09/01/2025

Cầu nguyện và hoạt động luôn đi liền nhau trong cuộc sống Kitô

Lắng nghe Lời Chúa, chiêm niệm và phục vụ tha nhân không phải là hai thái độ chống đối nhau, nhưng là hai khía cạnh nòng cốt trong cuộc sống Kitô. Một lời cầu nguyện mà không đưa tới hành động cụ thể đối với người anh em nghèo, bệnh tật, cần giúp đỡ, người anh em đang gặp khó khăn, là một lời cầu nguyện cằn cỗi và không trọn vẹn. Đức Thánh Cha Phanxico đã khẳng định như trên với hơn 50.000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi đọc Kinh Truyền Tin tại Auảng trường Thánh Phêrô trưa Chúa Nhật 21-7-2013.

Cầu nguyện và hoạt động luôn đi liền nhau trong cuộc sống Kitô

 
Lắng nghe Lời Chúa, chiêm niệm và phục vụ tha nhân không phải là hai thái độ chống đối nhau, nhưng là hai khía cạnh nòng cốt trong cuộc sống Kitô. Một lời cầu nguyện mà không đưa tới hành động cụ thể đối với người anh em nghèo, bệnh tật, cần giúp đỡ, người anh em đang gặp khó khăn, là một lời cầu nguyện cằn cỗi và không trọn vẹn.
 
Đức Thánh Cha Phanxico đã khẳng định như trên với hơn 50.000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi đọc Kinh Truyền Tin tại Auảng trường Thánh Phêrô trưa Chúa Nhật 21-7-2013.
 
Mở đầu bài huấn dụ, Đức Thánh Cha nói: Bài đọc Chúa Nhật hôm nay tiếp tục chương 10 Phúc Âm Thánh Luca, nói về Marta và Maria. Hai phụ nữ này là bà con và môn đệ của Chúa, sống tại Betania. Thánh sử Luca miêu tả họ như sau: Maria thì ngồi dưới chân Chúa “lắng nghe lời Người”, trong khi Marta bận rộn với nhiều việc phục vụ (x, Lc 10,39-40).  
 
Đức Thánh Cha nói: Cả hai đều cống hiến sự tiếp đón Chúa ghé ngang qua, nhưng họ làm trong cách thức khác nhau. Maria ngồi dưới chân Chúa Giêsu, lắng nghe, trái lại, Marta để cho mình bận rộn bới nhiều việc phải chuẩn bị, và nàng bận bịu tới độ hướng tới Chúa Giêsu và nói với Người: “Lạy Chúa, em con để con phục vụ một mình mà Chúa không quan tâm gì sao? Xin Chúa bảo nó giúp con với.” (c. 40). Nhưng Chúa Giêsu dịu dàng qủơ trách chị: “Marta, Marta, con băn khoăn lo lắng nhiều chuyện qúa, chỉ cần một chuyện thôi.” (c. 41).
 
Chúa Giêsu muốn nói gì vậy? Điều duy nhất cần lo lắng ấy là gì? Và Đức Thánh Cha trả lời: Điều quan trọng trước hết là hiểu rằng ở đây không phải là sự chống đối giữa hai thái độ: lắng nghe Lời Chúa, chiêm niệm và phục vụ tha nhân một cách cụ thể. Chúng không phải là hai thái độ chống đối nhau, nhưng trái lại, chúng là hai khía cạnh cùng nòng cốt đối với cuộc sống Kitô của chúng ta. Các khía cạnh này không bao giờ tách rời nhau, nhưng chung sống trong sự hiệp nhất và hài hoà sâu xa. Vậy tại sao Marta lại nhận được lời trách của Chúa Giêsu, cả khi nó được làm với sự dịu dàng? Bởi vì chị ta đã chỉ coi điều chị đang làm là nòng cốt, nghĩa là chị qúa băn khoăn lo lắng bởi các việc phải làm. Nơi một kitô hữu, các công việc phục vụ và bác ái không bao giờ bị tách rời khỏi suối nggồn chính yếu mọi hành động của chúng ta là Lời Chúa, việc ngồi dưới chân Chúa Giêsu – như Maria – trong thái độ của người môn đệ.
 
Tiếp tục bài huấn dụ, Đức Thánh nói: Anh chị em thân mến, cả trong cuộc sống Kitô của chúng ta cầu nguyện và hành động luân luân hiệp nhất với nhau một cách sâu xa. 
 
