26/12/2024

Lời cầu nguyện và cuộc sống kết hiệp với Chúa Kitô bảo đảm sự phong phú của sứ mệnh rao truyền Tin Mừng

Các bạn hãy là những người của đời cầu nguyện. Hãy vun trồng chiều kích chiệm niệm cả trong cơn lốc của các dấn thân cấp bách nhất. Việc phổ biến Tin Mừng không được bảo đảm bởi số người, hay uy tín của cơ cấu, hoặc phẩm chất các tài nguyên có được, nhưng bởi sự thấm nhập và kết hiệp sâu thẳm với Chúa Kitô. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên trong bài giảng Thánh lễ cử hành lúc 9 giờ 30 sáng Chúa Nhật tại Đền thờ Thánh Phêrô.

Lời cầu nguyện và cuộc sống kết hiệp với Chúa Kitô bảo đảm sự phong phú của sứ mệnh rao truyền Tin Mừng

 
Các bạn hãy là những người của đời cầu nguyện. Hãy vun trồng chiều kích chiệm niệm cả trong cơn lốc của các dấn thân cấp bách nhất. Việc phổ biến Tin Mừng không được bảo đảm bởi số người, hay uy tín của cơ cấu, hoặc phẩm chất các tài nguyên có được, nhưng bởi sự thấm nhập và kết hiệp sâu thẳm với Chúa Kitô.
 
Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên trong bài giảng Thánh lễ cử hành lúc 9 giờ 30 sáng Chúa Nhật tại Đền thờ Thánh Phêrô, nhân ngày cử hành hương Năm Đức Tin của 6.000 chủng sinh, tập sinh và thỉnh sinh đến từ khắp nơi trên thế giới, kể cả các nước xa như Trung Quốc, Việt Nam, Papua Tân Guinea, Quần đảo Salomon, Zimbabwe và Chilê.
 
Cùng đồng tế Thánh lễ với Đức Thánh Cha có hàng chục hồng y, giám mục và gần 400 linh mục với sự tham dự của hàng ngàn tín hữu và du khách hành hương.
 
Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha đã nói lên niềm vui được cử hành đức tin đặc biệt trong Thánh lễ cùng với các chủng sinh tập sinh và thỉnh sinh là sự tươi trẻ của Giáo Hội. Nếu Giáo Hội là Hiền Thê của Chúa Kitô, thì trong một nghĩa nào đó, họ diễn tả sự đính hôn, mùa xuân của ơn gọi, của sự khám phá, kiểm thực và đào tạo.
 
Tiếp đến, Đức Thánh Cha đã quảng diễn ý nghĩa các Bài đọc Phụng vụ Chúa Nhật 14 Thường Niên năm C nói về sứ mệnh rao truyền Tin Mừng, niềm vui an ủi, thập giá và lời cầu nguyện. Bài đọc 1 trích tư sách Ngôn sứ Isaia nói tới niềm vui của sự an ủi. Ngôn sứ nói với một dân tộc đã trải qua một thời kỳ đen tối của kiếp lưu đày, bị thử thách cam go, nhưng giờ đây đã tới thời ủi an cho Giêrusalem; sự buồn sầu và nỗi sợ hãi phải nhường chỗ cho niềm vui (x. Is 66,10). Lý do là vì Chúa sẽ đổ tràn đầy trên Thành Thánh và dân cư của nó một “thác” của sự ủi an, tràn đầy ủi an, mốt thác của hiền dịu mẫu tử: “Các ngươi sẽ được bồng ẵm trên tay và được vuốt ve trên đầu gối. Như bà mẹ để con thơ trên đầu gối và vuốt ve nó, Thiên Chúa cũng sẽ làm như vậy với chúng ta.” (Is 66,12-13).  
 
