Linh kiện dỏm trong vũ khí tối tân Mỹ
Các vũ khí tối tân và tưởng như bất bại của Mỹ đang đối mặt với nguy cơ nghiêm trọng do linh kiện dỏm có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Các vũ khí tối tân và tưởng như bất bại của Mỹ đang đối mặt với nguy cơ nghiêm trọng do linh kiện dỏm có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Trong tương lai không xa, tàu ngầm sẽ bị chìm, tên lửa phát nổ dù còn cách xa mục tiêu, trực thăng chiến đấu Seahawk phát hiện tàu địch đang lao thẳng vào một tàu sân bay, nhưng không làm gì được vì hệ thống nhắm bắn hồng ngoại đột ngột không hoạt động. Những viễn cảnh đáng sợ trên không phải do lỗi con người hoặc âm mưu khủng bố mà là hậu quả trực tiếp từ mạch điện dỏm có giá trị thật chỉ 2 USD nằm trong các cỗ máy đắt tiền. Câu hỏi không phải là “có xảy ra hay không?” mà là “lúc nào sẽ xảy ra?”. Đó là những cảnh báo của 2 chuyên gia Jim Burger và Kimberly Heifetz trên trang tin công nghệ quốc phòng Defense One hôm 14.8. Burger và Heifetz từng là đại diện pháp lý cho nhiều công ty cung cấp bán dẫn Mỹ lẫn các nhà thầu quân sự nước này.
|
Mới đây, Bộ Tư pháp Mỹ đã khởi tố một người ở bang Massachusetts tên Peter Picone về tội bán linh kiện dỏm cho các nhà thầu của hải quân, bao gồm cả những bộ phận dành cho tàu ngầm hạt nhân. Theo website Justice.gov của Bộ Tư pháp, phần lớn linh kiện dỏm là bán dẫn, vốn đóng vai trò “bộ não” cho hầu hết các hệ thống điện tử hiện đại. Quân đội Mỹ là khách hàng khổng lồ của những linh kiện nhỏ xíu này. Chỉ tính riêng một chiếc chiến đấu cơ F-35 cũng cần hơn 2.500 linh kiện bán dẫn để vận hành. Nhu cầu quá lớn đó đã kích hoạt một dây chuyền làm linh kiện giả, dỏm từ Trung Quốc.
Defense One dẫn lời các công tố viên cho hay tại các công xưởng ở Quảng Đông (Trung Quốc), người ta “tái chế” hàng triệu tấn rác điện tử được nhập về từ nhiều nơi. Họ tách bảng mạch từ những sản phẩm công nghệ đã qua sử dụng, “nấu” chúng trên lửa rồi đập để lấy vi mạch và bán cho đầu nậu nước ngoài. Những kẻ này dùng công nghệ laser để khắc những thông tin giả mạo như số hiệu, mã sản xuất, tên thương mại lên linh kiện trước khi đẩy “hàng” cho những kẻ môi giới.
Con số khổng lồ
Trước đây, một báo cáo của Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ cho hay đã phát hiện 1.800 trường hợp cung cấp linh kiện điện tử giả với số lượng lên tới hơn 1 triệu đơn vị. “Dính đạn” nhiều nhất là trực thăng SH-60B của hải quân, các máy bay chở hàng 130J và C-27J cùng máy bay P-8A Poseidon chống tàu ngầm. “Đây là một con số khổng lồ nhưng chúng ta chỉ mới nhìn vào một mắt xích của cả chuỗi cung ứng. Như vậy, 1.800 trường hợp trên chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Linh kiện giả chủ yếu từ Trung Quốc, đe dọa an ninh quốc gia, an toàn của các binh sĩ cũng như việc làm của người dân Mỹ”, AFP dẫn lời Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Carl Levin nói.
Đồng quan điểm trên, một quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc ước tính “phải đến 15% số linh kiện và vi mạch thay thế của Bộ Quốc phòng Mỹ là đồ dỏm”, theo Defense One. Chúng nằm trong mọi hệ thống quân sự chủ chốt nhất, bao gồm hệ thống nhắm bắn hồng ngoại của trực thăng, radar dò tìm mục tiêu của chiến đấu cơ F-16, thiết bị phát hiện hạt nhân xách tay, các màn hình trong buồng lái máy bay…
Hồi tháng 8 năm ngoái, Ấn Độ cũng bày tỏ quan ngại về linh kiện dỏm do nước này đã và sẽ mua nhiều vũ khí của Mỹ. Tờ The Times of India dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng A.K.Antony khẳng định sẽ điều tra kỹ lưỡng vấn đề này. Ngoài ra, theo công bố của Bộ Quốc phòng Ấn Độ, trong giai đoạn 2010-2012 đã có 33 vụ rơi chiến đấu cơ và trực thăng vì trục trặc kỹ thuật khiến 31 phi công thiệt mạng. Trong đó hầu hết là máy bay do Nga sản xuất. Tuy nhiên, The Times of India dẫn lời một số chuyên gia và giới chức cho hay phần lớn số máy bay gặp nạn không còn được Nga sản xuất và chỉ có Trung Quốc tiếp tục cung cấp phụ tùng. Vì thế nảy sinh nghi vấn New Delhi có thể đã mua thiết bị thay thế dỏm từ Bắc Kinh hoặc thông qua bên thứ ba.
Đến nay, Trung Quốc bác bỏ mọi cáo buộc đồng thời khẳng định nước này đang nỗ lực xóa bỏ các “điểm đen” làm hàng giả.
Thụy Miên