Chúa Nhật VII PS – Lễ Thăng Thiên – 2013: Lên trời và Nước Trời
Trời là một thực tế ta có thể cảm nghiệm trong đời sống và cũng là một thực tại mà người tín hữu có nhiệm vụ phải xây dựng trong đời mình, mà ta vẫn gọi là Nước Trời.
Lên trời và Nước Trời
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn – HKK
Lời mở
Hôm nay Giáo Hội mừng lễ Chúa Giêsu lên trời. Đối với nhiều người tín hữu Công giáo cũng như ngoài tín hữu thì trời là một khoảng không gian kỳ diệu nào đó ở trên đầu mình giống như các môn đệ dõi mắt nhìn theo hình bóng Đức Giêsu xa đi (x. Cv 1,10). Thật ra, trời là một thực tế ta có thể cảm nghiệm trong đời sống và cũng là một thực tại mà người tín hữu có nhiệm vụ phải xây dựng trong đời mình, mà ta vẫn gọi là Nước Trời.
Vì thế, nhân dịp này chúng ta cùng tìm hiểu lên trời là gì và xây dựng Nước Trời ra sao.
1. Lên trời là gì?
Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo, từ số 659-666 dạy ta rằng: “Trời là một tình trạng chứ không phải là nơi chốn hay khoảng không gian. Đó là tình trạng của con người được kết hợp trọn vẹn với Thiên Chúa là nguồn sự sống vĩnh cửu, hạnh phúc vô biên, nguồn chân thiện mỹ, vinh quang tuyệt đối”.
Vì thế, việc Đức Giêsu lên trời có nghĩa là Người trở về với Cha của mình, mang theo nhân tính mà Người đón nhận khi Ngôi Lời Thiên Chúa trở thành người, và đưa nhân tính ấy kết hợp trọn vẹn với Thiên Chúa.
Còn ông bà, cha mẹ, bạn hữu chúng ta, sau khi chết, được kết hợp trọn vẹn với Thiên Chúa thì họ đã bước vào tình trạng lên trời với Chúa Giêsu. Họ được chia sẻ và thông hiệp vào sự sống vĩnh hằng, nguồn chân thiện mỹ vô tận, hạnh phúc vô biên của Thiên Chúa. Đó là hạnh phúc của các thánh nhân ở trên trời. Nói “trên” là chúng ta muốn nói đến giá trị cao cả của trời, chứ không có ý phân biệt nơi chốn thấp cao vì Thiên Chúa ở khắp mọi nơi nên tình trạng lên trời cũng thể hiện ở mọi nơi và mọi thời cho con người cũng như cho các thiên thần và cho muôn loài.
Điều này cũng nhắc nhở chúng ta rằng: trong cương vị là Ngôi Lời Thiên Chúa không bị giới hạn bởi vật chất, không gian và thời gian, Chúa Giêsu luôn ở với Chúa Cha. Người không rời khỏi trời khi từ đó xuống với chúng ta. Người cũng chẳng rời xa chúng ta khi lại lên trời” (x. Augustinô, PVGK, Bài đọc 2, Lễ Chúa Thăng Thiên). Vì Người đã nói: “Không ai đã lên trời ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống” (Ga 3,13).
Xét về mặt thiên tính, Chúa Giêsu là Ngôi Lời luôn kết hợp với Chúa Cha vì Thiên Chúa ở khắp mọi nơi nên trời cũng bao trùm mọi nơi. Nhưng sau khi làm người, mang lấy thân xác vật chất, bị giới hạn trong không gian và thời gian, thì Đức Giêsu chỉ kết hợp với Thiên Chúa như một con người bình thường. Sau khi chết đi và sống lại, thân xác Người biến đổi, không còn bị giới hạn như trước, nên Người đã trở lại tình trạng kết hợp trọn vẹn với Chúa Cha. Người đã lên trời ngay sau khi sống lại.
Đó là việc lên trời vô hình của Đức Giêsu Phục Sinh. Vì thế, ba Phúc Âm Matthêu (x. Mt 28,16-20), Marcô (x. Mc 15,15-20) và Luca (x. Lc 24,46-53) đều diễn tả cuộc lên trời vô hình này xảy ra ngay sau khi Chúa Giêsu sống lại. Khi gặp bà Maria Magdala, Chúa Giêsu đã nói rõ ý ấy: “Thầy lên cùng Cha của Thầy cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy cũng là Thiên Chúa của anh em” (x. Ga 20,17).
