27/12/2024

Bài 18: Lớp Kitô học trong Năm Đức tin: Thở được Thần Khí của Chúa Kitô

Từ việc thở khí tự nhiên hết sức cần thiết cho cơ thể hoạt động, chúng ta sẽ hiểu ra tầm quan trọng của khí siêu nhiên và vai trò của Chúa Thánh Thần trong đời sống tín hữu cũng như trong Nhiệm Thể kỳ diệu của Chúa Giêsu Kitô là Giáo Hội.

 

Thở được Thần Khí của Chúa Kitô

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Hôm nay Giáo Hội long trọng mừng lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống để mời gọi chúng ta ý thức sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong đời sống hằng ngày, bởi vì Ngài chính là hồng ân Thiên Chúa mà Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta khi Chúa Giêsu thổi hơi trên các môn đệ và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20,22). Thiên Chúa Ngôi Ba ấy là Thần Khí, là “làn gió mạnh mẽ ùa vào đầy nhà nơi các môn đệ đang tụ họp” (x. Cv 2,1-11) để biến đổi tất cả thành con người mới. Khi thở hít được Thần Khí ấy, ta mới hoà nhập thành một với Chúa Giêsu để trở thành chi thể sống động trong thân thể mầu nhiệm của Người. Thánh Phaolô nhắc nhở rằng: “Tất cả chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể, tất cả chúng ta được đầy tràn một Thần Khí duy nhất” (x. 2Cr 12,3-7.12.13).

Trong đời sống thường ngày của mỗi người cũng như của Giáo Hội, chúng ta ít quan tâm đến khí thở và chưa phát huy được sự sống kỳ diệu cả về lĩnh vực tự nhiên lẫn siêu nhiên vì chưa ý thức được tầm quan trọng của khí thở. Hôm nay chúng ta được mời gọi học lại bài học về khí thở trong đời sống.

1. Tầm quan trọng của khí tự nhiên

Nhìn vào thân thể, chúng ta biết trái tim nằm ở vị trí trung tâm để bơm máu đỏ đến toàn thân cho từng tế bào có oxy để sống rồi lại chuyển dòng máu đen về tim. Dòng máu ấy cũng được bơm lên đầu để bộ thần kinh trung ương phát lệnh cho các bộ phận hoạt động cũng như giúp cho trí óc ta có thể suy nghĩ, cảm nhận và diễn tả qua các giác quan.

1.1.Buồng phổi và hoạt động hô hấp.

Dòng máu từ tim đó chỉ có thể đỏ mãi trong suốt cuộc đời nhờ có buồng phổi để chuyển khí oxy từ khí trời vào tế bào và đem khí carbonic của tế bào ra ngoài khí trời. Đó là hoạt động hô hấp. Nhờ có khí oxy, tế bào sẽ chuyển hoá hay đốt các chất nuôi dưỡng mà máu đưa tới thành năng lượng và khí carbonic sinh ra trong quá trình này sẽ được thải ra ngoài. (x. Gs Phạm Đình Lựu, Sinh lý học Y khoa, Tập I, NXB Y Học. 2011, tr. 196). Nếu không có khí oxy từ buồng phổi đưa vào, dòng máu chỉ dùng được một lần, biến thành máu đen đầy khí carbonic và không còn ích lợi cho cơ thể nữa. Muốn thật sự hữu ích, dòng máu ấy phải quay trở về buồng phổi để đỏ trở lại nhờ khí oxy.

Chúa đã dựng nên con người cách kỳ diệu: trái tim như một cái bơm, mỗi phút bơm máu đi khắp thân thể khoảng 60, 70 hay 80 lần tuỳ từng người. Khi máu đen về tim được bơm sang phổi, trong vòng ¼ giây, máu tràn ra các phế nang của phổi để đón nhận thật nhanh dưỡng khí là oxy và biến thành máu đỏ. Mỗi người có khoảng 300 triệu phế nang và diện tích của các phế nang đo được khoảng 70-90m2. Ban ngày, người lớn chúng ta thở 16 lần trong 1 phút, khi ngủ chúng ta chỉ thở khoảng 12 lần/ phút.

