26/12/2024

Thăng tiến phát triển, bảo vệ phẩm giá con người và thay đổi là điều có thể làm được

Xin gửi đến quý vị và các bạn bài phỏng vấn Đức Hồng y Raymundo Damasceno Assis, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Brasil, về tình hình Brasil hiện nay.

 Thăng tiến phát triển, bảo vệ phẩm giá con người và thay đổi là điều có thể làm được

 
Phỏng vấn ĐHY Raymundo Damasceno Assis, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Brasil


Trong các ngày từ 23 tới 28-7-2013, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ viếng thăm Brasil để chủ sự Ngày Giới trẻ Thế giới (GTTG) tại Rio de Janeiro.

Tuy nhiên, Brasil hiện đang phải đương đầu với một cuộc phản đối rộng lớn chưa từng có từ trước tới nay. Lý do châm ngòi cho các cuộc biểu tình phản đối của dân chúng là quyết định của chính quyền tăng giá vé xe buýt lên 20 xu tại thánh phố Sao Paolo.

20 xu xem ra không là gì, nhưng đối với mức lương quá thấp và cuộc sống cơ cực của dân nghèo nó là một kiểu ăn cướp cơm của họ. Thế là người dân trong nhiều thành phố đã xuống đường biểu tình phản đối chính quyền. Sự giận dữ của dân chúng dâng cao và phong trào biểu tình lan nhanh trong toàn nước, một phấn cũng vì các trấn áp bạo lực của cảnh sát khiến cho 2 người biểu tình bị chết tại Sao Paolo.

Thế là từ 1 tháng qua, người dân Brsail xuống đường biểu tình chống lại nạn phung phí công quỹ và tài sản quốc gia, cũng như nạn gian tham hối lộ và thiếu các dịch vụ an sinh cho dân. Sự kiện nhà nước Brasil dành ra hàng chục tỉ Mỹ kim để chuẩn bị tổ chức Giải Túc cầu Thế giới 2014, trong khi hàng chục triệu dân toàn nước không được hưởng quyền giáo dục, săn sóc sức khoẻ, có công ăn việc làm và nhà ở, là điều không thể chấp nhận được. Trước làn sóng phản đối ngày càng dâng cao có nguy cơ châm ngòi cho một cuộc nội chiến, ngày 28-6-2013, bà Tổng thống Dilma Rousseff đã thông báo các chương trình đầu tư trong lĩnh vực y tế, giáo dục và vận chuyển, chống nạn gian tham hối lộ và cải tổ chính trị.

Các cuộc biểu tình tiếp tục trong hoà bình và có phần dịu bớt, nhưng cũng đã xảy ra các đụng độ giữa cảnh sát và các nhóm phá phách đốt hàng quán trong các khu phố ngoại ô Sao Paolo.

Sau đây, chúng tôi xin gửi đến quý vị và các bạn bài phỏng vấn Đức Hồng y Raymundo Damasceno Assis, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Brasil, về tình hình Brasil hiện nay.

Hỏi: Thưa Đức Hồng y, làn sóng biểu tình phản đối của dân chúng Brasil không ngưng. Điều gì đang xảy ra vậy?

Đáp: Tất cả đã bắt đầu với việc tăng giá vé các phương tiện di chuyển công cộng. Đã không có ai nghĩ rằng nó lại có các chiều kích rộng lớn như vậy và nó đang trở thành tiếng nói của người dân phản đối tất cả những gì tại Brasil ngày nay còn thiếu sót, chưa đáp ứng các nhu cầu của dân chúng. Đây không phải là sự huy động của đảng phái nào cả, nhưng nó nảy sinh một cách tự phát, từ bên dưới, từ người dân, từ đường phố. Đã không có sự chuẩn bị nào và cũng không có các lãnh tụ, nhưng nó đã lan nhanh nhờ các phương tiện truyền thông xã hội, nhất là vì có giới trẻ tham gia. Và đây là một yếu tố quan trọng, bởi vì người trẻ, nhất là giới trẻ trung lưu, là những người đầu tiên lên tiếng biểu lộ sự khó chịu hiện có trong xã hội của chúng tôi ngày nay.

Hỏi: Đâu là các lý do của sự khó chịu bất ổn này của người dân Brasil, thưa Đức Hồng y?

Đáp: Sự bất ổn khó chịu bắt nguồn một cách chính yếu từ các thiếu sót đường lối chính trị đối với các cơ cấu hạ tầng tồi tệ, các điều kiện y tế, việc di chuyển công cộng và phẩm chất nền giáo dục không thể chấp nhận được. Dân chúng tố cáo nạn gian tham hối lộ lan tràn trong guồng máy cai tri, cũng như nạn bao lực, việc không trừng phạt các tội phạm, tình trạng chênh lệch giữa thiểu số người giầu và da đố dân nghèo, sự thiếu trong sáng trong việc quản trị các tài nguyên quốc gia. Đó là các sự dữ ngày càng gia tăng trong các năm qua, trong khi nền kinh tế Brasil lên cao.

