31/10/2024

Bài 4: Tân Phúc âm Hoá để truyền bá đức tin

Đức tin Kitô giáo là 1 cuộc gặp gỡ và quan hệ đích thực với Đức Giêsu Kitô. Truyền bá đức tin có nghĩa là tạo lập ở mọi nơi và mọi thời những điều kiện dẫn tới cuộc gặp gỡ này giữa con người với Người.

Bài 4

(Tĩnh tâm thường niên 2013 Dòng Thừa sai Đức tin)

Tân Phúc âm Hoá để truyền bá đức tin

Lời mở

Năm Thánh Đức Tin bắt đầu từ tháng 10/2012 để mời gọi tín hữu Công giáo chúng ta nhìn lại đức tin của mình, sống đức tin đó và truyền đức tin đó cho người khác.

Tài liệu làm việc của THĐGM xác định: “Tâm điểm của việc TPAH hay là việc trải nghiệm đức tin Kitô giáo chính là cuộc gặp gỡ Đức Giêsu Kitô, Tin Mừng của Thiên Chúa Cha cho nhân loại. TM này biến đổi chúng ta, tập hợp chúng ta lại và dẫn đưa chúng ta tới một sự sống mới mà chúng ta có thể trải nghiệm ngay từ bây giờ nhờ hồng ân Chúa Thánh Thần” (TLLV, số 17).

“Đức tin Kitô giáo không chỉ là những giáo huấn, những lời khôn ngoan, một bộ luật luân lý hay một truyền thống. Đức tin Kitô giáo là 1 cuộc gặp gỡ và quan hệ đích thực với ĐGK. Truyền bá đức tin có nghĩa là tạo lập ở mọi nơi và mọi thời những điều kiện dẫn tới cuộc gặp gỡ này giữa con người với ĐGK. Mục tiêu của tất cả việc PÂH là tạo lập khả năng cho cuộc gặp gỡ này, một cuộc gặp gỡ vừa cá nhân và thân mật, vừa công khai và cộng đồng” (số 18). ĐTC Bênêđictô XVI nói: “ Làm Kitô hữu không phải là kết quả của một chọn lựa đạo đức hay một ý tưởng cao vời, nhưng là cuộc gặp gỡ với một sự kiện, một con người, một cuộc gặp gỡ đem đến một chân trời mới và một hướng đi quyết định” (TLLV, số 18).“Cuộc gặp gỡ này với Chúa Giêsu nhờ Chúa Thánh Thần là món quà lớn nhất của Chúa Cha cho loài người” (số 19).

Như thế, THĐ nhiều  lần xác định Đức tin như là cuộc gặp gỡ với ĐGK. Trong phạm vi bài này, chúng ta muốn tìm hiểu đức tin như là cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người, hay cụ thể hơn, là cuộc gặp gỡ với Đức Giêsu Kitô để hoàn thành hành trình đức tin của mình.

Phần I:

Đức tin là gì, đức tin đến từ đâu và phát triển như thế nào?

Có nhiều sách viết về đức tin và định nghĩa đức tin, nhưng hôm nay chúng ta muốn dành ít phút để tìm hiểu đức tin cách đơn giản như là cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người như Chúa gặp Abraham (x. St 12,1-5; Rm 4,16) hay Chúa Giêsu gặp gỡ nhiều người và chữa lành họ vì họ có đức tin (x. Mt 9,22; Mc 4,40; 10,52; 11,22; Lc 7,50; 17,19; 18;42…)

1.  Đức tin là gì?

Cuộc gặp gỡ nào cũng có 2 thành phần: người đến gặp và người được gặp. Thiên Chúa là người đến gặp và con người gặp được Ngài. Thiếu 1 thành phần thì không thể có đức tin.

“Thiên Chúa vô hình, do tình thương chan hoà của Ngài, đã ngỏ lời với loài người như với bạn hữu và liên lạc với họ để mời gọi họ và chấp nhận cho họ đi vào cuộc sống của chính Ngài” (Công đồng Vaticanô II, Hiến chế tín lý Dei Verbum, số 2). Vì thế, “đức tin là sự đáp lại thích đáng của con người đối với lời mời gọi của Thiên Chúa” (Giáo lý Hội Thánh Công giáo (GLHTCG), số 142).

Về phía con người, đức tin là sự cố gắng vươn tới Thiên Chúa

Thiên Chúa tuyệt đối linh thiêng, cao cả vô cùng, nhưng con người vẫn có khả năng nhận biết Ngài bằng lý trí tự nhiên của mình (x. GLHTCG, số 50) vì con người được Thiên Chúa dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa và giống Thiên Chúa (x. Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hoà bình, Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo, số 34, 108-109).

Như thế, về phía con người, đức tin là sự cố gắng liên lỉ vươn tới TC bằng trọn vẹn bản thân mình (x. GLHTCG, số 143), qua việc học hỏi, tìm hiểu, cầu nguyện, hành động bác ái, tự nguyện quy thuận các chân lý Chúa mạc khải (x. GLHTCG, số 144; TLLV, số 121).

Có nhiều người không cùng tôn giáo với ta nhưng vẫn được Chúa ban ơn đức tin nhờ cố gắng tìm Chúa bằng lý trí của mình.

Có tìm hiểu và biết được TC là nguồn sự thật và sự sống, nguồn ân sủng và tình yêu, nguồn quyền năng và hạnh phúc mà mình cần đến thì con người mới muốn gặp gỡ Ngài. Nếu không, họ sẽ tìm đến những thứ khác, dù không phải là nguồn, nhưng ít ra cũng cho họ cảm nghiệm chút ít về sự sống, hạnh phúc, tình yêu….

