28/01/2025

Chúa Nhật XI Thường Niên, năm C: Xin uốn lòng con nên giống Trái Tim Chúa

Trong tuần trước chúng ta có hai ngày lễ đặc biệt, đó là lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu và lễ Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ. Hai lễ này như gợi ý cho chúng ta nhìn lại trái tim của mình để học lại bài học tình yêu Thiên Chúa đã đặt để vào đó, bởi vì trái tim là biểu tượng của tình yêu.

 

XIN UỐN LÒNG CON NÊN GIỐNG TRÁI TIM CHÚA

 

 Lời mở

Trong tuần trước chúng ta có hai ngày lễ đặc biệt, đó là lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu và lễ Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ. Hai lễ này như gợi ý cho chúng ta nhìn lại trái tim của mình để học lại bài học tình yêu Thiên Chúa đã đặt để vào đó, bởi vì trái tim là biểu tượng của tình yêu.

“Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8) như thánh Gioan đã giới thiệu: Thiên Chúa đã dựng nên con người giống hình ảnh của Ngài (x. St 1,26-27), đã dựng nên trái tim con người giống trái tim của Ngài nên con người có khả năng yêu thương như Ngài. Nhưng trái tim của Thiên Chúa như thế nào thì chúng ta không biết được, không vẽ được vì Thiên Chúa là tinh thần.

Do đó, Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời Thiên Chúa đã làm người, đã mang lấy trái tim của con người (x. CĐ Vat. II, Gaudium et Spes, số 22, §2) để chúng ta nhìn vào trái tim ấy mà học được bài học yêu thương của Thiên Chúa. Khi nhìn lên thập giá, với cạnh sườn mở rộng, trái tim bị đâm thâu của Chúa Giêsu, chúng ta học biết mình phải yêu thương như thế nào (x. Ga 19,34-37).

1. Tình yêu Thiên Chúa đối với con người

Đức Giêsu đã yêu thương, “Ngài yêu cho đến cùng” (Ga 13,1). Nhiều khi chúng ta chỉ yêu nửa chừng như người ta thường nói: “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở, đời hết vui khi đã vẹn câu thề”. Yêu nửa chừng thì cũng chỉ đẹp nửa vời chứ không giống như Chúa Giêsu: yêu cho đến cùng thì mới thấy cái đẹp tuyệt vời, trọn vẹn của tình yêu Thiên Chúa!

Trong tình yêu, chúng ta cũng phân biệt rất kỹ lưỡng. Đối với người thì ta phân biệt: ta – địch – thù – bạn, rồi phân loại: người này đáng yêu nhiều, người kia đáng yêu ít, người nọ không đáng yêu. Ta cũng chỉ yêu người đẹp chứ không yêu người xấu, yêu người tốt lành chứ không yêu người ác đức, yêu người tài giỏi chứ không yêu người ngu đần, yêu người giàu sang phú quý chứ không yêu người nghèo khó thấp hèn. Phân biệt kỹ lưỡng đến thế mà vẫn yêu lầm, yêu sai và đau khổ vì yêu!

Yêu là chết ở trong lòng một ít

Vì mấy khi yêu mà đã được yêu

Cho rất nhiều nhưng nhận chẳng bao nhiêu

Yêu là chết ở trong lòng một ít!

(Xuân Diệu)

Đức Giêsu thì không như thế. Người yêu tất cả chứ không phân biệt, loại trừ vì tất cả được dựng nên nhờ Người và cho Người, Người đã chết để cứu tất cả (x. Dt 2,10). “Không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu của người đã hy sinh mạng sống vì bạn hữu mình. Anh em là bạn hữu của Thầy” (Ga 15,13-14). Chúng ta nhìn lại tình yêu của chúng ta đối với con người để học lại bài học mà Đức Giêsu muốn dạy chúng ta hôm nay.

Người vẫn thường xuyên ăn uống với những người tội lỗi, những cô gái điếm, nên cô gái tội lỗi trong bài Phúc Âm hôm nay mới dám đến bày tỏ lòng thống hối tội lỗi của mình. Đức Giêsu dùng hình ảnh người phụ nữ đó dạy chúng ta bài học yêu thương. Chính khi yêu những con người hèn hạ, tội lỗi, xấu xí, ngu đần là chúng ta đưa tình yêu của Thiên Chúa vào trong con người để làm cho họ ăn năn trở lại, làm cho họ được tốt hơn, đẹp hơn, khoẻ hơn, sống xứng đáng hơn. Đó cũng chính là chúng ta đang cải tạo xã hội và làm phát triển xã hội. Nếu ai cũng xua đuổi những người nhiễm HIV, những người nghiện ngập rượu chè, ma tuý, cờ bạc thì làm sao có thể hoán cải được những con người ấy và thay đổi xã hội hôm nay!

