Không có Tin Mừng của Chúa trong các tổ chức tội phạm mafia
Xin gửi tới quý vị và các bạn một số nhận định của Đức cha Vincenzo Bertolone, Tổng Giám mục Cantanzaro-Squilacce, thỉnh nguyện viên án phong chân phước cho Cha Pino Puglisi về hiện tượng các tổ chức tội phạm mafia tại Italia.
Không có Tin Mừng của Chúa trong các tổ chức tội phạm mafia
thỉnh nguyện viên án phong chân phước cho Cha Pino Puglisi
Ngày 20-4-2013, cuộc thảo luận với những người không kitô gọi là “Sân của dân ngoại” đã được Hội đồng Toà Thánh về Văn hoá tổ chức tại Catanzaro, vùng Calabria, nam Italia, là vùng có nhiều tổ chức tội phạm mafia hoạt động và khống chế xã hội. Đề tài cuộc thảo luận là “Luân lý đạo đức, tôn giáo, và tinh thần đồng trách nhiệm”. Tham dự cuộc thảo luận đã có nhiều thẩm phán, triết gia và thần học gia, trong đó có ông Santi Consolo, Biện lý Thành phố, ông Michele Prestipino, Phó vùng Reggio Calabria, Giáo sư Salvatore Natoli thuộc Đại học Bicocca và Linh mục Cataldo Zuccaro, thần học gia.
Nam Italia là vùng có nhiều vấn đề và ít phát triển nhất, vì là vùng có rất nhiều tổ chức tội phạm mafia hoạt động. Ngoài việc buôn bán ma túy và phụ nữ mại dâm, các tổ chức tội phạm này chia vùng hoạt động chi phối các hoạt động chính trị và khống chế cuộc sống kinh tế xã hội. Để rửa tiền bẩn thỉu các tổ chức tội phạm này đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, tham gia cổ phần trong nhiều dự án doanh thương. Giới thương gia và xí nghiệp cũng như các hàng quán đều phải nộp thuế hàng tháng để được họ bảo vệ che chở. Những ai không tuân hành đều gặp mọi thứ khó khăn, đe doạ; rất thường khi hàng quán của họ bị đốt phá, đặt bom và chủ nhân bị sát hại. Tuy các lực lượng cảnh sát an ninh cố gằng hết sức, nhưng tình hình cũng không được cải tiến bao nhiêu, vì nhiều giới chức chính trị và nhân viên chính quyền hoặc là người của các tổ chức mafia, hay đã ăn hối lộ vì bị mua chuộc và cộng tác với các tổ chức này.
Các tổ chức mafia gieo kinh hoàng giữa dân chúng khiến cho họ phải tuân hành một luật duy nhất: “không biết, không nghe, không thấy”. Tất cả những ai tìm cách thức tỉnh và giáo dục người trẻ sống liêm chính để khỏi trở thành nạn nhân của các tổ chức tội phạm đều bị trả thù và sát hại. Điển hình là trường hợp của Cha Giuseppe Puglisi, bị các tổ chức mafia tỉnh Palermo, thủ phủ đảo Sicilia, thù ghét và bị ám sát ngày 15-9-1993. Ngày 25-5-2013, Đức Hồng y Paolo Romeo, Tổng Giám mục Palermo, đã cùng Đức Hồng y Salvatore De Giorgi, nguyên Tổng Giám mục Palermo, đã chủ sự Thánh lễ phong chân phước cho cha.
Ông Giuseppe Pignatone, Biện lý tỉnh Roma và là người đã có rất nhiều kinh nghiệm trong việc chống lại các tổ chức tội phạm mafia, ban đầu tại Palermo rồi sau đó như là biện lý trưởng vùng Reggio Calabria. Ông cho biết lãnh tụ của các tổ chức mafia không ngừng sử dụng tôn giáo cho các mục đích của họ, vì tầm quan trọng của tôn giáo đối với dân chúng Italia nói chung, và đặc biệt là đối với người dân miền Nam Italia nói riêng. Tôn giáo trở thành một dụng cụ thống trị của các tổ chức tội phạm. Trên đảo Sicilia cũng như trong vùng Calabria, các lễ nghi tôn giáo là dịp để đàn em tỏ lòng kính trọng đối với lãnh tụ của họ như một kiểu thừa nhận quyền bính của hắn ta.
Giáo Hội cũng đã bày tỏ lập trường rõ ràng của mình. Từ Đức Gioan Phaolô II tới Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, rồi các tài liệu của Hội đồng Giám mục Italia đều mạnh mẽ lên án các tổ chức mafia như là một bệnh ung thư của xã hội. Nhưng cũng có một thái độ phổ biến cả bên trong Giáo Hội cũng như trong nhiều tầng lớp xã hội Italia cho rằng mafia là một vấn đề của Nhà nước, đặc biệt là của các cơ quan an ninh. Và đây là điều rất nguy hiểm.
