24/01/2025

Tệ nạn phung phí thực phẩm tại Italia

Trong các ngày đầu tháng 7-2013 đã có hơn 1.000 tỉnh trưởng và thị trưởng toàn nước Italia ký tên tham dự chiến dịch gọi là “Quy chế Phung phí Zero”.

 Tệ nạn phung phí thực phẩm tại Italia

 
Trong các ngày đầu tháng 7-2013 đã có hơn 1.000 tỉnh trưởng và thị trưởng toàn nước Italia ký tên tham dự chiến dịch gọi là “Quy chế Phung phí Zero”.

Chiến dịch do Hiệp hội “Chợ vào phút chót” phát động vào tháng 9 tới đây, nhằm mục đích kêu gọi giới chức chính quyền thu hồi các sản phẩm bán không hết, hay các thực phẩm còn tốt bị các hãng xưởng sản xuất thực phẩm loại bỏ, để phân phát cho các gia đình nghèo có lợi tức thấp, hay các gia đình đông con, hoặc người già cả neo đơn. Ngoài ra, chiến dịch cũng nhằm gây ý thức và giáo dục người tiêu thụ bớt phung phí thực phẩm trong gia đình. Lý do là vì trên lộ trình từ chỗ sản xuất đến bàn ăn, số thực phẩm bị loại bỏ trị giá tới 15 tỷ Euros. “Quy chế Phung phí Zero” gồm 10 điểm đúc kết cụ thể Nghị quyết do Quốc hội Âu châu đã đưa ra ngày 19-1-2012, nhưng đã không bao giờ được thực thi tại Italia cũng như tại Bruxelles.

Trong số 10 điểm đó có việc duyệt xét các thực phẩm chưa dùng còn ăn được, các giới chức địa phương yểm trợ và thăng tiến mọi sáng kiến thu hồi các sản phẩm không bán được của các hãng xưởng kỹ nghệ chế tạo và phân phối thực phẩm để cho các người gặp khó khăn không có tiền mua thực phẩm. Cách riêng là dấn thân tạo các điều kiện dễ dàng cho các hiệp hội và tổ chức phân phát miễn phí các thực phẩm dư thừa, cũng như thăng tiến giáo dục cách sử dụng thực phẩm và quản trị kinh tế trong gia đình. Sau cùng giới chức các thành thị và vùng miền thăng tiến việc tặng hay bán rẻ các thực phẩm sắp hết hạn, tạo thành một mạng lưới nhằm loại bỏ việc phung phí thực phẩm, cũng như thành lập một đài quan sát thực phẩm nhắm cải tiến tương quan giữa giới sản xuất và giới tiêu thụ.

Trong các chỉ dẫn “Làm thế nào để tránh sự phung phí thực phẩm: các chiến thuật giúp cải tiến sự hữu hiệu của dây chuyền thực phẩm trong Liên hiệp Âu châu”, Quốc hội Strasbourg mời gọi tất cả các nước thành viên “cấp thiết hành động” để giảm nạn phung phí vứt bỏ thực phẩm còn tốt trong các hãng xưởng, các nơi bán thực phẩm và trong gia đình. Ngoài ra, Quốc hội Âu châu cũng đã yêu cầu tuyên bố năm 2014 là “Năm Chống Phung phí Thực phẩm”. Nhưng cho tới nay chưa thấy có gì được thực hiện.

Ông Andrea Sergé, Chủ tịch Hiệp hội “Chợ vào phút chót”, nói: Tại trung ương có thể làm nhiều hơn nữa để đẩy mạnh chiến dịch tiết kiệm thực phẩm. Uỷ ban Âu châu phải “mau chóng nhận thức nghị quyết của quốc hội để chiến đấu chống lại nạn phung phí thực phẩm từ gốc rễ”, chứ không giảm ngân quỹ trợ giúp thực phẩm, mà không có một chương trình trợ giúp các người nghèo có cấu trúc đầu đuôi hữu lý. Chỉ khi nào giảm được sự phung phí thực phẩm, thì mới có thể giải thoát các tài nguyên quan trọng giúp chiến đấu chống lại nạn nghèo đói gia tăng, và đạt mục tiêu giảm phân nửa nạn phung phí thực phẩm từ nay cho tới năm 2025. Đây là vấn đề liên quan tới cả các nước trung thành hơn với truyền thống tiết kiệm thực phẩm như Hà Lan, Đức, Thuỵ Điển và Dan Mạch.