Có tìm hiểu và biết được TC, vì yêu thương con người, đã cho Con Một Ngài trở thành người là Đức Giêsu Kitô, trở thành nguồn sống và tình yêu cụ thể, nguồn chân thiện mỹ cụ thể, thì con người mới muốn gặp gỡ Đức Giêsu Kitô và tin vào Người (GLHTCG, số 150-151).

Có bao giờ bạn muốn tìm về tận nguồn của sự sống, tình yêu, tư tưởng hay bạn đang bằng lòng với những gì mình có?

 

Còn về phía Thiên Chúa, đức tin là hồng ân nhưng không Chúa tặng ban cho con người (x. GLHTCG, số 153, 162,179).

Dù con người không cố gắng vươn tới TC thì từng giây, từng phút, TC vẫn đến với con người, vẫn ban sự sống, tình yêu, ân phúc, quyền năng và tất cả những gì tốt đẹp nhất của Ngài cho con người.

Một khi con người mở lòng đón nhận ân sủng Chúa ban, họ sẽ nhận được “sự thôi thúc từ bên trong của Chúa Thánh Thần: Ngài đánh động và quy hướng con tim về cùng TC, Ngài mở mắt lý trí và cho mọi người cảm thấy dịu ngọt khi ưng thuận và tin vào chân lý” (x. Công đồng Vaticanô I, Hiến chế tín lý Dei Filius, chương 3, DS 3008).

Bạn có cảm nhận được từng giây phút bạn sống, từng ý tưởng trong đời, từng rung động trong tim đều bắt nguồn từ Thiên Chúa không?

Như vậy, trong cuộc gặp gỡ hình thành nên đức tin nơi con người, 2 yếu tố Thiên Chúa và con người gắn kết chặt chẽ với nhau: con người càng tìm hiểu sâu xa, gắn bó mật thiết với Thiên Chúa và Đức Giêsu Kitô, thì ân sủng đức tin và các ân sủng khác càng tuôn đổ dồi dào.

Họ được thúc đẩy hành động như Đức Giêsu Kitô thuở trước, trở nên Lời sống động của Người, từ đó họ có thể truyền bá đức tin mình cho người khác như các tông đồ và tín hữu thời xưa một cách hiệu quả.

 

2. Ơn đức tin đến từ đâu?

Cuộc gặp gỡ giữa con người và TC không phải ngẫu nhiên, tình cờ vì TC luôn có mặt, ở sát bên con người, ngay trong lòng con người, nhưng con người lại không nhận ra Ngài. Vì thế cuộc gặp gỡ cần một sự khởi đầu từ phía con người.

Thánh Phaolô trong bài đọc Rm 10, 8-18 giải thích cho chúng ta hiểu rằng: tin là nhờ nghe, nghe là nhờ có người rao giảng, rao giảng được là vì được Chúa sai đi. Vậy chúng ta đã tin, đã nghe, đã rao giảng và được sai đi như thế nào?

Bạn hãy nhớ lại xem ai đã chuyển thông đức tin cho bạn: cha mẹ, thầy cô, bạn bè, người yêu?

Bạn đã chuyển thông đức tin cho ai chưa? Có bao nhiêu người nhận được ơn đức tin từ bạn?

Đức Giêsu trong bài Tin Mừng (x. Mc 16,15-20) đã sai chúng ta: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa sẽ được cứu độ”.

Ơn đức tin đã được ban cho ta, kèm theo ơn đó là tình yêu, quyền năng và muôn vàn ân sủng khác của Thiên Chúa Ba Ngôi nên Đức Giêsu nói rõ hơn: “Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhầm thuốc độc thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ” (Mc 16,17-18).

Bạn đã làm được dấu lạ nào để truyền thông đức tin cho người khác? Bạn có tin mình làm được dấu lạ không? Nếu không, tại sao?

Tất cả ân huệ ấy được ban cho ta để ta trở thành Tin Mừng sống động, thành hiện thân của Chúa Giêsu giúp người khác cảm nghiệm được rằng Thiên Chúa cũng đang mời gọi họ đến gặp gỡ Ngài và đón nhận ơn cứu độ cụ thể từ phía chúng ta.

Họ đói rách ư! Chúng ta chia sẻ cho họ bát cơm, chiếc áo mà Chúa ban từ sự lao động chân chính của mình. Họ bệnh tật ư! Chúng ta chia sẻ viên thuốc, sự săn sóc hay cả ơn chữa bệnh lạ lùng Chúa Giêsu ban cho ta để làm chứng về Người. Họ bị ma quỷ kiềm chế ư! Chúng ta giải cứu họ bằng lời cầu nguyện, chay tịnh, xin lễ cho các linh hồn được siêu thoát và cả việc xua trừ ma quỷ nhân danh Chúa Giêsu.

Vì thế đức tin luôn kèm theo hành động cứu độ, không có những hành động này, đức tin sẽ chết (x. Gc 2,17) (TLLV, số 123).

Bạn đang có hành động cụ thể nào chứng minh đức tin của bạn?

Hay bạn chỉ bằng lòng với việc cầu nguyện, dự lễ, thỉnh thoảng làm vài việc bác ái? Bạn nghĩ mình sẽ làm thêm điều gì theo lệnh truyền của Đức Giêsu Kitô?

 

3. Đức tin phát triển như thế nào?

Hình như nhiều người chúng ta không tin hay chưa tin vào những ân sủng kèm theo ơn đức tin để hành động như Chúa Giêsu truyền dạy nên việc loan báo Tin Mừng chưa có kết quả tốt đẹp. Hơn nữa, vì không được củng cố bằng những dấu lạ, đức tin của chính họ không phát triển và họ cũng không truyền bá được đức tin  cho người khác.

