23/01/2025

Phá 6 ha rừng cấm để xây thuỷ điện 5MW

Một dự án thuỷ điện nhỏ đang hoàn tất các thủ tục cuối cùng để xây dựng ngay tại khu vực được bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn quốc gia Chư Yang Sin, bất chấp đề nghị tạm ngưng xây mới các dự án thuỷ điện ở Tây nguyên của Ban chỉ đạo Tây nguyên cũng như sự phản đối kịch liệt của lãnh đạo vườn.

Phá 6ha rừng cấm để xây thuỷ điện 5MW

Một dự án thuỷ điện nhỏ đang hoàn tất các thủ tục cuối cùng để xây dựng ngay tại khu vực được bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn quốc gia Chư Yang Sin, bất chấp đề nghị tạm ngưng xây mới các dự án thuỷ điện ở Tây nguyên của Ban chỉ đạo Tây nguyên cũng như sự phản đối kịch liệt của lãnh đạo vườn.

Một dự án thủy điện công suất 0,2MW đang được xây dựng trong VQG Chư Yang Sin - Ảnh: TR.TÂN 

Năm 2005, dự án thủy điện Ea K’tour (xã Cư Pui, Krông Bông, Đắk Lắk) được UBND tỉnh Đắk Lắk đồng ý cho khảo sát, lập dự án xây dựng tại khu vực được bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn quốc gia (VQG) Chư Yang Sin. Sau nhiều lần kiểm tra, tạm hoãn, cuối năm 2012 UBND tỉnh Đắk Lắk cho dự án này được tiếp tục triển khai. Mới đây nhất, ngày 1-8, Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk có văn bản đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk đồng ý điều chỉnh quy mô dự án từ 7,5MW xuống còn 5MW.

Rừng được bảo vệ nghiêm ngặt cũng… phá

 

“VQG Chư Yang Sin rộng hàng trăm ngàn hecta mà công trình chỉ chiếm 6ha là quá nhỏ, thời gian thi công chỉ khoảng một năm sẽ không ảnh hưởng gì đến động thực vật, chim muông như lãnh đạo vườn lo lắng. Hơn nữa, chim, thú rừng không sống ở VQG Chư Yang Sin thì sống nơi khác, có gì phải lo. Đây là dự án công ty được UBND tỉnh mời đầu tư để phát triển khu vực này, đâu phải do công ty tự ý đề xuất”

Ông Hoàng Đình Tuấn 
(giám đốc Công ty TNHH Hoàng Nguyên – chủ đầu tư dự án)

 

Nhà máy thủy điện Ea K’tour dự kiến nằm trên suối Ea K’tour, gần dốc Lồ Ô, nơi có cảnh quan thiên nhiên đặc biệt phong phú. Suối Ea K’tuor chảy từ đỉnh núi Chư Yang Sin qua nhiều đồi núi và đổ về khu vực xã Cư Pui, cung cấp nước sinh hoạt và nhiều loài cá cho người dân. Theo ông Tống Ngọc Chung – giám đốc VQG Chư Yang Sin, dự án được đề xuất khảo sát, xây dựng từ năm 2005 với công suất 7,5MW, diện tích chiếm đất rừng là 70ha, bị vườn phản đối rất gay gắt nên tạm dừng. Đến cuối năm 2012, VQG Chư Yang Sin lại nhận được thông báo dự án này được tiếp tục cho xây dựng.

Ông Chung cho biết các kiểu rừng đặc trưng và tính đa dạng sinh học về loài của VQG Chư Yang Sin đều phân bố trong lưu vực suối Ea K’tour. Nếu xây Nhà máy thủy điện Ea K’tour sẽ mất hẳn 6ha rừng thuộc khu vực bảo vệ nghiêm ngặt, sẽ thay đổi môi trường sống của các loài đặc hữu quý hiếm có tên trong sách đỏ VN và thế giới.

“Nhà máy này cũng sẽ làm thay đổi dòng chảy khiến 3km suối Ea K’tour khô kiệt, dẫn đến các loài cây dọc suối bị chết khô, các loài bò sát, ếch nhái có nguy cơ bị tuyệt diệt, các loài cá đặc trưng (chỉ sống ở vùng nước lạnh) cũng sẽ biến mất” – ông Chung nói.

Tuy nhiên, điều ông Chung lo lắng nhất là việc xây dựng Nhà máy thủy điện Ea K’tour với vô số thiết bị, máy móc vận chuyển vào khu vực này sẽ tạo điều kiện cho nhiều đối tượng vào rừng cấm đốn hạ gỗ, săn bắt động vật quý hiếm, phá rừng làm nương rẫy. Dự án cũng sẽ gây tác động nặng nề đến môi trường sinh thái, gây tiếng ồn làm động vật hoang dã di chuyển đi nơi khác. Không chỉ có vậy, việc chặn dòng suối Ea K’tour cũng chặn đường di cư, sinh sản của các loài thủy sinh quý hiếm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khu di tích lịch sử hang Đắk Tour  cách đó không xa.