2. Nhìn vào Thiên Chúa để nhận ra tình trạng tội lỗi của mình

Hôm nay, chúng ta được mời gọi để nhìn lại thân phận mình để xem chúng ta đã thật sự yêu thương chưa, chúng ta có cảm nghiệm được mình là người tội lỗi giống như David cả một đời ăn năn thống hối vì đã giết Uria để cướp vợ của ông ấy như bài đọc I không? (x. 2Sm 12,7-10.13). Người phụ nữ tội lỗi trong bài Phúc Âm hôm nay cũng vậy. Nhưng nhiều khi nhìn lại mình, chúng ta thường nghĩ rằng: Tôi đâu có giết người, đâu có cướp vợ/chồng người khác, tôi chỉ thỉnh thoảng chia trí trong nhà thờ, nói xấu người này, ghét bỏ người kia. Tôi đâu phạm tội như David, đâu có tội lỗi như cô gái điếm trong Phúc Âm! Những hình ảnh đó chỉ nhắc nhở chúng ta có dám nhìn vào Thiên Chúa thánh thiện để thấy mình tội lỗi không? Chúng ta nói mình không giết người bằng gươm dao, súng đạn, nhưng thật sự chúng ta đã giết không biết bao nhiêu người trong cuộc sống bằng những lời nói châm chích, tiêu cực, bằng thái độ thù hận, loại trừ của chúng ta khiến họ buồn phiền, đau khổ, ăn ngủ không được rồi dẫn đến bệnh này tật nọ, chết lần chết mòn.

Trong Truyện Kiều của Nguyễn Du có đoạn kể lại chuyện Hoạn Thư và Thúc Sinh: Thúc Sinh đi chơi bời, gặp cô gái mại dâm là Thuý Kiều, hai người yêu nhau. Hoạn Thư biết được hai người gắn bó với nhau nên sai gia nhân đến bắt Thuý Kiều đem về làm đầy tớ trong nhà để chì chiết, hành hạ, bắt hầu rượu cho chồng là Thúc Sinh khiến Kiều phải kêu lên: “Giết nhau chẳng cái lưu cầu, giết nhau bằng cái u sầu độc chưa!”. Lưu cầu là con dao to bản rất sắc của thầy lang dùng để thái sừng, thái thuốc. Người ta không giết bằng con dao sắc bén mà giết bằng cách gây đau khổ u sầu cho nhau. Cái giết đó mới gớm ghê, độc ác!

Nhìn vào đời sống, có lẽ chúng ta thấy mình đã giết không biết bao nhiêu người thân yêu ngay trong gia đình vì chúng ta đã gây đau khổ, u sầu cho họ. Có nhìn vào sự thánh thiện của Thiên Chúa yêu thương, chúng ta mới thấy mình tội lỗi như David và còn tội lỗi hơn David, hơn người phụ nữ mại dâm trong Phúc Âm vì chúng ta đã phản bội tình yêu Thiên Chúa. Chúng ta không cướp vợ cướp chồng của người khác nhưng chúng ta lại yêu thương những đồ vật hơn Thiên Chúa trong khi chính Thiên Chúa mới là người yêu độc nhất của ta. Chúng ta đã để cho lòng tham, lòng dục che mờ tình yêu của Thiên Chúa đã đặt trong trái tim ta đến độ bán cả nhà, cả xe cho một cuộc cá độ bóng đá mùa World Cup hay chạy theo   một cuộc tình tạm bợ nào đó để vợ con nheo nhóc, khổ sở ở nhà.

Kết luận

Hôm nay chúng ta được mời gọi nhìn vào trái tim của chúng ta xem nó có đập giống như trái tim Chúa Giêsu không? Nhìn vào trái tim của Người Mẹ Thánh để thấy rằng Ngài đang mời gọi chúng ta yêu một cách trong sạch hơn, quảng đại hơn, hy sinh hơn dù có bị lưỡi đồng hay gươm sắc đâm thâu (x. Lc 2,35) như trái tim Ngài. Chúng ta hãy xin Cha Trên Trời đổ tràn đầy Thánh Thần tình yêu vào trái tim ta với những ân sủng kỳ diệu để có thể nói như thánh Phaolô hôm nay: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2,20).

 

 

Hành Khất Kitô

  UBBAXH-Caritas Việt Nam