23/01/2025

Ước nguyện phút cuối cùng của nạn nhân bom nguyên tử ở Hiroshima là được rước lễ

EMTY (Vatican Insider, 3-8-2013, Domenico Agasso Jr.) – Mong ước cuối cùng của cô sinh viên Nhật Bản Nakamura San trước khi qua đời vì bom nguyên tử là được rước lễ. Sự vĩ đại của Kitô giáo được thể hiện ngay cả ở trong tai ương và thảm hoạ do cơn ác mộng hạt nhân gây ra.

 Ước nguyện phút cuối cùng của nạn nhân bom nguyên tử ở Hiroshima là được rước lễ

 
EMTY (Vatican Insider, 3-8-2013, Domenico Agasso Jr.) – Mong ước cuối cùng của cô sinh viên Nhật Bản Nakamura San trước khi qua đời vì bom nguyên tử là được rước lễ. Sự vĩ đại của Kitô giáo được thể hiện ngay cả ở trong tai ương và thảm hoạ do cơn ác mộng hạt nhân gây ra. Mặc dù cơ thể bị biến dạng, do tác động từ vụ nổ nguyên tử, Nakamura San đã dùng chút sức lực yếu ớt sau cùng của mình để làm một thỉnh cầu kiên quyết cuối cùng với Lm. Pedro Arrupe (Bilbao, 1907 – Rome, 1991), về sau là Bề trên Tổng quyền của Dòng Tên, một nhà truyền giáo tại Hiroshima, Nhật Bản, lúc bấy giờ. 

Cha Arrupe đã kể câu chuyện về Nakamura San. Vào sáng ngày 6-8-1945: “Tôi thấy quả bom nguyên tử đầu tiên trong lịch sử thả xuống thành phố chính xác vào lúc 8g15… Lúc ấy tôi đang ở trong văn phòng cùng với một linh mục khác. Chúng tôi đã thấy quả bóng lửa khổng lồ, tôi nhảy dựng lên, chạy đến cửa sổ, và vào đúng lúc đó, chúng tôi nghe một tiếng nổ. Đó không phải là một tiếng nổ lớn bình thường, mà là một cái gì đó khác hoàn toàn; tôi nhớ nó như một âm thanh vang dội rất lớn… Chúng tôi nhìn vào thành phố. Hiroshima không còn ở đó nữa. Nó đã trở thành một chiếc lò rực lửa…” Và rồi, các nhà truyền giáo Dòng Tên tại Hiroshima đã trở thành những bác sĩ, y tá và nhà phẫu thuật. Họ đã phải chứng kiến những vết thương khủng khiếp, các cơ thể bị hơi nóng đốt cháy và những hình thể biến dạng quái dị và khủng khiếp. Họ đã trải qua hàng trăm trải nghiệm bi thảm.

Một trong những trải nghiệm đó là câu chuyện về một thiếu nữ Công giáo. “Sinh viên Đại học Nakamura San, thuộc Giáo xứ Yamaguchi của tôi, đang ở Hiroshima vào ngày quả bom được thả xuống thành phố. Cô được đưa đến cho tôi. Tôi tìm thấy cô trong một chiếc lều. Không ai muốn theo tôi đến đó, họ chỉ cho tôi biết nơi của chiếc lều. Trước khi nhìn thấy nó, tôi ngửi thấy mùi thối tởm lợm của thịt bị phân huỷ. Nakamura San đang nằm trên mặt đất, tay chân giang ra, và bàn tay, bàn chân của cô ấy sưng khủng khiếp. Tất cả những gì bạn có thể thấy là da và xương xuyên qua khối thịt bị cháy của cô ấy. Cô ấy đã phải sống trong tình trạng đó suốt 15 ngày. Nakamura San mở mắt ra, nhận ra tôi và nói với tôi một điều mà tôi không bao giờ quên: ‘Arrupe shimpusama, Goseitai, o motte irasshaimashita ka?’ Đó là nguyên văn lời cô ấy nói với tôi. Cô ấy đã hỏi: “Cha Arrupe, cha có thể cho con rước lễ được không?” 
 
Đức Hồng y Peter Turkson, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hoà bình, cũng sẽ cầu nguyện cho Nakamura San, như ngài đã làm cho tất cả các nạn nhân của vụ thả bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki vào năm 1945, trong chuyến thăm Nhật Bản kéo dài 5 ngày để suy tư, cầu nguyện, thúc đẩy hoà bình và tưởng niệm các nạn nhân của bom nguyên tử. 

Chuyến đi của Đức Hồng y Turkson là một phần trong chương trình “Mười ngày vì Hoà bình” (từ ngày 6 đến 15-8) theo sáng kiến của Hội đồng Giám mục Nhật Bản. 

Vào thứ Hai 5-8, ngài chủ trì Thánh lễ cầu nguyện cho hoà bình tại Nhà thờ Chính toà của thành phố Hiroshima. Ngày thứ Ba 6-8, ngài tham dự một cuộc gặp gỡ liên tôn, tại đây ngài có một diễn văn về sự hợp tác lẫn nhau trong công cuộc xây dựng hoà bình trên toàn thế giới. Vào ngày thứ Tư 7-8, ngài thăm Nagasaki. Tại đây ngài được mời dùng bữa trưa do Trung tâm Quốc tế Đối thoại Liên tôn tổ chức. Vào ngày thứ Năm 8-8, trong một nghi lễ tưởng niệm liên tôn tại Công viên Ground Zero của thành phố, ngài dâng một lời cầu nguyện cho nạn nhân của các vụ thả bom nguyên tử. Cuối cùng, vào ngày thứ Sáu 9-8, ngài chủ trì Thánh lễ cầu cho hoà bình trên thế giới.