Áp dụng vào cuộc sống tín hữu và các người được mời gọi sống đời thánh hiến, Đức Thánh Cha nói: Mỗi tín hữu Kitô, nhất là chúng ta, chúng ta được mời gọi đem sứ điệp hy vọng trao ban sự thanh thản và niềm vui: sự ủi an của Thiên Chúa và sự hiền dịu của Người cho tất cả mọi người. Nhưng chúng ta sẽ chỉ là những người đem tin vui, nếu trước tiên sống niềm vui được Chúa an ủi và được Ngài yêu thương. Đây là điều quan trọng để cho sứ mệnh của chúng ta được phong phú: cảm nghiệm sự an ủi của Thiên Chúa và thông truyền nó. Đôi khi tôi thấy vài người sống đời thánh hiến sợ hãi sự ủi an của Thiên Chúa, và thật tội nghiệp, họ hành hạ chính mình, vì họ sợ sự hiền dịu của Thiên Chúa. Nhưng mà anh chị em đừng sơ, đừng sợ! Chúa là Chúa của sự ủi an, Chủa của tình hiền dịu. Chúa là Cha, và Người nói với chúng ta rằng Người sẽ làm với chúng ta như một bà mẹ làm với con nhỏ của mình, với lòng hiền dịu. Anh chị em đừng sợ hãi sự ủi an của Thiên Chúa. Lời Ngôn sứ Isaia mời gọi phải vang lên trong con tim chúng ta: “Hãy an ủi, hãy an ủi dân Ta” (Is 40,1), và trở thành sứ mệnh. Tìm ra Chúa là Đấng ủi an và ra đi an ủi dân của Thiên Chúa. Đó là sứ mệnh của chúng ta. Con người ngày nay chắc chắn cần lời nói, nhưng nhất là cần chúng ta làm chứng cho lòng thương xót, sự hiền dịu của Chúa suởi ấm con tim, thức tỉnh niềm hy vọng và lôi kéo tới sự thiện. Niềm vui đem sự ủi an của Thiên Cháu đến cho con người!
 
Tiếp tục bài giảng, Đức Thánh Cha khai triển ý nghĩa bài đọc thứ hai trích từ Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Galát, trong đó thánh nhân khẳng định: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta!” (Gl 6,14). Và thánh nhân nói tới các dấu tích, nghĩa là các vết thương của Chúa Giêsu Bị Đóng Đinh như là dấu ấn đặc biệt trong cuộc sống của người là Tông Đồ của Tin Mừng. Trong sứ vụ của mình, Thánh Phaolô đã sống kinh nghiệm khổ đau, yếu đuối và thất bại, nhưng cũng sống kinh nghiệm niềm vui và sự an ủi. Đây là Mầu nhiệm Vượt qua của Chúa Giêsu: mầu chiệm của cái chết và sự sống lại. Chính việc để cho mình trở nên đồng hình dạng với cái chết của Chúa Giêsu khiến cho Thánh Phaolô đã tham dự vào sự phục sinh và chiến thắng của Chúa. Trong giờ phút của đen tối và thử thách bình minh của ánh sáng và sự cứu rỗi đã hiện diện và hoạt động. Mầu nhiệm Vượt qua là con tim phập phồng của Giáo Hội! Và nếu chúng ta ở trong mầu nhiệm đó, chúng ta được che chở khỏi một quan niệm trần thế và duy khải hoàn của sứ mệnh truyền giáo, cũng như khỏi sự chán nản ngã lòng có thể nảy sinh trước các thử thách và thất bại. 
 
Đức Thánh Cha giải thích sự phong phú của việc loan báo Tin Mừng: Sự phong phú của việc loan báo Tin Mừng không tới từ sự thành công cũng không tới sự việc thất bại theo các tiêu chuẩn của con người, nhưng từ việc trở thành đồng hình dạng với cái luận lý của Thập Giá Chúa Giêsu là luận lý của việc ra khỏi chính mình để tự cho đi, cái luận lý của tình yêu thương. Chính Thập giá – luôn luôn là Thập giá với Chúa Kitô – bảo đảm cho sự phong phú của sứ mệnh loan báo Tin Mừng của chúng ta. Và chính từ Thập Giá, cử chỉ tuyệt đỉnh của lòng thương xót và tình yêu thương, mà chúng ta đươc tái sinh như thụ tạo mới (x. Gl 6,15).
 
Yếu tố thứ ba bảo đảm cho sứ mệnh loan truyền Tin Mừng của Giáo Hội là lời cầu nguyện. Chúng ta đã nghe Chúa nói trong Phúc Âm: “Các con hãy cầu xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.” (Lc 10,2). Các người thợ đã không được chọn qua các chiến dịch quảng cáo hay kêu gọi phục vụ quảng đại, nhưng được Thiên Chúa “chọn” và “sai đi”. Chính Người tuyển chọn, chính Người sai đi, chính Người ban sứ mệnh. Vì thế, cầu nguyện quan trọng. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã lặp lại với chúng ta rằng: Giáo Hội không phải của chúng ta, mà là của Thiên Chúa. Biết bao lần chúng ta, những người được thánh hiến, chúng ra nghĩ rằng nó là của chúng ta, phải không? Chúng ta làm… cái gì đến trong trí… Nhưng mà Giáo Hội không phải của chúng ta, mà là của Thiên Chúa; cánh đồng trồng tỉa là của Người. Như thế, sứ mệnh truyền giáo là ơn thánh. Và nếu việc tông đồ là hoa trái của lời cầu nguyện, thì nó sẽ tìm thấy trong đó sức mạnh cho hoạt động của nó. Thật thế, sứ mệnh của chúng ta không phong phú, còn hơn thế nữa tắt lịm, chính trong lúc chúng ta ngưng việc tiếp nối với suối nguồn, với Chúa. Một trong các người đào tạo các bạn hôm trước có nói với tôi rằng “việc truyền giáo phải làm trên đầu gối”. Hãy nghe rõ, “việc truyền giáo phải làm trên đầu gối”. 
 
