Bài 16 và 17 – Lớp Kitô học trong Năm Đức Tin: Yêu sao cho đúng, cho tốt, cho đẹp?
Câu hỏi đặt ra cho người tín hữu chúng ta là “Yêu sao cho đúng, cho tốt, cho đẹp?”. Đây là dịp để chúng ta bàn luận và chia sẻ về bài học yêu thương. Từ đó ta mới thật sự cảm nhận được hạnh phúc và sự sống kỳ diệu trong tình yêu thay vì cảm thấy “yêu là khổ, là chết ở trong lòng một ít”.
Yêu sao cho đúng, cho tốt, cho đẹp?
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK
Lời mở
Chúa Nhật V Phục Sinh năm C vừa qua, chúng ta đã tìm hiểu về tình yêu cuồng dại và tình yêu phi thường khi bàn về “điều răn mới” của Chúa Giêsu. Đây là phần áp dụng cho bài học về tình yêu.
Câu hỏi đặt ra cho người tín hữu chúng ta hôm nay là “Yêu sao cho đúng, cho tốt, cho đẹp?”. Nhiều học viên trong lớp đã có kinh nghiệm về tình yêu nên đây là dịp để chúng ta bàn luận và chia sẻ về bài học yêu thương của mình và tìm cách giúp nhau để yêu cho đúng, cho tốt đẹp. Từ đó ta mới thật sự cảm nhận được hạnh phúc và sự sống kỳ diệu trong tình yêu thay vì cảm thấy “yêu là khổ, là chết ở trong lòng một ít”.
Vài gợi ý sau đây chỉ là những điểm hướng dẫn xin góp thêm vào cho cuộc bàn luận của các bạn.
“Muốn yêu đúng, yêu đẹp,
– Trước hết, ta phải giải nghĩa được tình yêu của mình.
– Sau đó ta nên hành động theo tiếng gọi chân thiện mỹ của tình yêu.
– Cảm nhận được hạnh phúc thật sự của tình yêu.
– Cuối cùng chúng ta hãy yêu trong tin tưởng và hy vọng”.
1. Làm sao giải nghĩa được tình yêu!
1.1. Định nghĩa tình yêu
Tình yêu là một từ khó định nghĩa, dù rằng nó luôn được nhắc đến trong đời sống hằng ngày. Trong 4 cuốn Từ điển Bách khoa Việt Nam không thấy có mục từ tình yêu. Quả thật, trong ý thức hệ duy vật và vô thần, tình yêu rất khó giải nghĩa hoặc chỉ có những định nghĩa phiến diện vì tình yêu không thuộc về vật chất. Có mổ trái tim hay bộ não để phân tích, các nhà khoa học cũng không thể nào tìm thấy vết tích của tình yêu. Vì thế, nhà thơ Xuân Diệu mới nhắc nhở chúng ta rằng:
“Làm sao giải nghĩa được tình yêu,
Có nghĩa gì đâu một buổi chiều,
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt
Bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu.”
Nhà thơ Công giáo Hàn Mặc Tử quả quyết rõ hơn rằng:
Ai hãy làm thinh, chớ nói nhiều
Để nghe dưới đáy nước hồ reo,
Để nghe tơ liễu run trong gió,
Và để nghe Trời giải nghĩa yêu!
Chỉ có Trời mới giải nghĩa được tình yêu vì tình yêu thật sự bắt nguồn từ chính Thiên Chúa.
Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học định nghĩa: tình yêu là một tình cảm nồng nhiệt, làm cho gắn bó mật thiết và có trách nhiệm với người, với vật mình yêu. Nghĩa thứ hai: tình yêu là tình cảm yêu đương nam nữ. Khi nói đến tình yêu người ta thường nghĩ ngay đến nghĩa thứ hai chứ không để ý đến nghĩa quan trọng thứ nhất, nghĩa này nhắc nhở chúng ta yêu thật sự là gì và phải có trách nhiệm với nhau. Nhiều bạn trẻ yêu mà chẳng có trách nhiệm gì, cứ quan hệ tình dục với nhau để rồi mang thai, phá thai và bỏ nhau.
1.2. Đừng lẫn lộn tình yêu với lòng thương hại
Có lẽ vì nghĩa thứ hai này mà nhiều người Công giáo sợ không dám nói đến tình yêu, nhất là đối với những ai “đi tu”, nên họ phải dùng từ “tình thương” thay thế. Thí dụ như trong cuốn Thư chung Hậu Đại hội Dân Chúa năm 2010, người ta dùng tựa đề “Cùng nhau bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống” (x. Hội đồng Giám mục Việt Nam, Thư Chung…, Trung tâm Mục vụ, 2011). Tuy nhiên, nếu những người đi tu đó không biết gì về tình yêu, không dám yêu một cách chân thành, mãnh liệt, quảng đại và bao la như Đức Giêsu thì họ chẳng cứu thoát được chính mình và càng không thể cứu độ được người khác! Nhiều người đi tu tự hào mình có tình thương hơn người, họ chứng minh bằng các việc từ thiện, bác ái xã hội, nhưng tận thâm tâm họ không yêu.
Tình thương khác với tình yêu. Tình thương, theo định nghĩa, là “có tình cảm gắn bó và thường tỏ ra quan tâm săn sóc cho người mình thương” như cha mẹ thương con cái; nhất là nó mang tính cách thương hại “vì cảm thấy đau đớn xót xa trong lòng trước một hoàn cảnh không may nào đó” (x. Viện Ngôn ngữ học, Từ điển Tiếng Việt, NXB Đà Nẵng, 2005).
Khi đồng hoá tình yêu với tình thương, người ta làm nghèo ý nghĩa của tình yêu. Nhiều người đã hiểu lầm “hình như mình yêu” và làm cho người khác hiểu lầm “mình có tình ý với người ta” khi có những hành động săn sóc, quan tâm đến người khác vì cùng một hành động săn sóc, giúp đỡ nhau, người ta có thể làm vì yêu mà cũng có thể vì thương. Trong đời sống gia đình, lấy nhau chỉ vì tình thương thôi thì rất nguy hiểm, vì sau đó có thể lại “yêu” người khác thì cuộc hôn nhân lúc đầu có nguy cơ tan vỡ, gây đau khổ lớn lao cho nhiều người. Có lẽ vì thế mà người ta thường ghép cả hai thành một từ “tình yêu thương” hay “lòng yêu thương” cho đỡ tốn công phân biệt.
Xét về khía cạnh thần học, nếu chỉ nói mình “thương Thiên Chúa” thì không biết Chúa có gặp cảnh ngộ không may nào không! Nhưng Chúa thật đáng thương vì Chúa yêu người mà người không đáp lại! Chúa thương chúng ta thì đúng vì chúng ta có những hoàn cảnh không may, nhưng chúng ta thương hại Chúa thì có lẽ chưa đúng lắm vì Chúa là Đấng hoàn hảo, giàu sang vô cùng, thánh thiện vô biên! Nhưng đây chỉ là phân tích ngôn ngữ thôi, chứ con người được quyền vừa yêu vừa thương Thiên Chúa.
