Chúa nhật XIV TN – C: Sứ mạng người được Chúa Giêsu sai đi
Hôm nay Giáo Hội giới thiệu cho chúng ta về những người được Chúa Giêsu sai đi với một sứ mạng là chuẩn bị trước cho Người: “Chúa Giêsu chỉ định 72 môn đệ khác, và sai các ông cứ từng 2 người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến”
Sứ mạng người được Chúa Giêsu sai đi
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK
Lời mở
Hôm nay Giáo Hội giới thiệu cho chúng ta về những người được Chúa Giêsu sai đi với một sứ mạng là chuẩn bị trước cho Người: “Chúa Giêsu chỉ định 72 môn đệ khác, và sai các ông cứ từng 2 người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến” (Lc 10,1). Từ “sai” này được nhắc lại nhiều lần trong bài Phúc Âm: “Anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” hoặc “Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói”.
Vì thế, chúng ta muốn tìm hiểu sứ mạng cao quý mà Chúa giao phó cho chúng ta là gì? Chúng ta phải thực hiện sứ mạng này với tinh thần, thái độ và bằng những hành động nào?
1. Ý nghĩa của sứ mạng
Chữ “sai” ở đây bắt nguồn từ động từ tiếng Latinh mittere, ở thể thụ động là missus, dẫn đến từ missionarius tức là “người được sai đi”, “nhà truyền giáo”, “nhà thừa sai”. Còn từ missio có nghĩa là sứ mạng hay việc truyền giáo. Từ “sứ mạng” có liên hệ với từ đại sứ, sứ thần, sứ giả là người được sai đi thay mặt vua chúa, chính quyền để hiện diện ở một nơi nào đó. Từ “người được sai đi” lại đồng nghĩa với một từ khác mà chúng ta nghe rất nhiều lần, đó là từ “tông đồ”, cũng có nghĩa là người được sai đi, nhưng bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp apostoloi.
“Sai” là bảo người dưới quyền làm việc gì đó cho mình. Đức Giêsu luôn ý thức mình là người được Chúa Cha sai đi để cứu độ nhân loại: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em”. Bây giờ Người chọn thêm, không chỉ 12 Tông đồ mà còn 72 môn đệ nữa và sai các ông đi để tiếp tục công trình cứu độ của Người. 72 môn đệ ấy chính là những người tượng trưng cho chúng ta.
Chúa Giêsu đang hiện diện giữa chúng ta và tiếp tục sai chúng ta: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ rao giảng Tin Mừng cho muôn loài thọ tạo” (Mc 16,15). Đó là sứ mạng cao cả mà Chúa Giêsu muốn giao phó cho chúng ta. Sứ mạng này vượt trên mọi sứ mạng khác vì chúng ta là đặc sứ của Chúa Giêsu, là sứ giả của Chúa Cha đến với mọi người, mọi vật với tất cả quyền năng và ân phúc Người ban. Chúa Giêsu nói với chúng ta hôm nay: “Thầy đã ban cho anh em quyền năng để đạp lên rắn rết, bọ cạp và mọi thế lực kẻ thù, mà chẳng có gì làm hại được anh em” (Lc 10,20).
“Tài liệu Làm việc” của Thượng Hội Đồng Giám Mục lần thứ XIII họp vào tháng 10-2012 vừa qua về “Tân Phúc Âm hóa để truyền bá Đức tin Kitô giáo” luôn nhắc đi nhắc lại cho chúng ta rằng: Đức Giêsu Kitô là Tin Mừng của Thiên Chúa (x. Số 17, 21, 26, 33, 169). Vì thế, loan báo Tin Mừng chính là rao giảng về Đức Giêsu Kitô cho muôn loài và chuẩn bị cho Người chính là rao giảng Tin Mừng cho mọi người để họ có thể gặp gỡ Người và từ đó, họ có thể gặp gỡ Thiên Chúa, nghĩa là đạt được đức tin vì đức tin chính là cuộc gặp gỡ của con người với Đức Giêsu Kitô (x. Tài liệu Làm việc của Thượng Hội Đồng, số 18,19).
