23/01/2025

Phỏng vấn Linh mục Josè Maria Di Paola, Cha sở xóm nghèo ngoại ô Buenos Aires

Trong số những người tham dự đại hội tình bạn các dân tộc tại Rimini cũng có Linh mục Josè Maria Di Paola, người Argentina, thuộc Tổng Giáo phận Buenos Aires, và là một trong các linh mục đã được Đức Hồng y Jorge Bergoglio mạnh mẽ ủng hộ và khích lệ trong công tác tông đồ mục vụ thăng tiến cuộc sống của dân nghèo sống trong các khu xóm ổ chuột vùng ngoại ô thủ đô Buenos Aires.

 Phỏng vấn Linh mục Josè Maria Di Paola, Cha sở xóm nghèo ngoại ô Buenos Aires

 
Trong các ngày từ 18 đến 24-8-2013, Đại hội tình bạn các dân tộc lần thứ 34 đã diễn ra tại Rimini, trung Italia, với sự tham dự của 800.000 người đến từ nhiều nước trên thế giới. Đề tài của đại hội lần này lá “Tình trạng khẩn cấp con người”. Đã có hàng trăm sinh hoạt khác nhau: các buổi cử hành phụng vụ, canh thức cầu nguyện, suy tư, chia sẻ chứng từ, các bài thuyết tình của các chuyên viên chính trị, kinh tế, tài chính, xã hội, văn hoá và tôn giáo, cũng như các cuộc hội luận bàn tròn về hàng trăm vấn đề khác nhau của con người trên thế giới hiện nay như: các thảm cảnh của chiến tranh, xung khắc, các kỳ thị, bách hại, đàn áp tôn giáo, các chế độ độc tài đảng trị, các chủ thuyết quốc gia quá khích, các khuynh hướng tôn giáo cuồng tín, các bất công xã hội, cảnh sống nghèo đói, hố sâu ngăn cách giữa thiểu số giàu sụ và đại đa số dân nghèo trong mọi xã hội trên thế giới, các vi phạm trầm trọng quyền con người, đặc biệt là quyền sống, quyền tự do lương tâm, tự do tôn giáo, tự do tư tưởng, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do di chuyển… Ngoài ra cũng có các buổi hoà nhạc, trình diễn văn nghệ, các cuộc triển lãm, các buổi giao lưu văn hoá đặc biệt là giữa các người trẻ…

Trong số những người tham dự đại hội tình bạn các dân tộc tại Rimini cũng có Linh mục Josè Maria Di Paola, người Argentina, thuộc Tổng Giáo phận Buenos Aires, và là một trong các linh mục đã được Đức Hồng y Jorge Bergoglio mạnh mẽ ủng hộ và khích lệ trong công tác tông đồ mục vụ thăng tiến cuộc sống của dân nghèo sống trong các khu xóm ổ chuột vùng ngoại ô thủ đô Buenos Aires.

Sau khi kết thúc đại hội, cha đã về Roma thăm vị Tổng Giám mục cũ của mình là Đức Thánh Cha Phanxicô.

Từ nhiều năm nay, cha vẫn hăng say dấn thân lo cho dân nghèo sống trong các khu xóm ổ chuột Buenos Aires và người dân âu yếm gọi cha là “Cha Pepe”, cũng như họ đã gọi Đức Hồng y Tổng Giám mục là “Cha Bergoglio”. Pepe hay Pepino là kiểu gọi tắt thân tình của tên gọi Giuseppe hay Giuse. Cha Di Paola là người rất can đảm, vì cha đã mạnh mẽ lên tiếng tố cáo các tổ chức buôn bán ma tuý và tội phạm hoạt động trong các khu xóm nghéo ngoại ô Buenos Aires. Các sinh hoạt mục vụ giới trẻ của cha ngăn cản tầm hoạt động và sự hữu hiệu của các tổ chức này, chuyên dụ dỗ người trẻ đi vào con đường nghiện ngập ma tuý và gia nhập các băng đảng tội phạm, bụi đời. Chính vì thế cha đã cha bị các tổ chức buốn bán ma túy thù ghét và đe doạ giết nhiều lần.