1.3. Đi tìm lời định nghĩa đúng
Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã quan tâm rất nhiều đến tình yêu con người và giải nghĩa cho ta hiểu tình yêu đó bắt nguồn từ tình yêu Thiên Chúa nên cần phải yêu thế nào cho xứng với tình yêu này. Trong thông điệp đầu tiên của ngài công bố vào năm 2005 “Thiên Chúa là Tình yêu” (Deus est Caritas), ngài đã dành trọn phần thứ nhất (từ số 3 đến 15) trong hai phần, để giải thích cho chúng ta về tình yêu.
Tiếng La tinh có hai từ diễn tả tình yêu là amor (yêu theo nghĩa tự nhiên) và caritas (yêu theo nghĩa siêu nhiên, yêu rộng, bác ái,). Xét về nguồn gốc, tiếng Hy Lạp có ba từ diễn tả tình yêu: eros (tình ái), philia (tình bằng hữu) và agape (tình bác ái). Eros là tình yêu nhận về, là tình yêu nhắm vào những rung động thể xác, agape là tình yêu cho đi, hướng đến những hạnh phúc tinh thần. Nhiều khi chúng ta được giảng dạy chỉ nên có tình yêu vị tha, cho đi với những hạnh phúc tinh thần hơn là kiểu tình yêu chiếm hữu, nhận vào với những rung động thể xác.
Tuy nhiên, Đức Thánh Cha đã nhắc nhở chúng ta: con người là một thực tại duy nhất hướng đến nhiều lĩnh vực khác nhau, và tình yêu là hoạt động của con người cũng chỉ là một thực tại duy nhất với những chiều kích khác nhau. Vào những thời điểm khác nhau thì chiều kích này có thể xuất hiện rõ hơn chiều kích khác. Nếu tách rời những chiều kích tình yêu, chúng ta chỉ làm nghèo nàn nó (số 8) và nó cũng không còn là tình yêu của con người toàn diện.
Khi Thiên Chúa dựng nên con người giống hình ảnh mình, trao tình yêu cho con người là Ngài muốn cho con người thật sự yêu thương toàn diện và vô biên như Ngài. Con người được mời gọi mở ra cho những chiều kích mới mẻ của tình yêu mà Thánh Kinh đã diễn tả cho chúng ta (số 9-11), nhất là mời gọi chúng ta thể hiện tình yêu như Đức Kitô vì Đức Kitô là hiện thân của Thiên Chúa Tình yêu (số 12-15).
1.4. Nội dung của tình yêu
Chúng ta hiểu con người có 4 lĩnh vực để đưa tình yêu vào: đó là thể xác và tinh thần, nội tâm và ngoại giới, tự nhiên và siêu nhiên, cá nhân và tập thể và 4 mối tương quan để yêu thương: tình yêu đối với Thiên Chúa, với anh em, với vạn vật và với chính mình. Người Công giáo chúng ta được nghe nói nhiều về tình bác ái, nhưng nhiều khi chúng ta hô hào yêu thương như một khẩu hiệu hơn là tìm hiểu kỹ lưỡng về các lĩnh vực và tương quan để biết yêu thương cách cụ thể và hiệu quả.
Vì thế, không phải chúng ta áp dụng chung một khẩu hiệu yêu thương cho cả tỷ người Công giáo, mà cần phải nhìn vào con người cụ thể của mình. Con người này gồm nhiều yếu tố. Yếu tố thứ nhất là di sản văn hoá do ông bà tổ tiên để lại mà người Việt Nam chúng ta đang có. Người Việt Nam yêu khác người Anh, Pháp, Mỹ vì di sản của ông bà cha mẹ tổ tiên để lại cho chúng ta trong bốn ngàn năm qua khác với di sản của các dân tộc khác.
Sống trong 11 thế kỷ đô hộ của người Trung Hoa, chúng ta luôn thù ghét, đề phòng người khác, dù bề ngoài lúc nào cũng tươi cười. Điều này đã ăn sâu vào trong cấu trúc tâm lý văn hoá của người Việt Nam nên chúng ta khó yêu thương thật lòng. Sau đó, theo dòng lịch sử, từ năm 938-1975, rất nhiều cuộc chiến tranh chống ngoại xâm, nhiều cuộc nội chiến tương tàn giữa chúa Trịnh – chúa Nguyễn, giữa tư bản và cộng sản… khiến người Việt Nam chúng ta thường giữ lòng thù hận thay vì yêu thương. Đó là nói chung về người Việt Nam.
Đồng thời, mỗi người Việt Nam, trong từng hoàn cảnh khác nhau, được giáo dục khác nhau, nên cũng yêu thương khác nhau: người sinh ra trong một gia đình có cha mẹ đầy đủ sẽ yêu khác với người bị mất cha, mất mẹ hoặc cha mẹ ly dị… Có khi vì không được yêu thương hay bị phản bội nên họ luôn nghi ngờ tình yêu, luôn thù ghét người khác. Vì thế, họ rất cần ý thức về chính mình với những đặc điểm trong cá tính của mình để thực tập bài học yêu thương như Chúa Giêsu.
1.5. Con đường tình Giêsu
Vì thế, hôm nay, chúng ta được mời gọi để nhìn vào Đức Giêsu, tình yêu cụ thể của Thiên Chúa, và bước theo Người để biết yêu sao cho đúng, cho đẹp và hiệu quả vì Đức Giêsu là Ngôi lời Thiên Chúa làm người và cũng là sự thật, sự thiện, cái đẹp cụ thể của Thiên Chúa. Đi theo con đường sự thật và sự sống của Người, chắc chắn ta sẽ yêu đúng, yêu đẹp và tìm được hạnh phúc vĩnh hằng và sự sống vô biên cũng là những sự thiện tuyệt đối mà muôn loài mơ ước.
Con đường tình yêu này tuy đơn giản nhưng khi thực hiện lại tương đối khó khăn vì mỗi người chúng ta là một thực thể vô cùng phức tạp và nhiệm mầu. Tình yêu không phải một thứ tình cảm mông lung xa vời nào đó mà thể hiện thành những hành động của con người cụ thể với các hoàn cảnh và yếu tố khác nhau. Vì thế, để tránh ảo tưởng, sau khi công bố thông điệp đầu tiên, Đức GH. Bênêđictô XVI còn giải thích thêm để chúng ta biết yêu thương thế nào cho có hiệu quả, qua thông điệp thứ ba “Bác ái trong Chân lý” - Caritas in Veritate – đó là tình yêu phải dựa trên sự thật là chính Đức Giêsu và trên sự thật của mỗi người trong từng hoàn cảnh khác nhau của đời sống.
