Chúa Nhật XX TN-C : Hành trình Đức tin
Đức Giêsu là đấng khai mở đức tin và kiện toàn lòng tin”. Sau khi gặp được Đức Giêsu để khai mở đức tin, chúng ta bước đi trên con đường của Người, trải qua đau khổ, cái chết, cuộc phục sinh và cùng với Người ngự bên hữu ngai Thiên Chúa. Vậy để đi đúng con đường đức tin ấy ta cần phải đi làm gì?
Hành trình Đức tin
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK
Lời mở
Tuần trước chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu đức tin là cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu và con người. Khi chúng ta gặp được Đức Giêsu là ánh sáng trần gian thì Người soi sáng cho chúng ta biết Người là ai, chúng ta là ai và con đường chúng ta sẽ đi trong cuộc đời phải như thế nào. Vì thế, bài thư Do Thái gọi “Đức Giêsu là đấng khai mở đức tin và kiện toàn lòng tin” (x. Dt 12,2). Sau khi gặp được Đức Giêsu để khai mở đức tin, chúng ta bước đi trên con đường của Người, trải qua đau khổ, cái chết, cuộc phục sinh và cùng với Người ngự bên hữu ngai Thiên Chúa thì con đường đức tin của chúng ta mới trọn vẹn.
Hôm nay chúng ta muốn khai triển đề tài: để đi đúng con đường đức tin ấy ta cần phải đi làm gì?
1. Nhận định đúng về Đức Giêsu
Qua bài Tin Mừng (x. Lc 12, 49-53) Chúa Giêsu mời gọi chúng ta cần nhận định đúng về một vài điểm cơ bản để có thể vững bước theo Đức Giêsu và đừng có ảo tưởng về Người.
1.1. Lửa yêu thương, lửa hận thù
Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên”. Chúng ta cần phải phân biệt ngọn lửa của Chúa Giêsu muốn đốt lên cho thế giới là loại lửa nào. Có loại lửa đốt cháy, thiêu huỷ, phá hoại con người cũng như vạn vật, lửa gây khổ, gây bỏng, gây thiệt hại cho con người. Đồng thời cũng có ngọn lửa soi sáng, giúp cho con người được an toàn trong bóng tối, ngọn lửa trong bếp nấu chín đồ ăn, ngọn lửa sưởi ấm trong đêm lạnh giá, ngọn lửa của Thánh Thần Tình yêu giúp con người tràn đầy khôn ngoan, sức mạnh và ân sủng của Thiên Chúa như các tông đồ và môn đệ trong dịp Chúa Thánh Thần hiện xuống (x. Cv 2,1-4).
1.2. Phép rửa thống hối bằng nước và phép rửa tội lỗi bằng máu
Chúa Giêsu hôm nay cũng nói: “Thầy còn một phép rửa phải chịu và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất”. Chúa Giêsu muốn ta phân biệt phép rửa thống hối bằng nước và phép rửa tội lỗi bằng máu mà Người sẽ đổ ra trong mầu nhiệm Vượt Qua của đời mình. Vào đầu thời hoạt động công khai, Chúa Giêsu đã mời gọi chúng ta đón nhận phép rửa để khai mở đức tin (x. Ga 3,22-29; Mt 28,19). Nhưng chúng ta được mời gọi để tiếp tục cuộc hành trình đức tin bằng cách theo Người trên con đường thánh giá để có thể cùng Người chiến thắng tội lỗi và sự chết. “Chính Người đã khước từ niềm vui dành cho mình, mà cam chịu khổ hình thập giá, chẳng nề chi ô nhục và nay đang ngự bên hữu ngai Thiên Chúa” để cho chúng ta khỏi sờn lòng nản chí trong cuộc chiến đấu thiêng liêng với tội lỗi. “Quả thật, trong cuộc chiến đấu với tội lỗi, chúng ta chưa chống trả đến mức đổ máu” và chết nhục nhã như Người. Thế nhưng chúng ta vẫn được chia sẻ vinh quang sống lại với Người. Vì thế, chúng ta hãy kiên trì trong cuộc chạy đua dành cho ta” (x. Dt 12,1-4).
