Bài 5: Xác tín trọn vẹn vào Đức Giêsu Kitô
Để có thể có được niềm xác tín trọn vẹn vào Đức Giêsu Kitô, chúng ta phải loại bỏ những nghi ngờ và giải đáp được những thắc mắc về lời dạy của Chúa Giêsu trong các sách Phúc Âm, về những phép lạ như hành động cứu độ, nhất là về cái chết và sự sống lại mà nhiều phong trào và ý thức hệ đang đặt ra cho chúng ta.
(Tĩnh tâm thường niên 2013 của Dòng Thừa sai Đức tin)
Xác tín trọn vẹn vào Đức Giêsu Kitô
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK
Lời mở
Thượng Hội đồng 2012 nhắc chúng ta rằng: “Theo sách Tông đồ Công vụ, người ta không thể dạy điều gì mình không tin hay không sống. Người ta không thể truyền đạt Phúc Âm khi không sống rập theo khuôn Phúc Âm hay không tìm thấy ý nghĩa, sự thật và tương lai của đời mình dựa trên Phúc Âm”. Giống như các tông đồ, ngày nay chúng ta cũng được thông phần vào sự sống hiệp thông của Chúa Cha, trong Chúa Giêsu, nhờ Chúa Thánh Thần, Đấng biến đổi và ban sức mạnh để chúng ta không chỉ truyền đạt đức tin mình sống mà còn khơi dậy sự đáp ứng nơi những người mà Thánh Thần đã chuẩn bị bằng sự hiện diện và hành động của Ngài (x. Cv 16,14; TLLV, số 91).
Như thế, điều kiện cần thiết nhất cho người thừa sai là niềm xác tín trọn vẹn vào Đức Giêsu Kitô và thở được Thần Khí của Người để biểu lộ và chia sẻ sự sống kỳ diệu của Thiên Chúa cho muôn người. Nhưng để có thể có được niềm xác tín đó, chúng ta phải loại bỏ những nghi ngờ và giải đáp được những thắc mắc về lời dạy của Chúa Giêsu trong các sách Phúc Âm, về những phép lạ như hành động cứu độ, nhất là về cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu Kitô mà nhiều phong trào và ý thức hệ đang đặt ra cho chúng ta. Trong tinh thần đó chúng ta sẽ tóm lược vài vấn đề và giải đáp chính yếu về Chúa Giêsu để tin tưởng trọn vẹn vào Người.
1. Những vấn đề nan giải về sự khác biệt trong các đoạn văn Phúc Âm
Ngày nay nhiều phong trào như “phong trào Giải Trừ huyền thoại cho Phúc Âm” khởi xướng bởi R. Bultmann, nhiều chủ trương của các nhà Thánh Kinh học đang chối bỏ hoặc giải thích những lời dạy, phép lạ, mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Giêsu theo hướng hoàn toàn trần tục. Người ta đưa ra những lý luận, mà nếu chúng ta không sáng suốt giải đáp, thì chính chúng ta cũng có thể đánh mất lòng tin yêu vào Đức Giêsu Kitô. Trong nhiều thế kỷ, anh em Cải Cách theo các hệ phái Tin Lành đã chủ trương “sola fides, sola Scriptura” (chỉ cần đức tin, chỉ cần Thánh Kinh) nhưng sau khi các nhà Thánh Kinh của họ trình bày những vấn đề nan giải trong Thánh Kinh, đặc biệt trong Tân Ước, nhiều người không còn sùng mộ Thánh Kinh nữa, chỉ giữ lại niềm tin và xem Đức Giêsu như biểu tượng thúc đẩy lòng tin của mình chứ không tin vào Người. Sự suy thoái này bắt nguồn từ những khác biệt khi so sánh các bản Phúc Âm với nhau.
Từ thế kỷ I đến thế kỷ XIX, người tín hữu chỉ có thể đọc những bản văn Thánh Kinh rời rạc nên không thể so sánh chúng với nhau. Nhờ những tiến bộ của ngành in ấn, xuất bản, dịch thuật trong một vài thế kỷ gần đây, nên tín hữu có các bản văn Thánh Kinh trọn bộ bằng tiếng mẹ đẻ của mình. Từ đó, người ta đọc cẩn thận và so sánh các bản văn khác nhau, nhất là các Phúc Âm Nhất Lãm. Các nhà nghiên cứu Thánh Kinh nhận thấy có nhiều sự khác biệt giữa các Thánh Sử khi tường thuật các lời nói, hành động, sự việc, nhất là biến cố khổ nạn và phục sinh của Đức Giêsu. Chúng ta có thể đưa ra vài thí dụ tiêu biểu sau đây:
1.1. Lời nói
Thí dụ Chúa Giêsu nói: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” trong bản Phúc Âm của thánh Matthêu và Marcô (x. Mt 16.24; Mc 8,34) trong khi Bản Phúc Âm của thánh Luca lại thêm chữ “hằng ngày” sau từ “thập giá mình” (Lc 9,23). Lời kinh “Lạy Cha” theo thánh Matthêu (x. Mt 6,9-13) khác với bản văn của thánh Luca (x. Lc 11,2-4). Tám mối phúc thật của Matthêu (x. Mt 5,3-12) cũng khác với Luca (x. Lc 6,20-22). Câu tuyên xưng của Phêrô: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa” trong Luca (x. Lc 9,18-24) khác với lời tuyên xưng ở miền Cêsarê Philipphê: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” trong Matthêu (x. Mt 16,13-20) và Marcô (x. Mc 8, 27-38). Vậy đâu là lời thật của Chúa Giêsu? Các Thánh sử có thêm bớt gì vào lời dạy của Chúa?