Muốn thể hiện tình yêu thật sự cho mình cũng như cho xã hội, chúng ta phải gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu để Người chuyển thông cho chúng ta tình yêu Thiên Chúa và để Thánh Thần Tình yêu biến đổi tình yêu tự nhiên của ta thành tình yêu tuyệt đối, vĩnh hằng, vô biên của Người. Yêu là sống, không yêu là chết vì Thiên Chúa hằng sống cũng là Thiên Chúa tình yêu. Muốn sống dồi dào, mãnh liệt, vĩnh hằng, ta phải yêu như Đức Giêsu vì Người đã yêu cho đến chết trên thập giá và thật sự đã sống lại để chứng tỏ những giá trị tình yêu của Người.
Hôm nay chúng ta cùng cầu xin Chúa Cha đổ tràn tình yêu vào lòng chúng ta nhờ Thánh Thần Ngài ban cho chúng ta, để chúng ta noi gương những bài học yêu thương của Chúa Giêsu, từ đó chúng ta mới có thể trở thành chứng nhân tình yêu cho dân tộc và nhân loại hôm nay.
2. Làm sao đặt tình yêu vào đúng chỗ?
Một số người cho rằng tình yêu có giá trị tuyệt đối, người tình là tất cả nên khi yêu họ sẵn sàng hy sinh tất cả cho người tình của mình và khi thất bại trong tình yêu, họ tưởng rằng mình mất tất cả đến nỗi không còn thiết sống hoặc tìm cách huỷ diệt người tình của mình. Vì thế, chúng ta cần nhìn vào trái tim là biểu tượng của tình yêu để đặt tình yêu vào đúng chỗ của nó.
2.1. Biểu tượng của tình yêu
Trong đời sống thực tế, nhiều người phân biệt tình yêu với các hoạt động khác như suy nghĩ, tưởng tượng, sáng tạo, lao động… Họ tách biệt trái tim ra khỏi cái đầu và tay chân của họ. Họ dành trái tim để yêu người tình, dành cái đầu để suy nghĩ tính toán, dành tay chân để làm việc mà không hiểu rằng yêu là một hành động của con người toàn diện. Từ đó, họ cũng tách biệt tình yêu ra khỏi nhiều lĩnh vực và mối tương quan: họ phân biệt tình yêu khác với lòng hiếu thảo, lòng ái quốc, tình bằng hữu, tình huynh đệ, lòng yêu nghề…
Thật ra, con người chỉ có một trái tim duy nhất để yêu thương đối với mọi người, mọi vật quanh mình. Chỉ một trái tim đó dùng để yêu thương người tình, cha mẹ, con cái, anh em, bạn bè, nghề nghiệp, đất nước, thiên nhiên…Chỉ có một con người duy nhất, cụ thể diễn tả muôn vàn hình thức tình yêu và những hình thức ấy giống như những tấm áo khác nhau mặc bên ngoài con người trong những hoàn cảnh và đối tượng khác nhau của cuộc sống.
Trái tim là biểu tượng tình yêu nhưng nhiều người yêu mà không bao giờ đo lường, kiểm nghiệm, rà soát xem trái tim mình to-bé, rộng-hẹp thế nào; nhịp đập mạnh-nhẹ, nhanh-chậm ra sao; khoẻ mạnh bình thường hay có bị bệnh tật gì không; nếu có thì cần phải chữa trị thế nào. Thật vậy, con người chúng ta lớn lên theo thời gian và chịu sự chi phối của hoàn cảnh môi trường cũng như những yếu tố di truyền nên trái tim hay tình yêu của chúng ta cũng không phải lúc nào cũng ổn định và khoẻ mạnh. Có những lúc chúng ta cảm nhận con tim mình đang bị một tật bệnh nào đó như “con tim mù loà” trong bài hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, hoặc con tim bất động, “chết ở trong lòng một ít” của thi sĩ Xuân Diệu.
Vì thế, ta cần biết rõ về trái tim của mình để có thể nhờ các nhà chuyên môn giống như bác sĩ tinh thần khám nghiệm thường xuyên và chữa trị khi cần. Mỗi lần tự kiểm, mỗi dịp “tĩnh tâm” cũng có thể coi như là những lần xét nghiệm con tim. Tầm soát và khám phá sớm tật bệnh của trái tim sẽ tránh cho ta những nguy hiểm và thiệt hại lớn lao.
2.2. Trái tim nằm ở đâu?
Nhiều bạn trẻ nói đùa rằng: “Vị trí quả tim con người nằm ở giữa nhưng hơi nghiêng về bên trái, nên từ bản chất tình yêu con người cũng dễ hướng về điều sai trái!”. Thật ra, trái tim của con người nằm ở trung tâm của cơ thể để dễ dàng bơm máu và những chất bổ dưỡng đi khắp châu thân đem sức sống cho con người. Tình yêu con người cũng ở vị trí trung tâm tương tự như thế vì tình yêu thực sự là động lực cho mọi hoạt động con người. Khi thật sự yêu thương, con người dồn tất cả sức lực và tâm trí vào đối tượng mình yêu và dám làm mọi sự cho người mình yêu dù phải hy sinh lớn lao, thậm chí vào sinh ra tử. Hơn nữa, khi con người hiểu được tình yêu Thiên Chúa là động lực cho mọi hoạt động của Thiên Chúa trong lịch sử con người và vũ trụ để đưa tình yêu ấy vào trong mọi hoạt động của mình, họ sẽ thấy tình yêu ấy biến đổi họ cách kỳ diệu phi thường. Nhiều nhà tư vấn tâm linh vẫn khuyên các tín hữu nên đưa tình yêu vào trong đời sống thường ngày với lời cầu nguyện tương tự như sau: “Lạy Chúa, con xin ăn bữa này, giặt chậu quần áo này, xem bộ phim giải trí này, làm công việc nhỏ mọn này vì yêu Chúa”.
Dù ở vị trí trung tâm, nhưng tình yêu không chiếm địa vị độc tôn vì không phải là tất cả con người. Trái tim luôn ở dưới cái đầu nên tình yêu rất cần những nhận thức, suy tư đúng đắn nhờ học hỏi, tìm hiểu những kinh nghiệm yêu thương của người khác để làm thành kinh nghiệm của riêng mình. Nhiều người khi yêu chỉ biết lắng nghe và hành động theo nhịp đập con tim mà không biết dùng những suy tư của lý trí nên đã không lường trước được những khó khăn và thử thách của tình yêu. Họ đã thất bại trong cuộc tình của mình. Trong đợt nghiên cứu vừa qua ở TP.HCM, các chuyên gia của Bộ Y tế cho ta thấy 44% thanh niên và vị thành niên ở Việt Nam chấp nhận quan hệ tình dục trước hôn nhân và 20% tổng số ca phá thai là ở tuổi vị thành niên (x. Tuổi Trẻ, ngày 27/3/2013) trong tổng số 2 triệu ca phá thai hằng năm ở Việt Nam.