1.2. Khí tự nhiên và sức khoẻ con người

Rất nhiều người nói với tôi rằng: họ nhức đầu, ngủ không được, học không nhớ, nhiều bộ phận như gan, ruột, dạ dày.. hoạt động không tốt… Các bác sĩ khám bệnh, cho nhiều thuốc uống, nhưng bệnh không hết. Trong hơn 20 năm qua, tôi đã tiếp khoảng hơn 10 ngàn bệnh nhân, phân nửa số bệnh nhân ấy đều do thở không đủ khí… Tôi lấy máy đo và nói họ hít vào, thở ra cho tôi xem. Cố gắng hết sức đa số họ chỉ thở được khoảng 500ml/lần – 1.000 ml/lần thở, trong khi dung tích buồng phổi của chúng ta là 3.500ml, chưa kể 1.500 ml khí dự trữ, đề phòng trường hợp ngạt thở khi bị hít phải khí độc, ngộp nước…

Khi máu đen đổ về tim cần nhiều oxy để biến thành máu đỏ, do thở không đủ nên thán khí còn giữ lại trong máu tiếp tục đưa lên não làm cho đầu óc choáng váng, tay chân rũ liệt, lúc nào cũng chỉ muốn nghỉ ngơi, trí nhớ sút giảm, đêm ngủ không an giấc vì nếu chìm vào giấc ngủ sâu họ có nguy cơ bị chết ngạt. Vì thế cơ chế phản vệ làm cho người ta cứ ngủ chập chờn, mơ hoảng để khi thiếu khí quá não sẽ bừng tỉnh, đánh thức ta dậy để hít khí vào.

Não con người có khoảng 16 tỷ nơron thần kinh, cần tối thiểu 2.000 lít khí/ngày trong 10.000 lít tối thiểu của cơ thể. Chính bộ não ấy phát ra những lệnh cho tất cả các bộ phận hoạt động. Nếu chúng ta tăng cường dung tích khí thở mỗi lần lên 1.500ml hoặc 2.000ml, 2.500ml, bộ não chúng ta sẽ hoạt động mạnh mẽ. Nhờ đó, chúng ta sẽ học hành, làm việc hiệu quả và thông minh hơn nhiều. Thân thể chúng ta sẽ khoẻ mạnh, xinh đẹp nhờ các bộ phận hoạt động hài hoà.

Tóm lại, nhờ hít thở điều hoà khí tự nhiên qua hệ hô hấp, con người chúng ta phát triển từng giây từng phút. Chỉ cần 4 phút không có dưỡng khí là bộ não chúng ta sẽ chết, trong khi chúng ta có thể nhịn ăn được 30 ngày, nhịn uống được 3,4 ngày. Nói như thế để từ nay chúng ta chú ý đến việc thở hít khí tự nhiên hơn và tập thở để tăng cường chất lượng sống.

2. Tầm quan trọng của khí siêu nhiên

Từ việc thở khí tự nhiên hết sức cần thiết cho cơ thể hoạt động, chúng ta sẽ hiểu ra tầm quan trọng của khí siêu nhiên và vai trò của Chúa Thánh Thần trong đời sống tín hữu cũng như trong Nhiệm Thể kỳ diệu của Chúa Giêsu Kitô là Giáo Hội.

2.1. Phân biệt các loại khí thiêng

Trước hết, chúng ta cần phân biệt có nhiều loại khí siêu nhiên. Thần Khí mà Chúa Giêsu Phục Sinh thổi vào các môn đệ không phải chỉ là luồng “sinh khí” mà Thiên Chúa thổi vào mũi con người (St 2,7) cho họ trở thành con người giống hình ảnh Ngài (St 1,26-27), nhưng là Thánh Thần Thiên Chúa, Đấng bay lượn trên mặt nước khi Chúa dựng nên muôn loài bằng Lời phán từ miệng Ngài (x. St 1,2-26). Đức Giêsu, trong tư cách là Ngôi Lời Thiên Chúa, thực hiện cuộc sáng tạo mới, khi thổi hơi trên các môn đệ, để biến họ thành những con người mới, trở nên chính Thiên Chúa như Người. Thánh Thần là một ngôi vị sống động, là Ngôi Ba Thiên Chúa, là Thần Chân Lý, là Đấng Bảo Trợ (Ga 15,26; 16,7.13) được Chúa Cha và Chúa Giêsu ban cho để chúng ta có cùng một sự sống Thiên Chúa nếu thở hít chung một Thần Khí với Chúa Giêsu.