1.2. Hành động
Nếu so sánh các phép lạ, dường như có sự khác biệt giữa các Thánh Sử: thí dụ trong bản văn của Matthêu ông Giaia xin Chúa cho con gái mình vừa mới chết được sống lại (Mt 9,19), khác với Mc 5,22-23 và Lc 8,42: Cô bé chưa chết lúc ông Giaia gặp Chúa. Hoặc trong Mt 21,19: cây vả bị Chúa chúc dữ lập tức héo khô, còn trong Mc 11,14-20: cây đó héo vào ngày hôm sau. Hay trong Mt 9,20-22: Chúa Giêsu ý thức việc chữa người phụ nữ băng huyết khác với sự kiện ở Mc 5,27-34.
Khi nghiên cứu các phép lạ của Chúa Giêsu trong các bản văn của Mt (14,13-21; 16,32-39), Mc (6,30-44; 8,1-10), Lc (9,10-17), Ga (6,5-15), nhất là phép lạ hoá bánh ra nhiều, người ta ghi nhận có sự gia tăng về con số: từ 4.000 người ăn (Mc), 4.000 đàn ông không kể đàn bà và trẻ con (Mt), lên 5.000 người rồi đến 5.000 (Mc, Lc, Ga) đàn ông, không kể đàn bà và trẻ con (Mt). Chúa chữa 1 người mù tên Bartimê ở Jericho (x. Mc 10,46-52Lc 18,35-43) hay 2 người mù ở Jericho (x. Mt 20, 29-34; )?
1.3. Cuộc tử nạn
Chẳng hạn như việc xức dầu, Thánh Gioan ghi nhận việc xức dầu thơm xác Chúa Giêsu thực hiện vào chiều thứ Sáu (x. Ga 19,39-40), trong khi Phúc Âm Nhất Lãm lại nói đến chuyện các phụ nữ định xức dầu vào sáng Chúa Nhật (x. Mt 28,1; Mc 16,1; Lc 24,1), nhưng khi các bà mang dầu đến thì hòn đá che cửa mộ đã lăn sang một bên. Nếu đã chôn táng xác chết rồi thì làm sao lại xức đầu nhiều ngày như thế?
1.4. Cuộc Phục sinh
Vào buổi sáng ngày Chúa Giêsu sống lại, các phụ nữ tìm đến mộ Chúa. Các Thánh Sử kể tên của các phụ nữ đến mộ Chúa Giêsu mỗi người một khác. Matthêu (x. 28,1) nói 2 bà Maria trong đó có bà Maria Magdala, Marcô nói tới 2 bà Maria và Salômê (x. Mc 16,1), Luca nói đến 2 bà Maria, bà Gioana và nhiều phụ nữ khác (x. Lc 24,10) trong khi Gioan kể chỉ có một mình Maria Magdala (x. Ga 20,11-18).
Các bà nhìn thấy 1 Thiên Thần (x. Mt 28,2-7; Mc 16,5-7), hoặc 2 Thiên Thần (x. Lc 24,4-5; Ga 20,11-13), một vị ngồi đằng đầu , một vị ngồi đằng chân.
Địa điểm Chúa Phục Sinh hiện ra với các môn đệ cũng là một vấn đề gây tranh cãi vì nếu các môn đệ nghe theo lời các phụ nữ đi về Galilê (x. Mt 28,10; Mc 16,7) vào ngay buổi sáng ngày Chúa nhật thì họ không thể nào gặp Chúa vào buổi chiều hôm đó trong nhà Tiệc Ly ở Giêrusalem (x. Ga 20,19-23) vì Galilê cách Giêrusalem khoảng 160 cây số, nếu có đi bộ cũng phải mất nhiều ngày.
Tất cả những khác biệt đó đã làm cho những người đọc và nghiên cứu Kinh Thánh đặt những câu hỏi: tại sao lại có sự khác biệt đó ? Các khác biệt đó do tác giả Thánh kinh đem vào, do cộng đồng đón nhận Phúc Âm tác động hay do Chúa Thánh Thần linh hứng ? Người ta bắt đầu giải thích bằng nhiều quan niệm và lý lẽ khác nhau.