1.3. Hoà binh và sự chia rẽ
Cuối cùng, Đức Giêsu cũng mời gọi ta phân biệt hoà bình và sự chia rẽ mà Người đem đến trần gian: “Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao?… Không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ” (Lc 12,51). Có nhiều người nghĩ rằng hoà bình là sự vắng bóng chiến tranh hay là sự cân bằng các lực lượng (x. CĐ. Vat.II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, số 78). Và họ khuyên bảo nhau câu cách ngôn của người La Mã: “Nếu bạn muốn hoà bình, hãy chuẩn bị chiến tranh” (Si vis pacem para bellum). Hoà bình thật sự là kết quả của một trật tự đã được Thiên Chúa ghi khắc trong xã hội loài người, là kết quả của công bình và tình bác ái yêu thương mà Đức Giêsu là thái tử bình an xây dựng cho con người khi Người hoà giải tất cả với Thiên Chúa Cha và con người với nhau (x. CĐ. Vat.II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, số 78,79,82).
Chúng ta cũng cần phân biệt sự chia rẽ mà Đức Giêsu gây nên trong cộng đồng con người: “Vì từ nay 5 người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba chống lại hai, hai chống lại ba; cha chống lại con trai, con trai chống lại cha; mẹ chống lại con gái, con gái chống lại mẹ; mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu chống lại mẹ chồng”. Chúa Giêsu không cổ vũ sự chia rẽ bắt nguồn từ những mâu thuẫn, chống đối nhau do bị thúc đẩy bởi lòng tham và dục vọng, làm mất sự thống nhất trong gia đình, trong cộng đồng xã hội. Tuy nhiên, khi con người nhận ra sự thật này là hoà bình chân chính chỉ được xây dựng trên công lý và tình yêu thương thì con người phải can đảm chống lại những gì ác đức, sai trái của người khác, và tích cực thực hiện những gì thiện hảo cho tha nhân, dù phải hy sinh chính bản thân mình như Chúa Giêsu đã làm gương cho ta trước toà án Do Thái và trước quan Philatô (x. Mt 26,57-66; Ga 18, 15-40). Sự chống đối khi ấy rất cần thiết để giúp cho người khác nhận ra sự thật hơn là im lặng chịu đựng hoặc giữ thái độ hoà hoãn như thể đồng loã với tội ác.
2. Thái độ và chọn lựa của người môn đệ Chúa Giêsu
Sau phần nhận định đúng về con người và con đường của Chúa Giêsu, chúng ta cần phải đi trên con đường ấy như người môn đệ đích thực của Người.
2.1. Chúng ta cùng thắp lên ngọn lửa yêu thương
Ngọn lửa mà Đức Giêsu đem xuống trần gian trong tư cách là Thiên Chúa Tình Yêu, cần phải nung nấu tâm hồn ta, toả sáng thành những hành động cụ thể, tích cực, tốt đẹp cho mọi người vì “anh em là ánh sáng cho trần gian… Chẳng có ai thắp đèn rồi lại để dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và đèn soi chiếu cho mọi người trong nhà. Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt, 5,14-16).
Hành động tình yêu ấy toả sáng ấy chẳng phải là những quà tặng quý giá bằng vàng bạc, kim cương, chẳng phải cầu kỳ như những khăn thêu, tranh vẽ hay tinh tế như những bó hoa tươi thắm, bữa tiệc ngon lành. Hành động tình yêu thật sự rất đơn giản, có khi chỉ là một nụ cười nhẹ nhàng diễn tả niềm vui và mời gọi chung vui, một lời khích lệ hay xin lỗi chân thành để nâng đỡ nhau hay tha thứ cho nhau. Những hành động tích cực hằng ngày ta làm cho mình, cho người thân của mình cũng như cho mọi người đều trở thành ngọn lửa, dù nhỏ bé mau chóng như ánh lửa trên đầu que diêm, nhưng vẫn đủ sưởi ấm và soi sáng cho con người vượt qua đêm tối, chờ ngày sáng của quê hương trần thế cũng như quê Trời.
2.2. Chúng ta cùng cộng tác với Chúa Giêsu trong phép rửa tội lỗi
Phép rửa này rất cần lòng quảng đại và can đảm hy sinh vì đại nghĩa cho công trình cứu độ thế giới. Nói đến hy sinh, nhiều người chúng ta ngại ngùng, sợ hãi, thậm chí rút lui bỏ cuộc. Đầu óc thực tế, tính toán của chúng ta ngày nay đòi hỏi chúng ta phải suy nghĩ xem nếu theo Chúa Giêsu thì chúng ta sẽ nhận lại được gì. Cuộc sống lại và tôn vinh Đức Giêsu mà thư Do Thái (Dt 12,1-4) gợi ý như mời gọi ta đặt tất cả niềm tin yêu và hy vọng vào Chúa Giêsu, Đấng kiện toàn lòng tin của chúng ta.
