08/09/2024

Được tháp nhập vào trong mầu nhiệm của Đức Kitô

Hôm nay Giáo Hội cử hành một trong những ngày lễ quan trọng nhất trong năm phụng vụ dành cho Đức Trinh Nữ Maria Rất Thánh, đó là lễ Đức Mẹ Lên Trời. Đây là cốt lõi đức tin của tín điều Đức Mẹ lên trời: chúng ta tin rằng Đức Maria, cũng như Đức Kitô, Con của Mẹ, đã chiến thắng cái chết và đã khải hoàn trong vinh quang thiên quốc cùng toàn bộ con người của Mẹ, cả “xác lẫn hồn”.

Được tháp nhập vào trong mầu nhiệm của Đức Kitô

Cử hành Lễ Đức Mẹ Lên Trời – Nhà thờ Giáo xứ San Tommaso da Villanova, Castel Gandolfo – Chúa Nhật XX TN, 15/8/2010

Kính thưa các Đức Hồng y, các Đức Giám mục,
Kính thưa Quý Bà, Quý Ông thuộc các cấp Chính quyền,
Anh chị em thân mến,

Hôm nay Giáo Hội cử hành một trong những ngày lễ quan trọng nhất trong năm phụng vụ dành cho Đức Trinh Nữ Maria Rất Thánh, đó là lễ Đức Mẹ Lên Trời. Vào cuối cuộc đời dương thế, Đức Maria được cất nhắc lên Trời cả hồn lẫn xác, nghĩa là trong vinh quang của cuộc sống vĩnh cửu, trong sự hiệp thông tràn đầy và tuyệt hảo với Thiên Chúa.

Năm nay, chúng ta mừng sáu mươi năm Đức Giáo Hoàng Piô XII đáng kính, vào ngày 1/11/1950, đã long trọng tuyên bố tín điều này. Tôi muốn đọc lại bản văn công thức của tín điều. Đức Giáo Hoàng tuyên bố: “Như thế, Mẹ Thiên Chúa uy linh, kết hợp một cách nhiệm mầu với Chúa Giêsu Kitô từ trước muôn đời, qua ‘cùng một lệnh truyền duy nhất’ đã được tiền định, Vô Nhiễm khi được thụ thai, Đồng Trinh khi làm Mẹ Thiên Chúa, quảng đại hợp tác với Chúa Cứu Chuộc, Đấng đã hoàn toàn chiến thắng tội lỗi và những hậu quả của tội, cuối cùng, như chóp đỉnh cao cả nhất của mọi đặc ân, đã được gìn giữ khỏi hư nát trong phần mộ, và sau khi đã chiến thắng tử thần, như Con của Mẹ trước đó, cả hồn lẫn xác đã được cất nhắc lên vinh quang cao cả trên trời, nơi Mẹ là Nữ Vương, Mẹ chói sáng, bên hữu Con của Mẹ, là Vua hằng sống đến muôn đời muôn kiếp” (Tông hiến Munificentissimus Deus – Thiên Chúa rất giàu Lòng Quảng đại – , AAS, 42 (1950), 768 – 769).

Như thế, đây là cốt lõi đức tin của tín điều Đức Mẹ lên trời: chúng ta tin rằng Đức Maria, cũng như Đức Kitô, Con của Mẹ, đã chiến thắng cái chết và đã khải hoàn trong vinh quang thiên quốc cùng toàn bộ con người của Mẹ, cả “xác lẫn hồn”.

Thánh Phaolô, trong bài đọc II hôm nay, giúp chúng ta hiểu được một phần nào về mầu nhiệm này, khi Thánh Tông đồ khởi đi từ sự kiện trung tâm của lịch sử con người và của đức tin chúng ta: nghĩa là sự kiện Đức Kitô phục sinh, và sự kiện này đã tạo nên “tiền đề của những ai đã chết”. Khi sống mầu nhiệm Vượt qua, chúng ta dự phần vào cuộc chiến thắng của Đức Kitô trên tội lỗi và cái chết. Chính nơi đây ta gặp được bí quyết đáng kinh ngạc và thực tế chủ chốt của mọi lịch sử nhân văn. Thánh Phaolô nói rằng tất cả chúng ta đều “tháp nhập” vào Ađam, con người cũ đầu tiên, rằng tất cả chúng ta đều có cùng một di sản nhân văn, mà trong đó, ta có thể kể đến đau khổ, cái chết và tội lỗi. Nhưng ngoài cái thực thể mà tất cả chúng ta có thể thấy và sống mỗi ngày, còn có một cái gì đó mới mẻ: không những chúng ta hiện diện trong cái di sản của con người duy nhất, được bắt đầu bằng Ađam, mà chúng ta cũng còn được “tháp nhập” vào con người mới, trong Đức Kitô Phục Sinh, và như thế, đời sống phục sinh đã hiện diện trong chúng ta. Như vậy, sự “tháp nhập” đầu tiên mang tính sinh vật học này là một sự tháp nhập trong cái chết, một sự tháp nhập gây ra cái chết. Sự tháp nhập thứ hai, mới mẻ, đã được ban cho chúng ta qua Bí tích Thánh Tẩy, là một sự “tháp nhập” mang lại sự sống. Tôi xin lại được trích dẫn bài đọc thứ hai hôm nay; Thánh Phaolô nói: “Bởi vì cái chết đã đến bởi một người, thì cũng chính bởi một người mà có sự sống lại. Quả thế, chính trong Ađam mà mọi người phải chết, thì cũng chính trong Đức Kitô mà mọi người sẽ được sống, nhưng mỗi người theo thứ tự của mình: đầu tiên là Đức Kitô, kế đến là những ai thuộc về Đức Kitô khi Người quang lâm” (1Cr 15,21-24).