2. Giải thích một số sự khác biệt trong Phúc Âm theo khoa Văn hình sử
Kể từ khi có các sách Phúc Âm cho đến thế kỷ XX, người tín hữu Kitô, nhất là Công giáo, luôn tin tưởng rằng Phúc Âm là những sách được Chúa Thánh Thần linh hứng nên các Thánh Sử viết đúng những gì Chúa mạc khải, không thêm bớt, không sửa đổi. Vì thế sách Phúc Âm có giá trị tuyệt đối, không thể sai lầm và kể đúng sự thật về sự kiện, cuộc đời và những lời giảng dạy của Chúa Giêsu.
Tuy nhiên, trong một hai thế kỷ gần đây, khoa Thánh Kinh học đã có những tiến bộ vượt bậc khi áp dụng những nguyên tắc nghiên cứu văn học cho các bản văn Thánh Kinh, vì dù sao, xét về phương diện nhân loại, Phúc Âm cũng là những áng văn chương do con người viết nên. Những nhà nghiên cứu Kinh Thánh đã giải thích các điểm khác biệt giữa các Thánh Sử theo các nguyên tắc của khoa văn hình sử – khoa học lịch sử hình thành văn chương. Họ giải thích rằng: các khác biệt đó bắt nguồn từ mấy yếu tố sau:
– Do mỗi Thánh sử cho ý hướng thần học riêng nên có thể sắp xếp sự kiện, lời giảng dạy của Chúa Giêsu, thay đổi các con số, tên tuổi người liên quan, nơi chốn xảy ra sự kiện, hoặc thêm vào vài từ muốn nhấn mạnh trong lời giảng dạy của Chúa Giêsu.
– Do cộng đồng đón nhận Phúc Âm có những nét đặc thù. Thí dụ Matthêu dùng từ “Nước Trời” vì người Do Thái tránh kêu tên Thiên Chúa trong khi 3 Thánh Sử khác lại dùng từ “Nước Thiên Chúa” mà không sợ phạm huý.
– Do định luật truyền miệng: các bản văn Phúc Âm là kết quả của những bài giảng truyền khẩu trong các cộng đồng giáo hội khác nhau, nên càng truyền miệng lâu từ người này sang người nọ thì con số càng ngày càng lớn, thí dụ như số người ăn, số thúng bánh vụn còn thừa lại trong các phép lạ hoá bánh ra nhiều, số thiên thần, số người được chữa lành…
3. Những hệ quả từ những lời giải thích khác nhau
Khi áp dụng cách cứng nhắc nguyên tắc của khoa văn hình sử, các nhà nghiên cứu Thánh Kinh cho rằng cùng một sự kiện xảy ra hay cùng lời giảng của Chúa Giêsu nhưng thánh Matthêu, Marcô, Luca, Gioan viết mỗi người một cách khác nhau do 3 yếu tố trên đây tác động. Vì thế người ta không thể phân biệt đâu là sự kiện thật sự xảy ra, đâu là lời nói thật sự của Chúa Giêsu, đâu là các phần thêm vào từ phía con người. Do đó, Phúc Âm bây giờ chỉ còn là sách đạo đức đặc biệt vì kể lại cuộc đời của Đức Giêsu, chứ không phải được Chúa Thánh Thần linh hứng.
Có người đã nghĩ rằng nên tìm về bản văn gốc đầu tiên bằng tiếng Do Thái cổ của thánh Matthêu, nhưng bản này đã mất, để tìm sự chính xác, sau đó tới bản văn của Marcô và của thánh Matthêu viết bằng tiếng Hy Lạp vào khoảng năm 55-60, rồi đến bản văn của thánh Luca xuất hiện vào khoảng năm 65, sau cùng vào khoảng năm 90 mới có bản văn của thánh Gioan.
Hơn nữa, khi nhà thần học Tin Lành Rudoft Bultmann (1884-1976), vào những năm 1940-1960, chủ trương giải trừ những huyền thoại ra khỏi Phúc Âm, như cuộc sống lại và những phép lạ của Chúa Giêsu, để cho con người thời nay bị ảnh hưởng của khoa học thực nghiệm dễ đón nhận lời Chúa hơn, thì nhiều anh em Tin Lành mất hẳn lòng tin vào Thánh Kinh dù trước đây họ hoàn toàn tin tưởng và lấy Thánh Kinh làm tiêu chuẩn cho đời sống. Nguy hiểm hơn nữa là một số nhà thần học Thánh Kinh Công giáo cũng bị ảnh hưởng bởi chủ thuyết này và đang dạy trong các chủng viện, đại học. Chính vì thế chúng ta muốn suy niệm bài này để tìm lại niềm xác tín hoàn toàn vào Chúa Giêsu Kitô.