Hỏi: Hội đồng Giám mục Brasil đã lập tức bày tỏ sự ủng hộ và tỏ tình liên đới với việc huy động người dân. Tại sao vậy, thưa Đức Hồng y?

Đáp: Cùng với các linh mục, các tu sĩ và giáo dân, các giám mục chúng tôi hằng ngày sống gần gũi với dân chúng, ngoài đường phố, trong trường học, trong biết bao nhiêu công tác xã hội và bác ái của Giáo Hội, qua đó chúng tôi trông thấy các vấn đề, sự bất bình đẳng trong xã hội, qua đó chúng tôi gặp thấy các nhu cầu thực sự và nỗi vất vả mệt nhọc của biết bao nhiêu người cố gắng đi tới. Các đòi hòi được dân chúng nêu lên đã được chúng tôi luôn luôn bênh vực trong công việc mục vụ của chúng tôi. Vì thế, chúng tôi đã tuyên bố liên đới với các biểu lộ của người dân đang đòi hỏi quyền lợi và các điều kiện sống xứng đáng hơn với phẩm giá con người và sự tiến triển, miễn là các cuộc biểu lộ này diễn ra trong sự tôn trọng hoà bình và trật tự. Đồng thời, trước các vụ đàn áp từ phía cảnh sát, chúng tôi đã nhấn mạnh rằng quyền biểu lộ phải luôn luôn được tôn trọng trong một quốc gia dân chủ. Chúng tôi không biết tất cả sẽ diễn tiến ra sao. Nhưng đây là một hiện tượng liên quan tới toàn dân Brasil, và cần phải lắng nghe, và nó khiến cho tất cả mọi người phải tham gia thảo luận. Nó cũng đòi hỏi sự chú ý và phân định các giá trị nằm bên dưới các đòi hỏi ấy nhằm khiến cho xã hội được công bằng và liên đới hơn, như chúng tôi ước mong.

Hỏi: Làm sao có thể giải thích được tất cả những chuyện này chính trong lúc nước Brasil thấy sự phong phú kinh tế tăng trưởng, khiến cho nó có vai trò của một cường quốc thế giới, thưa Đức Hồng y?

Đáp: Các phản đối của những người giận dữ bên Âu châu đã nảy sinh từ cuộc khủng hoảng kinh tế. Ở đây trái lại, chúng là các hậu quả của một sự phát triển kinh tế đã đưa quốc gia Brasil tới địa vị của một cường quốc thế giới, nhưng cũng trở thành con tin của tư bản và việc tôn thờ sự giàu có. Việc tôn thờ thần giả này có hậu qủa là sự tập trung lợi lộc trong tay một thiểu số, nạn gian tham hối lộ len lỏi vào khắp nơi, sự vơ vét tài nguyên chung cho các lợi lộc cá nhân chứ không sử dụng cho thiện ích của nhân dân. Các người biểu tình la lên: “Giải Túc cầu Quốc tế để cho ai?” Điều này nói rằng sự phát triển kinh tế thôi, không đủ. Một quốc gia phát triển kinh tế không thôi thì không đủ, nếu nó không đi kèm với sự phục vụ của một đường lối chính trị đúng đắn biết lo cho công ích. Bản vị con người phải là trung tâm của mọi phát triển kinh tế và của mọi đường lối chính trị. Các quyền con người và các quyền xã hội phải là trung tâm của mọi phát triển kinh tế và mọi đường lối chính trị. Vì thế, chúng tôi cho rằng những gì đang xảy ra là điều lành mạnh. Nó thức tỉnh một lương tâm mới và một ý thức mới.

Hỏi: Trong nòng cốt Đức Hồng y cho rằng những gì đang xảy ra tại Brasil phải khiến cho người ta suy nghĩ về sự cấp bách và cần thiết sinh tử của một mô thức phát triễn mới, có đúng thế không?

Đáp: Đúng thế. Một mô thức phát triển mới và một đường lối chính trị phát triển mới có sự tham dự của tất cả mọi người và đặt để lĩnh vực kinh tế và lĩnh vực xã hội trong một sự sống chung lành mạnh.

Hỏi: Thưa Đức Hồng y, để trả lời cho các cuộc biểu tình phản đối của người dân bà Tổng thống Dilma Rousseff đã tuyên bố muốn đưa ra một cuộc cải cách chính trị sâu rộng. Đức Hồng y nghĩ sao?