Giờ đây, điều mà Thánh Phaolô đã khẳng định về mọi người, thì Giáo Hội, trong huấn quyền bất khả ngộ của mình, lại nói về Đức Maria, thực rõ ràng và chính xác: Mẹ Thiên Chúa đã được tháp nhập một cách sâu xa vào Mầu nhiệm của Đức Kitô đến độ, vào cuối cuộc đời trần thế, bằng cả con người của mình, Mẹ đã tham dự vào sự Phục Sinh của Con của Mẹ; Mẹ đã sống điều chúng ta mong đợi vào ngày tận thế, khi “kẻ thù cuối cùng” là sự chết bị tiêu diệt (x. 1Cr 15,26); Mẹ đã sống điều chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính: “Tôi mong đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau”.

Như thế, chúng ta có thể tự hỏi: đâu là căn nguyên cuộc chiến thắng được thể hiện trước cách diệu kỳ trong Đức Maria? Căn nguyên đó bắt nguồn từ đức tin của Đức Trinh Nữ thành Nazareth, như trích đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe đã minh chứng (Lc 1,39-56): một đức tin vâng Lời Thiên Chúa, và hoàn toàn phó thác cho sáng kiến và hành động của Người, dựa theo điều Tổng lãnh Thiên thần loan báo cho Đức Maria. Như vậy, niềm tin của Đức Maria thực cao cả, như bà Elizabeth đã hân hoan cất tiếng tung hô: Đức Maria là người “được chúc phúc giữa muôn người phụ nữ”, và “hoa quả lòng Người đang cưu mang cũng được chúc phúc”, bởi vì Người là “Thân Mẫu Thiên Chúa”, bởi vì Đức Maria là người duy nhất tin và sống mối phúc “đầu tiên”, mối phúc đức tin. Bà Elizabeth đã tuyên xưng điều này trong niềm vui của mình và trong niềm vui của đứa con đang nhảy mừng trong dạ: “Phúc thay cho người đã tin vào lời Chúa phán cùng người sẽ được thực hiện” (c. 45). Các bạn thân mến! Chúng ta đừng chỉ thán phục Đức Maria vì Người được vinh quang, như thể một người sống rất xa chúng ta: không phải thế! Trong tình yêu của Chúa, Chúa mời gọi chúng ta nhìn vào những gì Chúa muốn cho chúng ta, cho số phận sau cùng của chúng ta, đó là nhờ đức tin, sống hiệp thông trọn vẹn với Chúa, và sống thực sự.

Về điểm này, tôi cũng muốn dừng lại để suy nghĩ về một khía cạnh khác trong lời khẳng định của tín điều, đó là Đức Mẹ được Chúa cất lên vinh quang trên trời. Ngày nay, tất cả chúng ta đều ý thức rằng qua từ ngữ “trời cao”, chúng ta không hề quy chiếu về một địa điểm nào đó trong vũ trụ, về một ngôi sao, hay về một cái gì đó tương tự: không, không phải thế. Chúng ta quy chiếu về một cái gì đó vĩ đại hơn và khó định nghĩa bằng những quan niệm phàm nhân hạn hẹp của chúng ta. Qua từ “trời cao”, chúng ta muốn khẳng định rằng Thiên Chúa, Đấng ở gần chúng ta, Ngài không hề bỏ rơi chúng ta, ngay trong cả cái chết, và bên kia cái chết, rằng Ngài dành một chỗ cho chúng ta, và rằng Ngài ban cho chúng ta sự sống vĩnh cửu; chúng ta muốn khẳng định rằng chúng ta có một chỗ ở trong Thiên Chúa. Để hiểu rõ hơn một chút về thực tại này, chúng ta hãy nghiệm xem cuộc sống của chúng ta: tất cả chúng ta đều cảm nghiệm một người sau khi chết vẫn tiếp tục tồn tại một cách nào đó trong trí nhớ và trong tâm hồn của những ai đã biết và yêu mến người ấy. Chúng ta có thể nói được rằng một phần con người đó vẫn tiếp tục sống trong họ, nhưng người đó giống như một “cái bóng”, bởi vì sự sống tồn đọng trong tâm hồn những ai sống gần gũi với con người ấy cuối cùng rồi cũng phải chấm dứt. Còn trái lại, Thiên Chúa sẽ không bao giờ qua đi, và tất cả chúng ta đều hiện diện nhờ tình yêu của Người. Chúng ta hiện diện, bởi vì Ngài yêu chúng ta, bởi vì Ngài nghĩ đến chúng ta, và bởi vì Ngài kêu gọi chúng ta bước vào đời. Chúng ta hiện diện trong tư tưởng và tình yêu của Thiên Chúa. Chúng ta hiện diện với toàn bộ thực tế của chúng ta, chứ không phải là một “cái bóng” của chúng ta. Sự bình thản của chúng ta, niềm hy vọng của chúng ta, sự bình an của chúng ta được xây dựng trên điều sau đây: trong Thiên Chúa, trong tư tưởng và trong tình yêu của Ngài, không phải “cái bóng” của chúng ta sống sót, nhưng trong Ngài, trong tình yêu sáng tạo của Ngài, Ngài gìn giữ và đưa chúng ta vào trong cuộc sống vĩnh cửu cùng với toàn bộ cuộc sống, toàn bộ hữu thể của chúng ta.