Chủ đầu tư: “Chỉ có lợi”

 

“Khi nhà máy xây dựng, chặn dòng của suối sẽ làm thay đổi hệ thống thủy văn của suối và hệ thống thủy văn của cả hệ thống núi Chư Yang Sin dẫn tới thay đổi môi trường sống của nhiều loài thủy sinh, động thực vật tại đây và tác động lớn đến sự đa dạng sinh học. Không thể tính sự mất mát của môi trường, hệ sinh thái dựa vào diện tích rừng bị mất, mà sự đa dạng sinh học có hàng vạn năm sẽ bị thay đổi, tác động bởi máy móc, cơ giới”

PGS.TS Bảo Huy 
(Trường ĐH Tây nguyên)

 

Ông Hoàng Đình Tuấn – giám đốc Công ty TNHH Hoàng Nguyên (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk), chủ đầu tư dự án – cho biết dự án ban đầu bị lãnh đạo VQG Chư Yang Sin và địa phương phản đối nên công ty phải điều chỉnh quy mô xuống còn 5MW, diện tích chiếm đất là 6ha. Ông Tuấn cho rằng dự án thủy điện này chiếm diện tích rừng nhỏ và ít tác động đến môi trường nhất trong các thủy điện nhỏ trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Các sở, ban ngành cấp tỉnh đã nhiều lần xuống kiểm tra và đồng ý để công ty tiến hành đánh giá tác động môi trường…

Ông Tuấn còn cho rằng việc xây dựng thủy điện còn góp phần ngăn chặn nạn phá rừng. Khi nhà máy phát điện sẽ nộp thuế cho địa phương, trả dịch vụ môi trường rừng để VQG Chư Yang Sin có thêm kinh phí, chỉ có lợi mà không thiệt thòi gì(!). Ông Tuấn dẫn ví dụ Nhà máy thủy điện Ea Kha, công suất 3MW (xã Yang Mao, Krông Bông) cũng do ông quản lý mỗi năm đóng thuế bằng 3-4 xã của huyện Krông Bông cộng lại, còn cung cấp nước tưới cho bà con địa phương…

Không đáng

Trong khi đó, theo ông Huỳnh Bài – chủ tịch UBND huyện Krông Bông, mỗi năm thủy điện Ea Kha đóng thuế cho Nhà nước chưa đến 2 tỉ đồng, số tiền đó so với một xã, một huyện là lớn nhưng so với sự mất mát về môi trường, sinh thái, cuộc sống người dân lại là quá nhỏ. Nếu Nhà máy thủy điện Ea K’tour xây dựng thì tổng tiền thuế hằng năm mà nhà máy này phải đóng cũng khoảng 2-3 tỉ đồng/năm, nhưng mất mát về môi trường sinh thái sẽ là rất lớn, không nhìn thấy ngay được.

Ông Bài cho biết thêm khi nghe dự án Nhà máy thủy điện Ea K’tour xin chủ trương xây dựng, UBND huyện phản đối rất gay gắt. Nhiều lần UBND huyện đã gửi văn bản phản đối, yêu cầu dừng dự án này để bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học VQG Chư Yang Sin, khu di tích hang Đắk Tour. “Quan điểm của UBND huyện là với một thủy điện nhỏ, đóng góp cho ngân sách, cho nguồn điện quốc gia không nhiều như Ea K’tour mà gây tác động rất lớn như vậy thì không nên cho xây dựng” – ông Bài bày tỏ.

 

 

Tỉnh thống nhất cao

Thời gian qua, các sở Công thương, Tài nguyên – môi trường, NN&PTNT, VH-TT&DL tỉnh Đắk Lắk có nhiều cuộc họp để đánh giá tính hiệu quả của dự án này. Các sở đều khẳng định khu vực dự kiến xây dựng thủy điện Ea K’tour thuộc khu vực bảo vệ nghiêm ngặt, tác động lớn đến đa dạng sinh học, ảnh hưởng đến di tích hang Đắk Tour. Tuy nhiên, tất cả lại… đồng ý để chủ đầu tư lập đánh giá tác động môi trường, mở đường cho việc xây thủy điện.

 

___________________________

Một vườn quốc gia gánh 4 thủy điện

Trong lâm phần quản lý của VQG Chư Yang Sin và lân cận, ngoài thủy điện Ea K’tuor, hiện có ba nhà máy thủy điện khác: Nhà máy thủy điện Krông Kmar, công suất 11MW đã đi vào hoạt động, chiếm hơn 100ha rừng của VQG Chư Yang Sin; dưới thủy điện Krông Kmar và ngay trong khuôn viên khu du lịch thác Krông Kmar là một nhà máy thủy điện khác với công suất 0,2MW (do Công ty TNHH Phúc Vinh làm chủ đầu tư) đang được xây dựng. Ở phía nam VQG Chư Yang Sin, giáp huyện Lắk (Đắk Lắk) là thủy điện Krông Nô 2 (Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Trung Nam, TP.HCM) đang hoàn tất thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng 18ha rừng tại tiểu khu 1418 và 1419 VQG Chư Yang Sin để xây dựng nhà máy…

 

TR.TÂN