23/12/2024

Chúa Nhật XI TN-C: Đền bù bất công bằng hành động yêu thương

Trong xã hội hiện nay, nhiều tín hữu có thể phạm những bất công tưởng chừng được phép làm giống như vua David. Chúng ta mua bán hàng giả, hàng độc hại, chăn nuôi gia súc bằng thuốc cấm, dùng hoá chất nguy hiểm cho cây trồng, thực phẩm… Chúng ta đền bù như thế nào?

 

Đền bù bất công bằng hành động yêu thương 

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Các bài Thánh Kinh tuần này mời gọi chúng ta suy nghĩ về những bất công của mình đối với người khác như vua David đối với Urigia (x. 2Sm 12,7-10.13) để đền bù lại bằng hành động yêu thương như người phụ nữ tội lỗi (x. Lc 7,36–8,3). Nhờ đó ta sẽ cảm nghiệm được sự sống kỳ diệu của Đức Kitô trong mình như Thánh Phaolô: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).

1. Những bất công tưởng như được phép làm

1.1. Hành động của vua David

Vua David sau khi chiến thắng một số dân tộc chung quanh đã ngủ yên trong quyền lực và vinh quang, và đánh mất chính mình khi chiều theo dục vọng để cướp đoạt bà vợ xinh đẹp của Urigia. Vua đã dùng thủ đoạn để giết vị tướng quân này đang chiến đấu cho mình. Đó là một sự bất công lớn lao đối với anh em đồng loại và là một tội nặng nề đối với Thiên Chúa..

Thật ra, nền quân chủ và vương quyền ở nước Israel không giống như ở các nước khác cùng thời. Trong khi ở các nước khác, vua có toàn quyền sinh sát trong tay và mọi thần dân đều thuộc quyền vua sử dụng, kể cả các phụ nữ có hay chưa lập gia đình. Còn ở Israel, vua vẫn “ở dưới giao ước” chỉ vì là người đại diện cho Thiên Chúa để thể hiện vương quyền Thiên Chúa cho con người. Vua phải tuân giữ luật của Thiên Chúa diễn tả trong giao ước, hơn nữa còn phải bảo vệ giao ước để trở nên gương mẫu cho toàn dân.

Khi đặt mình vào địa vị tối cao của ông vua trong mối quan hệ với các nước ngoại giáo chung quanh, vua David tưởng rằng mình được phép chiếm hữu người vợ của Urigia và khi được bà ấy báo tin có thai với mình, vua đã giết người chồng để không ai biết tội ngoại tình của bà và hành động lét lút của nhà vua.

1.2. Hành động của chúng ta

Trong đời sống xã hội hiện nay, nhiều người tín hữu cũng có thể phạm những bất công tưởng chừng được phép làm giống như vua David. Chúng ta mua bán hàng giả, hàng độc hại, chăn nuôi gia súc bằng thuốc cấm, dùng thuốc trừ sâu hay hoá chất nguy hiểm cho cây trồng, thực phẩm dù biết chúng làm thiệt hại cho nguòi mua, huỷ diệt sự sống người tiêu dùng như bao người ngoại giáo đang làm. Ta cũng giết người chẳng thua vua David!

Chúng ta ăn xài phung phí, tham ô, lừa dối, nói thách, chiếm đoạt của người khác… như bất cứ ai vì nghĩ rằng: “Mình không làm, người khác cũng làm” và cố tình phạm những bất công đó vì cho rằng: “Xấu đều hơn tốt lỏi”. Đối với những người giữ quyền hành trong một cộng đoàn, dòng tu, tổ chức, chúng ta cũng dùng thủ đoạn để lại trừ nhau như vua David để giữ kín được chuyện xấu xa và bảo vệ danh dự cá nhân.

Tuy nhiên, điểm khác biệt giữa nhiều người chúng ta ngày nay với vua David đó là trong khi nhà vua khiêm tốn nhận ra sự bất công với người và với Chúa để thú nhận: “Tôi đắc tội với Chúa” (2Sm 12,13) thì chúng ta lại không nhận ra được trách nhiệm và hậu quả trong hành động của mình.

Sống trong một xã hội với nền giáo dục vô thần, duy vật hiện nay, nhiều người Việt Nam, trong đó có cả chúng ta, đã trở thành những người đánh mất nhân tính, lòng tự trọng và liêm sỉ. Chúng ta trở thành vô cảm, bất động trước những tội ác và bất công để chỉ tìm sự an thân cho cá nhân mình vì nghĩ rằng chẳng có ai nhìn ra được sự bất công để tố cáo ta. Sự im lặng của chúng ta nhiều khi trở thành đồng loã với kẻ thủ ác. Tình trạng này nếu không sửa đổi, có thể làm biến mất cả dân tộc, như đã từng xảy ra cho nước Chân Lạp, Thuỷ Chân Lạp. Đó là những dân tộc đã từng tồn tại miền Nam Việt Nam mà hiện nay chúng ta đang sống trên miền đất của họ.

2. Đền bù bất công bằng hành động yêu thương

Nói ra vài điểm tiêu cực trên đây có thể làm ta buồn lòng nhưng nỗi buồn sẽ biến thành niềm vui khi chúng ta biết đền bù bất công bằng hành động yêu thương.