Điều này khác hẳn thái độ của các tông đồ và môn đệ Chúa Giêsu trước đây: “Còn các tông đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng” (Mc 16,20).

Nhiều người lầm tưởng rằng, ơn đức tin chỉ cần lãnh nhận 1 lần qua bí tích Rửa Tội là đủ, rồi đức tin tự nó lớn lên như cây non mà chẳng cần phải chăm sóc tưới bón gì hết.

Họ quá nhấn mạnh đến ơn ban về phía TC: Chúa không ban thì đức tin làm sao phát triển! Họ quên đi sự cố gắng liên lỉ về phía con người: con người vươn tới TC từng bước trong suốt đời mình bằng sự cố gắng tìm hiểu, học hỏi, suy tư, cầu nguyện, hoạt động bác ái.

Cứ mỗi bước gần hơn, thì khuôn mặt Chúa lại hiện rõ hơn, to hơn, đẹp hơn và họ cảm thấy hạnh phúc hơn, quyền năng hơn, yêu thương hơn. Như thế, đức tin phát triển liên tục theo từng cố gắng dù nhỏ mọn nhất của con người.

Bạn dự tính làm gì để phát triển đức tin của mình? Bạn làm gì để truyền bá đức tin cho người khác? Cụ thể người đó là ai?

Lời kết

Những lời gợi ý trên đây như thúc đẩy chúng ta dành thêm cho Chúa những giây phút để gặp gỡ Ngài, học hỏi về Chúa Giêsu và hành động theo sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần. Chắc chắn ta sẽ làm cho đức tin của mình phát triển mạnh mẽ và đức tin người khác được khai mở trên cánh đồng truyền giáo Việt Nam.

 

Phần II

Cuộc gặp gỡ đức tin cụ thể

Lời mở

Chúng ta đã tìm hiểu đức tin là cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa với con người.

Về phía Thiên Chúa, đó là một ơn ban Ngài trao cho con người để con người có thể mở lòng đón nhận chính Ngài cùng với tất cả những ân sủng để được thông phần vào đời sống kỳ diệu của Thiên Chúa. Về phía con người, đó là một sự cố gắng liên lỉ để con người vươn tới Thiên Chúa bằng tất cả khả năng của mình.

Bài Tin Mừng (x. Mc 10,46-52) như muốn diễn tả từng chi tiết của cuộc gặp gỡ đức tin này có những yếu tố cụ thể nào. Chúng ta sẽ tìm hiểu những chi tiết đó về phía con người, phía Thiên Chúa và cuối cùng là cả hai bên khi gặp được nhau.

1. Những chi tiết cụ thể về phía con người

1.1. Trước hết, đức tin luôn là một hành động nhân linh (x. Giáo lý Hội Thánh Công giáo (GLHTCG), số 160) của con người cụ thể, rõ rệt, có tên tuổi, cha mẹ đàng hoàng, chứ không phải là một con người chung chung, bất định.

Ở đây là Bartimê, con ông Timê. Trong các phép lạ khác, tác giả Tin Mừng ít khi nói đến tên của người được chữa lành.

Bạn có ý thức được mình khi tin vào Chúa không? Mỗi lần bạn đi dự lễ, cầu nguyện… bạn làm vì tự nguyện hay do người khác thôi thúc?

Trong xã hội hiện nay, nhiều người chỉ muốn ẩn thân vào đám đông. Đi ra đường, họ dùng khăn to để bịt mặt, đeo kính râm, không phải chỉ để che bụi, che nắng nhưng còn che mặt để người khác không nhận ra mình.

Trong cộng đồng ẩn danh, nhiều người sống nặc danh, dùng tên giả để không ai nhận ra họ và họ nghĩ rằng mình có thể làm bất cứ chuyện mờ ám, bất công, thất đức vì chắng ai nhìn rõ mặt mình. Họ không dám chịu trách nhiệm về hành động của họ.

Có bao giờ bạn muốn ẩn mình vào đám đông để không ai nhận ra bạn khi bạn làm một điều không chính đáng? Bạn có dám tự nguyện nhận lỗi với ý thức làm chủ được mình không?

Đức tin không phải như vậy. Đức tin là sự cố gắng vươn tới của từng người chúng ta đến Thiên Chúa: với tất cả tự do, ý thức, đồng thời kèm theo trách nhiệm của mình (x. GLHTCG, số 33) vì thế khi đọc kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng: “Tôi tin kính một Thiên Chúa”.

1.2. Yếu tố thứ hai, đó là con người ý thức về tình trạng khốn khổ của mình và muốn vươn lên.

Bartimê biết mình bị mù, anh hiểu được tình trạng nghèo túng, tầm thường, yếu đuối của mình. Anh không muốn mình cứ mãi mãi ngồi bất động bên vệ đường, sống nhờ vào lòng thương xót của người khác, muốn làm gì cũng phải nhờ ai đó giúp đỡ.

Có ý thức mình nghèo túng, bất động, yếu đuối, tầm thường ta mới muốn tìm về nguồn sự sống, hạnh phúc, tình yêu, nguồn chân thiện mỹ là chính thiên Chúa.

Rất nhiều người trong thế giới hiện nay người ta không muốn tìm về với Thiên Chúa bởi vì người ta không ý thức về tình trạng sống của họ. Họ nghĩ mình sống mãi chứ không nghĩ đến cái chết sẽ tước đoạt tất cả những gì họ có.

