10/01/2025

Ứng phó với sự cố hồ Dầu Tiếng, cách nào?

Theo kết quả nghiên cứu của viện Quy hoạch thuỷ lợi miền Nam được công bố, khi hồ Dầu Tiếng xả lũ mức 2.800m3/giây (mức xả để bảo vệ đập hồ Dầu Tiếng) sẽ có khoảng 26.000ha thuộc 111 xã – phường tại Bình Dương và TP.HCM với khoảng 620.000 dân bị ngập úng. Trường hợp hồ Dầu Tiếng bị vỡ sẽ có khoảng 34.000ha thuộc 125 xã – phường với khoảng 650.000 dân bị ngập úng. Trong khi đó, nếu chỉ tính hồ Dầu Tiếng mới xả 400m³/giây nhiều nơi trên địa bàn TP.HCM đã ngập nặng.

 Ứng phó với sự cố hồ Dầu Tiếng, cách nào?

Lo ngại sự cố hồ Dầu Tiếng có thể xảy ra, với tình huống xấu nhất là vỡ đập, TP.HCM đã có cuộc họp chuyên đề vào chiều 31.7 vừa qua. Và lãnh đạo UBND thành phố đã yêu cầu các đơn vị liên quan phải có từng kịch bản cụ thể để giảm thiệt hại người, tài sản cho trường hợp hồ Dầu Tiếng xả lũ lớn hơn sức chịu đựng của vùng hạ du hay sự cố vỡ đập, dù sự cố này theo đánh giá là rất thấp.

 

 
Nếu hồ Dầu Tiếng xả lũ gặp lúc triều cường thì TP.HCM bị ngập nặng ở nhiều nơi. Ảnh: T.L

 

Cũng chủ đề này, trước đó tại hội thảo hỗ trợ kỹ thuật phòng chống lũ hạ du sông Sài Gòn do bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức ngày 26.7, viện Quy hoạch thuỷ lợi miền Nam đề xuất phương án nâng cao đập hồ Dầu Tiếng thêm 1m với tổng kinh phí 1.972 tỉ đồng, nâng cao đê cả hai bờ ven sông Sài Gòn với cao trình đê từ 2,6 – 8m với tổng kinh phí 20.384 tỉ đồng, để bảo đảm cho vùng hạ du.

Tại sao?

Theo kết quả nghiên cứu của viện Quy hoạch thuỷ lợi miền Nam được công bố, khi hồ Dầu Tiếng xả lũ mức 2.800m3/giây (mức xả để bảo vệ đập hồ Dầu Tiếng) sẽ có khoảng 26.000ha thuộc 111 xã – phường tại Bình Dương và TP.HCM với khoảng 620.000 dân bị ngập úng. Trường hợp hồ Dầu Tiếng bị vỡ sẽ có khoảng 34.000ha thuộc 125 xã – phường với khoảng 650.000 dân bị ngập úng. Trong khi đó, nếu chỉ tính hồ Dầu Tiếng mới xả 400m³/giây nhiều nơi trên địa bàn TP.HCM đã ngập nặng. Từ tính toán này, theo viện Quy hoạch thuỷ lợi miền Nam, thì việc nâng cao trình hồ Dầu Tiếng là cần thiết.

Theo ông Nguyễn Văn Lanh, phó trưởng phòng quản lý nước và công trình – công ty khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng – Phước Hoà (đơn vị quản lý hồ Dầu Tiếng), thì việc nâng cao trình hồ Dầu Tiếng thực tế đã được viện Quy hoạch thuỷ lợi miền Nam đưa ra từ năm 2010, nhưng đến nay vẫn chưa có sự phản hồi nào cụ thể từ bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. “Theo tôi việc nâng cao trình hồ Dầu Tiếng là hoàn toàn cần thiết, để đảm bảo an toàn cho vùng hạ du sông Sài Gòn”, ông Lanh khẳng định.