Khi thất bại trong tình yêu, nhiều người lại càng không biết suy nghĩ, tìm hiểu để hành động đúng với giá trị con người và tuân thủ luật pháp của đất nước. Họ chiều theo những cảm xúc của con tim để buồn chán, tiếc nuối, xót xa, thất vọng. Họ không thèm ăn uống, làm việc đến độ sức khoẻ tinh thần cũng như thể xác bị kiệt quệ, rơi vào tình trạng trầm cảm, tâm thần hoang tưởng, phân liệt, muốn tự tử để thoát khổ mà không suy nghĩ để thấy rằng cái chết như thế chỉ là giải pháp trốn chạy tiêu cực làm hại chính mình và người thân. Họ thù hận và tìm cách trả thù kẻ bạc tình bằng những hành động xúc phạm nhân phẩm và sự sống người khác như đánh đập, đâm chém, giết hại, tung những hình ảnh, video clip “nóng” của họ và người tình lên mạng để làm mất danh dự, xé quần áo tình địch ngay giữa đám đông ban ngày để làm nhục người đó, thậm chí chế tạo cả bom nổ để cùng chết chung với kẻ bạc tình.
Tất cả những hành động thiếu suy nghĩ ấy chỉ là do họ làm theo con tim mà không hành động, suy tư bằng cái đầu của mình để khám phá ra nguyên tắc hành động của tình yêu.
3. Nguyên tắc hành động của tình yêu
Tình yêu là hành động trung tâm của con người nên cũng phải tuân theo nguyên tắc cơ bản của mọi hành động con người là chân-thiện-mỹ, nghĩa là phải yêu đúng, yêu tốt, yêu đẹp (x. CĐ.Vat.II, Hiến chế Gaudium et Spes, số 15,16,57).
3.1. Yêu đúng
Trái tim con người luôn khao khát sự thật và chỉ muốn yêu thật lòng chứ không thích sự giả dối. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh hiện nay, nhiều người che dấu bộ mặt thật của mình bằng những lớp áo hoá trang hay son phấn bên ngoài khiến họ tưởng lầm về nhau. Những cuộc tình qua internet với những hình chân dung được được sửa đổi khiến ai cũng có vẻ là những nghệ sĩ, siêu sao. Những lời nói trau chuốt, hoa mỹ trong những lá thư có sẵn chỉ việc nhấn nút sao chép vẫn lừa lọc rất nhiều người non dạ, yếu lòng. Những cuộc hôn nhân môi giới cho người nước ngoài với những lời hứa hẹn về một cuộc đổi đời, giàu sang giả dối vẫn làm cho cả chục ngàn cô gái VN rời nước ra đi hàng năm, để rồi khóc thầm mỗi ngày vì bị lừa gạt.
Không tin tưởng nhau nên người ta phải dùng những thiết bị nghe lén gắn vào trong điện thoại di động để theo dõi nhau, phải viết những bức thư ký tên giả để phơi bày những cái xấu của nhau. Họ không hiểu rằng những kiểu khám phá sự thật ấy chỉ là những hành động xúc phạm đến con người và huỷ hoại tình yêu. Rồi vì sợ những sự thật xấu xa đó bị phơi bày, nên nhiều người cắn răng chịu đựng những hành hạ bất công của người tình cuồng dại. Khi yêu cách điên cuồng như thế là người ta đã không nhận ra sự thật về chính mình và người khác, về giá trị cao cả của con người là hình ảnh của chính Thiên Chúa để tôn trọng tự do và độc lập của nhau thay vì bắt nhau làm nô lệ, làm đồ chơi tình dục hay phương tiện giải trí cho những căng thẳng của cuộc đời mình.
Tình yêu của người tín hữu chúng ta cần phải dựa trên sự thật: ta cần yêu đúng người, đúng chỗ, đúng thời. Thật sự để tìm ra đúng người mình yêu trong một thời điểm nào đó của đời mình chẳng phải dễ dàng, nhất là khi muốn tiến xa hơn đến cuộc hôn nhân để ăn đời ở kiếp với nhau. Nhiều người không biết chọn ai trong số những bạn bè hay người tình của mình vì con tim chọn yêu người này nhưng lý trí lại bảo nên lấy người khác vì lý luận của cái đầu không phải là lý lẽ của con tim! Tuy nhiên, đối với người tín hữu, vì Thiên Chúa là tình yêu cũng là nguồn sự khôn ngoan nên ngoài những cố gắng tìm hiểu bằng lý trí và lắng nghe tiếng lòng của mình, người tín hữu chúng ta cần cầu nguyện để xin Chúa soi sáng cho mình biết chọn lựa đúng trong tình yêu.
Còn muốn yêu đúng người, đúng chỗ, đúng thời, người tín hữu chúng ta chỉ cần nhìn vào trái tim bị lưỡi đòng đâm thâu luôn mở ra của Chúa Giêsu trên thập giá, và hiểu rằng trái tim mình cũng phải yêu thương cách chân thành và tích cực như thế đối với mọi người, mọi vật quanh mình, ở bất cứ nơi đâu và vào bất cứ thời điểm nào. Trái tim người tín hữu “phải rộng lớn để không sự vật nào thắng nổi, không bao giờ khép lại trước một kẻ vô ơn, không khi nào chán nản trước một người lãnh đạm” (x. Lời kinh của cha Gandmaison, SJ).
3.2. Yêu tốt
Trái tim con người luôn khát khao điều tốt cho mình cũng như cho người vì “nhân chi sơ, tính bản thiện”. Thiên Chúa Tạo Hoá tốt lành đã đặt điều đó trong bản tính con người khi dựng nên họ giống hình ảnh mình. Tuy nhiên, khi con người chiều theo sự cám dỗ của Satan, cắt đứt sự hiệp thông với Thiên Chúa là nguồn sống vĩnh hằng, nguồn chân thiện mỹ vô biên, thì con người không còn có thể sống mãi mãi và luôn đi tìm cái đúng, cái tốt, cái đẹp được nữa. Tình yêu con người vì thế cũng bị ảnh hưởng: gắn bó với Thiên Chúa họ tìm được chân thiện mỹ, rời xa Thiên Chúa họ đi tìm cái chết, cái sai, cái ác, cái xấu cho mình và cho người khác.
Vì thế, cái tốt là một trong những tiêu chuẩn để xác định tình yêu thật và đẹp của con người. Tất cả những gì mang lại điều tốt đẹp, thiện hảo đều bắt nguồn từ tình yêu chân thật và ngược lại tất cả những gì ác đức, xấu xa đều phát sinh từ tình yêu giả dối. Chúng ta có thể dùng tiêu chuẩn này để kiểm chứng tình yêu của mình và điều chỉnh những hành động sai trái của tình yêu. Thí dụ: một người bạn, người tình luôn rủ ta bỏ nhà đi chơi, bỏ cả học hành làm việc, tiêu xài hoang phí… không phải là người bạn tốt, người yêu tốt, và tình bằng hữu hay tình yêu của họ cũng chỉ giả dối bên ngoài.