Hỏi: Thưa Cha Pepe, cha đã gặp Đức Thánh Cha Phanxicô, cha có cảm tưởng gì, và cha nhận thấy Đức Thánh Cha ra sao?

Đáp: Sự thực đó đã là một cuộc gặp gỡ rất cảm động đối với tôi. Tôi đã không gặp ngài từ khi ngài rời Buenos Aires. Tôi tới, tôi trông thấy ngài như vậy thật lạ lùng quá, đồng thời tôi cũng rất là cảm động trông thấy ngài như là một Giáo hoàng. Ngài khoẻ mạnh lắm. Tôi thấy ngài đầy nghị lực và rất là mạnh mẽ. Ngài trẻ trở lại. Tôi sẽ trở về Argentina rất hài lòng, bởi vì cho dù trách nhiệm hướng dẫn Giáo Hội có lớn lao, tôi thấy Đức Thánh Cha có đủ sức lực cần thiết để chu toàn nó.

Hỏi: Đức Thánh Cha có nhớ Argentina và Buenos Aires không, thưa cha?

Đáp: Tôi tin là không. Tôi tin rằng ngài biết hiện tại của ngài ra sao. Tôi đã đem theo bình thuỷ và trà mate, và chúng tôi đã uống với nhau. Đức Thánh Cha hài lỏng khi nghe nói tới Buenos Aires và Argentina, nhưng ngài biết là hiện tại của ngài là ở đây, để phục vụ dân chúng. Ngài rất ý thức được điều này, nhưng mà chắc chắn là Đức Thánh Cha không quên nguồn gốc của mình đâu.

Hỏi: Từ Tổng Giám mục Buenos Aires trở thành Giáo hoàng, cha thấy Đức Bergoglio có thay đổi gì không?

Đáp: Nói một cách nền tảng thì tôi thấy ngài vẫn vậy. Cả kiểu ngài tiếp chúng tôi cũng thế, bởi vì khi chúng tôi tới Toà Tổng Giám mục ở Buenos Aires, ngài tới gặp chúng tôi một cách rất đơn sơ. Ngài có một bàn viết, ngoài ra không có gì khác, và rồi ngài đích thân tiễn chân chúng tôi và chào chúng tôi. Sự đơn sơ này người ta cũng nhận thấy ở Vatican. Ngài tiếp tục là người như trước kia, nghĩa là không phải là một ông hoàng của Giáo Hội, mà một người tôi tớ của Giáo Hội. Đây là đặc thái đã luôn luôn rất hiện diện nơi con người của ngài. Và đây cũng là điều đã luôn luôn khích lệ chúng tôi. Tôi cũng nhận thấy có sự tiếp nối, bởi vì ngài liên lỉ nghĩ tới người khác, đặc biệt là dân nghèo và những người cần được giúp đỡ nhất, và ngài muốn có một tương quan rất gần gũi đối với họ. Đó, nói chung tôi thấy ngài vẫn vậy và với rất nhiều nghị lực, với nhiều ước muốn làm việc. Tôi thấy ngài đã thực sự được tái tiếp sức.

Hỏi: Thưa Cha Pepe, cha đã đem theo rất nhiều thứ giáo dân gửi cho Đức Thánh Cha Phanxicô. Tín hữu Buenos Aires có thương nhớ Đức Thánh Cha Phanxicô không?