Đức Thánh Cha mời gọi các chúng sinh, tập sinh, thỉnh sinh và mọi người: Anh chị em hãy luôn luôn là những người của lời cầu nguyện. Không có tương quan liên lỉ này với Thiên Chúa sứ mệnh trở thành một nghề. Nhưng mà bạn làm việc như là ai, là thợ may, đầu bếp, linh mục, làm việc như linh mục, như nữ tu? Không. Nó không phải là một nghề, nó là một cái gì khác. Nguy cơ của việc duy hoạt động, tin tưởng qúa nơi các cơ cấu luôn luôn rình rập chúng ta. Nếu nhìn Chúa Giêsu, chúng ta thấy trước mỗi quyết định hay biến cố quan trọng Người cầm trí cầu nguyện sâu xa và lâu giờ. Chúng ta hãy vun trồng chiều kích chiêm niệm, cả trong cơn lốc của các dấn thân cấp bách nhất. Sứ mệnh càng mời gọi các bạn đi ra vùng ngoại ô cuộc đời bao nhiêu, thì con tim các bạn lại càng phải kết hợp với con tim tràn đầy thương xót và tình yêu của Chúa Giêsu bấy nhiêu. Đó chính là bí mật của sự phong phú mục tử, của sự phong phú của một môn đệ Chúa.
 
Chúa Giêsu sai các môn đệ ra đi “không giỏ, không bị, không giày dép” (Lc 10,4). Việc phổ biến Tin Mừng không được bảo đảm bởi số người, hay uy tín của cơ cấu, hoặc phẩm chất các tài nguyên có được. Điều đáng kể là được thấm nhuần tình yêu của Chúa Kitô, để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn và tháp nhập cuộc sống mình vào cây sự sống là Thập giá Chúa.
 
Lúc 12 giờ trưa, Đức Thánh Cha đã ra cửa sổ Dinh Tông Toà để đọc Kinh Truyền Tin với 50.000 tín hữu và du khách hành hương. Trong bài huấn dụ ngắn, ngài mời gọi tất cả mọi người hăng say rao truyền Tin Mừng đáp lại mệnh lệnh của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã không muốn hành động một mình. Người đến trong thế giới là để đem tình yêu thương của Thiên Chúa đến cho con người và muốn phổ biến nó với kiểu cách của sự hiệp thông, của tình huynh đệ. Vì thế, Người thành lập ngay một cộng đoàn môn đệ, một cộng đoàn truyền giáo với mục đích cấp bách là loan báo Tin Mừng. Không có thời giờ để bép xép, không cần chờ đợi sự đồng thuận của mọi người, phải ra đi loan báo Tin Mừng, đem hoà bình của Chúa Kitô tới cho mọi người; và nếu người ta không chấp nhận thì cứ tiến bước; đồng thời chữa lành người đau yếu vì Thiên Chúa muốn chữa lành con người khỏi mọi sự dữ. Cộng đoàn truyền giáo đó gồm Mười Hai Tông Đồ diễn tả các giám mục thừa kế các vị; còn 72 môn đệ diễn tả các thừa tác viên có chức thánh các linh mục và phó tế; nhưng trong một nghĩa rộng nào đó có thể nghĩ tới các thừa tác viên khác trong Giáo Hội, các giáo lý viên, các giáo dân dấn thân trong các giáo xứ, làm việc với các bệnh nhân và nhiều hình thức khó khăn và bị gạt ra bên lề khác nhau, nhưng luôn luôn là các thừa sai của Tin Mừng.
 
Tiếp đến, Đức Thánh Cha đã đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành Toà Thánh cho mọi người.
 
Sau Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha đã đặc biệt chào 1.500 bạn trẻ Roma chuẩn bị đi Rio de Janeiro tham dự ngày Quốc tế Giới trẻ lần thứ 28 và Đức Thánh Cha nói ngài cũng đang chuẩn bị cho lễ hội đức tin này.