Còn việc lên trời hữu hình đã xảy ra 40 ngày sau khi Chúa Giêsu sống lại như bài đọc I (x. Cv 1,1-11) diễn tả. Thân xác Người dần dần xa đi trước mắt các môn đệ. Sau khi lên trời, Chúa Giêsu không hiện ra với thân xác hữu hình nữa. Nhưng Người hiện diện cách vô hình “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).
Người muốn đưa các môn đệ vào không gian mầu nhiệm để họ kết hợp mật thiết hơn với Thiên Chúa, được thông hiệp sự sống kỳ diệu, nguồn chân thiện mỹ vô tận với Người. Người đã đưa họ lên trời vì Người là Đầu và các môn đệ là chi thể trong thân thể mầu nhiệm của Người. Như thế, chúng ta đã được lên trời với Chúa Giêsu. Thế nhưng, có lẽ chúng ta chưa cảm nghiệm được tình trạng lên trời vì chúng ta chưa kếp hợp mật thiết với Chúa Giêsu. Chúng ta còn bị giới hạn bởi những tham vọng và dục vọng thể xác vật chất, với không gian và thời gian. Vì thế, ta chưa cảm nghiệm trời đang ở giữa chúng ta và ở trong chúng ta.
Hơn nữa, Chúa Giêsu còn giao cho họ một nhiệm vụ quan trọng là xây dựng Nước Trời ngay trong lòng xã hội trần thế này để cho mọi người tin vào Đức Giêsu cũng được chia sẻ sự sống kỳ diệu, nguồn chân thiện mỹ vô tận và hạnh phúc vô biên của Thiên Chúa. Các môn đệ phải trở thành chứng nhân của Đức Giêsu Phục Sinh: “Chính anh em là những chứng nhân về những điều này” (Lc 24,48), nhờ sự kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu và những ân sủng lạ lùng của Chúa Thánh Thần, Đấng được Chúa Cha hứa ban cho họ. Vì thế, càng kết hợp với Chúa Giêsu, chúng ta càng cảm nghiệm được tình trạng thiên đàng (x. GLHTCG, số 1023-1029) và cũng là tình trạng Nước Trời (x. GLHTCG, số 1025).
2. Xây dựng Nước Trời
Tuy nhiên, chúng ta không phải chỉ cảm nghiệm tình trạng lên trời, mà còn phải xây dựng Nước Trời ngay trong cõi đời này.
Nước Trời là “Nước của sự thật và sự sống, của thánh thiện và ân sủng, của công lý, tình yêu và hoà bình”. Đây là những ân phúc mà người tín hữu chúng ta nhận được khi kết hợp với Thiên Chúa. Rồi khi đã nhận được ta lại chia sẻ cho người khác. Đó là hạnh phúc Nước Trời và cũng là nhiệm vụ phải xây dựng khi sống ở trần thế. Tuy nhiên, nhiều tín hữu nghĩ rằng chỉ sau khi chết ta mới cảm nhận được hạnh phúc thiên đàng của Nước Trời. Có lẽ chúng ta cần phải học lại kinh nghiệm của Thánh Phaolô được đưa lên tầng trời thứ 3 ngay khi còn sống ở trần thế (x. 2Cr12,2), kinh nghiệm của nhiều vị thánh và một số tín hữu khác cảm nghiệm được hạnh phúc thiên đàng ngay trong đời sống của mình.
Khi chúng ta không còn bị danh lợi vật chất và dục vọng chi phối, khi chúng ta vượt qua giới hạn của không gian và thời gian, chúng ta có thể cảm nghiệm được một thứ không gian mầu nhiệm của Thiên Chúa để rồi chúng ta có thể làm chứng về thiên đàng, về Nước Trời.
Báo chí trong nước kể cho chúng ta nghe rất nhiều chuyện về nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng. Bà đã khám phá ra hơn 10.000 ngôi mộ vô danh để giúp cho các người đã khuất tìm về được với người thân trong gia đình. Không phải chỉ có một mình bà Bích Hằng, Việt Nam chúng ta còn có rất nhiều những nhà ngoại cảm như thế. Các người này như muốn nói cho chúng ta cảm nghiệm của họ về một thứ không gian mầu nhiệm của Thiên Chúa ngay trong đời sống trần thế.
