25/11/2024

Phận “rau quế”, “rau lang” vào đại học

Rất nhiều tân sinh viên ở các vùng quê nghèo Quảng Bình, Thanh Hoá… lớn lên mộc mạc như luống rau lang, rau quế ngoài vườn… Sống trong gian khó, thiếu thốn từ nhỏ nhưng các em vẫn kiên cường đến cùng, nỗ lực vượt khó để tiếp tục đến trường, được thực hiện những ước mơ đẹp của mình…

Phận “rau quế”, “rau lang” vào đại học

Rất nhiều tân sinh viên ở các vùng quê nghèo Quảng Bình, Thanh Hoá… lớn lên mộc mạc như luống rau lang, rau quế ngoài vườn…

 Sống trong gian khó, thiếu thốn từ nhỏ nhưng các em vẫn kiên cường đến cùng, nỗ lực vượt khó để tiếp tục đến trường, được thực hiện những ước mơ đẹp của mình…

“Khó trăm bề cũng phải lần cho ra…”

Ngồi bên mẹ, tân sinh viên Nguyễn Thị Hậu (đỗ 23,5 điểm vào Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng, trú tại thôn Mỹ Đức, xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) buồn buồn kể lại chuyện nhà mình.

Hậu còn nhớ bốn năm trước ba em cố cày nốt thửa ruộng thì gục xuống giữa trưa, may có mấy bạn cày dìu về nhà. Rồi căn bệnh tai biến mạch máu não đã cướp đi ba em, trụ cột chính trong gia đình. Mẹ Hậu đau ốm luôn, một lúc mắc ba trọng bệnh tim, gan và cột sống nên không đủ sức thay ba cày bừa, đành phải cho người làng làm bốn sào ruộng để đổi lấy năm thúng thóc mỗi vụ (khoảng 60kg). Còn tiền mua sách vở cho Hậu và chi tiêu hằng ngày thì hai mẹ con trông vào mớ rau trong mảnh vườn trắng cát.

“Hôm em chuẩn bị đi thi ĐH ở Đà Nẵng, mẹ khóc nhiều lắm. Em không biết vì răng mẹ khóc. Đến khi người hàng xóm qua nhà nhìn miết cái tủ hai buồng (vật dụng đáng giá nhất trong nhà) rồi nói với em là mẹ kêu bán cái tủ thì em mới hiểu. Em nói với mẹ “con không đi thi cũng được, mẹ bán tủ mần chi”. May mà người ta thấy tủ bị hở ván nhiều quá nên chê không mua. Không bán được tủ, mẹ tất tả chạy mượn tiền khắp nơi được 1,4 triệu đồng. Vậy là mẹ an tâm cho em vô Đà Nẵng thi” – Hậu kể.

Nghe con tâm sự, mẹ Hậu là bà Võ Thị Hoa ngậm ngùi: “Mấy ngày ni hắn đi ra đi vào ra chiều băn khoăn lắm, nói là sắp nhập học rồi. Tui lên ủy ban xã mần thủ tục cầm sổ đỏ căn nhà lấy tiền cho con nhập học nhưng xã nói là nhà đang có khoản vay chưa trả nên chưa cho vay tiếp. Vô trường thì học phí mấy, tiền ở trọ mấy, tiền ăn mấy, còn tiền sách vở nữa. Chắc là phải đi vay cái đã. Khó trăm bề cũng phải lần cho ra để con đi học. Đời miềng đến ni hai thứ tóc, ngắn lại rồi. Đời con còn dài lắm”…

 

Cô bé 28kg đỗ đại học

Nghe tin cô bé tật nguyền Trần Thị Thúy (18 tuổi, trú tại thôn Lam Sơn, xã Các Sơn, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) đỗ Trường ĐH Khoa học tự nhiên thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội với 22 điểm, thầy giáo chủ nhiệm Bùi Anh Hiếu vui nói: “Thúy dẫn đầu tốp học sinh khá của lớp. Nghị lực vươn lên trong học tập của Thúy thật phi thường. Nhiều hôm học môn toán trên lớp, Thúy rất muốn giơ tay lên bảng để giải theo cách của mình, nhưng em không đi lại được làm tôi rơi nước mắt…”.