Đáp: Chúng tôi đã gặp bà Tổng thống trước khi bà đưa ra lời tuyên bố và chúng tôi đã thảo luận với nhau một cách rộng rãi. Đây là một bước đi mà chúng tôi chia sẻ. Ngày nay, quốc hội ở dưới Uỷ ban Hành pháp. Đây là một cải cách cần thiết, nếu muốn có một sự thay đổi.

Hỏi: Giáo Hội có bị coi là chống chính quyền không, thưa Đức Hồng y?

Đáp: Giáo Hội không có các trận chiến chính trị, Giáo Hội không muốn gì cho riêng mình cả, cũng không muốn bá quyền. Trong tất cả mọi hoàn cảnh Giáo Hội rộng mở cho sự đối thoại và cộng tác. Về phía mình, Giáo Hội luôn luôn hoạt động cho sự phát triển toàn vẹn của mỗi một người, và dựa trên nền tảng giáo huấn xã hội Giáo Hội nhắc nhớ rằng công ích, nhân phẩm, không chỉ được là một sự thêm vào các chương trình của chính quyền, mà đúng hơn là một cột trụ dựa trên đó để xây dựng các luật lệ được chia sẻ và các cơ cấu có khả năng loại trừ các chia rẽ và lấp đầy các thiếu sót hiện có.

Hỏi: Trên đây, Đức Hồng y đã nói là giới trẻ đã trao ban tiếng nói cho sự khó chịu của xã hội Brasil. Để dùng các lời của Đức Thánh Cha Phanxicô, ai là người đánh cắp các niềm hy vọng của người trẻ tại Brasil ngày nay?

Đáp: Tất cả chiến dịch huynh đệ của năm nay đã là tình trạng của người trẻ. Brasil là quốc gia đứng đầu thế giới về việc dùng ma tuý. Ma tuý giết chết hiện tại và tương lai của người trẻ. Bạo lực trên giới trẻ là một dữ kiện báo động. Sự thờ ơ và chủ nghĩa theo thời dẫn đưa người trẻ tới chỗ rút lui khỏi cuộc sống. Lắng nghe, trao ban tin tưởng và khiến cho người trẻ tham gia vào một sự thay đổi có nghĩa là cứu vãn hiện tại.

Hỏi: Trong bối cảnh này, đâu là các chờ mong đối với Ngày GTTG sắp tởi tại Rio de Janeiro?

Đáp: Có một mầm sống lớn. Một sự chờ mong rất tích cực từ phía tất cả mọi người. Sự hiện diện của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thời điểm này được đặc biệt chờ đợi và cảm nhận. Đức Thánh Cha Phanxicô là người châu Mỹ Latinh. Ngài hiểu biết tình hình của chúng tôi. Người dân cảm thấy được hiểu biết. Và chắc chắn là mỗi một lời ngài nói ra sẽ được lắng nghe.

Hỏi: Trong những ngày này, Đức Hồng y đã gặp Đức Thánh Cha vì chuyến công du của ngài tại Brasil, có đúng thế không?

Đáp: Vâng, đúng vậy. Tôi đã nói chuyện với ngài về tình hình Brasil và để phố biến Thông tư của Hội đồng Giám mục Brasil. Đức Thánh Cha thanh thản. Ngài đã nói rằng các cuộc biểu tình là chuyện bình thường trong một nước dân chủ. Đây đã là một cuộc gặp gỡ rất thanh thản và huynh đệ. Tôi đã nói với Đức Thánh Cha là chúng tôi chờ đợi ngài trong niềm hy vọng.

Hỏi: Trong các ngày qua, người ta đã lo sợ cho chuyến công du của Đức Thánh Cha. Có thay đổi nào trong chương trình hay không, thưa Đức Hồng y?

Đáp: Không. Không có vấn đề nào đối với chuyến viếng thăm cả. Tất cả đều y nguyên như đã được thiết định tại Rio cũng như tại Aparecida.

Hỏi: Cũng có nhiều người trẻ Italia sang Rio de Janeiro tham dự Ngày GTTG. Đức Hồng y có gợi ý nào cho họ không?

Đáp: Ngày GTTG là một sự trao đổi cho nhau. Nó có nghĩa là cởi mở. Việc đối chiếu với các thực tại và kinh nghiệm Giáo hội khác luôn luôn đem lại hoa trái. Cả cuộc sống được diễn tả trong Phúc Âm cũng là một cuộc sống đối thoại với tất cả mọi người, và chúng ta đối chiếu với nó. Các cuộc gặp gỡ đẹp nhất của Chúa Giêsu trong Tin Mừng xảy ra trên đường đi, hàng bao thế kỷ của Kitô giáo được sống nói với chúng ta như thế. Vì vậy, cả các con đường của Rio de Janeiro, trong đó Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cùng đi với người trẻ, sẽ có thể là dịp của cuộc gặp gỡ đó mà tôi cầu chúc cho từng tham dự viên.

(Avvenire 29-6-2013)