Tuy có các linh mục như Cha Pino Puglisi mạnh mẽ lên tiếng và hoạt động giúp người trẻ không trở thành nạn nhân của các tổ chức tội phạm, nhưng trong lòng Giáo Hội tại miền nam Italia cũng có các khó khăn. Cần phải ý thức nhiều hơn nữa và mỗi người phải đóng góp phần mình. Nếu mỗi người làm một chút, thì thế giới sẽ thay đổi. Và Giáo Hội có vai trò giáo dục rất quan trọng. Nền văn hoá tội phạm thấm nhiễm ngay từ đầu, khi một người sinh ra thì đã thuôc về một băng đảng chống đối lẫn nhau rồi, và trong một vài thực tại người ta đã bắt đầu ngay khi còn bú sữa mẹ. Để giúp thắng vượt thực tại này, Giáo Hội có một vai trò nền tảng. Giáo Hội không phải làm hay điều tra hoặc xử án. Đó là việc của các giới chức pháp luật. Nhưng sau đó khi có được khoảng trống cho sự tự do, thì phải có người chiếm hữu và làm đầy nó. Ở đây, gương của một số linh mục và các hiệp hội rất quan trọng. Trong thời gian qua các thực tại này đã lớn lên. Các linh mục và các hiệp hội này đã đảm trách việc điều hành các tài sản chính quyền tịch thu của các tổ chức tội phạm cho công ích và cho người trẻ. Chiến đấu chống lại tâm thức tội phạm, cống hiến cho người trẻ các lựa chọn khác. Nhiều linh mục đang làm việc này và chúng ta cầu mong ngày càng có nhiều linh mục dấn thân trong chiều hướng tốt đẹp ấy.
Thỉnh thoảng cũng có một vài tay tội phạm sám hối thực tình. Nhưng các tay tội phạm mafia không nghĩ tới sự tha thứ trong tương lai, mà chỉ nghĩ tới quyền lực thống trị trong hiện tại mà thôi. Và họ không chú ý gì tới các lời kêu gọi hoàn lương hay nghĩ tới ý muốn của Thiên Chúa đâu. Trái lại, họ còn chế nhạo các lời lên án của giới lãnh đạo Giáo Hội, như họ đã làm đối với Đức Goan Phaolô II.
Sau đây, chúng tôi xin gửi tới quý vị và các bạn một số nhận định của Đức cha Vincenzo Bertolone, Tổng Giám mục Cantanzaro-Squilacce, thỉnh nguyện viên án phong chân phước cho Cha Pino Puglisi về hiện tượng các tổ chức tội phạm mafia tại Italia.
Hỏi: Thưa Đức cha Bertolone, các tổ chức tội phạm mafia vẫn thường dùng tôn giáo trong các “lễ nghi” nhập đảng kín của họ, cũng như phô trương lòng đạo đức tôn giáo của họ, Đức cha nghĩ sao?
Đáp: Chúng đều là các điều giả dối. Với nghi thức gia nhập của họ các tay tội phạm mafia lựa chọn thuộc về một tôn giáo khác, có thủ lãnh là kẻ cầm đầu mà ho gọi là “cha đỡ đầu”. Nó là một lựa chọn triệt để khác với sự lựa chọn của tất cả các tín hữu Kitô được rửa tội, và rõ ràng là nó trái nghịch với các giá trị Tin Mừng. Và hình ảnh mà tổ chức mafia xây dựng về chính nó, bằng cách sơn phết cho nó như là tổ chức chú ý tới các nguyên tắc của Kitô giáo, qua việc liên tục trưng bày các biểu hiệu tôn giáo và ảnh tượng thánh, đều vô ích. Vì sự tách rời khỏi các đòi buộc của Bí tích Rửa Tội đã quá đủ để xác nhận sự khác biệt không thể chữa lành được của nó với Kitô giáo.
Là các người của Giáo Hội chúng tôi phải kiên trì và bén nhọn hơn trong việc nêu bật rằng giữa Tin Mừng và tổ chức tội phạm mafia tuyệt đối không có sự hoà hợp được.
Hỏi: Có người tố cáo là Giáo Hội đã thinh lặng qúa nhiều, không dám lên tiếng phản đối, có đúng thế không thưa Đức cha?