Trong tình yêu, điều tốt được chia đều cho cả hai bên: người yêu và người được yêu và cả hai đều phải có gắng để đem lại điều tốt cho nhau thì mới giữ được tình yêu chân thật. Tuy nhiên, khi không thể mang lại điều tốt cho cả hai bên thì người chủ động yêu phải học bài học hy sinh của Chúa Giêsu để chịu thiệt thòi về phần mình và dành điều tốt cho người mình yêu. Bài học đó là: “Không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu của người hy sinh mạng sống vì bạn hữu” (Ga 15,13). Nếu người yêu không chịu hy sinh và chỉ muốn chọn điều tốt cho mình để bắt người được yêu phải chịu thiệt thòi thì đó là một tình yêu ích kỷ, không chân thật.
Tình yêu tuyệt vời là tình yêu mang lại cái tốt, có giá trị cao cả nhất cho cá nhân hay cộng đồng con người, cho thiên nhiên hay cả vũ trụ. Điều này ta thấy thể hiện nơi những con người có vẻ rất bình thường như người lính cứu hoả liều thân xông vào đám cháy để cứu người, như người bạn học liều mình cứu bạn sắp chết đuối trong dòng nước xoáy, như người lính rời gia đình ra chiến trận để bảo vệ tự do độc lập cho dân tộc, như nhà bác học bất chấp nguy hiểm lây bệnh nghiên cứu các chương trình sinh học để đem lại ích lợi cho cộng đồng nhân loại. Điều tốt càng cao cả, ích lợi cho nhiều người và hành động càng gian khổ khó khăn để đạt được điều tốt ấy thì tình yêu của người thực hiện càng lớn lao đối với tất cả những ai thụ hưởng.
Điều này gợi ý cho chúng ta điều tốt mà Đức Giêsu đạt được cho toàn thể nhân loại và vũ trụ khi Người chấp nhận cái chết nhục nhã trên thập giá để hoà giải muôn loài với Chúa Cha và nhờ đó tất cả trở thành con cái Thiên Chúa, được chia sẻ sự sống vĩnh hằng. Như thế, tình yêu của Chúa Giêsu đã vươn đến mọi người mọi vật để trở thành mẫu mực cho tình yêu con người. Điều tốt ấy làm cho tình yêu của Người mang nét đẹp tuyệt vời và hướng tình yêu chúng ta về cái đẹp cơ bản và nguyên thuỷ thay vì những vẻ đẹp nhất thời, chóng qua của hình thể bên ngoài.
3.3. Yêu đẹp
Nói đến cái đẹp trong tình yêu là người ta nghĩ ngay đến chuyện “đẹp đôi vừa lứa” của những đôi trai tài, gái sắc với những tiêu chuẩn mang nặng tính khoa trương bên ngoài như trai thì phải “đẹp trai, con nhà giàu, học giỏi”, gái thì phải là “hoa khôi, hoa hậu, xinh đẹp, có bằng bác sĩ, kỹ sư…”. Một ít người quan tâm hơn về mặt tinh thần thì đi tìm người có lý tưởng cao, tài năng lớn, nghĩa khí mạnh để “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” hoặc tìm người bạn biết mình, hiểu mình trọn vẹn để làm “tri kỷ, tri âm” như Bá Nha và Tử Kỳ hiểu được tiếng đàn của nhau.
Yêu đẹp không phải là tạo nên một chuyện tình đẹp với kết thúc có hậu như trong truyện cổ tích cho các cháu thiếu nhi: có một gia đình hạnh phúc, con cháu thành đạt, ông bà an hưởng tuổi già… Đó cũng là cơn “cám dỗ cuối cùng” của Chúa Giêsu trên thập giá mà Nikos Kazanzakis, nhà văn Hy Lạp đã diễn tả. Nhưng Đức Giêsu đã yêu rất đẹp vì Người chết rất trẻ, cô độc trên thập giá dù rằng Người đã cứu chữa hàng ngàn, hàng vạn người trong ba năm giảng dạy. Câu chuyện tình của Người chẳng có hậu theo tính toán của con người.
Yêu đẹp là yêu cái cốt lõi, cái tinh tuý của chân thiện mỹ trong mỗi con người mình yêu thương và gắn bó mãi mãi với những giá trị cao cả ấy dù người mình yêu có thay lòng đổi dạ, dù hoàn cảnh môi trường bên ngoài có biến chuyển theo năm tháng. Đó là tình yêu của Đức Giêsu: Người yêu mọi người, mọi vật “đến cùng” dù họ chỉ là những tội nhân xúc phạm đến Người, đóng đinh giết hại Người. Yêu đẹp như Người là “đón nhận tất cả, tha thứ tất cả, chịu đựng tất cả, hy vọng tất cả” vì tin tưởng rằng Thiên Chúa tình yêu nhìn thấu tim mình và sẽ đền bù cho mình gấp bội.
Có tin tưởng như thế thì những người tình, người vợ, người chồng bị phản bội mới có thể tha thứ và trung thành trong tình yêu. Từ đó ta mới hiểu rằng yêu đẹp là cần có “một tấm lòng đơn sơ, không chất chứa những ưu phiền, một tấm lòng hào hiệp biết hy sinh, dịu dàng để thông cảm, một tấm lòng trung thành và quảng đại để không quên một ơn, không ghi một oán, một tấm lòng hiền hậu và khiêm tốn để yêu mà không mong được yêu lại, biết vui vẻ quên mình để nhường chỗ cho Đức Giêsu trong một trái tim khác” (x. Lời kinh của cha Grandmaison SJ).
Yêu đẹp là biết mở lòng mình và lòng người hướng về những chân trời mới càng ngày càng cao hơn, rộng hơn, xa hơn thay vì muốn giữ riêng cho mình một con người hay chiếm hữu riêng cho mình một sự vật. Càng mở rộng tâm hồn ta càng đẹp và có thể gặp được những con người đẹp khác đồng chí hướng với mình để làm thành một chuyện tình đẹp. Ta chỉ gặp được những người đẹp thật sự khi ta biết yêu đẹp.
Tuy nhiên, ta cần nhớ rằng khi ta muốn chiếm hữu người mình yêu và ghen tức với những người khác là ta không còn yêu đẹp nữa và có nguy cơ đánh mất tình yêu. Nhiều người đã ngăn cấm người yêu hay chồng/vợ mình tiếp xúc với người khác rồi ghen bóng ghen gió nhưng hành động như thế là không còn yêu đẹp nữa.
Dù không người nào trên trần thế đáp lại tình yêu đẹp của ta thì chúng ta hãy luôn nhớ rằng Thiên Chúa là người tình tuyệt vời và muôn thuở vẫn luôn hiện diện bên ta để giúp tình yêu ta vươn cao lên tới Ngài và chia sẻ cho ta hạnh phúc vô tận của tình yêu.
4. Cảm nhận hạnh phúc thật sự của tình yêu
Chúa Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14,23). Chúa Giêsu muốn nói đến thứ hạnh phúc cao cả tuyệt vời dành cho những ai biết yêu thương: đó là sự hiện diện sống động của Thiên Chúa. Chúng ta sẽ tìm hiểu 4 thái độ của con người đối với hạnh phúc đến từ tình yêu.