Thần Khí này vì thế khác hẳn với tà khí, hay uế khí mà con người thải ra do tham vọng và dục vọng tác động trong cuộc sống ở trần thế (x. Mt 15,18-20) tương tự như khí carbonic được thải ra trong quá trình hô hấp của con người. Thánh Thần cũng khác hẳn tà thần hay thần ô uế mà tinh thần con người có thể bị chúng khống chế hay xâm nhập nơi những người bị ma ám, quỷ nhập (x. Mt 12,43-45).

2.2. Những vấn đề bắt nguồn từ Thần Khí

Quả thật, nhiều tín hữu hầu như chẳng quan tâm đến việc tập thở Thần Khí, dù họ biết rõ rằng con người họ gồm 2 phần: thể xác và tinh thần. Nếu thể xác cần ăn uống thở khí tự nhiên, thì tinh thần cũng cần ăn uống thở khí siêu nhiên như thế. Họ biết mình cần rước Mình Máu Thánh Chúa, đọc Lời Chúa như của ăn uống siêu nhiên, nhưng lại không biết thở và tập thở Thần Khí. Vì thế, đời sống họ chưa phát huy những năng lực kỳ diệu của Chúa Thánh Thần qua những ân huệ Ngài ban, như được diễn tả trong bài đọc I (x. Cv 2,1-11) cũng như chưa mang lại những kết quả lạ lùng trong việc loan báo Tin Mừng cứu độ (x. Cv 2, 43; 5,12-16…). Thánh Phaolô, qua bài đọc II (x. Cr 12,3-7.12-13), muốn nhắc nhở chúng ta về những ân huệ mà Thánh Thần ban cho tín hữu để hoạt động trong Hội Thánh và phục vụ cộng đồng.

Trong đời sống đạo đức cá nhân, rất nhiều người tự hỏi: Vì sao tôi không cảm nghiệm được sự sống kỳ diệu của Chúa Giêsu, dù tôi đã được rửa tội nhân danh Người? Tại sao tôi không phát huy những ân huệ của Chúa Thánh Thần dù tôi đã chịu phép Thêm Sức? Tại sao tôi thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, buồn chán, suy nhược, không muốn làm điều tốt đẹp cho mình cũng như cho người? Tại sao tôi cảm thấy mình cứ bị cuốn hút vào những tham vọng, dục vọng mà không thể thoát ra?

Trong đời sống của cộng đồng Giáo Hội, chúng ta cũng gặp những câu hỏi tương tự: tại sao Giáo Hội với hơn 1,2 tỷ tín hữu Công giáo mà vẫn chưa thu hút được nhiều người khác tin theo Đức Kitô, trái lại tỷ lệ người Công Giáo còn giảm sút hơn? Tại sao việc loan báo Tin Mừng lại không có kết quả? Tại sao người tín hữu Công giáo lại không làm được các phép lạ để củng cố cho những lời rao giảng Tin Mừng như Chúa Giêsu thúc đẩy (x. Mc 16, 15-20)?

Nhiều tín hữu rất thụ động trong việc thở khí siêu nhiên. Thần Khí mà họ lãnh nhận từ lúc chịu bí tích Rửa Tội còn lưu lại rất ít trong họ nên chỉ giúp họ sống thoi thóp, chứ chưa thể nói là bình thường, nên họ chưa phát huy được những ân sủng kỳ diệu của Thần Khí trong chính con người mình. Nếu biết thở hít nhiều Thần Khí, nghĩa là để cho Thánh Thần hướng dẫn đời sống (x. Gl 5,22-25), h sẽ biết sử dụng 7 ơn Thánh Thần như khôn ngoan, minh mẫn, lo liệu, sức mạnh, hiểu biết, đạo đức và kính sợ Thiên Chúa trong cuộc sống cũng như những ơn làm phép lạ, nói tiên tri, chữa bệnh, trừ tà, phục vụ, thông thạo khoa học và ngôn ngữ… để phục vụ cộng đồng và làm chứng cho Chúa Giêsu trong việc loan báo Tin Mừng.

