22/12/2024

Bối cảnh của cuộc Tân Phúc Âm Hoá trên thế giới và ở Việt Nam

LTS: Đây là bài suy niệm đầu tiên theo chủ đề “Ra khơi để Tân Phúc Âm Hóa” trong tuần tĩnh tâm năm 2013 của Dòng Thừa Sai Đức Tin, từ ngày 15-17-7-2013 tại Thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương.

 Bài 1

Bối cảnh của cuộc Tân Phúc Âm Hoá
trên thế giới và ở Việt Nam

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

LTS: Đây là bài suy niệm đầu tiên theo chủ đề “Ra khơi để Tân Phúc Âm Hóa” trong tuần tĩnh tâm năm 2013 của Dòng Thừa Sai Đức Tin, từ ngày 15-17-7-2013 tại Thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương.

Lời mở

Muốn Tân Phúc Âm Hoá (TPAH) con người chúng ta cần phải tìm hiểu người nghe Tin Mừng đang sống trong bối cảnh nào để Tin Mừng của chúng ta thật sự mang lại hiệu quả tốt đẹp. Họ có thể là người nghèo đói, tật bệnh, bị dằn vặt vì tội lỗi, bị kiềm chế bởi ma quỷ, ma men, ma túy. Chúa Giêsu sai chúng ta đi loan báo Tin Mừng cứu độ và trao quyền năng cho chúng ta để chúng ta có thể giải thoát họ.

Vì thế, chúng ta sẽ tìm hiểu bối cảnh loan báo Tin Mừng của thế giới được mô tả trong Tài liệu Làm việc của Thượng Hội đồng Giám mục 2012 về Tân Phúc Âm hóa và so sánh với bối cảnh ở VN để thấy cần phải thực hiện cuộc Tân Phúc Âm Hoá như thế nào.

Một số anh chị em chúng ta có thể nghĩ rằng việc loan báo Tin Mừng trong một giáo xứ VN cần gì phải tìm hiểu bối cảnh thế giới, chuyện đó lớn lao quá! Tôi chỉ được sai đến một xứ đạo nhỏ bé với số ít người như vậy cần gì mà phải tìm hiểu xa vời! Thượng Hội đồng nhắc nhở chúng ta rằng công cuộc loan báo Tin Mừng là công việc chung của toàn thể Giáo Hội để truyền bá “một đức tin duy nhất, và hành vi tuyên xưng đức tin này phải là của cá nhân và cả tập thể, đầy tự do và ý thức, bên trong và bên ngoài, khiêm tốn và thẳng thắn” (TLLV, số 93). TPAH là việc chung của Giáo Hội nên chúng ta cần phải đồng cảm với Giáo Hội, đồng cảm với tất cả anh chị em chúng ta trên toàn thế giới.

“Sứ mệnh truyền giáo mà Giáo Hội nhận được từ Chúa Giêsu Phục Sinh: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15) đã mặc lấy những hình thức và những phương pháp mới theo dòng thời gian, tuỳ theo các nơi chốn và tình hình trong đó sứ mệnh ấy được thể hiện; và tuỳ theo những thời điểm khác nhau trong lịch sử”. Tuy nhiên, sứ mệnh ấy vẫn chỉ là một và đồng nhất như từ khởi đầu thời các thánh tông đồ và các môn đệ thời xưa vì cùng được Chúa Thánh Thần thúc đẩy và hướng dẫn, cùng một nội dung cần loan báo là chính Đức Kitô, Tin Mừng của Thiên Chúa” (TLLV, số 41).

Giáo Hội nói đến việc Tân Phúc Âm Hoá vì những nhóm người mà Giáo Hội đang sống với đã thay đổi triệt để vì nhiều lý do, những hoàn cảnh mới xuất hiện khác hẳn quá khứ khiến cho việc loan báo Tin Mừng cần phải được thể hiện một cách mới mẻ thì mới mong kết quả tốt đẹp. “Sứ mạng ấy hôm nay đang đứng trước những thay đổi về văn hoá-xã hội ảnh hưởng sâu xa tới nhận thức của con người về chính mình và về thế giới, và do đó, ảnh hưởng tới cách họ tin vào Thiên Chúa” (TLLV, số 6)

Vì thế, trong phần trình bày này, xin giới thiệu hai điểm chính, đó là: bối cảnh Tân Phúc Âm Hoá của thế giới và bối cảnh Tân Phúc Âm Hoá ở Việt Nam.