4.1. Không có hạnh phúc vì tình là dây oan
Nhiều người hiện nay cho rằng mình không thể cảm nghiệm được hạnh phúc của yêu thương bởi vì tình chỉ là dây oan trái, không mang lại hạnh phúc. Những người này đã thất bại ê chề trong tình yêu, có thể do họ yêu chưa đúng, chưa tốt, chưa đẹp, nên đã tuyệt vọng không còn tin rằng tình yêu thật sự mang lại hạnh phúc cho con người.
Họ giống như con chim bị mũi tên bắn hụt, nên cứ nhìn thấy cành cong là hoảng sợ vì nhớ đến cánh cung nhắm vào mình. Con chim ấy cứ bay mãi bay mãi không tìm được chỗ đậu vì cành cây nào hầu như cũng cong cong. Họ không còn dám yêu nữa và cho rằng: “Tu là cội phúc, tình là dây oan” như thi sĩ Nguyễn Du viết trong truyện Kiều ở câu 2.658.
Tuy nhiên, người tín hữu Công giáo hiểu rằng ơn gọi đi tu hay ơn gọi sống đời gia đình, đều là những hồng ân của Chúa, đều được Chúa chúc phúc và thật sự mang lại hạnh phúc cho con người vì Thiên Chúa vừa là Đấng kêu gọi và cũng là nguồn tình yêu, nguồn hạnh phúc cho con người. Mỗi lần thất bại trong tình trường đều có giá trị tích cực vì đó cũng là một lần con người khám nghiệm lại trái tim của mình xem có ổn không cũng như thay đổi cách thức diễn tả tình yêu. Vì Thiên Chúa là tình yêu nên tình yêu chân thành không bao giờ là sợi dây oan nghiệt gây đau khổ cho con người.
4.2. Hạnh phúc nửa vời vì cuộc tình dang dở
Một số người lại cảm nhận một thứ hạnh phúc nửa vời trong những cuộc tình dang dở, không đi đến cùng mà cũng chẳng đi đến đâu! Họ giống như những con ong, con bướm bay từ hoa này đến hoa kia, hút nhuỵ ngọt ngào qua cái vòi nhỏ bé của mình và tự bằng lòng với những cuộc phiêu lưu tình ái. Nhà thơ Hồ Dzếnh trong bài thơ Ngập Ngừng (x. Tập thơ Quê Ngoại, 1943) đã diễn tả tạm trạng đó như sau:
Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé
Tôi sẽ trách – cố nhiên – nhưng rất nhẹ
Nếu trót đi em hãy gắng quay về.
Tình mất vui khi đã vẹn câu thề
Đời chỉ đẹp những khi còn dang dở.
Thư viết đừng xong, thuyền trôi chớ đỗ
Cho nghìn sau…lơ lửng…với nghìn xưa.
Tuy nhiên, bài thơ này đã được nhiều người đọc theo ý sau đây:
Tình chỉ đẹp những khi còn dang dở
Đời mất vui khi đã vẹn câu thề.
Thật ra con người với những giới hạn bởi thể xác vật chất, không gian và thời gian thường chỉ cảm nhận được một thứ hạnh phúc nửa vời ở trần thế này. Dù yêu nhau đến mấy thì tình bạn, tình yêu, tình vợ chồng, lòng ái quốc, lòng yêu nghề nghiệp, khoa học… vẫn có những thiếu sót, hiểu lầm, va chạm, thậm chí xung đột lẫn nhau trong mỗi con người cũng như trong cộng đồng xã hội dẫn đến đau khổ, bất an, bất hạnh.
Với đôi mắt trong sáng, tâm hồn hiền hậu và khiêm tốn, chúng ta hãy bình tĩnh nhìn rõ sự thật này của thân phận con người để đừng bao giờ ảo tưởng về cuộc tình của mình, thần thánh hoá tình yêu, phong người yêu làm thần tượng. Chúng ta phải đề phòng những khi thất bại trong tình yêu để giữ được tinh thần ổn định, không suy sụp, kiệt quệ, nhưng vẫn ăn uống điều độ, làm việc bình thường, suy nghĩ tích cực chờ cho cơn bão tố tình yêu qua đi.
4.3. Hạnh phúc bé nhỏ, nhất thời vì tình yêu vị kỷ, tính toán
Có một số người dù thất bại nhưng vẫn tiếp tục yêu, nhưng sau những lần quảng đại cho đi mà chỉ nhận được những vô ơn, bội nghĩa, họ bắt đầu nghi ngờ người yêu, không dám cho đi tất cả và đòi phải nhận lại được “một chút gì để nhớ, để thương”. Tình yêu của họ dần dần trở thành một cuộc trao đổi, bán buôn để luôn tìm cái lợi cho mình. Hạnh phúc của họ pha lẫn đau khổ và chết chóc như thi sĩ Xuân Diệu (1916-1985) tả cho chúng ta qua bài thơ Yêu của ông:
Yêu là chết ở trong lòng một ít
Vì mấy khi yêu mà đã được yêu
Cho rất nhiều nhưng nhận chẳng bao nhiêu
Người ta phụ, hoặc thờ ơ, chẳng biết.
Thật ra người Kitô hữu chúng ta, khi đã hiểu được Thiên Chúa là tình yêu và Đức Giêsu đòi hỏi ta phải yêu như Người thì không phải chỉ chết một ít mà là chết toàn thân vì “Ai muốn theo tôi phải từ bỏ chính mình” (x. Mt 16,24; Mc 8,34; Lc 9,23). Chính khi ta từ bỏ trọn vẹn con người mình như thế, ta mới dám yêu đến độ “cho đi mà không cần tính toán, dám chiến đấu mà không sợ thương tích, dám làm việc mà không tìm an nghỉ” (x. Lời kinh của cha Grandmaison, SJ), mới dám yêu mà chẳng cần ai nhớ, ai thương, ai đáp lại hay phụ bạc tình yêu của mình. Khi biết yêu đẹp như thế ta chỉ cần nhớ đến Người Tình Tuyệt Vời của mình là chính Thiên Chúa để vượt qua và vượt lên tất cả. Yêu như thế ta mới cảm nghiệm được hạnh phúc của ơn cứu độ mà Đức Giêsu đã mang lại cho muôn loài khi Người nói trên thập giá: “Thế là đã hoàn tất” (Ga 19,30).
4.4. Hạnh phúc tuyệt vời khi “yêu đến cùng như Đức Giêsu” (x. Ga 13,1)
Cuộc sống lại của Đức Giêsu Kitô đã cho người Kitô hữu chúng ta biết và cảm nhận rằng: tình yêu tuyệt vời chắc chắn mang lại hạnh phúc trọn vẹn và vĩnh hằng. Đức Giêsu Phục Sinh, hiện thân của tình yêu Thiên Chúa, đã vượt qua những giới hạn của thể xác vật chất, không gian và thời gian đã thổi thần khí tình yêu cho các môn đệ (x. Ga 20,19-22) để giúp họ yêu thương và cảm nhận được hạnh phúc tuyệt vời như lịch sử nhân loại đã chứng minh qua đời sống của các vị thánh nhân cũng như của nhiều tín hữu chúng ta hiện nay.
