60.000 tín hữu đọc Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha
VATICAN – 60.000 tín hữu đã tham dự buổi đọc Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha Phanxicô tại Quảng trường Thánh Phêrô trưa Chúa Nhật 2-6-2013. Trong bài huấn dụ ngắn, ĐTC đã diễn giải ý nghĩa Lễ kính Mình Máu Thánh Chúa, theo lịch chung tại nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam. Ngài cũng tái lên tiếng kêu gọi chấm dứt các cuộc xung đột đẫm máu kéo dài từ 2 năm nay ở Syria, trả tự do cho những người bị bắt cóc.
60.000 tín hữu đọc Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha
VATICAN – 60.000 tín hữu đã tham dự buổi đọc Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha Phanxicô tại Quảng trường Thánh Phêrô trưa Chúa Nhật 2-6-2013.
Trong bài huấn dụ ngắn, ĐTC đã diễn giải ý nghĩa Lễ kính Mình Máu Thánh Chúa, theo lịch chung tại nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam. Ngài cũng tái lên tiếng kêu gọi chấm dứt các cuộc xung đột đẫm máu kéo dài từ 2 năm nay ở Syria, trả tự do cho những người bị bắt cóc.
Bài huấn dụ của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến, mến chào anh chị em!
“Thứ năm vừa qua, chúng ta đã cử hành Lễ kính Mình Thánh Chúa, lễ này tại Italia và các nước khác được dời vào Chúa Nhật hôm nay. Đây là Lễ Thánh Thể, Bí tích Mình và Máu Thánh Chúa Kitô.
Bài Tin Mừng đề nghị với chúng ta trình thuật phép lạ bánh hoá ra nhiều (Lc 9,11-17); tôi muốn dừng lại ở một khía cạnh vẫn luôn gây ấn tượng mạnh cho tôi và làm cho tôi suy nghĩ. Chúng ta đang ở bên bờ hồ Galilea, chiều tối đến gần; Chúa Giêsu lo âu vì dân chúng ở với Ngài từ lâu giờ: hàng ngàn người, và họ đang đói. Làm sao đây? Cả các môn đệ cũng đặt vấn đề và nói với Chúa Giêsu: ‘Xin Thầy giải tán dân chúng’ để họ vào các làng mạc lân cận tìm thức ăn. Trái lại, Chúa Giêsu nói: “Chính các con hãy cho họ ăn đi” (v. 13) Các môn đệ ngỡ ngàng và trả lời: “Chúng ta chỉ có 5 chiếc bánh và 2 con cá”, như thể nói: chỉ vừa đủ cho chúng ta.
Chúa Giêsu biết rõ phải làm sao, nhưng muốn các môn đệ can dự vào, Ngài muốn giáo dục họ. Thái độ của các môn đệ thật là thái độ thường tình của con người, vốn tìm một giải pháp thực tiễn nhất, và không gây quá nhiều vấn đề: đó là giải tán đám đông, mỗi người tự lo liệu lấy, vả lại Thầy đã làm quá nhiều cho họ rồi, Thầy đã giảng giải, đã chữa lành các bệnh nhân. Xin Thầy hãy giải tán đám đông!
Thái độ của Chúa Giêsu hoàn toàn khác hẳn, và thái độ ấy do sự kết hiệp của Ngài với Chúa Cha và do sự cảm thông với dân chúng, và cũng do ý chí muốn gửi đến các môn đệ một sứ điệp. Đứng trước 5 chiếc bánh đó, Chúa Giêsu nghĩ: Đây thực là điều quan phòng! Từ số lượng bé nhỏ ấy, Thiên Chúa có thể rút ra những gì cần thiết cho mọi người. Chúa Giêsu hoàn toàn tín thác nơi Cha trên trời, Ngài biết rằng đối với Chúa Cha tất cả đều có thể. Vì thế, Chúa Giêsu bảo các môn đệ cho dân chúng ngồi xuống thành từng nhóm 50 người – không phải là tình cờ; điều này có nghĩa là họ không còn là đám đông nữa, nhưng trở thành một cộng đoàn, được nuôi dưỡng bằng bánh của Thiên Chúa. Rồi Chúa cầm lấy những chiếc bánh và những con cá ấy, ngước mắt lên trời, đọc lời chúc tụng – hiển nhiên đây là sự ám chỉ tới Phép Thánh Thể – rồi Ngài bẻ ra và bắt đầu phân phát cho các môn đệ, và các môn đệ phân phát… bánh và cá ấy không hết! Đó là phép lạ: đây không phải là sự hoá bánh ra nhiều cho bằng là một sự chia sẻ, được đức tin và kinh nguyện linh hoạt. Tất cả đều ăn và vẫn còn thừa: đó là dấu chỉ Chúa Giêsu, bánh của Thiên Chúa cho nhân loại.
Các môn đệ đã thấy, nhưng họ không lĩnh hội rõ sứ điệp. Giống như đám đông, họ phấn khởi vì sự thành công. Một lần nữa, họ theo lý luận phàm nhân chứ không phải lý luận của Thiên Chúa, đó là sự phục vụ, yêu thương và tin tưởng. Lễ Mình Thánh Chúa yêu cầu chúng ta trở về với niềm tin nơi sự Quan Phòng của Chúa, biết chia sẻ điều ít ỏi mà chúng ta có và chính bản thân chúng ta, và đừng bao giờ khép kín co cụm trong chính mình. Chúng ta hãy cầu xin Mẹ Maria của chúng ta giúp đỡ chúng ta trong cuộc hoán cải này, để thực sự theo Chúa Giêsu một cách chân thực hơn, Đấng mà chúng ta thờ lạy trong Thánh Thể. Amen.”