1. Bối cảnh Tân Phúc Âm Hoá của thế giới

Tài liệu Làm việc của Thượng Hội đồng trình bày rất nhiều về bối cảnh trong cuộc Tân Phúc Âm Hoá của thế giới, từ số 52-67, với những thay đổi về văn hoá-xã hội. “Tất cả những thay đổi ấy đang góp phần làm nhiều người lạc hướng, dẫn tới những hình thức mất tin tưởng vào tất cả những gì đã được truyền lại về ý nghĩa cuộc đời … gia tăng sự rời xa đức tin trong các xã hội và các nền văn hoá vốn thấm nhuần Tin Mừng suốt nhiều thế kỷ…Đó là một thực tế tại hầu hết các nước mà ở đó đức tin Kitô giáo đã góp phần xây dựng nền văn hoá và xã hội trong nhiều thế kỷ” (TLLV, số 7). Chúng ta sẽ lược qua rất nhanh một số những điểm cơ bản. Thượng hội đồng chia ra 7 lĩnh vực cơ bản:

1.1. Lĩnh vực văn hoá ( số 52-54)

Có thể nói thế giới ngày nay đã có hiện tượng gọi là tục hoá, chối bỏ Thiên Chúa ra khỏi đời sống của mình một cách minh nhiên nhân danh việc giải phóng con người. Nếu anh em theo dõi trong lĩnh vực triết học và các phong trào xã hội ở các nước Tây Phương thì chúng ta biết rằng hiện tượng này bắt nguồn từ sau thế chiến thứ hai. Các nhà thần học Đức và một số nhà thần học Pháp trình bày cả một nền thần học về “cái chết của Thiên Chúa” xuất hiện sau hai cuộc thế chiến.

Người ta thấy trong thế chiến bao nhiêu con người bị chết, trong đó có rất nhiều thường dân vô tội. Người ta đặt câu hỏi: nếu mà Chúa đầy lòng thương xót và quyền năng thì Chúa phải ngăn cản không cho người ta giết hại nhau, tại sao Chúa lại để xảy ra những vụ sát hại như vậy? Hoặc là Chúa bất lực, hoặc là Chúa không có lòng thương xót!? Và rồi người ta đánh mất lòng tin vào TC để chỉ còn tin vào Đức Giêsu Kitô vì Người chính là hình ảnh cụ thể của quyền năng và lòng thương xót của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã chết trong Đức Giêsu Kitô.

Chúa Giêsu chính là hình ảnh của con người vĩ đại, hay nói đúng hơn là của toàn thể nhân loại, vì Người đầy lời quyền năng và tình yêu vô vị lợi. Nhưng sau khi khám phá và áp dụng các phương pháp nghiên cứu văn học cho Tin Mừng, nhất là khoa văn hình sử, người ta muốn giải trừ mọi huyền thoại ra khỏi các bản văn Tin Mừng, không còn tin vào các lời Chúa Giêsu, chối bỏ các phép lạ và cuộc phục sinh của Người, Người chỉ còn là hình tượng mời gọi con người sống gắn bó yêu thương nhau trên bình diện hoàn toàn nhân loại mà thôi.

Những khuynh hướng triết học đã giải thích cho chúng ta biết điều đó nhân danh việc giải phóng con người, nhân danh tự do của con người. Các triết gia, tiểu thuyết gia như Jean-Paul Sartre, Simone de Beauvoir, Albert Camus, đại diện cho phái hiện sinh vô thần, đã lập luận rằng: nếu có Thiên Chúa thì con người không thể có tự do tuyệt đối, cho nên nhân danh tự do làm nên giá trị con người, con người cần phải gạt bỏ Thiên Chúa ra khỏi đời sống. Những phong trào triết học cũng như văn chương ấy đều nói lên cuộc đời vô nghĩa, phi lý trước những vấn nạn về đau khổ, cái chết… Trong tác phẩm Bãi Nôn (La nausée) của Jean-Paul Sartre, ông đã mô tả cuộc đời thật phi lý, học hành và làm việc chẳng có ý nghĩa gì, cứ sống thoả mãn cho giây phút hiện tại.