Hơn nữa, họ còn bằng lòng, thậm chí tự mãn, với danh lợi, tài năng, sắc đẹp và tất cả những gì họ đang có. Họ tưởng rằng những gì mình có được là do tài năng, bàn tay, khối óc của mình làm ra nên họ không tìm về với Thiên Chúa. Vì thế, họ không nhận được ơn đức tin.

Có bao giờ bạn nghĩ như họ không?

Bartimê dùng lý trí của mình để tìm hiểu về Đức Giêsu Nazareth qua những câu chuyện người ta kể về Người, anh biết Người là Đấng Mêsia qua tước hiệu anh gọi Người là “con vua Đavit”, anh hy vọng Người sẽ cứu chữa anh khỏi tình trạng khốn khổ.

Điều đó cũng gợi ‎ý cho chúng ta cần tìm hiểu về Thiên Chúa, về Đức Giêsu Nazareth để biết Người là ai qua những cố gắng học hỏi của chúng ta.

Bạn biết gì về Đức Giêsu Nazareth của bạn? Bạn đã đọc một sách gì về Người? Bạn có đeo ảnh tượng của Người hay làm một điều gì đó cho Người không?

1.3. Yếu tố thứ ba đó là anh ta dám kêu lên, “kêu to, trong khi đám đông quát nạt bảo anh ta im đi” (Mc 10,48).

Trong cuộc sống, rất nhiều khi đám đông muốn chúng ta sống ẩn danh như họ, cũng hưởng thụ, tham nhũng, lừa dối, tàn ác như họ. Nếu chúng ta làm khác đi, là họ muốn loại trừ chúng ta.

Đức tin chính là tiếng kêu to vượt trên đám đông để nói với Thiên Chúa, cụ thể là Đức Giêsu Kitô, để cầu nguyện, cầu xin với Người.

Bạn có đang chịu một áp lực nào đó của đám đông muốn dập tắt niềm tin vào Đức Giêsu của bạn không? Áp lực đó đến từ đâu? Có bao giờ bạn kêu to để cầu cứu với Giêsu không?

1.4. Yếu tố thứ tư đó là anh ta “vất bỏ áo choàng, đứng phắt dậy mà đến gần Đức Giêsu”.

Đây là những hành động quyết liệt của con người muốn thoát ly khỏi tình trạng sống bám vào những gì riêng tư, ích kỷ như tấm áo choàng anh mù quấn quanh mình, vượt ra khỏi tình trạng ngồi yên bất động để tiến đến gần nguồn sự sống và chân thiện mỹ.

Thực ra, ngay khi con người vừa nhỏm dậy, thì Chúa đã ở sát bên họ.

Bạn vứt bỏ cái gì để theo đuổi niềm tin vào Đức Giêsu?

2. Những chi tiết cụ thể về phía Thiên Chúa

Mỗi hành động của con người trong cuộc gặp gỡ đức tin, dù nhỏ nhặt đến mấy, đều được Thiên Chúa đáp ứng.

2.1. Trước hết và trên hết, cuộc gặp gỡ đức tin là sáng kiến của Thiên Chúa, từ muôn thuở Ngài muốn đến với con người để cứu thoát con người, và qua đó cứu độ toàn thể vũ trụ, vì Ngài là Thiên Chúa Tình Yêu. Vì thế, đức tin là ân sủng cao quý của Chúa ban mà không đòi hỏi con người bất cứ điều kiện gì.

Thiên Chúa ở đây không phải là một đấng thượng đế tối cao, thần linh xa vời theo sự tưởng tượng của con người mà là một Thiên Chúa cụ thể, có tên tuổi, gốc gác đàng hoàng. Đó là Đức Giêsu thành Nazareth (Mc 10,47).

Thiên Chúa linh thiêng, tuyệt đối, vĩnh hằng, vì yêu thương, nên đã ban Người Con một của Ngài để Ngôi Lời Thiên Chúa làm người, trở thành Đức Giêsu Nazareth (x. Ga 3,16).

Chính nhờ vị Thiên Chúa cụ thể này mà con người được nâng lên địa vị cao cả tột cùng, trở thành con cái của Thiên Chúa và có thể thông phần vào sự sống kỳ diệu của Ngài.

2.2. Đức Giêsu đang đi trên đường cùng con người, với các môn đệ và đám đông, để dẫn họ về nguồn của sự sống và tình yêu, của chân thiện mỹ, của tất cả những gì con người mơ ước để thoát khỏi tình trạng hèn kém, khốn khổ, nhất thời, bị giới hạn và lệ thuộc của mình.

Vì thế Đức Giêsu tuyên bố: “Tôi và Chúa Cha là một” (Ga 10,30); “Tôi là con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6); “Tôi đến để cho họ được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10).

Bạn có bao giờ cảm nhận mình đang đồng hành với Đức Giêsu không? Hay bạn ngồi bên vệ đường không cùng đi với Người?

Bạn có đang đi tìm sự thật cụ thể trong khoa học, hay một tình yêu cụ thể nào không?

Bạn có đang đau yếu, tật bệnh và muốn tìm Giêsu để được chữa lành không?

2.3. Đức Giêsu nghe được lời kêu cứu của con người, dù tiếng kêu ấy vang lên giữa đám đông hỗn loạn hay bị đe doạ bắt phải im lặng, vì Người thấu hiểu lòng con người (Mt 12,25; Lc 11,17; Ga 6,64).

Người muốn cứu độ tất cả vì tất cả được dựng nên nhờ Người và cho Người (x. Ga 1,3). Vì thế chúng ta hãy tin tưởng kêu cứu và đặt tất cả hy vọng vào Người.

2.4. Đức Giêsu kêu gọi và hỏi anh mù muốn Người làm gì cho anh. Khi kêu gọi con người hãy tin tưởng đến gần mình, Đức Giêsu muốn trao cho họ một sứ mạng đặc biệt và họ cần phải khám phá ra sứ mạng ấy để sống cho có ý nghĩa.