4. Lập trường của Giáo Hội Công giáo
Giáo Hội Công giáo rất trân trọng những đóng góp giá trị của các nhà nghiên cứu Thánh Kinh, của các khoa học xã hội nhân văn liên quan đến Thánh Kinh cũng như cố gắng giải thích những vấn nạn Thánh Kinh theo những khám phám đúng đắn của các khoa học này. Công đồng Vaticanô II, trong hiến chế tín lý về mạc khải Dei Verbum, số 12, đã nói rõ về các điểm này: “Vì trong Thánh Kinh, Thiên Chúa đã nhờ loài người và dùng cách nói của loài người mà phán dạy, nên phải tìm hiểu chủ ý của Thánh Sử, xét đến các thể văn khác nhau, chú ý đến hoàn cảnh thời đại, văn hoá và cách diễn tả của từng Thánh Sử…”. Hơn nữa “Thánh Kinh đã được viết ra bởi Chúa Thánh Thần nên cũng phải được đọc và giải thích trong Chúa Thánh Thần…và tuỳ thuộc vào phán quyết của Giáo Hội vì Giáo Hội được Thiên Chúa giao cho sứ mệnh và chức vụ gìn giữ và giải thích lời Chúa”.
Trong các sách Phúc Âm, Chúa Thánh Thần là tác giả trực tiếp và các vị Thánh Sử cũng là tác giả thật sự. Các ngài được Chúa dùng để ghi chép lại các lời dạy và sự kiện của Chúa Giêsu để truyền lại cho chúng ta. Mỗi vị Thánh Sử có ý hướng thần học riêng và viết Phúc Âm cho những cộng đồng khác nhau. Vì thế, các ngài đã chọn những biến cố, ghi lại từng lời của Chúa Giêsu trong những hoàn cảnh khác nhau cho phù hợp với cộng đồng mà mình gửi đến, phù hợp với ý hướng thần học mà Chúa soi sáng, nhưng chính các ngài không làm sai, bỏ sót hay biến đổi một lời, một chữ nào.
Lý do là vì uy thế tối thượng của Chúa Giêsu và uy tín tối cao của cộng đoàn Giáo Hội không cho phép các Thánh Sử sửa đổi, thêm thắt theo ý riêng mình. Hơn nữa, nếu hành động như thế họ còn xúc phạm đến Chúa Thánh Thần, và chắc chắn cộng đồng Dân Chúa sẽ loại trừ những nguỵ thư không đúng với sự thật.
5. Những đường hướng giải đáp các vấn nạn
Chúng tôi xin giới thiệu những đường hướng giải đáp các vấn nạn và mong ước các nhà nghiên cứu Thánh Kinh hay thần học bổ khuyết cho những cố gắng của chúng tôi.
5.1. Giải đáp về lời rao giảng của Chúa Giêsu. Chúng ta cứ thử tưởng tượng: Chúa Giêsu rao giảng Phúc Âm 3 năm, khoảng 1.000 ngày, mỗi ngày vài giờ, thì tổng cộng Người rao giảng có đến vài ba ngàn giờ. Nhưng nếu ta thử ghi âm toàn bộ những lời Chúa Giêsu nói trong 4 cuốn Phúc Âm, ta thấy chỉ kéo dài khoảng 1 giờ, nghĩa là các Thánh Sử chỉ mới ghi được một phần ngàn những lời của Chúa. Chúa Giêsu nói rất nhiều, Người có thể lặp lại một phần giáo lý Người giảng tuỳ theo mỗi hoàn cảnh khác nhau, mỗi đối tượng nghe khác nhau, nên mỗi vị Thánh Sử đã chọn ghi những lời của Chúa chứ không phải thay đổi lời Người theo ý mình. Bốn vị Thánh Sử ghi những lời Chúa trong các trường hợp khác nhau như vậy để chúng ta có thể áp dụng trong những hoàn cảnh đổi thay của đời sống tuỳ theo sự thôi thúc của Chúa Thánh Thần.
5.2. Giải đáp về các phép lạ của Chúa Giêsu.
Điều lầm tưởng lớn nhất là người ta nghĩ Chúa Giêsu chỉ làm vài chục phép lạ vì toàn bộ Phúc âm chỉ có khoảng 30 bài tường thuật về phép lạ trong Phúc Âm Nhất lãm và 5 bài trong Phúc Âm của Thánh Gioan. Cộng thêm 25 bài thuật trình chữa bệnh, trong đó có 7 bài lồng thêm việc trừ quỉ để khỏi bệnh, và khoảng 10 bài về hành động của Đức Giêsu trên vạn vật. Đây là các bài tường thuật chi tiết với hoàn cảnh rõ ràng. Mục đích các bài này có tính chất dạy giáo lý để khơi dậy lòng tin vào Đức Giêsu. Chúng ta tạm gọi các bài đó là văn loại chính.