“Giọng điệu mềm mỏng của chủ nghĩa tục hoá tạo cho nó vẻ duyên dáng và quyến rũ, khiến nó dễ đi vào đời sống của các Kitô hữu và các cộng đồng Kitô giáo, và trở thành không chỉ là một mối đe dọa bên ngoài đối với các tín hữu, mà còn đi sâu vào cuộc sống hằng ngày… “Cái chết của Thiên Chúa” mà nhiều nhà trí thức thời trước tuyên bố bây giờ đã nhường chỗ cho một não trạng biếng nhác, khoái lạcvà hưởng thụ, dẫn đến một thái độ hết sức hời hợt trước sự sống và trách nhiệm. Trong tình hình này, đức tin có nguy cơ thực sự mất đi những yếu tố nền tảng của nó. Ảnh hưởng của tục hoá trong đời sống hằng ngày khiến cho người ta ngày càng trở nên khó khẳng định về sự hiện hữu của chân lý, loại bỏ câu hỏi về Thiên Chúa trong suy tư của con người về bản thân của mình” (TLLV, số 53).

 1.2. Lĩnh vực xã hội (số 55)

“Sự di dân ồ ạt khiến hàng triệu người rời bỏ quê hương xứ sở của mình đến sống tại những đô thị, sự gặp gỡ pha trộn của các nền văn hoá dẫn đến sự xói mòn các điểm quy chiếu cơ bản của đời sống, các giá trị và chính các sợi dây ràng buộc giúp cho người ta xây dựng căn tính của mình và biết ý nghĩa của cuộc sống”. Sự tục hoá dễ dàng dẫn tới việc bỏ đạo.

1.3. Lĩnh vực kinh tế (số 56)

Hiện tượng bất bình đẳng giữa các nước giàu và nghèo, người ta không chịu san sẻ cho nhau, dùng những thế mạnh của kinh tế để chèn ép nước nghèo, người nghèo . Ở Mỹ hàng trăm ngàn tấn lương thực đã đổ xuống biển để bảo vệ giá nông sản và tất cả các thức ăn thừa bỏ đi đủ để nuôi sống toàn Châu Phi.

Các cuộc khủng hoảng kinh tế bùng nổ đã làm cho đời sống con người hết sức bấp bênh. Đồng tiền bị mất giá liên tục khiến người ta không còn thấy sự bảo đảm cho tương lai.

1.4. Lĩnh vực dân sự (số 57)

Những thay đổi trong lĩnh vực này có thể nói là chấn động. Tình trạng thế giới phương Tây chia thành 2 khối Tư bản và Cộng sản đã kết thúc với sụp đổ của ý thức hệ Cộng sản, tại một số nước châu Âu, người ta được hưởng tự do tôn giáo và có thể tái tổ chức các giáo hội. Xuất hiện các thế lực mới về kinh tế, chính trị, tôn giáo từ thế giới Hồi giáo và Châu Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ) tạo nên tình hình mới mẻ và bất ngờ, tiềm ẩn những nguy cơ xung đột về quyền lực, kinh tế và chính trị. Lực lượng Hồi giáo hiện nay có hơn 1,5 tỉ người. Trung Quốc bành trướng thế lực sang cả Châu Âu, mua nhiều ngân hàng, công ty, bến cảng ở Âu Châu, những vùng đất rộng lớn ở châu Phi, công khai công bố đường lưỡi bò ở biển Đông để lấn chiếm vùng biển ở châu Á tạo nên căng thẳng, bất an.

1.5. Lĩnh vực khoa học công nghệ

Con người ta hưởng dùng lợi ích từ các khoa học kỹ thuật nhưng chúng lại trở thành những loại thần tượng của tôn giáo mới lôi cuốn con người, bắt con người làm nô lệ cho chúng.

1.6. Lĩnh vực truyền thông (số 59-62)

Việc sử dụng internet, sách báo, phim ảnh, truyền thanh, truyền hình… ảnh hưởng rất lớn đến con người ở một số nước đang phát triển. Sự nối kết trong lĩnh vực này ảnh hưởng đến Giáo hội, văn hoá và làm thay đổi cả trải nghiệm của con người. Người ta có thể ngồi một chỗ và liên lạc với toàn thế giới nên chúng ta cần hiểu biết và sử dụng các phương tiện này một cách khôn ngoan và hiệu quả.