Hơn nữa, khi hỏi như vậy không phải Người không biết điều họ cần, nhưng Người muốn cho cuộc gặp gỡ đức tin được hoàn toàn tự do, không bị áp lực về phía con người. Người muốn con người hãy có những ước vọng cao hơn thay vì chỉ xin Người những đồng bạc bố thí, cái bánh, con cá hay những ân huệ tạm thời.

Sứ mạng của bạn hiện nay là gì? Là giáo viên truyền dạy sự thật, là sinh viên đi tìm sự thật, là người buôn bán phục vụ nhu cầu của anh chị em… Nếu Đức Giêsu hỏi bạn về yêu cầu hay ước mơ, bạn sẽ trả lời Người như thế nào?

3. Cuộc gặp gỡ giữa hai bên

3.1. Cuộc gặp gỡ đức tin đã hoàn thành ngay khi mắt anh mù mở ra để nhìn thấy Đức Giêsu.

Người là ánh sáng cho trần gian để soi sáng tất cả những ai đang sống trong bóng tối của cuộc đời lệ thuộc, nghèo đói, buồn thảm, bất toàn và giúp họ cảm nhận được đời sống đầy màu sắc tươi đẹp, tự do, bình an, hạnh phúc của Thiên Chúa. Đó là kết quả của đức tin. Do đó, Đức Giêsu bảo anh: “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh” (Mc 10,52).

Tuy nhiên, sau khi gặp được Đức Giêsu và được sáng mắt, sáng lòng, Bartimê đã nhận ra ngay sứ mệnh của mình là “để đi theo Người trên con đường Người đi”.

Anh không về nhà ăn mừng với người thân, bè bạn hay chọn đời sống theo ý muốn riêng.

Anh chọn Đức Giêsu và đi theo Người là con đường dẫn đến sự thật và sự sống, đến tình yêu và hạnh phúc vĩnh hằng để khi gắn bó với Đức Giêsu, anh sẽ mang ơn đức tin đến cho người khác.

3.2. Cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu và người mù Bartimê là cuộc gặp gỡ đức tin của từng người chúng ta trong đời sống.

Nhiều người nghĩ rằng Chúa Giêsu sống cách đây 2000 năm, đã lên trời, chứ không biết Người đang cùng đi với mình trên đường đời. Người đang hiện thân nơi cha mẹ, vợ con, bạn bè, hàng xóm… và tất cả những ai mà chúng ta gặp gỡ trong đời.

Nếu có được đôi mắt đức tin như Bartimê, ta sẽ nhìn thấy Đức Giêsu trong mọi người, mọi vật quanh ta và lúc nào ta cũng có thể gặp được Người. Bất kỳ hành động nào ta làm cho con người, dù là con người nhỏ mọn nhất, là ta làm cho chính Thiên Chúa (x. Mt 25,31-46).

Bạn có nghĩ mình đã sáng mắt sáng lòng qua cuộc gặp gỡ được Đức Giêsu trong đời không? Nếu bạn chưa gặp được Người, bạn nghĩ mình nên làm gì?

Nếu bạn gặp được Người rồi, bạn sẽ hành động như thế nào?

Lời kết

Vì thế, trong Năm Đức Tin này, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta thể hiện lại những chi tiết cụ thể trong cuộc gặp gỡ đức tin để có thể truyền bá đức tin cho người khác.

 

Phần III

Theo Đức Giêsu Kitô để truyền bá đức tin

Lời mở

Người hành khất Bartimê, nhờ lòng tin vào Chúa Giêsu, đã được Người làm cho sáng mắt sáng lòng. Thay vì về nhà để theo đuổi những dự tính của đời mình, anh đã đi theo Đức Giêsu trên con đường của Người, con đường dẫn đến sự thật và sự sống (x. Ga 14,6) để cứu độ muôn loài. Chúng ta cũng được mời gọi bước theo Đức Giêsu như Bang Chủ của những người Hành khất Kitô trong thời đại hôm nay, sống tinh thần nghèo khó của Người và dùng lưỡi gươm Lời Chúa để hành hiệp giang hồ, hàng ma phục linh như Người. Đây là ước mơ của nhiều bạn trẻ trên khắp thế giới.

1. Hồng ân đức tin: sáng mắt sáng lòng

Nhờ lòng tin, Bartimê đã gặp Chúa Giêsu và Người đã chữa lành đôi mắt mù loà để anh sáng mắt sáng lòng, nhìn rõ mình, nhìn rõ Đức Giêsu và cả xã hội mình sống, rồi từ đó anh nhận ra ngay sứ mệnh của mình là bước theo Đức Giêsu trên con đường của Người. Đó cũng là những hiệu quả của một đức tin chân thật nơi mỗi Kitô hữu khi gặp được Chúa Giêsu.

 

1.1. Nhận ra được con người thật của mình

Bartimê, khi được sáng mắt, nhận ra mình chính là người được Thiên Chúa yêu thương qua việc chữa lành của Chúa Giêsu. Anh nhìn rõ con người thật của mình với thể xác, tâm hồn và tất cả những gì anh có đều là hồng ân của Chúa. Trước đây, anh sống tạm bợ, chật vật nhờ sự bố thí và lòng tốt của người khác. Giờ đây anh sống thoải mái, dồi dào hạnh phúc, tự do vì tìm về được với Thiên Chúa là nguồn vĩnh hằng, nguồn chân thiện mỹ và nguồn hạnh phúc vô biên qua sự hiện diện của Đức Giêsu. Vì thế, anh xác tín về lòng tin của mình vào Đức Giêsu. “Tôi tin”: anh thưa cùng Chúa Giêsu với tất cả lòng mình.