Kêu gọi và chào thăm
Sau khi ban phép lành cho các tín hữu, ĐTC nói thêm:
“Anh chị em thân mến, tôi vẫn rất lo âu và đau buồn vì cuộc xung đột kéo dài từ hơn 2 năm nay làm cho Syria ở trong tình trạng máu lửa và gây tổn thương đặc biệt cho dân chúng vô phương tự vệ, họ đang khao khát một nền hoà bình trong công lý và cảm thông. Tình trạng chiến tranh đau thương này kéo theo những hậu quả bi thảm: chết chóc, tàn phá, thiệt hại lớn lao về kinh tế và môi sinh, cũng như tệ nạn bắt cóc người. Trong khi lên án những sự kiện đó, tôi muốn cam đoan về kinh nguyện và tình liên đới của tôi đối với những người bị bắt cóc và thân nhân họ, và tôi kêu gọi tình người của những kẻ bắt cóc hãy trả tự do cho các nạn nhân. Chúng ta hãy luôn cầu nguyện cho Syria yêu quý.”
Quốc gia này tiếp tục ở trong tình trạng bất an và vô chính phủ do chiến tranh gây ra, nhiều vụ bắt cóc có động lực kinh tế để đòi tiền chuộc mạng, một số vụ bắt cóc khác dường như là do sự trả đũa giữa các nhóm Hồi giáo khác nhau hoặc do trào lưu cực đoan cuồng tín. Trong số những nhân vật được biết đến nhiều nhất giữa những người bị bắt cóc từ hơn một tháng nay có Đức GM Yohanna Ibrahim, thuộc Giáo hội Chính thống Siriac ở Aleppo, và Đức GM Boulos Yaziji, TGM Giáo phận Chính thống Hy Lạp cũng tại Aleppo, thành phố lớn thứ hai của Syria. Thêm vào đó cũng có 1 ký giả người Italia là ông Domenico Quirico.
ĐTC nói: “Trên thế giới hiện có bao nhiêu tình trạng xung đột, nhưng cũng có bao nhiêu dấu hiệu hy vọng. Tôi muốn khích lệ những bước tiến gần đây tại nhiều nước Mỹ châu Latinh hướng về sự hoà giải và hoà bình. Chúng ta hãy tháp tùng họ trong kinh nguyện.”
Trước khi kết thúc buổi đọc kinh, ĐTC kể lại:
“Sáng hôm nay, tôi đã cử hành Thánh lễ với một số quân nhân và thân nhân của một số người đã ngã gục trong các sứ vụ hoà bình nhắm thăng tiến sự hoà giải và hoà bình tại những nước đang còn có máu đổ ra giữa những người anh chị em với nhau đang gặp chiến tranh, vốn là điều điên rồ.”
và ĐTC trích dẫn câu nói của ĐGH Piô XII, được Đức Gioan Phaolô II lấy lại: “Với chiến tranh, tất cả đều mất mát. Với hoà bình, ta được tất cả.” Tôi xin anh chị em cầu nguyện cho những người tử nạn, những người bị thương và gia đình họ. Và giờ đây, chúng ta cùng nhau cầu nguyện trong thinh lặng, trong tâm hồn chúng ta, một kinh nguyện cho những người đã ngã gục, những người bị thương và gia đình họ.”
Sau một phút thinh lặng cầu nguyện, ĐTC còn ngỏ lời chào thăm tất cả các tín hữu hành hương hiện diện hôm nay: các gia đình, các tín hữu thuộc bao nhiêu giáo xứ Italia và các nước khác, các hội đoàn và phong trào. Ngài nói: “Tôi đặc biệt chào các tín hữu đến từ Canada, từ Croatia và Bosni Erzegovine, cũng như một nhóm thuộc tổ chức Cottolengo nhỏ ở Genova, Hội thánh Orione. Tôi chào tất cả và cầu chúc tất cả chúa nhật tốt đẹp và dùng bữa trưa ngon!”
Thánh lễ ĐTC cử hành ở Nguyện đường Nhà Khách Thánh Martha lúc 9 giờ 30 sáng Chúa Nhật có khoảng 80 người tham dự dưới sự hướng dẫn của Đức TGM Vincenzo Pelvi, Giám mục Giáo hạt Quân đội Italia và một số linh mục tuyên uý quân đội. Trong số các tín hữu hiện diện có 55 thân nhân, đặc biệt là cha mẹ của 24 binh sĩ Italia tử trận trong vòng 4, 5 năm nay, đặc biệt tại Afganistan, ngoài ra có 13 quân nhân bị thương đã từng tham gia các sứ vụ hoà bình như vậy.
Ngài 2-6-2013 cũng là Lễ Cộng hoà của Italia, nên vào cuối lễ có đọc kinh cầu nguyện cho Italia do Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II soạn hồi năm 1994. Sau Thánh lễ, ĐTC đã thân ái chào thăm từng người tham dự.