1.7. Lĩnh vực tôn giáo (số 63-67)

Sự phục hưng đáng kể về tôn giáo và những nhu cầu về một linh đạo trong nhiều nền văn hoá đặc biệt là giới trẻ. Nhiều sự lạm dụng về tôn giáo, người ta lợi dụng tôn giáo để thôi thúc tinh thần ái quốc. Sự xung đột tôn giáo ở Pakistan, Châu Phi, châu Á hiện nay. Trên thế gới có hơn 4.000 tôn giáo lớn nhỏ hiện nay. Nhiều tôn giáo mới lập được quan tâm và nhiều người theo vì các thành viên tham gia được chú ý, săn sóc trong khi người tín đồ của các tôn giáo lớn lại cảm thấy mình xa lạ, lạc lõng trong cộng đồng mình sống.

2. Bối cảnh Tân Phúc Âm Hoá ở Việt Nam

2.1. Lĩnh vực văn hoá

Hiện tượng tục hoá ở Việt Nam nặng nề hơn vì sau 2 cuộc Thế chiến, thế giới chia thành 2 phe đối kháng nhau: Tư bản và Cộng sản, và Việt Nam lại nằm trong vòng xoáy đó,  miền Bắc theo ý thức hệ Cộng sản, miền Nam theo tư bản và chiến tranh đã xảy ra. Năm 1954, cả miền Bắc đi theo ý thức hệ vô thần, duy vật nên một cách minh nhiên muốn xoá bỏ những ý thức về sự tồn tại của Thiên Chúa ra khỏi đời sống con người. Miền Nam theo tư bản nên tự do tôn giáo nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ duy vật thực hành và tục hoá. Sau khi đất nước thống nhất năm 1975, toàn xã hội được hướng dẫn theo ý thức hệ Cộng sản, hiện tượng tục hoá ngày càng nặng nề hơn. Vì thế, những người dưới 40 tuổi hiện nay, cùng được giáo dục trong các trường lớp của xã hội VN nên bị ảnh hưởng nặng nề của chủ nghĩa duy vật, vô thần: họ có ý loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi đời sống, suy nghĩ và cả hành động của họ. Do đó ta thấy tình trạng sa sút về đạo đức, luân lý lên tới mức báo động qua tin tức trong các sách báo, truyền thanh, truyền hình mỗi ngày. 

2.2. Lĩnh vực xã hội

Hiện tượng di dân ở Việt Nam rất đáng quan tâm: hơn 8 triệu người phải rời xa gia đình hoặc cả gia đình phải di chuyển đến nơi khác để học hành, làm việc, nhất là đến các đô thị hay các thành phố lớn. Hiện tượng đánh mất mình trong đám đông của người di dân.

Sự pha trộn văn hoá phương Tây và Á đông qua các phim ảnh có nguy cơ tạo nên một lối sống dễ dàng, hưởng thụ vật chất. Nhà nước ít quan tâm đến văn hoá của các dân tộc thiểu số.

Về vấn đề gia đình có tới 31%-41% trong  tình trạng li dị kể cả  những người Công giáo.

Hiện tượng toàn cầu hoá ở Việt Nam, các bạn trẻ để tóc hightlight, ăn mặc theo kiểu Hàn quốc.

Ý thức bảo vệ môi trường ở Việt Nam rất là kém, nguồn nước ô nhiễm, không khí bụi bẩn khiến sức khỏe kém, bệnh tật nhiều.

 2.3. Lĩnh vực kinh tế

Số người sống trong tình trạng nghèo khổ cùng cực ở VN là 16 triệu. Nhiều công ty, xí nghiệp bị phá sản, nhất là 2 năm gần đây. Tỷ lệ người dân nông thôn lên thành thị làm việc và bị cuốn theo vòng xoáy tiền bạc dẫn đến sa đọa cao; các quán cà phê, bia ôm, massage nhan nhản khắp nơi. Nạn buôn gian bán dối, bán hàng độc hại, nông sản chứa dư lượng thuốc trừ sâu hầu như ở khắp nơi, ngay cả trong các cộng đồng có nhiều người Công giáo. Nạn lấy chồng nước ngoài gia tăng trong một số địa phương do hiều biết kém và ước muốn làm giàu bằng bất cứ cách nào. Chúng ta cần phải loan báo Tin Mừng cứu độ như thế nào cho những người nghèo khổ đó?