Bạn có cảm nhận được niềm vui, hạnh phúc, tự do vì đời sống của mình không? Hay bạn cảm thấy gò bó, bực bội, bị hạn chế vì những điều buộc phải làm như dự lễ, đọc kinh, giữ các giới răn của đạo Công giáo..?

1.2. Nhìn rõ Đức Giêsu

Anh nhìn rõ Đức Giêsu, vị Thiên Chúa cụ thể, nguồn sáng cụ thể, nguồn tình yêu cụ thể. Nhưng đồng thời cũng nhận ra có một đám đông rất lớn gồm những người đói khổ, tật nguyền, tội lỗi vây quanh Người để xin Người cứu giúp. Anh quan sát những hành động của Chúa Giêsu như rao giảng Tin Mừng, chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ, tha thứ tội lỗi, đón nhận và chúc lành cho trẻ thơ, tranh luận với những người biệt phái và luật sĩ, đồng cảm với những người đau khổ, điều khiển được cả vạn vật, thậm chí cho người chết sống lại và cả những lúc Người cầu nguyện với Chúa Cha.

Anh hiểu rằng không ai giống như Giêsu. Anh bị cuốn hút vào Người, say mê Người và từ thâm sâu tiếng lòng thôi thúc anh “Hãy bước theo Người” vì chỉ có Giêsu mới có thể đáp ứng những mơ ước cao xa của anh, hơn cả việc Người chữa lành cho anh.

Bạn có nhìn rõ Đức Giêsu và hành động của Người đang thực hiện quanh bạn không? Hành động nào làm bạn xúc động hơn cả? Hay bạn không thấy gì về Đức Giêsu?

Bạn có nghe được tiếng lòng thôi thúc bạn đi theo Đức Giêsu không? Vì sao bạn chưa nghe được?

1.3. Chúng tôi tin

Anh nhìn rõ có nhiều người tin vào Đức Giêsu giống như anh. Họ lập thành một cộng đồng vây quanh Đức Giêsu và luôn đi theo Người để hành động theo sự chỉ dẫn của Người. Họ được gọi là các tông đồ, các môn đệ của Đức Giêsu. Họ lắng nghe lời Người giảng dạy, giúp Người phân phát bánh cá cho dân chúng, giúp những người tật bệnh, tội lỗi, bị quỷ ma ám ảnh đến gần Chúa Giêsu để Người chữa lành. Anh nhận ra rằng không phải chỉ một mình anh tin Đức Giêsu mà có rất nhiều người khác nữa, để cùng nói với Đức Giêsu: “Chúng con tin Thầy là Đấng phải đến cứu độ trần gian”.

Anh hiểu rằng: “Không ai có thể tin một mình, cũng như không ai có thể sống một mình. Không ai tự ban đức tin cho mình cũng như không ai tự ban sự sống cho mình. Người tin nhận được đức tin từ những kẻ khác và phải thông truyền đức tin đó cho những người khác. Tình yêu của chúng ta đối với Đức Giêsu và đối với tha nhân, thúc giục chúng ta nói về đức tin của mình cho những người khác” (x. GLHTCG, số 166). Chính vì thế, anh đã hoà mình vào cộng đồng những người tin Chúa Giêsu đề hình thành nên Giáo Hội của Người. Lòng tin của anh hoà nhập vào đức tin của Hội Thánh Chúa (x. GLHTCG, số 168).

Nếu không có những người đã tin vào Đức Giêsu trước anh rồi loan tin cho anh về Đức Giêsu thì anh cũng chẳng thể nào tìm gặp Đức Giêsu và tin vào Người. Vì thế, “tin là một hành vi có chiều kích Hội Thánh. Đức tin của Hội Thánh có trước, sinh ra, nâng đỡ và dưỡng nuôi đức tin của chúng ta. Hội Thánh là Mẹ của mọi tín hữu” (x. GLTHCG, số 181).

Bạn có bao giờ nhìn vào cộng đồng mình đang sống (gia đình, giáo xứ, giáo phận, giáo hội toàn cầu) để thấy nhiều người tin vào Đức Giêsu như bạn?

Bạn có bao giờ thấy mình đang được nâng đỡ bằng lời cầu nguyện, sự hy sinh và đời sống của 1 tỷ 200 triệu người Công giáo trên thế giới không?

Bạn có đóng góp gì cho cộng đồng này với ‎ý thức và tình yêu. Hay bạn không bao giờ nghĩ tới chiều kích cộng đồng của đức tin bạn?

1.4. Cộng đồng vây quanh Đức Giêsu

Ngoài các tông đồ và môn đệ, Bartimê quan sát kỹ hơn cộng đồng lớn lao đang chen chúc nhau vây quanh Đức Giêsu. Cộng đồng hỗn độn này gồm đủ mọi hạng người: già trẻ, lớn bé, nam nữ, giàu nghèo, khoẻ mạnh, đau yếu, người Do Thái cũng như người nước ngoài, người đạo đức như các tư tế, luật sĩ và những người tội lỗi như thu thuế và các cô gái điếm.

Ai cũng bị hút vào Đức Giêsu theo một lực lạ lùng, dù rằng có cả những người chỉ để bắt bẻ giáo l‎ý hoặc giăng bẫy Đức Giêsu về một sơ hở chính trị nào đó. Nhiều người chỉ mong chạm đến gấu áo Đức Giêsu để được chữa lành vì có một sức mạnh kỳ diệu tự nơi Người phát ra có thể chữa lành, nếu họ có lòng tin.