Hạnh phúc hoàn hảo, trọn vẹn không phải là tình trạng người biết yêu như Chúa Giêsu sẽ được Chúa ban mọi sự như lòng người vẫn ước mong: giàu có vô song, quyền uy vô hạn, vinh quang tuyệt đối… nhưng là việc họ được hoà nhập vào trong sự sống kỳ diệu, phi thường của Chúa Ba Ngôi: “Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy… Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần mà Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều…” (Ga 14,23.26).
Họ vẫn sống đơn giản bên ngoài giống như Đức Giêsu xuất hiện như 1 khách bộ hành bình thường trên đường đi Emmaus hay ở bờ biển Tibêrias, nhưng bản chất đời sống họ đã đổi mới. Họ cảm nghiệm được sự tự do hoàn toàn đối với vật chất, tiền của, không gian, thời gian. Họ cảm nhận được sự bình an tuyệt vời của Chúa Giêsu (x. Ga 14,27). Họ ở trong ánh sáng (x. Kh 21,23) là chính Thiên Chúa và nhìn rõ mọi vật quanh mình bởi vì: “Ai yêu thương anh em mình thì ở lại trong ánh sáng” (1Ga 2,10).
5. Yêu trong tin tưởng và hy vọng
Khi chúng ta nắm vững nguyên tắc chân thiện mỹ để yêu đúng, yêu tốt, yêu đẹp như Chúa Giêsu thì rất nhiều câu hỏi về tình yêu và được yêu sẽ được giải đáp, dù rằng mỗi người yêu có những điều kiện, hoàn cảnh khác biệt khác. Chúng ta tạm chia những câu hỏi và vấn đề tình yêu theo 4 loại người sau đây:
5.1. Những người không dám yêu
– Nhiều người sống trong ơn gọi tu trì chỉ biết “thương” mà không dám “yêu” vì họ đã được dạy bảo “tình yêu là trái táo cấm”, ăn vào sẽ mang lại oan trái, tội tình, huỷ diệt. Nhiều bài huấn đức của những bậc “tiền bối” đưa ra những thí dụ cụ thể về cuộc tình oan nghiệt khiến các người thụ huấn sợ không dám yêu. Họ được khuyến khích nên loại bỏ “tình yêu thấp hèn” trong con tim để đón nhận “tình thương đại đồng” theo kiểu “Hồn bướm mơ tiên” trong chuyện tình Lan và Điệp của nhà văn Khái Hưng. Tuy nhiên trái tim họ luôn khắc khoải vì muốn yêu mà không dám.
– Nhiều tín hữu giáo dân không dám yêu linh mục, tu sĩ mà họ thấy là những con người thông thái, đạo hạnh, cư xử tốt đẹp, dạy điều hay lẽ phải, giúp đỡ họ trong những lúc khó khăn, hy sinh cho người khác mà không đòi đáp trả. Họ thấy đúng là mẫu người lý tưởng để yêu nhưng lại không dám đến gần, khiến lòng họ bứt rứt căng thẳng: vì một đàng lý trí ngăn cản họ đừng yêu bởi những quy tắc của cộng đồng xã hội, đàng khác con tim họ lại thôi thúc yêu thương.
– Có những người đã lập gia đình, có con cái và vẫn yêu chồng thương vợ. Nhưng rồi tự nhiên thấy một người bạn cũ, một đồng nghiệp đối xử tốt với mình, hiểu mình còn hơn người trong gia đình, giúp đỡ mình cách vô vị lợi. Người đó rất muốn nhưng không dám yêu vì như vậy là phản bội với người phối ngẫu và lỗi nghĩa với Chúa. Nhưng thử hỏi Chúa có ngăn cấm tình yêu đó?
Câu trả lời cho những trường hợp trên là không ai ngăn cản được con tim đừng yêu, dù là Chúa, vì một khi đã ban cho con người tự do để yêu thương, Chúa không bao giờ ngăn cản con người hướng lòng về những gì gọi là chân thiện mỹ. Vậy chúng ta cứ mạnh dạn yêu thương theo sự thôi thúc của Thiên Chúa Tình Yêu và sự soi sáng hướng dẫn của Thánh Thần Tình Yêu, nhưng phải biết suy nghĩ bằng cái đầu để phân biệt những hành động nào được phép diễn tả tình yêu.
5.2. Những người yêu hết mình
– Một số bạn trẻ quan niệm rằng “yêu là cho đi tất cả, yêu là dâng hiến thân mình”. Như thế mới là yêu trọn vẹn. Rồi họ trao thân cho nhau, quan hệ tình dục một cách rất tự do ngoài hôn nhân, sống thử trước hôn nhân mà không lường trước những tai hại lớn lao cho đời sống cộng đồng cũng như cá nhân (phá thai, vô sinh, bỏ dở học hành…).
– Một số người tình chẳng giàu có gì nhưng cũng tỏ ra yêu hết mình bằng cách chiều người yêu mua nhà, mua xe cả tiền tỷ để minh chứng tình yêu chân thật (chứ không phải chân giả!) của mình, bất kể hoàn cảnh khó khăn hiện tại, giống như người không biết uống rượu, nhưng chứng tỏ ta đây yêu hết mình, nốc trọn chai rượu độ cao, để rồi vào bệnh viện cấp cứu.
– Có người lao động miệt mài trong lĩnh vực khoa học cũng muốn chứng tỏ tình yêu hết mình với khoa học, bằng cách làm việc miệt mài suốt mấy ngày đêm, không ăn, không ngủ: sau cùng kiệt quệ sức lực, chẳng làm việc được nữa.
– Có những người muốn chứng tỏ tình yêu hết mình đối với thể thao nên sau mỗi trận thắng của đội nhà đã phóng xe bạt mạng trên các đường phố, hú còi hay gây tiếng động inh ỏi không cho ai ngủ.
– Có những người muốn chứng tỏ tình yêu hết mình đối với dân tộc, tôn giáo nên đã sử dụng những phương tiện khủng bố phá hoại mỗi khi người khác có những hành động xúc phạm đến dân tộc, tôn giáo của mình. Họ lật đổ, đốt cháy xe cộ đậu ngoài đường phố, phá vỡ và cướp bóc cửa hàng, đánh bom sát hại thường dân.
Câu trả lời cho những trường hợp “yêu hết mình” này là chúng ta hãy khám nghiệm lại con tim của mình và hành động theo nguyên tắc chân thiện mỹ. Trái tìm tình yêu dù nằm ở vị trí trung tâm nhưng vẫn ở dưới cái đầu để biết suy nghĩ đúng đắn, khôn ngoan. Tình yêu không phải là tất cả, nhưng luôn nằm trong 4 mối tương quan: với Chúa, với tha nhân, với vạn vật và với chính mình để giữ được sự hài hoà cần thiết trong mọi lĩnh vực và trong mọi mối tương quan của tình yêu.