Tình yêu của Ngài chiến thắng cái chết và ban cho chúng ta sự sống vĩnh cửu, và chúng ta gọi tình yêu này là “trời”: Thiên Chúa vĩ đại đến độ Ngài dành một chỗ cho chúng ta. Và con người Giêsu đồng thời cũng là Thiên Chúa bảo đảm với chúng ta rằng hữu thể – nhân văn và hữu thể – thần linh có thể cùng hiện hữu và sống đời đời trong nhau. Điều này muốn nói rằng không phải chỉ có một phần trong con người bị tách lìa khỏi chúng ta, nếu ta có thể nói được như thế, mới tiếp tục hiện hữu, còn trong khi đó thì các phần khác sẽ bị hư mất; nhưng đúng hơn, điều đó có nghĩa là Thiên Chúa biết và yêu toàn thể con người chúng ta. Và Thiên Chúa tiếp nhận vào trong cuộc sống vĩnh cửu của Ngài điều mà giờ đây, trong cuộc đời chúng ta, được dệt nên bằng đau khổ và tình yêu, hy vọng, niềm vui và nỗi buồn, lớn lên và trở thành. Toàn bộ con người, toàn bộ cuộc sống của con người, đều được Thiên Chúa nắm lấy, và một khi được Ngài thanh luyện, sẽ nhận lấy cuộc sống vĩnh cửu. Các bạn thân mến! Tôi nghĩ rằng chân lý này phải làm cho chúng ta tràn đầy niềm vui. Kitô giáo không chỉ loan báo một ơn cứu độ nào đó cho tâm hồn chúng ta, trong một thế giới bên kia thực mơ hồ, mà trong đó, tất cả những gì trên trần gian này là quý giá, là thiết thân với chúng ta đều sẽ bị xoá nhoà, nhưng Kitô giáo hứa hẹn sự sống vĩnh cửu, “cuộc sống của thế giới mai sau”: không có cái gì là quý giá và thiết thân với chúng ta sẽ bị mất đi, nhưng sẽ trở nên sung mãn trong Thiên Chúa. Đã có một lần Đức Giêsu đã nói tất cả những sợi tóc trên đầu chúng ta đã được đếm cả rồi (x. Mt 10,30). Thế giới mai sau cũng sẽ làm cho trần gian này được hoàn tất, như Thánh Phaolô đã khẳng định: tạo vật sẽ “được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái của Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang” (Rm 8,21). Như thế, ta hiểu Kitô giáo mang lại hy vọng sâu xa vào một tương lai xán lạn, và mở ra con đường để thực hiện tương lai này. Với tư cách là Kitô hữu, chúng ta được kêu gọi xây dựng thế giới mới này, và nỗ lực làm việc để cho thế giới mới ấy một ngày kia sẽ trở nên “thế giới của Thiên Chúa”, một thế giới vượt xa tất cả những gì chúng ta có thể xây dựng. Trong Đức Maria được cất nhắc lên trời, được hoàn toàn thông phần vào sự Phục Sinh của Chúa Con, chúng ta chiêm ngưỡng sự viên mãn của con người dựa theo “thế giới của Thiên Chúa”.

 

Chúng ta hãy cầu xin Chúa giúp chúng ta hiểu được cuộc đời của chúng ta quý giá dường bao dưới cái nhìn của Người; cầu xin Chúa giúp chúng ta ngày càng vững tin vào sự sống vĩnh cửu; cầu xin Chúa biến chúng ta trở thành những con người hy vọng, những con người làm việc để xây dựng một thế giới mở rộng lòng đón nhận Thiên Chúa, những con người đầy tràn niềm vui, những con người biết nhìn thấy vẻ đẹp của thế giới mai sau giữa những khó khăn của cuộc sống thường nhật, và những con người sống, tin tưởng và hy vọng vào niềm tin chắc chắn này. Amen!