Đức Giêsu trở thành cái gì hết sức thiết thân cho tất cả những người đó. Người đem lại tấm bánh con cá cho người đói, sự chữa lành cho người bệnh, sự tự do cho người bị ma quỷ kiềm chế, ánh sáng cho người mù, sự bình an cho người bị rối loạn tinh thần, công l‎ý cho người bị áp bức, tình yêu cho người đang thù hận, sự tha thứ cho người tội lỗi, ân phúc Thiên Chúa cho người thiện tâm. Đây là điều anh đang mong ước vì muốn mình sống hữu ích cho cộng đồng nhân loại cũng như cho dân tộc của anh. Anh muốn được trở nên tất cả cho mọi người như Chúa Giêsu. Vì thế, Bartimê quyết tâm đi theo Đức Giêsu để cứu giúp đồng loại.

Bạn có bao gười quan tâm đến cộng đồng đang sống quanh bạn không? Họ là những ai? Giàu hay nghèo, đẹp hay xấu, đạo đức hay tội lỗi?

Bạn có ưu tư về dân tộc của mình không?

Bạn có biết rằng trong số 90 triệu dân hiện nay, đang có 16 triệu người nghèo cùng cực không kiếm nổi 20.000 đồng 1 ngày; 6,7 triệu người khuyết tật về thể l‎ý, hơn 10 triệu người khuyết tật về tinh thần vì nạn phá thai, nghiện ngập đủ loại; 2 triệu trẻ mồ côi; hàng trăm ngàn người bị áp bức không được hưởng tự do và công l‎ý?

Bạn có ưu tư về Giáo hội Việt Nam không? Tỷ lệ người Công giáo nước ta chỉ mới chiếm 7% dân số và suốt từ 127 năm qua (từ 1885) tỷ lệ này vẫn giữ nguyên?

Bạn có ước mơ gì để cứu giúp những người khốn khổ quanh bạn? Hay bạn bằng lòng với những gì mình có và sống an thân, ẩn mình vào đám đông như một con số vô nghĩa trong lòng nhân loại và dân tộc này?

Chính vì tình thương cứu độ của Đức Giêsu và đức tin của Bartimê mà anh đã sáng mắt sáng lòng và quyết tâm bước theo Đức Giêsu để hoàn thành hành trình đức tin của mình. Kể từ giây phút lên đường với Đức Giêsu, hành trình đức tin mới bắt đầu, cuộc đời của anh mới có ý nghĩa: vì anh trở thành người thuộc về Đức Giêsu Kitô, anh mới thật sự là Kitô hữu.

2. Hành khất Kitô

2.1. Đức Giêsu kêu gọi anh trở thành hành khất như Người

Bartimê đã từng ăn mày, sống nhờ sự giúp đỡ của người khác. Hồi anh bị mù, anh vui sướng khi nghe tiếng những đồng xu rơi vào bát ăn xin của mình hay khi được người ta dúi vào tay anh miếng bánh, bát cơm, nhiều khi chỉ là cơm thừa canh cặn. Có người cho với lời an ủi ấm lòng, nhưng cũng không thiếu người chỉ muốn tống cổ anh đi cho khuất mắt bằng những lời mắng chửi hay nói xéo ác độc.

Bây giờ được sáng mắt rồi, anh lại nhận ra Đức Giêsu mới thật là người hành khất lạ lùng và muốn anh bước theo Người. Người nói với các ông Phêrô, Andrê, Gioan, Giacôbê là những ngư phủ rằng: “Hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các bạn thành những ngư phủ trong biển đời để các bạn lưới người như lưới cá”. Người nói với chị em Matta và Maria, với Madalena, với 72 môn đệ (x. Lc 10,1) và với chính anh: “Hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các bạn biết chinh phục và cứu độ con người”. Người ban cho các tông đồ, 72 môn đệ quyền năng và ân sủng để đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng, chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ (x. Mc 16,16-22). Anh muốn trở thành một hành khất như Đức Giêsu.

Đức Giêsu là người hành khất phi thường, vì Người cũng rong ruỗi trên mọi nẻo đường xứ Palestine và trên khắp thế giới giống như anh. Người cũng sống nhờ lòng tốt của mọi người giống như anh vì Người đón nhận các bữa ăn người ta chia sẻ cho Người và các môn đệ… Có người mời với lòng kính trọng như để đền ơn sau khi được chữa lành; nhưng cũng có người cho mà lòng không vui, ăn mà lòng không thích vì nghĩ rằng thà để dành tiền cho người nghèo khó tốt hơn. Người đón nhận sự đóng góp và tặng ban của mọi người để chia sẻ cho những ai cần đến dù rằng Người là Thiên Chúa giàu có vô song và dư sức để làm ra của cải, cơm bánh nuôi sống mọi người. Người đã tự nguyện trở nên nghèo khó vì muôn loài để lấy cái nghèo của Người mà làm cho muôn loài trở nên giàu có (x. 2Cr 8,9; Pl 2,6-11).

Đức Giêsu có thể được gọi là người hành khất ăn xin tình yêu vì Người là Ngôi Lời Thiên Chúa. Thiên Chúa là Tình Yêu (x. 1Ga 4,16) và chỉ có tình yêu của con người là thứ mà Thiên Chúa cần đến vì Thiên Chúa không thể bắt ép con người yêu Ngài cũng như không thể bắt ép con người đón nhận tình yêu của Ngài.