Khi người ta so sánh các bài này với nhau, nhất là trong tác phẩm nổi tiếng Synopsis Quattuor Evangeliorum bằng tiếng Hy Lạp của Kurt Aland, đã được Nhóm Phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ dịch ra tiếng Việt là Đối Chiếu Bốn Sách Tin Mừng, xuất bản năm 2004, nhiều người tưởng lầm rằng Chúa Giêsu chỉ làm một phép lạ nào đó nhưng được các Thánh sử ghi lại cách khác nhau, chứ không nghĩ rằng Chúa Giêsu có thể đã thực hiện hàng ngàn, hàng vạn phép lạ trong 3 năm hoạt động của Người. Điều này được chứng minh qua các văn loại phụ.
Tuy nhiên, người ta lại quên văn loại phụ: gồm những lời tóm tắt tổng quát, kể cách chung chung về hành động của Đức Giêsu. Thí dụ như: “Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người. Cả thành xúm lại trước cửa. Đức Giêsu chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật và trừ nhiều quỷ…” (Mc 1,32.34; 3,10-12; 6,55-56; Mt 9,35.14,14; 15,30-31; 19,2; 24,24; Lc 5,15-17; 7,21). Rồi ta còn phải kể thêm các lời ám chỉ: “Người không thể làm được phép lạ nào tại đó” (Mc 6,5) hoặc ghi lại phản ứng của người không tin: “Hêrôđê tin Đức Giêsu là Gioan Tẩy Giả sống lại vì Người làm nhiều phép lạ” (Mc 6,14-16), các ghi nhận về hành động cứu độ của Chúa Giêsu (x. Mc 15,31; Mt 9,34; 10,25; 12,24; Lc 23,8 …), các lời đáp của Chúa Giêsu (x. Mt 11,5-6; 11,21-24; Mt 12, 25-29), các diễn từ ở Công vụ Tông đồ: Cv 2,22; 10,38…
Thí dụ: Nhiều nhà Thánh Kinh Công giáo nghĩ rằng Chúa Giêsu chỉ làm 1 phép lạ cứu chữa cho con gái ông Giaia, rồi các Thánh Sử kể mỗi người mỗi khác, miễn là nói rõ được hành động làm cho kẻ chết sống lại là chính, còn việc chết rồi hay chưa chết khi ông Giaia đến xin Chúa Giêsu chỉ là chi tiết nhỏ nhặt, không cần phải quan tâm! Hơn nữa vì các bản tường thuật phép lạ có mục đích giáo huấn về đức tin, chứ không phải giống như bản tường thuật thời sự của các phóng viên báo chí thời nay, nên không đòi sự chính xác nhất định nào.
Trái lại, chúng tôi cho rằng các Thánh Sử hoàn toàn tôn trọng từng chi tiết nhỏ mọn nhất, bảo đảm sự thật tuyệt đối về Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta có thể xác định điều đó vì phép lạ về con gái ông Giaia của mỗi Thánh Sử là hoàn toàn khác nhau. Tên Giaia là tên phổ biến ở nước Do Thái, còn chức vụ trưởng hội đường thì vào thời đó, nước Do Thái có hàng trăm hội đường, và có cả chục ông có con gái nhỏ. Chúng ta đừng lạ vì chỉ 12 tông đồ thôi cũng đã có 3 cặp trùng tên: Giacôbê, Simon, Giuđa (x. Lc 6,12-16).
Nhiều người chối bỏ phép lạ vì bị ảnh huởng bởi khuynh hướng giải trừ huyền thoại của ông Bultmann, nhưng Thượng Hội Đồng Giám mục 2012 yêu cầu chúng ta phải nhận ra: “Công trình Phúc Âm hoá của Chúa Giêsu gắn liền với 2 hoạt động: chữa bệnh và tha thứ…Và việc giải thoát khỏi quyền lực ma quỷ là 1 dấu chỉ rằng: “Nước Thiên Chúa đã đến giữa chúng ta” (Mt 12,28) và Tin Mừng, món quà cứu rỗi cho mọi người, dẫn đưa chúng ta vào 1 tiến trình biến đổi và thông phần vào sự sống của Thiên Chúa, Đấng đổi mới chúng ta ngày từ giờ phút hiện tại” (TLLV, số 29).
Một khi gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô và kết hợp mật thiết với Người, chúng ta sẽ thấy những phép lạ trở thành hoạt động thường xuyên của người thừa sai để bảo đảm cho lời rao giảng của chúng ta (x. Mc 16,17-20). Vì thế chúng tôi mạnh dạn chia sẻ với anh em câu chuyện chữa lành một người bệnh liệt tay do tai biến mạch máu não, liên quan đến cuốn sách nhỏ Sứ Điệp Loài Hoa, trong số hàng trăm bệnh nhân được Chúa Giêsu chữa lành trong mấy chục năm chúng tôi tiếp xúc với các bệnh nhân.