Chúng ta đều hiểu mình là con người yếu đuối, tội lỗi, luôn bị những tham vọng và dục vọng chi phối trong đời sống trần gian, dòng máu siêu nhiên luôn đen bẩn là lẽ tự nhiên của kiếp người. Chính nhờ Thần Khí và chỉ nhờ Thần Khí của Chúa Giêsu, dòng máu đen bẩn ấy mới đỏ tươi lại, đem sức sống kỳ diệu của Thiên Chúa đến cho cá nhân ta cũng như cho từng tế bào của Nhiệm Thể. Vì thế, Đức Giêsu muốn ban Thánh Thần để Ngài ở với chúng ta luôn mãi và dạy dỗ chúng ta mọi điều (x. Ga 14,26; 16,7.13-14). Chúng ta rất cần tập thở Thần Khí như các tông đồ xưa để trở thành Tin Mừng sống động của Chúa Giêsu cho muôn loài của thời đại hôm nay.

Người tín hữu Công giáo chúng ta đã chú ý rất nhiều đến trái tim với tình yêu và lòng bác ái, đến bí tích Thánh Thể với Mình và Máu Chúa Kitô. Nhiều tín hữu đã từng cảm thấy sốt sắng trong các việc đạo đức nhưng rồi dần dần cảm thấy suy nhược, nguội lạnh, mất hết sức sống và lòng hăng hái thuở ban đầu. Giáo Hội cứ cầu mong một mùa Hiện Xuống mới nhưng mãi mà chưa thấy đến. Tất cả vấn đề bắt nguồn từ đâu?

2.3. Đường hướng giải đáp cho các vấn đề

Chúng tôi cho rằng có nhiều nguyên nhân nhưng lý do quan trọng nhất vẫn là Thần Khí và vai trò của Chúa Thánh Thần trong đời sống hằng ngày của cá nhân cũng như tập thể. Chúng ta thấy người tín hữu chưa ý thức được tầm quan trọng của Thần Khí, chưa thở hít Thần Khí, chưa biết kết hợp với Chúa Thánh Thần để Ngài thánh hoá, dạy dỗ, biến đổi con người tội lỗi thành con người mới như Chúa Giêsu Phục Sinh.

Nhìn vào đời sống tự nhiên, chúng ta thấy ngay mối liên kết mật thiết giữa máu và khí: dòng máu của chúng ta là kết tinh từ đồ ăn, thức uống cùng với những chất dịch trong bộ phận tiêu hoá để đưa vào từng tế bào, từng hộ phận những chất cần thiết cho sự sống: từ chất đường glucid cho những bắp thịt vận động, chất béo lipid tạo nên năng lượng dự trữ, chất đạm protid giúp cho não hoạt động, đến các vitamin, muối khoáng… Nhưng dòng máu ấy sẽ không phát huy tác dụng chuyển lưu sự sống cho con người nếu không có khí. Nếu đối chiếu với đời sống thiêng liêng, chúng ta cũng sẽ thấy như vậy: dòng máu tinh tuyền của Chúa Giêsu chuyển thông cho chúng ta sức sống kỳ diệu của Thiên Chúa với những ân phúc như tình yêu, sự thật, hạnh phúc, niềm vui là những thứ rất cần cho cuộc sống trần thế của chúng ta, nhưng vì chúng ta chưa thở được Thần Khí của Chúa Giêsu nên chúng ta không phát huy được sự sống thần linh ấy trong cuộc đời của mình.

Hơn nữa, chúng ta loan báo Tin Mừng chưa hiệu quả vì chúng ta chỉ nói bằng hơi thở tự nhiên nên tiếng nói của ta chưa vang vọng trong lòng người, không tác động trên người khác, không kèm theo những dấu lạ để làm chứng cho Tin Mừng. Khi chúng ta thở được Thần Khí của Chúa, lời tự nhiên của chúng ta trở thành lời cứu độ của Chúa Giêsu, lời Tin Mừng kèm theo những quyền năng tác động trên vạn vật, chữa lành bệnh tật, xua trừ ma quỷ, thứ tha tội lỗi để biểu lộ ơn cứu độ toàn diện của Thiên Chúa. Lúc bấy giờ chúng ta mới thu phục được lòng người, mới mang lại những kết quả kỳ diệu trong việc loan báo Tin Mừng như các tông đồ trong ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống khi xưa.