 

2.2. Chọn Đức Giêsu làm Bang Chủ Hành khất Kitô

Bartimê thấy Đức Giêsu thu tập môn đệ để dạy bảo họ về tình yêu Chúa Cha, về đời sống nghèo khó, để biết sử dụng Lời Chúa như vũ khí thiêng liêng, ban cho họ quyền năng và ân sủng của Người để cứu giúp những người nghèo khổ, yếu kém trong xã hội. Đức Giêsu hành xử như một bang chủ của Cái Bang thời xưa và Bang Hành khất Kitô thời nay.

Trong lịch sử chiến đấu của nhiều dân tộc, nhất là của Trung Hoa, các người ăn xin họp thành Cái Bang. Họ là những người tự nguyện sống thanh bần, giàu lòng nhân ái, tinh thông võ nghệ để diệt gian trừ bạo, hành hiệp giang hồ. Đức Giêsu là Ngôi Lời Thiên Chúa “Lời Thiên Chúa ở gần bạn, ngay trên miệng, ngay trong lòng. Nếu miệng bạn tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa và lòng bạn tin rằng Thiên Chúa đã làm cho Người từ cõi chết sống lại, thì bạn sẽ được cứu độ. Quả thế, có tin thật trong lòng, mới được nên công chính; có xưng ra ngoài miệng, mới được ơn cứu độ” (Rm 10,8-13).

Việc hành hiệp giang hồ, hàng ma phục linh không phải là chuyện võ hiệp tưởng tượng của các đệ tử Cái Bang trong các tiểu thuyết võ hiệp, hay trong những trò chơi trực tuyến (games online) mà nhiều bạn trẻ đang chơi. Nhưng đó là sứ mạng chiến đấu của những người Hành khất Kitô thời nay để bắt chước Bang Chủ của mình là Đức Giêsu Kitô trong cuộc chiến đấu thiêng liêng của đời mình.

Bạn có chơi trò chơi trực tuyến nào không? Nhân vật nào bạn thích? Bạn có biết sử dụng Lời Chúa như một thanh gươm 2 lưỡi sắc bén (x. Ths 4,12; Ep 6,17) để giải phóng con người, chiến thắng quỷ dữ, ma tà không?

Bạn có bao giờ xem những phim ảnh, sách báo đồi truỵ khiến tinh thần bị nhiễm độc? Bạn làm gì để chiến thắng cơn nghiện trò chơi, phim ảnh đồi truỵ?

2.3. Hành trình đức tin

Hành trình đức tin của Bartimê bắt đầu ngay khi anh bước theo Đức Giêsu như Bang Chủ của đời mình, vì từ khi được sáng mắt sáng lòng, anh chỉ còn sống “nhờ Người, với Người, trong Người và vì Người” mà thôi.

Anh bắt đầu sống theo tinh thần nghèo khó của Người: ăn mặc giản dị, làm việc hăng say, nhất là học những kỹ năng sử dụng thành thạo lưỡi gươm Lời Chúa. Anh liên kết với các tông đồ và môn đệ thành từng nhóm để chuẩn bị cho dân chúng đón nhận Đức Giêsu, để bảo vệ nhau chống lại sức cám dỗ của vật chất, của tệ nạn xã hội và của đời sống hưởng thụ ích kỷ đang phổ biến khắp nơi.

Anh hiểu rằng hành trình đức tin của mình không phải thực hiện trên những con đường rộng rãi, bằng phẳng với cây cao bóng mát vì đời người là một con đường dài với nhiều đoạn khác nhau đòi anh phải cố gắng liên lỉ. Anh biết có những lúc mình sẽ gục ngã vì kiệt sức, vì những hố sâu trên đường, vì mưa nắng bất chợt, vì cả những tai nạn do sự bất cẩn của người khác. Nhưng anh quyết tâm theo Đức Giêsu và tin vào quyền năng, sức mạnh Thánh thần Người ban cho anh để hoàn thành cuộc hành trình. Dù chịu nhiều gian nan thử thách, nhưng mỗi giây phút sống, anh đều cảm nhận được hạnh phúc và tình yêu của Người. Anh mường tượng mình sẽ còn phải chết nhục nhã như Người trên thập giá như Người đã báo trước về cái chết của mình, nhưng sau đó là cuộc sống vinh quang muôn đời mà anh hằng mơ ước.

Bạn có thể nhìn lại hành trình đức tin của mình với những giai đoạn khác nhau và chia sẻ cho bạn bè không?

Lời kết

Chia sẻ cảm nghiệm về lần gặp gỡ Đức Giêsu Kitô

Câu chuyện về cuốn Sứ Điệp Loài Hoa. Đây là tập sách nhỏ tôi vâng lệnh Đức Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn bình để viết cho các bạn trẻ. Cuốn sách đã được các bạn nồng nhiệt đón nhận, tạo nên cơn sốt thời đó vì trong vòng 2 tháng 25.000 cuốn đã bán hết. Vì thế nó lọt vào tầm ngắm của vài người có trách nhiệm về văn hóa và có lẽ vì bài Hoa Bất Tử nên đã bị liệt vào danh mục sách cấm và không được phép tái bản, dù Đức Tổng Phaolô đã viết đơn xin tới 3 lần.

Tuy nhiên tôi cảm nghiệm được mình đã gặp được Đức Giêsu Kitô khi Người dùng tình yêu và quyền năng của Người chữa lành cho người bệnh nhân bị tai biến mạch máu não từ 4 năm trước khiến ông bị yếu liệt một nửa người. Chính ông đã can thiệp với chính quyền để giúp cho cuốn sách được tái bản. Chia sẻ với các bạn kinh nghiệm này để thấy hành trình đức tin của mỗi người chúng ta thật diệu kỳ. Càng gắn bó với Chúa Giêsu, chúng ta càng có khả năng biến đổi đời sống mình cũng như đời sống người khác.