2.1. Hành động của người phụ nữ tội lỗi

Đối với những hành động bất công, luật pháp đòi hỏi ta phải đền trả theo đúng lẽ công bình. Những người ngoài Kitô giáo, nhất là các tín đồ Phật giáo, thường hay nhắc đến luật nhân quả, nghiệp chướng. Còn những tín hữu Kitô đều hiểu rằng: Chúa ở khắp mọi nơi và nhìn thấu mọi sự. Ngài công bình vô vùng nên ta không được quyền gây nên bất công và thiệt hại cho anh chị em trong đại gia đình Thiên Chúa bao gồm mọi người, mọi vật trong vũ trụ này. Trái lại, ta cần phải bắt chước Đức Giêsu Kitô là Ngôi Lời Thiên Chúa làm người, dám đón nhận cái chết đau đớn tủi nhục trên thập giá để đền bù tất cả những bất công con người gây ra cho nhau và xúc phạm đếnThiên Chúa.

Đối với con người, sự đền bù có thể là số tiền tương đương với mức thiệt hại vật chất, hoặc những lời xin lỗi, đính chính viết trên báo chí, trên các phương tiện truyền thông, hoặc nói trong các cuộc họp có đông đủ những ai liên quan để phục hồi danh dự cho người bị xúc phạm. Tuy nhiên, đối với Thiên Chúa, những hành động trên không thể đền bù các tội xúc phạm đến Thiên Chúa khi chúng ta bất công đối với con người vì con người mang là hình ảnh của Thiên Chúa và giống như Thiên Chúa. Rồi bởi vì Thiên Chúa vô cùng cao cả, tuyệt đối công bình, nên tội phạm đến Thiên Chúa cũng vô cùng nặng nề mà con người không thể đền bù cho Ngài được trong thân phận thụ tạo thấp hèn.

Hành động duy nhất có khả năng đền bù trọn vẹn cho Thiên Chúa là con người phải kết hợp với Đức Giêsu Kitô để hành động của họ mang tính thánh thiêng, có giá trị vô hạn, vĩnh hằng, xứng đáng với Thiên Chúa vì Đức Giêsu Kitô là Ngôi Lời Thiên Chúa. Đó là hành động tượng trưng của người phụ nữ tội lỗi đã làm khi “chị đứng đàng sau, sát chân Người mà khóc, lấy nước mắt tưới ướt chân Người, lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Người và lấy dầu thơm mà đổ lên” (Lc 7,38). Chị ý thức tội lỗi nặng nề của mình vừa xúc phạm đến Thiên Chúa vừa bất công với con người và biết mình được tha nhiều nên chị diễn tả lòng biết ơn ấy qua các hành động dành cho Đức Giêsu Kitô.

2.2. Hành động đền bù của chúng ta

Đức Giêsu Kitô vẫn luôn hiện diện sống động quanh ta, ngay trong gia đình và xã hội, để ta thể hiện những hành động giống như người phụ nữ tội lỗi cho Người. Người hiện thân đặc biệt qua những con người nghèo khổ, mồ côi, tàn tật quanh ta vì họ có thể giúp ta nhớ đến hậu quả tai hại do những bất công ta gây ra cho người khác. Thật vậy, chính những hành động bất công của ta đang làm cho xã hội mỗi ngày một nghèo nàn, tàn tạ hơn và có thêm những con người khốn khổ như thế.

Có nhiều người tưởng rằng, sau khi đối xử bất công với con người, họ chỉ cần bỏ tiền xin lễ, cúng dường Tam bảo, bố thí cho người nghèo, dâng cúng tiền của vật chất để xây dựng nhà thờ, chùa miếu, trường học, bệnh viện hoặc làm các hoạt động từ thiện là đủ đền bù. Họ quên luật công bình đòi hỏi họ phải trả đúng, trả đủ, trả trực tiếp cho người bị hại còn sống hay có thể tiếp xúc được. Trong trường hợp người bị hại đã qua đời hay không thể tiếp xúc, họ phải đền trả cho con cháu hay người thân thuộc của người bị hại. Vì thế, nhiều khi bỏ tiền dâng cúng, làm công đức rất nhiều, nhưng chúng ta vẫn là những kẻ mắc nợ đối với Thiên Chúa và anh em mình cũng như không thể thoát khỏi “lưới Trời lồng lộng” vì chưa đền bù được bất công mình gây ra.

Để cảm nhận được ơn tha thứ và diễn tả lòng biết ơn vì được tha thứ ta nên hành động như người phụ nữ tội lỗi trong bài Tin Mừng: khóc lóc, lau rửa, hôn kính và xức thuốc thơm. Khóc lóc để biểu lộ lòng thống hối, ăn năn và cần có nước mắt rửa sạch tội lỗi bằng việc quyết tâm sửa chữa hành động sai trái của mình. Việc lau khô chân Chúa bằng chính tóc mình thay vì dùng khăn như gợi ý một hành động lấy chính bản thân đền bù chứ không cậy dựa vào tiền bạc, vật chất bên ngoài. Những nụ hôn như diễn tả lòng quý mến trân trọng đối với người nghèo khổ vì nhiều hành động đền bù trong xã hội hiện nay chỉ là những kiểu bố thí với sự khinh miệt, mong cho họ tránh xa để khỏi bị phiền nhiễu, quấy rầy. Việc xức thuốc thơm lên chân Chúa như muốn diễn tả đền bù phải làm phát triển và nâng cao chất lượng sống cho người bị hại vì nhiều hành động xây dựng cơ sở tôn giáo hay làm từ thiện hiện nay chỉ là dịp khoe của, khoe danh lấy tiếng hoặc quảng cáo cho người gây bất công chứ không phải là hành động đền bù xứng đáng do tình yêu thương chân thành thúc đẩy.

Kết luận

Hôm nay suy nghĩ về một số bất công và hành động đền bù bằng tình yêu thương, chúng ta muốn đặt trọn niềm tin vào Đức Giêsu Kitô để dám chết và đóng đinh đời mình vào thập giá của Người theo tinh thần thánh Phaolô. Từ đó, chúng ta sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến ta và hiến mạng vì ta (x. Gl 2,16-20).