Chúng ta không phải chỉ được cứu thoát bởi con người như tiên tri Giêrêmia khỏi cơn đói khát và cái chết do âm mưu thâm độc của con người như bài đọc I (x. Gr 38,4-6.8-10) diễn tả. Chúng ta được cứu độ bằng quyền năng của Thiên Chúa và cuộc Vượt qua của Chúa Giêsu vì “đây là lời đáng tin cậy: Nếu ta cùng chết vời Người, ta sẽ cùng sống với Người. Nếu ta kiên tâm chịu đựng, ta sẽ cùng hiển trị với Người. Nếu ta chối bỏ Người, Người cũng sẽ chối bỏ ta. Nếu ta không trung tín, Người vẫn một lòng trung tín, vì Người không thể nào chối bỏ chính mình” (2 Cr 2,11-13).
2.3. Chúng ta chọn xây dựng hoà bình của Đức Giêsu và chấp nhận sự chia rẽ cần thiết
Nhìn vào xã hội và thế giới hôm nay, chúng ta thấy dường như không có chiến tranh. Nhưng nhiều quốc gia đang chạy đua trong việc trang bị vũ khí quân sự với những tàu ngầm, tàu sân bay, máy bay siêu thanh mang vũ khí nguyên tử. Các nước châu Á và Đông Nam Á còn nôn nóng chạy đua nhiều hơn trước sự bành trướng quân sự của Trung Quốc trên biển Đông và Hoa Đông. Nhưng chúng ta cũng hiểu rằng những hành động như thế chẳng giúp gì cho hoà binh mà còn có nguy cơ tạo nên chiến tranh. Báo Thanh Niên ngày 16/8/2013 đã lưu ý chúng ta rằng: với những linh kiện dỏm của Trung Quốc được trang bị trong các vũ khí tối tân của Mỹ cũng như của nhiều quốc gia khác, chúng có thể tự phát nổ bất cứ lúc nào mà chẳng cần ai bấm nút khai chiến. Trái đất lúc ấy có thể tự nổ tung nhiều lần với kho bom nguyên tử hiện nay. Tận thế không phải là chuyện gì xa vời mà có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu các quốc gia không biết yêu chuộng hoà bình và xây dựng hoà bình thật sự trên tình thương và công lý.
Người Việt chúng ta có câu: “Dĩ hoà vi quý”. Chúng ta chỉ muốn sống an lành, rất sợ chiến tranh, xung đột nên nhiều khi chúng ta giữ thái độ “ba phải”: ai nói gì cũng cho là đúng, mình cứ ậm ừ cho qua, hoặc giữ thái độ lãnh đạm, tiêu cực, mà ngôn ngữ thời nay người ta gọi là “mackeno” – mặc kệ nó. Nhiều bà vợ thấy chồng, con hay bạn bè làm điều sai trái, gian ác, cứ nghĩ “dĩ hoà vi quý” nên chỉ biết im lặng chịu đựng và cầu nguyện, khiến cho sự gian ác ngày càng tăng, sự bất mãn và đau khổ ngày càng nhiều, chứ không tạo được sự bình an cho mình và cho người khác.
Chúa Giêsu không cổ vũ thái độ ấy. Người yêu cầu chúng ta tích cực xây dựng hoà bình: “Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5,9). Người đã chết để tạo lập bình an cho con người, hoà bình cho thế giới. Khi hoà giải con người và vạn vật với Chúa Cha, Người mời gọi chúng ta hãy tích cực hành động giống như Người. Con đường đức tin của chúng ta đòi hỏi chúng ta phải hành động, phải bước đi và bước đi ngay trong những khó khăn, nguy hiểm và tin rằng Đức Giêsu kiện toàn lòng tin của chúng ta.
Lúc bấy giờ chúng ta sẽ thấy mình chọn lựa đúng, vì chúng ta dám chấp nhận sự chia rẽ ngay trong chính gia đình mình khi chúng ta phản đối những gì tiêu cực, lừa dối, gian ác. Sự phản đối, chia rẽ ấy không làm cho chúng ta thiệt hại về mặt thiêng liêng, nhưng nhờ đó, chúng ta được thanh tẩy và tiến bộ để hiểu được rằng chính khi chúng ta xây dựng trên sự thật, công lý và tình yêu thương thì hoà bình mới ổn định và bền vững.
Lời kết
Cầu chúc anh chị em luôn gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu Kitô để trở thành những người xây dựng hoà bình đích thực cho cộng đồng thế giới.