Đức Thánh Cha giải thích thêm điểm này: Một lời cầu nguyện mà không đưa tới hành động cụ thể đối với người anh em nghèo, bệnh tật, cần giúp đỡ, người anh em đang gặp khó khăn, là một lời cầu nguyện cằn cỗi và không trọn vẹn. Nhưng đồng thời trong việc phục vụ Giáo Hội khi người ta chỉ chú ý tới việc làm, chỉ đặt trọng lượng nơi các sự vật, các nhiệm vụ, các cơ cấu, mà quên đi trọng tâm là Chúa Kitô, không dành thời giờ cho việc đối thoại với Chúa trong lời cầu nguyện, thì có nguy cơ phục vụ chính mình chứ không phục vụ Thiên Chúa nơi người anh em cần sự giúp đỡ. Thánh Biển Đức tóm gọn kiểu sống mà thánh nhân chỉ cho các tu sĩ của người trong hai từ “ora et labora” – “cầu nguyện và lao động”. Chính từ việc chiêm niệm, từ một tương quan tình bạn mạnh mẽ với Chúa nảy sinh ra nơi chúng ta khả năng sống và đem tình yêu của Thiên Chúa, lòng thương xót và sự hiền dịu của Chúa đến cho người khác. Cả công việc của chúng ta đối với người anh em cần được giúp đỡ, công việc bác ái của chúng ta trong các công tác thương xót, đưa Chúa đến với chúng ta, bởi vì chúng ta nhìn vào chính Chúa nơi người anh chị em cần được trợ giúp.
 
Đức Thánh Cha kết luận bài huấn dụ: Chúng ta hãy xin Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ của sự lắng nghe và phục vụ, dậy chúng ta suy niệm trong lòng Lời của Con Mẹ và cầu nguyện với lòng trung thành, để luôn luôn chú ý tới các nhu cầu của các anh chi em khác một cách cụ thể hơn.
 
Tiếp đến, Đức Thánh Cha cất Kinh Truyền Tin và ban phép lành Toà Thánh cho mọi người.
 
Sau Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha đã chào nhiều nhóm tín hữu hiện diện. Trông thấy một biểu ngữ rất lớn có viết hàng chữ “Chúc Đức Thánh Cha chuyến đi tốt lành”, vì sáng mai Đức Thánh Cha sẽ lên đường di Rio de Janeiro để chủ sự Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 28, ngài xin mọi người cầu nguyện cho ngài và đồng hành với ngài trong tinh thần. Chiều thứ bảy vừa qua, Đức Thánh Cha cũng đã đến viếng Đền thờ Đức Bà Cả và đặt vòng hoa trước ảnh “Đức Mẹ ơn cứu rỗi của dân thành Roma” để cầu nguyện cho chuyến đi Brazil của ngài. Đức Thánh cha nói: Sẽ có biết bao nhiêu bạn trẻ đến từ khắp nơi trên thế giới. Ta có thể gọi nó là “Tuần lễ của Giới trẻ”. Các tác nhân của tuần lễ này là người trẻ. Mọi người trẻ đến Rio đều muốn nghe tiếng Chúa Giêsu, lắng nghe tiếng Chúa Giêsu: “Lạy Chúa, con phải làm gì với cuộc đời của con? Con đường cho con là con đường nào?”
 
Cả người trẻ các con nữa. Có các người trẻ hôm nay ở quảng trường không vậy? Có các người trẻ không? Đấy, cả các con nữa, những người trẻ đang hiện diện tại quảng trường, hãy đặt cùng câu hỏi đó với Chúa: “Lạy Chúa Giêsu, con phải làm gì với cuộc sống của con đây? Con đường cho con là con đường nào?” Chúng ta hãy phó thác cho Đức Trinh Nữ Maria diễm phúc rất đươc yêu mến và tôn sùng bên Brazil các câu hỏi ấy: câu hỏi mà các người trẻ sẽ nói lên bên Brazil, và các con nói lên hôm nay. Xin Đức Mẹ giúp chúng ta trong giai đoạn hành hương mới này. Xin chúc mọi người một ngày Chúa Nhật an lành. Chúc anh chị em ăn ngon. Xin chào anh chị em.