2. Chúng ta sẽ ra đi với tinh thần nào?
Chúa Giêsu nói chúng ta hãy ra đi với tinh thần nghèo khó. Tinh thần nghèo khó là tinh thần của một người nghèo không có gì hết, hoàn toàn phó thác đời mình trong tay Thiên Chúa là Đấng giàu có vô song. Người nhắc nhở chúng ta: “Các con đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép”. Còn “đừng chào hỏi ai dọc đường” không có nghĩa là tỏ ra bất lịch sự, không cần đến ai nhưng Chúa Giêsu chỉ muốn các môn đệ tập trung tất cả sự chú ý vào sứ mạng Người trao.
Rất nhiều người chúng ta nghĩ rằng đi làm việc tông đồ là chúng ta phải có nhiều tiền, nhiều thuốc, nhiều quần áo phát cho người nghèo để người ta cảm thấy rằng có thực thì mới vực được đạo! Việc truyền giáo hoàn toàn không phải thế.
Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy có tinh thần nghèo khó để cảm nghiệm được rằng đôi bàn tay không của chúng ta khi gắn bó với Đức Giêsu có thể làm nên tất cả. Đức Giêsu yêu cầu chúng ta hãy chữa lành bệnh nhân với bàn tay không của mình như dấu chỉ của nước Thiên Chúa đã đến gần. Con người chúng ta sẽ toát ra một uy lực để xua trừ ma quỷ như các môn đệ hôm nay đã khoe với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, nghe đến danh Thầy cả ma quỷ cũng phải khuất phục chúng con”. Chúng ta có tất cả, nếu chúng ta gắn bó với Chúa Giêsu, gắn bó với Thiên Chúa vì Thiên Chúa là tất cả.
3. Người được sai đi có những hành động nào?
Bài Phúc Âm hôm nay kể rõ: thứ nhất là rao giảng Tin Mừng Nước Trời, thứ hai là chữa lành bệnh nhân, thứ ba là xua trừ ma quỷ, thứ tư là xây dựng bình an cho tất cả những người chúng ta gặp gỡ. Chúng ta đã làm những gì trong thời đại hôm nay? Rất nhiều khi chúng ta nghĩ đi truyền giáo là học thuộc những câu Phúc Âm, những bài giáo lý và gặp ai chúng ta cũng nói về Phúc Âm, nói về Chúa để người ta tin và theo đạo. “Khi nói đến việc loan báo Tin Mừng, chúng ta phải nghĩ đến một Lời sống động, hiệu nghiệm, Lời thực hiện điều được nói ra (x. Dt 4,12; Is 55,10), đó là một ngôi vị: Đức Giêsu Kitô, Lời cuối cùng của Thiên Chúa trở thành người” (x. Tài Liệu…, số 25).
Thực sự Tin Mừng là chính Chúa Giêsu, còn Nước Trời là những gì hết sức cụ thể. Người xác định cho chúng ta nước đó là “nước của sự thật và sự sống, của thánh thiện và ân sủng, của công lý, tình thương và hoà bình” nên tất cả những gì chúng ta làm tốt cho mọi người như nói lên sự thật, phục vụ sự sống, diễn tả tình yêu thương… chính là chúng ta đang rao giảng Tin Mừng Nước Trời.