Thúy bị tật nguyền từ nhỏ. Sau trận ốm nặng, đôi chân teo tóp khiến Thúy không thể đi lại được. Hiện Thúy chỉ nặng 28kg. Thương bố mẹ chạy chợ bán từng nải chuối, bó rau mưu sinh, Thúy biết mình phải vượt qua mặc cảm tật nguyền để học tập thật tốt. Đôi tay Thúy lúc cầm bút dạy cho các em học bài, lúc là đôi chân di chuyển quanh nhà giúp việc vặt cho bố mẹ.

Suốt những năm Thúy học phổ thông, bố Thúy chạy chiếc xe máy cà tàng một bên đèo chiếc sọt đựng hoa quả đi bán các chợ quê, một bên chở Thúy vượt gần 9km từ nhà đến trường học. Ông tâm sự: “Năm nào Thúy cũng được giấy khen của trường. Những hôm trời mưa dông, thầy cô cho phép Thúy nghỉ học nhưng Thúy vẫn nhờ bố chở đến trường”. Nhìn cảnh đứa con gái tật nguyền ngồi lọt thỏm trong chiếc sọt đựng hoa quả sau xe bố chở đi dưới trời mưa dông không ai cầm được nước mắt.

“Từ lâu em ước mơ có một chiếc máy tính xách tay để được học thêm vi tính, biết thêm về khoa học, công nghệ nhưng vì bố mẹ còn vất vả quá nên đành chịu. Bố mẹ hứa khi em đỗ ĐH sẽ dành dụm tiền hoặc vay ngân hàng mua cho em. Nhưng nay nhập học phải chi nhiều khoản tiền, rồi còn làm đôi chân giả và thuê phòng trọ ở Hà Nội nữa. Ước mơ của em phải tạm gác lại” – Thúy nói.

 

Chàng đan quại cói hiếu thảo

Mẹ của Mai Trọng Hùng bị bệnh thần kinh rồi sinh Hùng trong cảnh không có bố. Hai mẹ con về sống với bà ngoại ở xã Nga Nhân, huyện Nga Sơn (Thanh Hóa). Khi bà ngoại còn sống, hai bà cháu quần quật với hai sào ruộng khoán. Năm 2011 bà mất, mọi công việc đồng áng đổ hết lên vai Hùng. Hùng còn tranh thủ đạp xe cách nhà 10km để mua cói nguyên liệu về đan quại cói (dùng kê lót hàng hóa, làm thảm) bán kiếm tiền mua thuốc chữa bệnh cho mẹ. Mỗi ngày trừ lúc đến trường, Hùng đan quại cói cũng được từ gần 10.000 đồng, phụ giúp mẹ mua vài con cá khô, miếng đậu phụ cải thiện bữa ăn.

Những lúc giáp hạt, Hùng thường nhịn ăn sáng đến trường để dành gạo cho mẹ không đứt bữa ăn. Có hôm đang học nghe tin mẹ lên cơn thần kinh, Hùng chạy vội về tìm mẹ trong nước mắt. Những ngày ôn thi ĐH phải thức khuya, bụng đói cồn cào, nhà không có gì ăn Hùng vẫn gắng giải xong đề luyện thi mượn của thầy cô giáo. Nỗ lực của chàng trai hiếu thảo đã được đền đáp, Mai Trọng Hùng trở thành tân sinh viên khoa quản trị thương mại điện tử Trường ĐH Thương mại Hà Nội với 25 điểm. Nghe tin Hùng vào ĐH, thầy Mai Đại Chính – giáo viên Trường THPT Nga Sơn – cảm động nói: “Hùng là tấm gương đầy nghị lực. Năm lớp 11, lớp 12 Hùng đã đoạt giải ba và giải khuyến khích môn hóa cuộc thi học sinh giỏi toàn tỉnh”.

LAM GIANG – HÀ ĐỒNG