 2.4. Lĩnh vực dân sự

Ở VN nạn tham nhũng tràn lan, các quyền lợi con người bị xâm phạm. Về vấn đề bào vệ sự sống đáng báo động vì VN đứng thứ 5 trên thế giới về số ca phá thai, các nhà xã hội ước chừng 2 triệu ca, bộ Y tế VN dự đoán 300.000 ca hằng năm (Báo Sài Gòn Tiếp Thị, ngày 12-7-2013). 30% phụ nữ phá thai rơi vào tình trạng trầm cảm không được cứu chữa. Chúng ta loan báo Tin Mừng cho họ như thế nào? 26 triệu người uống rượu, vài triệu người nghiện rượu, đánh đập vợ con, gây bất an nơi gia đình. Chúng ta làm gì để giúp đỡ họ? 33 triệu người hút thuốc lá, chất nicôtin ảnh hưởng đến bộ phận sinh sản và con cái họ bị ngu đần. 200.000 người nghiện ma túy. 300.000 người nhiễm HIV. Tai nạn giao thông ở mức độ rất cao, hàng chục ngàn người bị thiệt mạng hằng năm.VN có  6 triệu 700 ngàn người khuyết tật về thể lý, 10 triệu người khuyết tật về tinh thần. Chúng ta loan Tin Mừng cứu độ cho những người này như thế nào?

2.5 Lĩnh vực khoa học công nghệ

VN là nước đang phát triển, áp dụng kỹ thuật từ nước ngoài. Lòng yêu chuộng khoa học thực nghiệm  thôi thúc các bạn trẻ, các thanh thiếu niên áp dụng phương pháp kỹ thuật vào đời sống nhưng càng ngày họ càng lệ thuộc vào chúng. Ta phải loan báo Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô như thế nào trong lĩnh vực này?

2.6. Lĩnh vực truyền thông

 41 triệu người truy cập internet thường chỉ để giải trí xem tin tức hơn là nghiên cứu, học hành, làm việc. VN đứng đầu thế giới về truy cập phim sex với 5 triệu người xem hằng đêm, 10 triệu người chơi game online mỗi ngày, bỏ cả học hành làm việc, chúng ta làm gì để giải thoát họ khỏi những cơn nghiện này? Truyền thông lại thiếu trung thực, những tin tức được định hướng theo chính quyền hay bởi những ông chủ truyền thông chứ chứa phản ánh trung thực sự thật. Giáo hội VN cũng chưa biết lợi dụng phương tiện truyền thông để loan báo Tin Mừng. Số trang web của Giáo hội và nội dung thông tin còn nghèo nàn, chưa thu hút được chính người tín hữu còn nói chi đến người ngoài.

2.7. Lĩnh vực tôn giáo

Công giáo chiếm 7% dân số , 2% Tin lành, 10% Phật giáo, khoảng 5% thuộc các tôn giáo khác như Cao Đài, Phật  giáo Hoà Hảo, Bah’ai, Hồi giáo. 5% tuyên bố vô thần, không theo một tôn giáo nào. Như thế hơn 60%  dân số Việt Nam còn lại, trong đó đa số vẫn còn tin vào Ông Trời, vào Đấng Tối Cao, cho mình là theo đạo ông bà tổ tiên. Đây là đối tượng đáng quan tâm để rao giảng Tin Mừng, Giáo hội Công giáo có chiến lược TPAH gì cho những người này?

Kết luận

Khi đặt mình trong bối cảnh của thế giới và của VN cho cuộc TPAH chúng ta cảm thấy mình sứ mệnh thừa sai thôi thúc chúng ta vì “mọi người có quyền được nghe Tin Mừng của Thiên Chúa cho loài người, Tin Mừng này là chính Đức Giêsu Kitô… Nhân loại ngày nay cần được nghe những lời của Đức Giêsu” (TLLV, số 33). Chúng ta phải cảm nhận được công việc rao giảng Tin Mừng là một bổn phận cần phải chu toàn trong hoàn cảnh cấp bách hiện nay như Thánh Phaolô: “Thật vậy, đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là 1 lý do để tự hào, mà đó là 1 sự cần thiết, bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9,16) (TLLV, số 33)..