Thật thế, mỗi năm người dân các nước Âu châu phung phí 90 triệu tấn thực phẩm, tính đổ đồng mỗi đầu người vứt đi 179 kg thực phẩm còn tốt. Dĩ nhiên, cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính kéo dài từ năm 2008 tới nay đã khiến cho các gia đình giảm bớt mua sắm, trong đó có cả việc mua thực phẩm, và như thế cũng giảm sự phung phí. Nhưng tình hình này không giảm số tấn thực phẩm còn tốt vẫn bị vứt bỏ mà không được thu góp để trợ giúp những người nghèo không có hay ít có khả năng mua thực phẩm, vì không có đủ tiền. Ngoài ra, việc vứt bỏ thực phẩm còn gây nguy hại cho môi sinh, vì hằng năm chỉ tại Italia không thôi, số lượng thán khí phát xuất từ thực phẩm sa thải tải vào trong không trung là hơn 3 tỷ tấn. Thêm vào đó là số năng lượng phân tán trong việc phung phí bằng 3% tổng số năng lượng tiêu thụ trong toàn nước, và số lượng nước phung phí là 1,2 triệu mét khối, tức bằng số nước của cả hồ Iseo. Trong khi đó có hàng trăm ngàn người phải giảm việc sử dụng nước vì không đủ tiền trả hàng tháng.

Giới chức lãnh đạo các thành thị Italia cũng đã đề ra các hành động nhỏ nhặt nhưng không tốn tiền và cụ thể giúp chống lại cảnh nghèo túng trong các vùng miền địa phương và được quy tụ thành mạng liên lạc của tổ chức “Quan sát Phung phí” nảy sinh tại Đại học Bologna, trung Italia. Đây là đài quan sát đầu tiên tại Italia. Việc phung phí thực phẩm trong các gia đình chiếm 42% tổng số. Đây là thực tại khó vãn hồi và rất tốn kém. Cách duy nhất là gây ý thức và giáo dục tinh thần tiêu thụ có trách nhiệm. Ông Sergé cũng cho biết là ít nhất từ nay trở đi hàng lãnh đạo và tổ chức địa phương có thể nói, lắng nghe và noi gương nhau, để khiến cho thực phẩm trở thành một thiện ích tương giao, biến ý chí của các cộng đoàn thành thiện ích chung, với sự trợ giúp của các tổ chức thiện nguyện thu góp thực phẩm dư thừa còn tốt, để trợ giúp các gia đình nghèo đông con và những ai không đủ khả năng tài chánh mua thực phẩm. Được như vậy là đã tạo thành một dây xích liên đới ngay cả trên bình diện truyền thông, trong khi chờ đợi sự thức tỉnh của các giới hữu trách chính trị cao hơn.

Chỉ riêng tại Italia, mỗi năm có 5,7 triệu tấn thực phẩm còn tốt bị vứt bỏ, trong đó có 2,5 triệu tấn bị vứt đi trong các gia đình, 2,2 triệu tấn do các hãng xưởng kỹ nghệ chế biến thực phẩm, 1 triệu tấn do các siêu thị và hàng quán bán thực phẩm. Tính đổ đồng hằng năm mỗi người dân Italia phung phí 76 kg thực phẩm còn tốt nguyên, nghĩa là hầu như 1/4 số thực phẩm đã mua bị vứt vào thùng rác. 16% số thực phẩm bị vứt đi là vì duy trì không đúng cách trong các tủ lạnh của các gia đình.

Tuy nhiên, cho tới nay chỉ có nửa triệu tấn thực phẩm còn tốt được thu hồi và sử dụng cho các trung tâm phân phát thực phẩm cho dân nghèo hay cho chương trình các gói thực phẩm cho các gia đình và các người già cả neo đơn. Đa số các thực phẩm đó đến từ các hãng xưởng chế thực phẩm hay từ các quán ăn. Hằng năm, các chính quyền Âu châu tài trợ cho Italia 100 triệu Euros cho chương trình cung cấp thực phẩm cho người nghèo, nhưng bắt đầu từ năm tới đây, số tiền dành cho Italia có thể giảm xuống chỉ còn 1/3. “Uỷ ban Cùng nhau trợ giúp thực phẩm” đang kêu gọi Quốc hội Italia đương đầu với vấn đề này bằng cách đẩy mạnh việc áp dụng luật số 155 ban hành năm 2003.

Luật này cũng được gọi là luật “Người Samaritano nhân lành” và là một trong số ít luật lệ đã được Quốc hội Italia thông qua một cách mau chóng nhất, chỉ nội trong vòng 1 năm, và ngắn gọn nhất vì chỉ có một khoản duy nhất. Nó liên quan tới việc thu hồi và phân phát thực phẩm đã nấu chín hay còn tươi từ phía các tổ chức vô vị lợi có mục đích xã hội. Mục đích của luật là khuyến khích việc tái sử dụng các thực phẩm còn tốt và ăn được do các hãng xưởng chế biến thực phẩm hay các tổ chức bán và phân phối thực phẩm thải ra, vì không bán hết hay gần tới ngày hết hạn, hoặc vì các thiếu sót trong khi đóng gói, cũng như thu góp số thực phẩm thặng dư của các quán bán thực phẩm cho công nhân trong các hãng xưởng hay trong các trường học cho học sinh, sinh viên để cho người nghèo. Điều bắt buộc duy nhất là chú ý săn sóc việc chuyên chở và duy trì các thực phẩm đó trong tình trạng tốt.