Ông Lanh dẫn chứng, hiện tại cao trình của hồ Dầu Tiếng lúc bình thường là 24,4m; lúc vùng hạ lưu có triều cường thì hồ Dầu Tiếng chịu đựng được cao trình 25,1m. Số liệu này cho thấy ở lúc bình thường và lúc vùng hạ lưu có triều cường thì nước trong hồ Dầu Tiếng chỉ có thể chịu đựng thêm 0,6m. Con số này thực tế quá thấp, nếu xảy ra tình huống hạ du có triều cường, cộng với có một trận lũ lớn hơn dung tích của hồ Dầu Tiếng, thì buộc hồ Dầu Tiếng phải xả lũ với lượng nước lớn. Như vậy khó tránh khỏi tình trạng vùng hạ du, trong đó có TP.HCM ngập nặng.

Tuy nhiên, theo ThS Hồ Long Phi, giám đốc trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu (WACC) TP.HCM, cố vấn các vấn đề ngập nước cho trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM, thì chuyện nâng cao trình hồ Dầu Tiếng là không cần thiết, quá tốn kém và dễ gây hậu quả khôn lường. Ông Phi phân tích, nâng cao trình lên thì nền đất sẽ trở nên rất yếu, do đó dễ sinh tai hoạ khi hồ phải tích một lượng nước lớn hơn, bởi vào năm 1986 cửa đập hồ Dầu Tiếng đã từng bị vỡ. Theo logic, cao trình lên thì nước lên (nhiều hơn), xảy ra sự cố thì thiệt hại còn khủng khiếp hơn.

Ngược lại, ông Lanh lập luận, cao trình nâng lên chỉ để tích nước khi lũ lớn ở thượng nguồn đổ về hồ Dầu Tiếng trong lúc triều lớn ở hạ du, còn bình thường vẫn giữ ở mức trung bình nên mọi việc sẽ an toàn hơn. Tuy nhiên, theo ông Phi, “là không nên nâng cao trình mà phải đưa ra kịch bản sống chung với nước ngay từ bây giờ”.

Đừng chống lại thiên nhiên!

Theo ThS Hồ Long Phi cách tốt nhất bây giờ là thành phố nói riêng, các khu vực thuộc vùng hạ du chịu ảnh hưởng về việc xả lũ của hồ Dầu Tiếng nói chung, nhất thiết phải đưa ra kế hoạch giúp người dân sống chung với nước, xác định vấn đề chống ngập là giảm thiệt hại về người và của một cách tối đa, chứ không phải là giảm lượng nước. Theo đó, ngay từ bây giờ, chính quyền phải khuyến cáo (cần thiết có thể bắt buộc) các hộ dân phải đi lại đường dây điện sao cho khi ngập vẫn không bị ảnh hưởng. Kế đến, yêu cầu người dân cần thiết kế nhà ở phù hợp để sống chung với ngập, chuẩn bị các dụng cụ, phương tiện hỗ trợ phòng khi ngập nước. Riêng với các cơ sở, nhà máy nằm trong vùng có nguy cơ bị ngập phải có phương án an toàn, đảm bảo sản xuất…

“Hơn hết, là luôn nói rõ với người dân biết là chuyện ngập có thể xảy ra bất cứ lúc nào, không được chủ quan, lơ là. Một khi người dân ý thức được thì rõ ràng chuyện thiệt hại về người và của sẽ giảm đáng kể nếu xảy ra tình huống hồ Dầu Tiêng xả lũ với lượng nước vượt quá sức chịu đựng của vùng hạ du”, ông Phi nhấn mạnh.

Còn về lâu về dài, nhất thiết thành phố phải quy hoạch làm sao để hạn chế tối đa việc phát triển đô thị ở các vùng trũng. Ông Phi nói: “Đô thị không ở vùng trũng thì thiệt hại sẽ giảm, và hơn hết nước lũ có đường thoát. Chúng ta đừng ỷ lại vào đê bao, đừng chống lại thiên nhiên mà hãy học cách sống chung với nó, học cách dẫn nước về các nơi mà nó phải đến. Đây là kịch bản nhất thiết phải làm để đối phó với sự cố hồ Dầu Tiếng, cũng như các sự cố thiên tai khác do thiên nhiên gây ra”.

ĐÀO LÊ