5.3. Giải đáp về biến cố Vượt Qua của Đức Giêsu
Một số vấn nạn liên quan đến cái chết và sự sống lại của Đức Giêsu Kitô đã được chúng tôi trình bày rất chi tiết trong các bài “Đức Giêsu Kitô chịu chết” và “Các bằng chứng về Đấng Phục Sinh” trong tập sách “Cẩm nang Tân Phúc Âm Hoá”. Chúng tôi chỉ nhắc nhở những ai đang nghi ngại, chưa đặt trọn niềm tin vào Đức Giêsu rằng: nhờ khám phá mới đây về nền văn hoá của người Do Thái thời Chúa Giêsu, người ta thấy rằng tục lệ xức dầu thơm trên xác người chết diễn ra trong 3 ngày, nên cửa mộ chỉ đóng hờ bằng tảng đá lớn và cả 4 Thánh Sử đều ghi đúng sự việc xảy ra.
Việc nhìn thấy 1 hoặc 2 thiên thần không phải là kết quả phóng đại của luật truyền miệng nhưng là 1 sự thật: các Thánh Sử thấy sao nói vậy! Nếu nhìn từ ngoài vào trong mộ, thông qua cửa mộ chật hẹp, người ta chỉ thấy 1 thiên thần. Tuy nhiên nếu bước vào trong lòng mộ, người ta sẽ thấy hết được tảng đá dài, nơi đặt thi hài người chết trên đó, mới thấy được “2 thiên thần, một vị ở phía đầu, một vị ở phía chân” (Ga 20,12).
Danh sách các phụ nữ đến mộ theo thánh Luca là chính xác, nghĩa là có nhiều bà, rồi tuỳ vào cộng đồng đón nhận Bản Phúc Âm mà các Thánh Sử ghi rõ tên từng người hoặc tuỳ vào bài học gắn bó với Chúa Phục Sinh như Thánh Gioan ghi lại.
Những lần hiện ra của Đấng Phục Sinh rất hợp lý và chúng ta có thể lập thành biểu đồ với thời điểm tương đối rõ ràng về 14 lần hiện ra của Đấng Phục Sinh. Dù các môn đệ có nghe theo lời các phụ nữ đến Galilê đi nữa, thì cuộc hiện ra ở Giêrusalem vào chiều Chúa nhật vẫn thực hiện được nếu chúng ta hiểu được bản chất cuộc sống lại của Đức Giêsu là 1 cuộc sáng tạo con người mới, không bị lệ thuộc vào vật chất, không gian và thời gian để sống bằng sức sống phi thường, kỳ diệu của chính Thiên Chúa. Nhờ khám phá ra 14 lần hiện ra của Chúa Giêsu Phục Sinh chúng tôi cũng biên soạn thành Đường Ánh Sáng theo Thánh Ignatiô Loyola nhằm giúp cho đời sống đạo của người Việt Nam thêm những niềm vui và hy vọng để quân bình hơn thay vì chỉ đi Đàng Thánh Giá, suy niệm về cái chết, đau khổ và thử thách của Chúa Giêsu.
6. Giải đáp về anh em ruột của Chúa Giêsu
6.1. Vấn nạn về anh chị em ruột của Chúa Giêsu
Vấn nạn này cũng cần được giải đáp, nhất là trong cuộc đối thoại đại kết với các anh em thuộc các hệ phái Tin Lành, như THĐ GM 2012 nhắc nhở chúng ta ở số 72 và 125 của Tài liệu Làm việc. Vấn đề này đã gây tranh cãi trong nhiều thế kỷ giữa các nhà nghiên cứu Thánh Kinh Tin Lành và Công giáo về việc “Đức Giêsu có anh chị em ruột hay không?” vì Thánh Kinh đã nhiều lần nhắc đến “anh chị em ruột” của Chúa Giêsu trong các bản văn: “Ông này chẳng phải là bác thợ mộc, con bà Maria, anh em với Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon sao? Chị em ông lại không ở đây với chúng ta đó sao?” (Mc 3,31-35; 6,3; Mt 12,46-50; 13,53-58; Lc 8,19-21; 1Cr 9,5; Gl 1,19).
Thánh Kinh dùng từ “anh chị em ruột”, chứ không dùng từ thiếu xác định “anh em, chị em” như tiếng Việt vì có thể hiểu là anh chị em ruột hay anh chị em họ. Do đó, các nhà Thánh Kinh Tin Lành kết luận rằng Đức Maria và thánh Giuse đã sinh thêm những người con khác và chối bỏ lòng sùng kính đối với các ngài. Theo họ, việc Đức Trinh Nữ Maria sinh con bởi phép Chúa Thánh Thần mà không có yếu tố của người nam, được trọn đời đồng trinh… là những huyền thoại không thể có trong thời đại khoa học kỹ thuật này. Từ đấy nhiều người còn mất niềm tin vào chính Chúa Giêsu!
