Đức Giêsu được một thủ lãnh nhóm người biệt phái mời dùng bữa tại nhà ông. Khi Chúa thấy các thực khách đều chọn những chỗ nhất tại bàn tiệc, Người liền kể một dụ ngôn về tiệc cưới. “Khi người ta mời anh đi ăn cưới, anh đừng ngồi vào cỗ nhất, bởi vì người ta có thể mời một ai đó quan trọng hơn anh. Lúc đó, người đã mời anh lẫn vị khách quan trọng kia sẽ đến mà nói với anh: “Xin ông nhường chỗ cho vị này”… Trái lại, khi người ta mời anh, anh hãy vào ngồi chỗ cuối” (Lc 14,8-10).

Chúa không hề có ý cho chúng ta một bài học về cách xử thế, hay về tôn ti trật tự giữa các cấp lãnh đạo khác nhau. Đúng hơn, Người nhấn mạnh đến một điểm then chốt, đó là đức khiêm nhường: “Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên” (Lc 14,11).

Theo một ý nghĩa sâu xa hơn, thì dụ ngôn này cũng làm cho chúng ta liên tưởng tới địa vị của con người đối với Thiên Chúa. Thực thế, “chỗ chót” có thể biểu thị cho tình trạng của nhân loại bị tội lỗi làm cho ra hư đốn, tình trạng mà chỉ mình Chúa Con độc nhất xuống thế làm người mới có thể nâng lên. Do đó, Đức Kitô “đã chiếm lấy chỗ rốt cùng trên trần gian này — đó là Thánh giá — và vì khiêm nhường sâu thẳm, Người đã cứu chuộc chúng ta và không ngừng giúp đỡ chúng ta” (Thông điệp Deus caritas est, – Thiên Chúa là Tình yêu – s. 35).

Cuối bài dụ ngôn, Đức Giêsu gợi ý cho ông trưởng nhóm biệt phái, thay vì mời khách đến dự tiệc nhà ông là bạn bè, bà con hay láng giềng giàu có, thì nên mời những người nghèo khổ nhất, và những người bị gạt ra ngoài lề xã hội, là những người không thể có khả năng tài chính để mời lại ông (x. Lc 14, 13 – 14), để việc làm của ông mang tính nhưng không.

Phần thưởng thực sự, chính là Thiên Chúa, Đấng sau cùng sẽ ban phần thưởng cho chúng ta, Người là Đấng “cai quản thế giới… Về phần chúng ta, chúng ta chỉ có thể dâng lên Người công việc phục vụ của chúng ta, ngần nào chúng ta có thể, và bao lâu Chúa còn ban cho chúng ta sức mạnh để làm việc” (Thông điệp Deus caritas est, – Thiên Chúa là Tình yêu – s. 35). Do đó, một lần nữa, chúng ta hãy nhìn về Đức Kitô như mẫu gương khiêm nhường và cho không: chúng ta hãy học nơi Người tính kiên nhẫn khi bị cám dỗ, lòng hiền dịu khi bị xúc phạm, vâng lời Thiên Chúa khi chịu đau khổ, và chờ đợi Đấng mời gọi chúng ta đến nói với chúng ta: “Này anh bạn, xin rước anh bạn lên mâm trên” (x. Lc 14,10); vì chưng, điều thiện hảo thực sự là được ở gần Người. Thánh Louis IX, vua nước Pháp – mà chúng ta vừa mừng lễ vào thứ tư vừa qua – đã đem ra áp dụng điều đã được viết trong Sách Huấn Ca: “Con càng vĩ đại bao nhiêu, thì con lại càng phải hạ mình bấy nhiêu, để trước tôn nhan Người, được đẹp lòng Chúa” (3,18). Thánh nhân đã viết như thế trong “Chúc thư thiêng liêng của người” để lại cho con trai mình: “Nếu Chúa ban cho con được thịnh vượng, không những con phải khiêm nhường cám ơn Chúa, mà còn phải coi chừng để không trở nên xấu xa hơn do vinh quang hão huyền hay do một cách nào khác, con cũng phải coi chừng đừng chống đối Thiên Chúa hay xúc phạm đến Ngài bằng chính hồng ân Ngài ban tặng cho con” (Acta Sanctorum Augusti 5 [1868], 546).

Các bạn thân mến, hôm nay chúng ta cũng nhớ Thánh Gioan Baotixita bị trảm quyết, người là vị Tiên tri lớn nhất trong số các Tiên tri của Đức Kitô, người đã biết từ chối mình để nhường chỗ cho Đấng Cứu Thế. Người đã chịu đau khổ và chịu chết vì chân lý. Chúng ta hãy cầu xin Thánh nhân, cũng như cầu xin Đức Trinh Nữ Maria, hướng dẫn chúng ta trên con đường khiêm nhường, để trở nên xứng đáng với phần thưởng Chúa ban.