5.3. Những người không cần yêu
– Họ là những người cho rằng mình có thể sống không cần ai, tự cung cấp cho mình mọi thứ mà không cần yêu thương. Trái tim họ vẫn đập nhưng họ từ chối mọi thứ tình cảm thắm thiết và có trách nhiệm với bất cứ ai và bất cứ sự việc gì. Họ cho rằng chết là hết, chẳng có ai phán xét và thưởng phạt hành động của họ, chẳng có sự sống vĩnh hằng và hạnh phúc vô biên. Họ chỉ muốn thụ hưởng mọi thú vui ở trần thế theo khả năng của mình. Rất nhiều bạn trẻ và những người không tin tưởng vào Chúa Trời đang sống theo đường hướng “ hiện sinh vô thần” này.
Câu trả lời cho các bạn là con người tự do được Thiên Chúa Tạo Hoá dựng nên theo hình ảnh của Ngài và phải biết yêu những điều đúng, điều tốt, điều đẹp vì Thiên Chúa là tình yêu và cũng là nguồn chân thiện mỹ. Họ có tự do và có trách nhiệm về những hành động của mình. Nên khi họ từ chối tình yêu, không cần tình yêu của bất cứ ai hay bất cứ sự vật gì thì họ tự chuốc lấy bất an và bất hạnh, đóng kín với niềm vui và hạnh phúc. Dù họ không cần thì Thiên Chúa và muôn loài vẫn đang yêu họ. Chúa vẫn ban cho họ sự sống, cho họ biết suy nghĩ và yêu thương dù phân tích con người vật chất thì họ cũng chẳng có gì ngoài những nguyên tố như Carbon, Oxy, Hydro, Nitơ, Sắt, Đồng, Chì, Kẽm. Muôn loài vẫn yêu thương và hy sinh cho họ qua từng khối khí họ thở, từng con cá, cây rau trong bữa ăn từng ngày, từng cánh hoa vẫn khoe sắc, toả hương cho họ. Khi họ cảm nhận được tình yêu cụ thể đó, trái tim họ sẽ hoà nhập với muôn vật muôn loài để ca tụng Thiên Chúa Tình Yêu và sống có trách nhiệm với tất cả.
5.4. Những người bị loại trừ
Những người này không phải bị Thiên Chúa loại trừ vì Ngài là tình yêu và không bao giờ loại trừ ai, nhưng họ là những người bị cộng đồng xã hội hay con người lên án vì những quan niệm khắt khe về tình yêu.
– Một cô gái thuộc dân tộc Chăm trót yêu một chàng trai thuộc dân tộc đối nghịch có mối thù truyền kiếp với dòng họ mình nên bị cả cộng đồng coi là “con hủi”. Tình yêu của họ rất trong sáng nhưng cộng đồng hai bên lại không chấp nhận, họ trở thành kẻ mang hoạ cho dân tộc mình và bị loại trừ, kết án bởi những “già làng”.
– Một nữ tu sĩ Công giáo được một vị sư già Phật giáo chăm sóc sức khoẻ, châm cứu cho hết bệnh nên đã cảm kích, yêu thương người làm ơn cho mình, nữ tu này bỏ cộng đồng đến ở trong chùa của nhà sư nên bị cả cộng đồng kết án, loại trừ.
– Một linh mục dạy đạo cho một nữ giáo dân rồi hai người nảy sinh tình cảm và yêu thương nhau. Vị linh mục bỏ nhiệm sở, đến một nơi xa lạ để lập gia đình với người nữ ấy. Cả cộng đồng biết chuyện, lên án và loại trừ người linh mục này.
– Một phụ nữ có người chồng bê tha, rượu chè, cờ bạc, đánh đập vợ con nhiều lần đến nỗi công an phải can thiệp và đề nghị chị chọn giải pháp ly dị để bảo đảm mạng sống cho hai mẹ con nhưng chị không chịu vì luật hôn nhân Công giáo không cho phép. Nếu không chị sẽ bị cộng đồng Công giáo loại trừ, không còn được xưng tội, rước lễ và hiệp thông với Giáo Hội. Chị cứ phải chịu đựng người chồng trong nỗi đau cả thể xác lẫn tâm hồn.
Câu trả lời cho những trường hợp trên là chúng ta nên nhìn vào lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa và học lại bài học tình yêu của Đức Giêsu đối với người phụ nữ ngoại tình, Người nói: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi và từ nay đừng phạm tội nữa!” (x. Ga 8,2-11). Trong rất nhiều trường hợp của những người ly dị, bị cắt đứt mối hiệp thông với Giáo Hội, chúng tôi mong ước các linh mục tìm hiểu để nhận ra phần lỗi của người chồng/vợ của họ để giúp những người vô tội lãnh nhận các bí tích một cách bình thường. Nhiều gia đình bị bó buộc phải tìm đến biện pháp ly dị để bảo vệ quyền sống cho người thân vì nếu không thì người chồng/vợ cứ mãi đánh đập, mang tiền bạc để theo đuổi các trò đỏ đen, cá cược, cầm cố nhà cửa, đất đai để tặng cho người tình. Nhiều người vì tình yêu đối với Đức Giêsu Kitô và Hội Thánh vẫn trung thành với chồng/vợ của mình nhưng bất đắc dĩ phải chọn giải pháp ly dị, ly thân. Vì thế, họ không thể bị cộng đồng loại trừ như những người có tội bị kết án.
Lời kết
Đức Giêsu mời gọi chúng ta hãy lắng nghe lời của Người, hãy giữ lệnh truyền yêu thương của Người, hãy mở lòng ra để đón nhận Thần Khí Tình Yêu là Chúa Thánh Thần sẽ đến với chúng ta và đổ hồng ân của Ngài trên chúng ta (Ga 14,23-29). Dù có chịu những thử thách, đau khổ trong cuộc đời yêu thương của mình, ta vẫn cảm nghiệm được hạnh phúc tuyệt vời của Thiên Chúa ngay trong cuộc sống trần thế này vì “ai yêu thương thì người ấy ở trong Thiên Chúa” là nguồn tình yêu.
Lời kinh Tình yêu
Ôi Maria Mẹ Thiên Chúa,
Xin giữ lòng con ngây thơ, trong sạch và tinh khiết như nước trên suối nguồn.
Xin ban cho con một tấm lòng đơn sơ, không chất chứa những ưu phiền, một tấm lòng hào hiệp biết hy sinh, dịu dàng để thông cảm, một tấm lòng trung thành và quảng đại, không quên một ơn, không ghi một oán.
Xin Mẹ làm cho lòng con hiền hậu và khiêm tốn, yêu mà không mong được yêu lại, biết vui vẻ quên mình để nhường chỗ cho Con Mẹ trong một trái tim khác.
Xin ban cho con một tấm lòng rộng lớn để không sự vật nào thắng nỗi, không khép lại trước một kẻ vô ơn, không chán nản trước một người lãnh đạm, một tấm lòng khắc khoải đi tìm vinh danh Chúa Kitô, mang thương tích vì tình yêu Chúa và vết thương chỉ được chữa lành trên trời. Amen.
(Cha Grandmaison SJ)