Tôi xin chia sẻ với anh chị em một kinh nghiệm tôi vừa mới trải qua ngay trước khi dâng thánh lễ này. Lúc 2 giờ chiều nay có 5 người phụ nữ tìm tôi. Tôi mời họ vào phòng làm việc. Hai cô thiếu nữ trong số họ nói với tôi những lời lạ lùng, tôi không nghe được gì vì không phải tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Hoa. Tôi đành cầu nguyện xin Chúa Thánh Thần tác động cho họ để họ nói với tôi bằng tiếng Việt. Rồi hai cô kể cho tôi câu chuyện đời họ. Họ là hai người bạn quốc tịch Mỹ, sống ở Hawaii. Một người 25 tuổi, người kia 29 tuổi. Cách đây 6 năm, họ rủ nhau sang Việt Nam, đến Vũng Tàu chơi. Tối đó họ đi ăn khuya, gặp 7 người đàn ông Việt Nam. Họ đã bị cướp bóc, hãm hiếp, làm nhục rồi bị giết và bị ném xuống biển ngày 29/4/2007. Xác họ bây giờ nằm ở một nơi và hai người này đã nhập vào hai cô thiếu nữ để báo cho tôi câu chuyện, xin tôi tìm xác họ trao lại cho người thân. Tôi hứa với hai cô sẽ thực hiện mong ước của họ. Tôi sẽ kiểm chứng việc này với những người có trách nhiệm. Xin anh chị em cũng cầu nguyện cho hai linh hồn này sớm được siêu thoát và về trời với Chúa Giêsu.
Tôi đã gặp nhiều trường hợp tương tự để chia sẻ với anh chị em về một không gian mầu nhiệm của Thiên Chúa. Khi chúng ta kết hợp với Chúa Giêsu, chúng ta sẽ cảm nghiệm được hạnh phúc, quyền năng, tình yêu vô tận của Người vừa để chia sẻ cho người sống, vừa để cứu giúp những người chết.
Bà Bích Hằng đã kể những kinh nghiệm của bà về cuộc tiếp xúc với những người ở bên kia thế giới. Nhiều người trong xã hội hôm nay dù chối bỏ sự hiện diện của Thiên Chúa, của thần linh, không còn tin vào đời sống mai sau, nhưng khi nghe về kinh nghiệm của bà, họ đã nhận ra có một đời sống sau cái chết, có một đời sống vĩnh hằng nên họ đã thay đổi để sống tốt đẹp hơn, bỏ đi những tham nhũng bất công, ăn chơi truỵ lạc… cho xứng với những người đã khuất. Họ bỏ tiền xây dựng các chùa chiền, làm những việc từ thiện. Bà Bích Hằng đã trở thành chứng nhân cho đời sống mai sau.
Người Công giáo chúng ta có tới 30.000 người sống đời tu trì với hơn 6 triệu tín hữu. Ai làm chứng về Nước Trời? Ai đã giúp cho người khác cảm nghiệm được Nước Trời không phải là một cái gì xa cách nhưng ở trong chính đời sống của mỗi người chúng ta hôm nay. Có phải người Công giáo chúng ta cứ mơ tưởng về một không gian nào đó sau khi chết, nên chúng ta đã quên việc xây dựng Nước Trời tại trần thế này?
Nước Trời là nước của sự thật và sự sống. Nếu ta không đưa được sự thật vào trong từng ý nghĩ, lời nói, tình cảm, hành động thì làm sao người khác cảm nghiệm được Đức Giêsu là sự thật? Nếu ta không tôn trọng sự sống, từ mầm sống nhỏ bé của bào thai cho đến sự sống của những người ta gặp hằng ngày để lo lắng, săn sóc cho nhau, nhất là cho những người nghèo khổ, tật bệnh, đói khát quanh ta, thì làm sao người ta có thể cảm nghiệm được sự sống vĩnh hằng mà chúng ta loan báo? Nếu chúng ta không giữ công bình, tôn trọng tình yêu, không tạo được hoà bình cho những người ở gần ta, ngay trong gia đình, trong các xí nghiệp, thì làm sao ta có thể xây dựng Nước Trời, làm chứng nhân cho Đức Giêsu Phục Sinh trong xã hội hôm nay?
Lời kết
Vì thế, Giáo Hội mời gọi chúng ta nhìn vào Đức Giêsu Phục Sinh đang ở giữa chúng ta để cảm nghiệm hạnh phúc Nước Trời và xây dựng nước đó cho tất cả mọi người.