Nhiều khi chúng ta nghĩ rằng mình tội lỗi thì làm sao có thể chữa lành bệnh tật, xua trừ ma quỷ? Chúng ta hãy tin vào quyền năng của Chúa bởi vì Người mời gọi chúng ta thực hiện những công việc ấy. Nhìn vào cuộc sống, chúng ta thấy đủ loại bệnh tật, có cả những bệnh nan y, làm sao ta có thể chữa lành cho họ theo lệnh truyền của Chúa Giêsu? Chúng ta nên nhớ rằng: “Sự tự do và sự cứu rỗi mà Nước Thiên Chúa đem đến chạm tới mọi con người cả về thể chất và tinh thần. Hoạt động loan báo Tin Mừng của Đức Giêsu gắn liền với hai hành động: chữa bệnh và tha thứ. Nhiều phép lạ chữa bệnh chứng tỏ rõ ràng lòng trắc ẩn của Chúa Giêsu khi đứng trước sự khốn cùng của loài người… Các phép lạ chữa bệnh của Chúa Giêsu cũng là một dấu chỉ sự cứu rỗi tinh thần, đó là giải phóng khỏi tội lỗi” (Tài Liệu.., số 28). Trong kinh nghiệm cá nhân của mình, tôi hoàn toàn xác tín về những hoạt động này qua hàng ngàn bệnh nhân đã được Người chữa lành.
Nhiều người hỏi làm sao chúng ta xua trừ ma quỷ khỏi con người? Nhìn vào xã hội hôm nay, chúng ta thấy mình cần có quyền năng và sức mạnh của Chúa Giêsu để giúp cho biết bao con người đang bị ma quỷ kiềm chế bởi những loại ma men, ma tuý, ma lực của đồng tiền, của những cuốn phim đồi truỵ, trò chơi trực tuyến, trò bài bạc đỏ đen làm tán gia bại sản hay thân tàn ma dại. Chúng ta đang có hàng chục triệu người nghiện rượu bia, thuốc lá, 10 triệu người nghiện trò chơi trực tuyến, cả 5 triệu người xem những cuốn phim đồi truỵ hàng đêm, 200.000 người nghiện ma túy và hàng triệu người nghiện số đề, số đuôi, bài bạc. Đó là những người bị ma quỷ kiềm chế, chúng ta phải giúp đỡ họ nhờ quyền năng của Chúa Giêsu và những bài học kỹ thuật mà chúng tôi giới thiệu trong những khoá học về việc phòng chống nghiện ngập các loại này.
Đó là những việc mà chúng ta có thể làm được để thi hành sứ mạng cao cả của người được sai đi.
4. Thái độ của người được sai đi phải như thế nào?
Thái độ đó là: nhìn vào Chúa để có thái độ hợp tác với Người, nhìn vào anh em để cộng tác với nhau, nhìn vào những người xung quanh mà Chúa sai ta đến để có tâm hồn khiêm tốn, hoàn toàn tin tưởng vào sức mạnh của Chúa nơi mình như con chiên ở giữa bầy sói, nhìn vào vạn vật để làm chủ muôn loài.
Nhưng trước hết, ta cần nhìn vào Chúa Cha để cầu nguyện như Chúa Giêsu dạy: “Hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về”. Nhìn vào anh em vì Chúa Giêsu sai từng hai người một để dạy bài học cộng tác với nhau trong một xã hội người ta chỉ muốn làm một mình để hưởng danh lợi một mình. Nhìn vào những người mà mình được sai đến để sống khiêm tốn, hiền hoà, dám chịu đựng cả những bất công như chiên con ở giữa bầy sói. Nhìn vào vạn vật để đón nhận tất cả với tâm hồn đơn sơ như Đức Giêsu đã dặn dò: “Hãy ăn những thức ăn người ta dọn cho”, hãy sử dụng những gì ở trong tầm tay của mình, hãy bảo vệ môi trường sống của mình trong tinh thần của người hành khất Kitô.
Kết luận
Hôm nay chúng ta được mời gọi nhìn lại mình qua người mẫu được Chúa Cha sai đi là chính Đức Giêsu để thấy sứ mạng cao cả mà Người đã trao phó cho chúng ta. Và chúng ta muốn tìm lại tinh thần “thừa sai” thật sự là kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu để có những hành động hiệu quả và thái độ đúng đắn như Chúa đòi hỏi. Có thế chúng ta mới mong thu lượm được nhiều kết quả trong cánh đồng truyền giáo của Việt Nam và thế giới.