08/09/2024

Kinh nguyện Kitô giáo

Đức Giêsu đã dạy các môn đệ Kinh Lạy Cha, lời kinh diễn tả những nhu cầu của con người về mặt vật chất lẫn tinh thần, giúp chúng ta gắn bó với Thiên Chúa và hiệp thông sâu xa hơn với Đức Giêsu.

 Kinh nguyện Kitô giáo

Kinh Truyền Tin – Dinh Castel Gandolfo Chúa Nhật XVII TN, 25/7/2010

Anh chị em thân mến!

Bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay giới thiệu với chúng ta Đức Giêsu đang cầu nguyện ở một nơi cách xa môn đệ. Cầu nguyện xong, một trong các môn đệ thưa với Người: “Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện” (Lc 11,1). Đức Giêsu không hề phản đối, Người không nói đến những công thức kỳ lạ hay khó hiểu, nhưng Người tuyên bố thực hết sức đơn giản: “Khi các con cầu nguyện, hãy nói: ‘Lạy Cha chúng con…’” và Người dạy họ Kinh Lạy Cha (x. Lc 11,2-4), được rút ra từ lời cầu nguyện của Người mà Người vẫn dùng để thưa chuyện với Thiên Chúa Cha của Người. Thánh Luca thuật lại cho chúng ta Kinh Lạy Cha dưới một hình thức ngắn gọn hơn lời kinh trong Phúc Âm theo Thánh Matthêu, và đã được mọi người dùng để cầu nguyện. Đó là những lời đầu tiên trong Sách Thánh mà chúng ta đã học được ngay từ thời thơ ấu. Những lời đó đã in sâu vào trong trí nhớ của chúng ta, đã đẽo gọt nên cuộc đời chúng ta, và đồng hành với chúng ta cho đến ngày chúng ta trút hơi thở cuối. Những lời kinh ấy cho chúng ta thấy “chúng ta chưa hoàn toàn là con cái Thiên Chúa, nhưng chúng ta đang trở nên và ngày càng trở nên con cái Thiên Chúa, khi chúng ta ngày càng thông hiệp sâu xa hơn với Đức Giêsu. Làm con Chúa đồng nghĩa với việc đi theo Đức Kitô” (Bênêdictô XVI, Đức Giêsu thành Nazareth, Paris, Flammarion, 2007).

Lời kinh này góp nhặt và diễn tả những nhu cầu của con người về mặt vật chất lẫn tinh thần: “Xin cho chúng con hôm nay lương thực hàng ngày, và tha nợ chúng con” (Lc 11,3-4). Và chính vì những nhu cầu và những khó khăn hàng ngày, mà Đức Giêsu khuyến dụ chúng ta một cách mạnh mẽ: “Này đây, Ta nói với anh em: hãy xin, thì sẽ được; hãy tìm, thì sẽ thấy; hãy gõ, thì người ta sẽ mở cửa cho anh em. Ai xin thì sẽ nhận được; ai tìm thì sẽ thấy; và ai gõ cửa thì sẽ được mở cho” (Lc 11,9-10). Ta không xin để thoả mãn những ước muốn riêng của mình, nhưng đúng hơn là để giữ tình bạn luôn sống động với Thiên Chúa là Đấng – Phúc Âm không ngừng nhắc lại điều này – “sẽ ban Thánh Thần cho những ai kêu cầu Người” (Lc 11,13). Các “tổ phụ” xưa “trong sa mạc” đã cảm nghiệm được điều này, cũng như các nhà chiêm niệm thuộc mọi thời đại, qua kinh nguyện, đã trở nên bạn hữu của Thiên Chúa, như Abraham đã nài xin Chúa tha không huỷ diệt thành Sôđôma vì một số người công chính (x. St 18,23-32). Thánh nữ Têrêxa thành Avila đã mời gọi hai người chị em của mình khi nói: “Chúng ta phải van nài Thiên Chúa luôn giải thoát chúng ta khỏi mọi nguy hiểm, và giữ chúng ta khỏi mọi điều dữ. Và dầu cho ước muốn của chúng ta bất toàn, thì cũng hãy cố gắng liên lỉ cầu xin điều này. Chúng ta có mất mát gì đâu khi chúng ta phải cầu xin nhiều, bởi vì chúng ta thưa chuyện với Đấng Toàn Năng?” (Con đường hoàn thiện). Cứ mỗi lần chúng ta đọc Kinh Lạy Cha, tiếng nói của chúng ta hoà lẫn với tiếng nói của Giáo Hội, bởi vì ai cầu nguyện, thì không bao giờ cô đơn một mình. “mọi Kitô hữu sẽ phải tìm kiếm, và có thể tìm thấy trong sự đa dạng và phong phú của kinh nguyện Kitô giáo do Giáo Hội dạy, cách thế cầu nguyện riêng cho mình… như thế, mỗi người sẽ để cho Thần Khí hướng dẫn, Người là Đấng, trong Đức Kitô, dẫn đưa Kitô hữu về với Chúa Cha” (Bộ Giáo lý Đức tin, Thư về một số khía cạnh trong việc suy niệm Kitô giáo, 15/10/1989, s. 29: AAS 82 [1990], 378; x. ORLF s. 51, 19/12/1989).

Ngày hôm nay, chúng ta mừng lễ Thánh Giacôbê Tông đồ, được gọi là Giacôbê “Tiền”, người đã bỏ lại cha và nghề chài lưới để đi theo Đức Giêsu, và là một trong những Tông đồ đầu tiên đã hy sinh mạng sống mình cho Đức Giêsu. Tôi đặc biệt nhớ đến số đông khách hành hương đến Saint – Jacques de Compostelle! Ước gì Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta tái khám phá vẻ đẹp và sự sâu xa của kinh nguyện Kitô giáo.