Cách đây 10 năm, trong số những người thăng tiến luật “Người Samariatno nhân lành” do hai Luật sư Mario Ciaccia và Cesare Mirabella soạn thảo, có bà Cecilia Canepa. Do quan sát việc phung phí thực phẩm trong trường học của hai đứa con gái, bà đã liên lạc với “Ngân hàng Thực phẩm”, là tổ chức từ lâu đã dấn thân trong việc thu góp và tái sử dụng các thực phẩm còn tốt bị vứt bỏ, để giúp người nghèo.

Cho tới nay, 70% số lượng thực phẩm được phân phát cho người nghèo trong các trung tâm của các tổ chức bác ái là do số tiền tài trợ của Quốc hội Âu châu.

Đứng trước viễn tượng trong năm 2014 tới đây sẽ chỉ nhận được 1/3 số tiền này, các hiệp hội như “Ngân hàng Thực phẩm Roma”, “Caritas Italia”, “Cộng đồng Thánh Egidio”, Hội “Hồng Thập Tự Italia”, “Liên minh Hội Thánh Vinh Sơn De Paoli”, “Ngân hàng Thực phẩm Italia”, “Hiệp hội Ngân hàng các tổ chức bác ái”, tổ chức “Luôn cùng nhau cho hoà bình”, đang gây áp lực với chính quyền Italia để tài trợ cho các tổ chức này cùng số tiền như Quốc hội Âu châu đã tài trợ cho tới nay. Và số tiền này phải được bỏ vào trong Quỹ Quốc gia cho người nghèo, được thành lập cách đây 1 năm do luật về phát triển đề ra.

Đề nghị này được đưa ra nhân kỷ niệm 10 năm luật “Người Samaritano nhân hậu” có hiệu lực. Việc các tổ chức phi chính quyền cùng nhau thu góp và phân phát thực phẩm cho người nghèo tại Italia là trường hợp duy nhất trong toàn Âu châu, giờ đây cũng được các nước khác chú ý. Bà Cecilia Canapa thuộc Hiệp hội “Ngân hàng Thực phẩm” cho biết luật 155 được đề ra cho tất cả mọi hãng xưởng, tổ chức và hiệp hội muốn cho thực phẩm không bán được nữa nhưng còn tốt để phân phát cho người nghèo. Hiện nay, có nhiều hãng xưởng sản xuất thực phẩm và các đường dây phân phối thực thi tinh thần trách nhiệm xã hội này đối với các anh chị em nghèo túng. Nhưng rất tiếc là vẫn còn có 92% thực phẩm sản xuất thặng dư, và 16% tổng lượng thực phẩm tiêu thụ bị vứt bỏ một cách quá uổng phí. Trong 9 năm qua, Hiệp hội Thực phẩm thành phố của Ngân hàng Thực phẩm đã cứu vãn được 2,5 triệu khẩu phần bằng cách phân phát chúng trong các trung tâm phân phát thực phẩm trong các thành phố khác nhau. Trong năm 2012, Hiệp hội “Kết thúc tốt của hãng Tirreno” đã tránh việc phung phí của hơn 400.000 sản phẩm. Nhưng số lượng thực phẩm phung phí tại Italia vẫn còn quá cao.

Ông Roberto Izzi, đặc trách văn phòng trợ giúp thực phẩm của Cộng đồng Thánh Egidio, cho biết chiến dịch chống phung phí thực phẩm không chỉ là việc tiết kiệm túi tiền cá nhân và gia đình, nhưng còn giúp cải tiến môi sinh và nhất là cho phép thiết lập các tương quan liên đới giữa con người với nhau. Luật “Người Samaritano nhân lành” là một mô thức tạo ra “tình liên đới, sự phát triển có thể chịu được, và giáo dục tiêu thụ có trách nhiệm”. Chính quyền phải bắt đầu ngay với ngân quỹ do tổ chức “Cứu Italia” thành lập.

Song song cần phải phát động việc giáo dục trong mọi tầng lớp biết sử dụng đúng đắn thực phẩm, không phung phí và biết thu hồi thực phẩm còn tốt để trợ giúp người nghèo ngày càng gia tăng. Bà Margherita Lo Re, thuộc Caritas Roma, cho biết chỉ tại Roma không thôi, số người xin trợ giúp đã gia tăng 12% trong năm ngoái, nhất là người già neo đơn và các gia đình có con nhỏ. Trợ giúp thực phẩm như thế không chỉ là cứu đói, mà còn tái trao ban nhân phẩm cho người nghèo và giúp họ có cuộc sống bình thường nữa.

(Avvenire 26.28-6-2013)