6.2. Câu trả lời từ phía Công giáo
Lời giải đáp của Giáo hội Công giáo được tìm thấy trong sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo số 500 như sau: “Hội Thánh vẫn luôn hiểu rằng những đoạn văn này không hề ám chỉ những người con khác của Đức Trinh Nữ Maria: ông Giacôbê và ông Giuse, “anh em của Chúa Giêsu” (Mt 13,56), thật ra là con của một bà Maria nào đó, là môn đệ của Đức Kitô (x. Mt 27,56), bà này được cẩn thận phân biệt là “bà Maria khác” (Mt 28,1). Đây là những người anh em bà con họ hàng gần, theo như cách nói quen dùng trong Cựu Ước (x. St 13,8; 14,16; 29,15…)”.
Chúng ta phải nói thật rằng: lời giải đáp này chưa thoả đáng đối với chính những người nghiên cứu Thánh Kinh trong nội bộ Giáo hội Công giáo và chưa thuyết phục được các anh em Tin Lành vì bản văn Thánh Kinh nhiều lần dùng từ “anh chị em ruột” của Đức Giêsu chứ không dùng từ nào khác. Hơn nữa nếu quy chiếu những người con như Giacôbê, Giuse, Giuđa, Simon vào 1 bà “Maria khác” thì việc quy chiếu này có vẻ gượng ép vì thánh Matthêu nhắc đến tên bà này có thể chỉ vì muốn phân biệt với bà Maria Magđala vừa được nhắc trước đó (x. Mt 27,61) hoặc với bà Maria, mẹ của một mình ông Giacôbê (x. Lc 24,10). Còn việc nhắc đến các đoạn trích dẫn Thánh Kinh Cựu Ước rõ ràng gượng ép vì nguyên ngữ Do Thái cổ cho phép dịch là bà con, họ hàng trong khi nguyên ngữ Tân Ước không cho phép hiểu như vậy. Kiểu giải thích này còn có thể gây ra sự hiểu lầm nguy hiểm vì một từ được Chúa Thánh Thần linh hứng lại không được hiểu đúng theo nghĩa chữ của nó, và người ta có thể áp dụng kiểu giải thích “quá rộng” này cho các từ khác thì sẽ gấy nhiều hiểu lầm. Vì thế từ “anh chị em ruột” chắc chắn mang ý nghĩa sâu xa hơn, ta cần tìm hiểu sâu rộng hơn thì mới có thể thuyết phục anh em Tin Lành.
6.3. Những gợi ý để giải đáp vấn đề
Chúng ta cùng xác tín trong đức tin Công giáo rằng: “Chúa Giêsu là người con duy nhất của Đức Maria. Nhưng tình mẫu tử thiêng liêng của Mẹ (x. Ga 19,26-27; Kh 12,17) trải rộng cho hết mọi người đã được Chúa Giêsu đến cứu độ. Người Con mà Mẹ sinh ra, Thiên Chúa đã đặt làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc” (Rm 8,29), tức là các tín hữu, mà Mẹ đã cộng tác vào việc sinh hạ và dạy dỗ họ với tình yêu từ mẫu” (x. CĐ. Vat. II, HC Lumen gentium, số 63; Sách GLHTCG, số 501). Chúa Giêsu được cưu mang trong lòng dạ trinh khiết của Đức Maria (x. Lc 1,35; Sách GLH TCG, số 437), “được thụ thai bởi Chúa Thánh Thần, không có mầm mống nam nhân” (CĐ Lateranô, năm 649, canon 3, DS 503; Sách GLHTCG, số 496).
Những người được Thánh Kinh nhắc đến như là “anh chị em ruột” của Đức Giêsu, xét về huyết thống tự nhiên, chỉ là những anh chị em họ, bà con với Người vì Mẹ Maria và thánh Giuse có những người thân thuộc sống tại Nazareth. Những người này cũng đi theo Chúa Giêsu (x. Mc 3,31-33; Mt 12,46-50; Lc 8,19-21), có người trở thành môn đệ và có địa vị trong cộng đồng Giáo hội sơ khai (x. Gl 1,19).
