Tiếng gọi của Đức Kitô và những yêu sách của tiếng Chúa gọi
Thánh sử Luca trình bày cho chúng ta hình ảnh Đức Giêsu đang trên đường hướng về kinh thành Giêrusalem, Người gặp nhiều người, họ hứa đi theo Người đến những nơi Người đến. Người tỏ ra rất yêu sách đối với họ, khi báo cho họ biết trước rằng “Con Người không có chỗ tựa đầu”, nghĩa là Người không có chỗ định cư, và ai muốn làm việc với Người trong cánh đồng của Thiên Chúa thì không còn có thể thối lui nữa
Tiếng gọi của Đức Kitô
và những yêu sách của tiếng Chúa gọi
Kinh Truyền Tin – Quảng trường Thánh Phêrô – Chúa Nhật XIII TN, 27/6/2010
Anh chị em thân mến!
Các bài đọc Sách Thánh trong Thánh lễ Chúa Nhật hôm nay cho phép tôi được lấy lại chủ đề về tiếng gọi của Đức Kitô và những yêu sách của tiếng gọi đó, một chủ đề mà cách đây một tuần tôi đã dừng lại để suy nghĩ nhân dịp lễ phong chức cho các tân linh mục thuộc giáo phận Rôma. Thực thế, ai có dịp may biết được một thanh niên hay một thiếu nữ từ giã gia đình nơi mình sinh trưởng, từ bỏ học vấn hay công việc của mình để tận hiến cho Thiên Chúa, đều biết rõ ở đây ta muốn nói đến điều gì, bởi vì người ấy có trước mặt mình một tấm gương sống động về lời đáp trả thực sự đối với ơn gọi. Đây là một trong những cảm nghiệm đẹp nhất mà ta có thể có được trong lòng Giáo Hội: thấy, đưa tay đụng chạm đến hành động của Thiên Chúa trong đời sống của con người; khám phá ra Thiên Chúa không phải là một điều trừu tượng mà là một Thực tại đủ lớn và mạnh mẽ để lấp đầy tâm hồn con người một cách sung mãn, một Con Người sống động và gần gũi, yêu mến chúng ta và yêu cầu chúng ta yêu mến Người.
Thánh sử Luca trình bày cho chúng ta hình ảnh Đức Giêsu đang trên đường hướng về kinh thành Giêrusalem, và Người gặp nhiều người, có lẽ là những bạn trẻ, họ hứa đi theo Người đến những nơi Người đến. Người tỏ ra rất yêu sách đối với họ, khi báo cho họ biết trước rằng “Con Người – nghĩa là Đức Giêsu, Đấng Thiên Sai – không có chỗ tựa đầu”, nghĩa là Người không có chỗ định cư, và ai muốn chọn để làm việc với Người trong cánh đồng của Thiên Chúa thì không còn có thể thối lui nữa (x. Lc 9,57-58.61-62). Còn trái lại, đối với một người khác, thì Đức Giêsu lại nói: “Hãy theo Ta”, yêu cầu người ấy cắt đứt một cách dứt khoát những mối dây gia đình (x. Lc 9,59-60). Những yêu sách này có thể là quá cứng rắn, nhưng trong thực tế, nó lại biểu lộ nét mới mẻ và sự ưu tiên tuyệt đối của Vương quốc Thiên Chúa đang hiện diện trong chính Con Người của Đức Giêsu Kitô. Xét cho cùng, thì đây là tính triệt để do Tình yêu của Thiên Chúa đòi buộc, và chính Đức Giêsu là người đầu tiên vâng lời. Ai từ bỏ mọi sự, kể cả chính con người mình, để đi theo Đức Giêsu, thì bước vào trong một chiều kích mới của tự do mà Thánh Phaolô định nghĩa là: “để cho Thánh Thần hướng dẫn mình” (x. Gl 5,16). “Đức Kitô đã giải phóng chúng ta để cho chúng ta được tự do!”, Thánh Tông đồ đã viết như thế, và người cắt nghĩa hình thức mới của tự do cốt ở việc “phục vụ lẫn nhau” (Gl 5,1.13). Tự do và tình yêu ăn khớp với nhau! Còn trái lại, chiều theo tính ích kỷ chỉ dẫn đến những đua tranh và xung đột.
Các bạn thân mến, tháng Sáu, được đánh dấu bởi sự tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu, giờ đây sắp chấm dứt. Trong Ngày lễ Thánh Tâm, cùng với các linh mục trên toàn thế giới, chúng ta lập lại lời cam kết nên thánh của chúng ta. Ngày hôm nay, tôi muốn mời gọi tất cả anh chị em chiêm ngưỡng mầu nhiệm Quả tim thần – nhân của Chúa Giêsu, để kín múc nơi chính Nguồn mạch Tình yêu của Thiên Chúa. Ai nhìn Quả tim bị đâm thâu luôn mở ra vì yêu thương chúng ta đều biết rằng lời kêu cầu “Chúa là điều thiện duy nhất của con” (Thánh vịnh đáp ca) là đúng, và người ấy sẵn sàng từ bỏ tất cả để đi theo Chúa. Ôi lạy Mẹ Maria, Mẹ là người đã đáp trả lại tiếng gọi của Chúa một cách tuyệt đối, xin cầu cùng Chúa cho chúng con!