Đáp: Vâng, tôi đã đem theo biết bao nhiêu thứ mà không có quảng cáo. Người ta biết tin tôi sẽ thăm Đức Thánh Cha, nên họ cứ thế đưa đến và nói: “Cái này cho Đức Thánh Cha Phanxicô.” Tôi đã mang cho Đức Thánh Cha nào là các thư của những người đau yếu, sách, trong đó có cuốn mà “Nhóm phục hồi” của các người nghiện ma tuý viết chung với nhau trong “các biệt thự” do chính Đức Thánh Cha đã thành lập cho người nghiện ma tuý tại Buenos Aires cách đây 5 năm. Và cách đây 5 năm, ngày Thứ Năm Tuần Thánh, Đức Tổng Giám mục Bergoglio cũng đã cử hành nghi thức rửa chân cho 12 thanh niên nghiệm ma tuý tại Buenos Aires. Ngày nay, các bạn trẻ đó đã có một cuộc sống mới và họ vô cùng nhớ ơn Đức Thánh Cha. Chính vì thế, các bạn trẻ muốn Đức thánh Cha nhận lấy cuốn sách mà chính họ đã cùng viết với nhau, ấn bản thứ nhất vừa mới in xong, vẫn còn thơm mùi mực. Chắc chắn rồi tôi đã mang theo nhiều thứ lắm, và tôi tin rằng chiếc vali của tôi chứa đựng biết bao nhiêu tâm tình của biết bao nhiêu người.

Hỏi: Đức Thánh Cha Phanxicô có tiếp tục theo dõi công việc mà các cha đang làm với giới trẻ trong các vùng ngoại ô của thủ đô Buenos Aires hay không?

Đáp: Ngài muốn chúng tôi tiếp tục công việc ấy. Tôi thực sự tin rằng kiểu phục vụ tốt nhất đối với Đức Giáo hoàng từ phía chúng tôi là trung thành với công viêc của ngài, như trước đây. Và cũng là để góp phần cùng với người dân của chúng tôi và kinh nghiệm chín mùi với Đức Thánh Cha, để khích lệ các linh mục khác sống trong các vùng ngoại ô. Chúng tôi biết rằng có nhiều linh mục làm việc trong các vùng ngoại ộ đó đây trên thế giới, nhưng cần phải khích lệ các vị, bởi vì đó là một chứng tá tin mừng đối với tất cả mọi người. Không phải chỉ cho những người sống ở vùng ngoại ô, mà cả cho những người đi tới đó nữa. Nó có thể là một sự hiệp nhất giữa hai thế giới mà đôi khi chúng bị tách biệt nhau bởi xã hội duy vật và cá nhân chủ nghĩa. Khi còn ở Buenos Aires, Đức Bergoglio nhìn thành phố từ các vùng ngoại ô. Cái nhìn này của Đức Bergoglio là phần đóng góp lớn lao cho Giáo Hội tại Buenos Aires.

Hỏi: Thưa Cha Pepe, cha cũng đã mang sang cho Đức Thánh Cha một chiếc áo của đội bóng Huracàn. Đức Thánh Cha đã phản ứng ra sao, vì đội banh Huracàn là đối thủ của đội bóng Thánh Lorenzo được Đức Thánh Cha ủng hộ. Đức Thánh Cha có nhận chiếc áo đó với tinh thần thể thao không?

Đáp: Có, sự quảng đại của ngài cũng đi tới mức này nữa. Đức Thánh Cha đã nhận chiếc áo của đội Huracàn, là đội bóng đối thủ vĩnh cửu với đội San Lorenzo. Và bên Argentina thì các gà nhà của hai đội bóng luôn luôn tranh luận với nhau, không bên nào chịu bên nào: vì họ là đối thủ với nhau mà! Và khi Đức Bergolgio đã trở thành Giáo hoàng, thì ở đâu cũng có cờ và áo của đội San Lorenzo. Và điều này làm cho tôi hơi khó chịu một chút. Vì thế nên các ông bầu của đội bóng Huracàn mới nói với tôi: “Pepe, cha là gà nhà của đội bóng Huracàn, tại sao lại không mang tặng Đức Thánh Cha một cái gì đó của chúng mình, một chiếc áo, một lá thư? Vì thế, tôi đã đem cho Đức Thánh Cha chiếc áo của đội bóng “giỏi nhất” là đội bóng Huracàn.

Hỏi: Như là nhà thể thao, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng là một người am tường về bóng đá, về kỹ thuật và và chiến thuật của túc cầu, có đúng thế không, thưa cha?

Đáp: Vâng, đúng thế, và ngài áp dụng nó cho Giáo Hội. Đức Giáo hoàng là một giám đốc kỹ thuật giỏi…

(RG 25-8-2013)