3. Bài tập thở thường ngày

Hôm nay chúng ta được mời gọi kiểm tra lại hơi thở để xem mình đã thở đủ khí tự nhiên cho thân thể khoẻ mạnh, thông minh, đẹp đẽ và thở nhiều khí siêu nhiên cho tinh thần tràn đầy sự thật, toát ra vẻ đẹp kỳ diệu và tràn đầy sự sống phi thường của Chúa chưa?

3.1. Tập thở khí tự nhiên

Ta cũng nên nhớ rằng: khí cũng như nước đều đi từ nơi có áp suất cao đến nơi có áp suất thấp. Muốn đem khí vào phổi thì áp suất khí quyển phải lớn hơn áp suất phế nang và muốn đưa khí ra khỏi phổi thì phải có tình trạng ngược lại. Bình thường áp suất của không khí là cố định, muốn tạo ra sự thay đổi của áp suất phế nang khi hít vào hay thở ra, các cơ hô hấp như cơ hoành, cơ liên sườn, cơ lệch, cơ ức đòn chũm, cơ cánh mũi, cơ má, cơ lưỡi… phải co vào hay giãn ra, lồng ngực phải thu hẹp hay giãn nở. Do đó, mà có 2 loại thở: hít thở bình thường, thụ động, khi khí trời ùa vào phế nang cách tự nhiên, không cần sự cố gắng của người thở và cách hít thở nhân tạo khi người thở biết vận động các cơ và lồng ngực để làm tăng thể tích thông khí phế nang và như thế cũng là để tăng nồng độ oxy và carbonic trong máu. Nhiều cách thở đã được con người sáng tạo để đạt được kết quả này như thở theo phương pháp Hartha Yoga, Thiền Tông, Zen, Khí Công, Dưỡng Sinh…

Sau đây là vài cách thở thông dụng để làm tăng khí trong buồng phổi.

Cách 1: Thở 2 thì (thì I: hít vào – thì II: thở ra)

 Giãn lồng ngực theo chiều ngang:

– Hai bàn tay nắm lại.

– Vừa hít vào vừa giang hai tay ra hai bên hết cỡ để giãn ngực ra.

– Vừa thở ra vừa kéo hai tay về giữa để ép ngực lại.

Giãn theo chiều dọc:

+ Bước 1 chân phải lên trước, hít vào, hai tay giơ cao trên đầu, ngửa người ra phía sau.

+ Từ từ cúi người xuống thở ra, cho đến khi hai bàn tay chạm vào đầu gối. Chân  rút về ngang với chân kia.

+ Tiếp theo, bước chân trái lên hít vào, hai tay giơ cao trên đầu, ngửa người ra phía sau.

+ Từ từ cúi người xuống thở ra, cho đến khi hai bàn tay chạm vào đầu gối. Chân  rút về ngang với chân kia.

Những tư thế này tưởng đơn giản, nhưng chính nhờ thế mà làm tăng khối lượng khí trong lồng ngực, giúp chúng ta thở khoẻ hơn, giúp các huyệt đạo trước ngực được khai thông.

Cách 2: Thở 4 thì (thì I: hít  sâu vào nhưng không cần đến mức tối đa – thì II: giữ hơi trong vòng một vài giây thay vì thở ra ngay – thì III: thở ra thoải mái, tự nhiên không cần tới mức tối đa – thì IV: nghỉ thoải mái, thư giãn hoàn toàn). Bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng đã nói đến phương pháp thở 4 thì này trong cuốn sách Phương Pháp Dưỡng Sinh (x. NXB Văn hoá và Thông tin Cử Long, 1985, tr. 67 tt). Tuy nhiên chúng tôi muốn lưu ý là chúng ta không cần tập thở đến mức tối đa. Ta có thể tập từ từ và thời gian giữ hơi hay nghỉ có thể đếm thầm số giây 1-2-3-4, vài tuần sau có thể tăng lên 1-2-3-4-5-6. Chỉ cần gia tăng được lượng hơi hít vào là đủ.

