17/11/2024

Đại học Công giáo Louvain (Bỉ) sẽ mở một khoa thần học Hồi giáo vào niên học 2014

Thứ sáu 12-7-2013 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Thanh niên và Giáo dục, người flamand, Pascal Smet (Đảng Xã hội), thông báo văn bằng thạc sĩ về “Các tôn giáo trên thế giới, đối thoại liên tôn và nghiên cứu tôn giáo” do Đại học Công giáo Louvain cấp sẽ có thêm một ngành mới về “thần học Hồi giáo”.

 Đại học Công giáo Louvain (Bỉ) sẽ mở một khoa thần học Hồi giáo vào niên học 2014

 
WHĐ (21.07.2013) – Thứ sáu 12-7-2013 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Thanh niên và Giáo dục, người flamand, Pascal Smet (Đảng Xã hội), thông báo văn bằng thạc sĩ về “Các tôn giáo trên thế giới, đối thoại liên tôn và nghiên cứu tôn giáo” do Đại học Công giáo Louvain cấp sẽ có thêm một ngành mới về “thần học Hồi giáo”. Theo tường thuật của nhật báo De Morgen thì Bộ trưởng đã giới thiệu sáng kiến này như một “giai đoạn quan trọng trong việc tạo nên một khuôn khổ học thuật cho Hồi giáo tại Flandre”.

Theo vị Bộ trưởng này, các người Hồi giáo dạy học tại Bỉ đều được gửi tới và được trả lương trực tiếp từ bên ngoài nên thường không nắm được ngôn ngữ và văn hoá của môi trường họ hoạt động. Về mặt luật pháp, Nhà nước lại không thể đứng ra tổ chức việc đào tạo các imam (người hướng dẫn cầu nguyện tại đền thánh Hồi giáo); vì thế việc thiết lập văn bằng thạc sĩ này, vốn đặc biệt nhắm đến các sinh viên sẽ là ‘người tư vấn hay tuyên uý’, được xem như một giải pháp cho vấn đề này.

Đại học Công giáo Louvain giới thiệu trên trang mạng của mình nội dung chi tiết của văn bằng thạc sĩ “Các tôn giáo thế giới, đối thoại liên tôn và nghiên cứu tôn giáo”: Không kể phần cốt lõi chung đã được phát triển rộng rãi – gồm các giảng khoá căn bản về “tôn giáo thế giới”, “tôn giáo trong xã hội đương thời” và “đối thoại liên tôn” – từ nay chương trình sẽ giới thiệu cho các sinh viên 3 môn nhiệm ý: “Các tôn giáo thế giới và đối thoại liên tôn”, “Hồi giáo” và “Nghiên cứu tôn giáo”, nghĩa là nghiên cứu các tôn giáo dưới góc độ các khoa học nhân văn.

Phần giới thiệu cho biết rõ thêm: “Môn nhiệm ý ‘Hồi giáo’ sẽ cung cấp một cái nhìn khái quát về một tôn giáo có tầm quan trọng rất lớn tại Tây Âu, một trong những tôn giáo lớn của thế giới. Sinh viên sẽ không chỉ học về chính Hồi giáo, mà còn về mối quan hệ của tôn giáo này với tính hiện đại, với xã hội châu Âu và với các tôn giáo khác (bao gồm cả Kitô giáo)”. Ngoài ra, sinh viên còn được tham dự chuyến đi nghiên cứu một tháng tại Ấn Độ”.

Văn bằng thạc sĩ đòi hỏi sinh viên phải viết một luận văn hay qua một thời kỳ tập sự tại chỗ, ở Bỉ hay ở nước ngoài, và soạn một đề cương nghiên cứu. Với bằng thạc sĩ này, sinh viên được nhìn nhận là có trình độ đại học trong môn thần học Hồi giáo. Hiện tại mới chỉ có văn bằng cử nhân để dạy Hồi giáo tại các trường. Điều bất tiện là bằng thạc sĩ này chỉ dành cho các imam và tuyên uý đã có văn bằng đại học bậc cử nhân chẳng hạn.

Được biết, đầu năm 2012, một dân biểu người Flamand cũng thuộc Đảng Xã hội, Ludo Sannen, cử nhân ngành khoa học tôn giáo và cựu giáo viên, đã đệ trình Quốc hội Flandre một đề nghị trong chiều hướng này. “Chúng ta cần phải đào tạo ra các imam và các nhà thần học Hồi giáo của chính chúng ta để những người này có thể đề cập đến Hồi giáo từ bối cảnh sống của chúng ta và hội nhập tốt hơn”, nhật báo De Standaart giải thích.

Sau khi nghiên cứu các giải pháp được áp dụng tại các nước lân cận, Ludo Sannen đã nghiêng về “mô hình của Đại học Tự do ở Amsterdam”, ở đó, việc đào tạo này thuộc Khoa Thần học. Đây cũng là giải pháp được thực nghiệm gần đây tại 5 đại học ở Đức. Góp nhặt mỗi nơi một chút để tạo nên một phân khoa riêng, theo vị dân biểu, sẽ khó khăn và tốn kém hơn rất nhiều. Theo nhật báo De Standaart, Đại học Louvain cũng tỏ ra quan tâm đến vấn đề này, với một số điều kiện, chẳng hạn “tính độc lập của việc đào tạo này, đặc biệt đối với Giáo hội Công giáo”.

(Anne-Bénédicte Hoffner, La-Croix)