Đáp: Giáo Hội đã luôn luôn biết rõ hiện tượng các tổ chức tội phạm mafia từ sau thời Đệ nhị Thế chiến. Tuy nhiên, sự hiểu biết, lượng định và hành động mục vụ đã chín mùi từng bước. Năm 1991, Hội đồng Giám mục Italia đã công bố tài liệu rất hay và ý nghĩa tựa đề “Giáo dục pháp chế”. Tài liệu này vẫn còn rất thời sự và cần được học hiểu trở lại. Thế rồi năm 1993, trong lần viếng thăm mục vụ đảo Sicilia, trước khi Cha Pino Puglisi bị sát hại, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã có những lời lẽ lên án rất mạnh mẽ các tổ chức tội phạm mafia. Nó đánh dấu một khúc rẽ định đoạt. Kể từ đó việc tố cáo dân sự đối với hiện tượng mafia trở thành luật lệ, kèm theo một hoạt động mục vụ bén nhọn hơn hướng tới chỗ tái khẳng định các nguyên tắc Tin Mừng trong chiều kích nhân bản và xã hội.
Hỏi: Giáo Hội có thể và phải có vai trò nào trong việc chống lai các tổ chức tội phạm mafia, thưa Đức cha?
Đáp: Giáo Hội đã không điếc, không mù, cũng không câm. Đã có nhiều điều được làm, nhưng còn có rất nhiều chuyện phải làm trong việc gây ý thức cho dân chúng liên quan tới hiện tượng các tổ chức mafia. Nhưng mà đã có một câu trả lời, và câu trả lời đó là Cha Pino Puglisi và cung cách sống trung thực với Tin Mừng của cha lôi cuốn như nam châm. Sự hoán cải của kẻ đã giết cha và mùa hy vọng nảy sinh từ của lễ hy sinh của cha, làm chứng cho thấy điều Giáo Hội là: Giáo Hội là dân của Thiên Chúa, thế giới không cần các người chống lại, nhưng cần các linh mục sống cho con người, các linh mục cảm thấy nhu cầu không thể nín lặng, phải đề nghị bằng mọi cách và mọi phương thế, với sự trung thực, sự thật về Chúa Kitô; và điều đó các vị phải làm một cách khiêm tốn và với tinh thần tin mừng, nếu cần thì đi cho tới hy sinh tột đỉnh chính mạng sống của mình.
Hỏi: Làm thế nào để loại trừ các len lỏi của tổ chức Mafia vào trong các lễ nghi tôn giáo, thưa Đức cha?
Đáp: Qua một công tác mục vụ được linh hứng bởi các nguyên tắc Tin Mừng, việc chú ý kiểm soát các hoạt động gắn liền với các lễ nghi phụng vụ, việc đào tạo các thành phần của các huynh đoàn, các quy chế thích hợp của các uỷ ban tổ chức lễ, óc phân định trong việc chọn các thành viên, luôn luôn kết hiệp với việc tôn trọng các truyền thống bình dân với các đòi hỏi và các lý lẽ của đức tin. Đó là các nguyên tắc mà Hội đồng Giám mục vùng Calabria đã đề cập cập tới trong tài liệu công bố năm 2007 tựa đề “Nếu anh em không hoán cải, anh em cũng sẽ chết hết”. Trong tài liệu này các giám mục đã đương đầu với vấn đề của các tổ chức tội phạm mafia, như trong qúa khứ, và minh giải rằng các tổ chức mafia, các kẻ “là cha đỡ đầu” và bạo lực nằm ngoài Tin Mừng, và như thế cũng nằm ngoài các buổi rước kiệu.
Hỏi: Thưa Đức cha, người ta còn tố cáo Giáo Hội liên quan tới sự tha thứ. Các tiêu chuẩn khẳng định rằng như thế người ta biện minh cho cả các tay tội phạm nữa… vì dù nào đi nữa rồi cũng sẽ có sự tha thứ… Đức cha nghĩ sao?
Đáp: Không được quên sức mạnh của sự tha thứ, là điều vượt ngoài mọi gỉa hình và nó chỉ thực sự nếu được đi kèm theo bởi sự hối hận, hoán cải và đền bù tội lỗi. Sự tha thứ được cống hiến không loại trừ công lý cũng không đánh giá thấp bổn phận phải đền tội, nhưng nó không thể loại trừ sự phục hồi và phải tránh mọi bản năng thù hận và hình thức nô lệ của con tim, là điều luôn luôn vô nhân. Tôi còn nói, hơn thế nữa, sự tha thứ khiến cho công lý được dễ dàng hơn, nó khích lệ sự thật và theo đuổi hoà bình. Cần phải tin vào khả thể của một sự cứu rỗi của kẻ tội phạm, bằng cách trao ban cho mục đích đó sự đóng góp có thể của chúng ta nữa.
(Avvenire 19-4-2013)