3.2. Tập thở siêu nhiên

Cách đây gần 3000 năm, các triết gia vẫn quan niệm khí là cái gì vô hình, hết sức cao cả. Triết học Tây Phương nói đến cấu trúc tạo thành nên vũ trụ trong đó có khí. Triết học Đông Phương cũng quan niệm rằng khí là cái gì lạ lùng bao quanh trời đất này, con người nào thở được thần khí thì tinh thần mạnh mẽ, hào hùng vì thế người ta thường nói đến hào khí, dũng khí của các bậc thánh hiền, của chính nhân quân tử hay khí thiêng của non sông, đất nước. Thi sĩ Nguyễn Công Trứ đã nhắc đến khí siêu nhiên này: Khí hạo nhiên chí đại chí cương, so chính khí đã đầy trong trời đất.

Tiến sĩ Barbara Ann Brennan, chuyên về năng lượng nguyên tử, làm việc ở Trung tâm Goddard thuộc Cơ quan Hàng không Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) cũng tìm ra cách thở để làm tăng khí siêu nhiên trong con người và trình bày trong tác phẩm Hands of Light (Bàn tay Ánh sáng). Khi nghiên cứu năng lượng của con người, bà khám phá ra rằng khi con người hít thở được thần khí thì phát huy một năng lượng kỳ diệu và có thể tác động lên người khác. Mỗi người có 7 luân xa chính, khi chúng ta thở thần khí, những luân xa này sẽ chuyển động xoay vòng hút khí siêu nhiên ở ngoài đưa vào trong con người. L‎ý thuyết của bà được một số người thu nhận và tập luyện.

Chúng tôi không phải là nhà chuyên môn nên không dám lạm bàn hay giới thiệu một phương pháp thở nào. Chúng tôi chỉ gợi ý một cách thở đơn giản đã từng tập luyện để giúp các bạn quan tâm tăng cường nội lực của mình bằng cách thở thần khí sau đây. Chúng ta có thể dành mỗi ngày chừng 5, 10 phút tập thở thần khí khi ngồi ở nơi làm việc hoặc nằm thư giãn trên giường trước khi ngủ trưa hay ngủ tối. Ta hít vào từ từ bằng mũi. Đang khi hít vào bằng mũi: thể xác ta hít dưỡng khí vào, tinh thần ta hít thần khí vào. Ta hãy tưởng tượng một luồng khí mãnh liệt của Chúa đi vào trong con người của mình, đi từ đỉnh đầu, chạy dọc theo xương sống và lan toả khắp người. Đó là thần khí Đức Kitô ban cho chúng ta, thần khí của tình yêu, sức mạnh, bình an, ân sủng. Đưa  thần khí ấy vào người là ta được tràn đầy, niềm vui, bình an, ân sủng. Luân xa của chúng ta lúc đó giống như các bông hoa nở ra đón nhận tất cả những điều kỳ diệu ấy. Chúng ta có thể nói với Chúa Giêsu: “Lạy Chúa Giêsu, xin ban Thần Khí của Chúa cho con

Rồi khi thở ra từ từ bằng miệng: thể xác ta thở thán khí, tinh thần đẩy tà khí, uế khí ra ngoài. Đó là những khí dơ của tinh thần: buồn phiền, chán nản, giận hờn, thất vọng, ghen tương, sợ hãi…và  tất cả những gì tiêu cực trong con người ta. Vừa thở ra ta vừa nói với Chúa Giêsu: “Lạy Chúa, xin xua đuổi tà khí ra khỏi người con”. Mỗi lần thở như thế là ta cũng thanh tẩy tinh thần mình để bỏ đi những gì xấu xa trong lòng ta. Khi thở như vậy, dù chỉ vài phút, chúng ta theo dõi được luồng khí thở ổn định, tự nhiên cảm thấy nhẹ nhàng, thanh thoát, quên hết mệt nhọc và sảng khoái trong người.

Lời kết

Sau khi khám phá ra tầm quan trọng của khí thở tự nhiên cũng như siêu nhiên trong đời sống, chúng ta mới hiểu được vai trò vô cùng cần thiết của Chúa Thánh Thần trong đời sống hằng ngày của ta. Xin Chúa Giêsu ban cho chúng ta luôn biết thở thật nhiều Thần Khí của Người để chúng ta sống xứng đáng là con cái thảo hiếu của Cha Trên Trời và phát huy được sự sống kỳ diệu của Người như chứng nhân của Tin Mừng trong thời đại ngày nay.