Tuy nhiên, Thánh Kinh luôn dùng từ “anh chị em ruột” khi nhắc đến mối liên hệ huyết thống tự nhiên này với ý nghĩa siêu nhiên. Lý do là vì khi Ngôi Lời Thiên Chúa trở thành người là Đức Giêsu, đón nhận 1 thân xác như bất cứ con người nào, thì Người đã trở nên anh chị em ruột thịt của họ, để dẫn đưa họ vào sự hiệp thông với Chúa Cha trong 1 gia đình duy nhất của Thiên Chúa. Trong Đức Giêsu Kitô, mọi người đều là anh chị em ruột thịt của nhau vì cùng thuộc về một gia đình nhân loại duy nhất (x. Sách GLHTCG, số 355-360). Do đó, trong Thánh Kinh cũng như trong các lời chào của thánh lễ chúng ta đều gọi nhau là “anh chị em ruột” chứ không chỉ coi nhau là “họ hàng”.
Hơn nữa qua thể xác vật chất, Đức Giêsu còn liên kết với mọi thụ tạo trong vũ trụ này để trở thành người anh cả của chúng (x. Rm 8,29) vì “con người, nhờ chính điều kiện có thân xác của mình, quy tụ nơi mình những yếu tố của thế giới vật chất, cho nên nhờ con người, các yếu tố ấy đạt tới tuyệt đỉnh của chúng và có thể tự do dâng lời ca ngợi Đấng Tạo Hoá” (x. CĐ Vat.II, HCGaudium et Spes, số 14; Sách GLHTCG, số 364). Vì thế, Người chết để cứu độ tất cả. Vũ trụ cảm nhận được điều đó nên biểu lộ sự vui mừng qua việc xuất hiện ngôi sao (x. Mt 2,2-10), sự vâng phục qua các phép lạ Người làm trên vạn vật (x. Mc 4,37-41; 6,34-44; 6,45-52, Mt, 17,24-27; Lc 5,1-11; Ga 2,1-11), sự chia sẻ khi Người chết trên thập giá (x. Mt 27,45.51-53).
Nói cho cùng, thân xác chúng ta được cấu tạo bằng những nguyên tố vật chất Carbon-Hydro-Oxy-Nitơ như những thành phần chính cho mọi người, mọi vật. Mỗi ngày, chúng ta đưa những nguyên tố đó vào trong thân thể mình qua đồ ăn, thức uống, khí thở rồi chúng ta lại thải các chất ra để tạo nên thân thể cho muôn loài. Chúng ta hợp thành một thân thể lớn lao của toàn thể vũ trụ, trở thành anh chị em ruột thịt của nhau vì hình thành nên thân xác cho nhau. Thân xác Chúa Giêsu và Mẹ Maria cũng được cấu tạo bằng những thành phần đó.
Xin cho phép tôi đưa ra một minh chứng khoa học. Nhiều người không còn nhớ nổi con số và nguyên lý của nhà bác học Amedeo Avogadro (1776-1856): “Trong cùng một điều kiện nhiệt độ và áp suất, các khí khác nhau có cùng một thể tích sẽ chứa cùng một số nguyên tử hay phân tử như nhau. Số đó là N = 6,022 x 10 . 23”. Nếu 16 gram Oxy ta thở, hay 18 gram nước ta uống, chia đều cho 7 tỷ người đang sống trên trái đất này thì mỗi người được khoảng hơn 9 ngàn tỷ nguyên tử thật hay phân tử thật trong cơ thể mình.
Quả thật, trong thân xác ta đang có những nguyên tử, phân tử vật chất của Chúa Giêsu và Mẹ Maria trong cuộc trao đổi sinh tồn của vạn vật từng giây phút vì qua mấy chục năm sống của Chúa và Mẹ, thân xác chúng ta đã và đang giữ những nguyên tố vật chất đã từng hình thành nên con người của Chúa và Mẹ. Vì thế chúng ta rất tự hào là anh chị em ruột của Chúa Giêsu và con cái thật sự của Mẹ Maria, không phải chỉ về mặt tinh thần mà cả thể chất nữa. Chia sẻ với mọi người điều này, nhất là với anh chị em theo các hệ phái Tin Lành, Cải Cách, chúng tôi hy vọng anh chị em sẽ tìm lại được niềm tin yêu tuyệt đối vào Chúa Giêsu Kitô và vào Người Mẹ Thánh của chúng ta.
Lời kết
Sau khi tìm hiểu vài vấn nạn liên quan đến niềm tin của chúng ta vào Đức Giêsu Kitô chúng tôi hy vọng người thừa sai chúng ta đặt trọn niềm xác tín vào Đức Giêsu Kitô. Hành trình đức tin hay con đường dẫn ta tới gặp gỡ Chúa Giêsu luôn mời ta phải cố gắng bước tới bằng cách tìm hiểu, học hỏi. Mỗi bước tiến mới sẽ giúp ta nhìn rõ khuôn mặt Chúa Giêsu ở trong ta hơn, đồng thời cũng cảm nhận rõ hơn niềm hạnh phúc và ơn cứu độ để ta có thể chia sẻ Tin Mừng Giêsu cho người khác.