27/12/2024

Trợ giúp các bệnh nhân và gia đình họ chứ không rút các ống chuyền dưỡng khí và thực phẩm

Xin gửi tới quý vị và các bạn bài phỏng vấn bà Eugenia Roccella, Phó Thư ký của Hiệp hội Bảo vệ Quyền của các bệnh nhân sống đời thực vật. Trong đại hội, bà Roccella đã thuyết trình về đề tài làm thế nào để phục hồi quyền của các bệnh nhân thực vật và kích thích họ chứ không phải là giữ họ trong khu vực hồi sinh.

Trợ giúp các bệnh nhân và gia đình họ chứ không rút các ống chuyền dưỡng khí và thực phẩm
 
Phỏng vấn bà Eugenia Roccella


Ngày mồng 9-2-2013 là tưởng niệm 5 năm cô Eluana Englaro qua đời sau một tuần hấp hối vì bị bỏ đói và khát. Eluana sinh năm 1970 và sau một tai nạn xe hơi hồi tháng 1-1992, cô đã rơi vào tình trạng sống thực vật, được nuôi bằng cách truyền thực phẩm và nước uống bằng ống. Năm 1999, thân phụ của cô là ông Beppino Englaro yêu cầu được phép rút các ống truyền nước và thực phẩm để cho con gái chết, khỏi kéo dài cuộc sống tàn tật. Đơn xin của ông đã bị toà án Milano từ chối năm 1999 và toà phá án từ chối năm 2005.

Trường hợp của Eluana đã làm nảy sinh ra các cuộc thảo luận sôi nổi ngay trong Quốc hội, vì cho tới khi đó chưa có luật liên quan tới các trường hợp này. Năm 2007, lời xin của ông Beppino được toà phá án chấp thuận và ngày mồng 9-7-2008, Toà án Milano cho phép rút ống truyền nước và thực phẩm cho Eluana theo lời yêu cầu của cha cô. Tuy các nữ tu tại Lecco yêu cầu ông Beppino cứ để cho các chị tiếp tục săn sóc cho Eluana tại bệnh viện ở Lecco, nhưng ông quyết định chuyển con gái tới một nhà thương khác để có thể rút ống. Ngày mồng 2-2-2009, Eluana được đưa vào một nhà hưu dưỡng tư tỉnh Udine vùng Friuli, đông bắc Italia.

Ngày mồng 6-2, Thủ tướng Silvio Berluscono công bố sắc lệnh buộc phải tiếp tục cung cấp nước và thực phẩm cho Eluana, nhưng Tổng thống Giorgio Napolitano từ chối không ký, khiến cho Italia rơi vào cuộc khủng hoảng hiến pháp. Sau một tuần hấp hối vì bị bỏ đói và khát, Eluana Englaro đã qua đời chiều ngày mồng 9-2-2009. Cái chết của Eluana đã gây phẫn nộ trong dư luận đối với chính quyền Italia, vì thật là điều vô luân khi từ chối cung cấp nước và thực phẩm cho một bệnh nhân và để cho họ chết vì đói và khát. Quyền được cung cấp nước và thực phẩm là quyền sống căn bản của con người. Những người như thế tuy không còn khả năng đi đứng, nói năng và làm các việc khác, nhưng họ không ở trong tình trạng hôn mê, trái lại, hiểu biết, nghe, thấy và cảm nhận được hết mọi sự như mọi người. Vì thế, từ chối cung cấp nước uống và thực phẩm cho họ là phạm tội giết người.

Cái chết đau đớn của Eluana đã làm nảy sinh ra nhiều hiệp hội bênh vực quyền được nuôi dưỡng của các anh chị em sống trong tình trạng thực vật. Mục đích của họ là trợ giúp gia đình của các người tàn tật và họ yêu cầu chính quyền có các can thiệp đúng lúc và có các trợ giúp chuyên biệt hơn.

Ngày mồng 8-2-2013, tại Roma, các hiệp hội này đã tổ chức “Đại hội toàn quốc về các người sống trong tình trạng thực vật”. Các tham dự viên cho rằng chính quyền có thể làm nhiều hơn nữa để trợ giúp cho các bệnh nhân thuộc loại này và yểm trợ các thân nhân của họ.

Hiện nay, trong các nước Âu châu, có 100.000 người phải sống trong tình trạng thực vật, trong đó có 3.000 người Italia, và mỗi năm có thêm 500 trường hợp mới nữa. Chính quyền Italia hằng năm dành ra ngân khoản 240 triệu Euro cho các người tàn tật và bệnh nhân không tự túc được, trong đó có 20 triệu dành cho các người sống đời thực vật.

Ông Francesco Napolitano, Chủ tịch Hiệp hội “Tỉnh dậy” cho rằng những bệnh nhân cảm thấy khoẻ hơn phải được đưa vào trong các nhà riêng biệt, nơi họ có thể được phục hồi và tái hội nhập xã hội. Theo ông Paolo Maria Rossini, Giám đốc Bệnh viện Não bộ của Đại học Công giáo Roma, người phối hợp đại hội, cần phải trợ giúp gia đình các bệnh nhân một cách hữu hiệu hơn, chứ không được để họ cô đơn một mình xoay sở với muôn vàn khó khăn.

Sau đây, chúng tôi xin gửi tới quý vị và các bạn bài phỏng vấn bà Eugenia Roccella, Phó Thư ký của Hiệp hội Bảo vệ Quyền của các bệnh nhân sống đời thực vật. Trong đại hội, bà Roccella đã thuyết trình về đề tài làm thế nào để phục hồi quyền của các bệnh nhân thực vật và kích thích họ chứ không phải là giữ họ trong khu vực hồi sinh.

Hỏi: Thưa bà, việc tranh đấu cho quyền của các bệnh nhân sống đời thực vật đã tiến triển tới đâu rồi?

Đáp: Chúng tôi đang tìm xem có thể mở một cuộc thảo luận liên quan tới vấn đề này không, nhưng không cấp bách như trong trường hợp của cô Eluana Englaro. Mục đích là tìm đối thoại để phối hợp các trợ giúp săn sóc tốt đẹp hơn và yêu cầu tài trợ cho việc săn sóc các bệnh nhân thực vật. Chúng tôi bị tố cáo là dùng các đề tài luân lý như là một cái chùy để tranh đấu. Người ta nói rằng không thể làm luật theo đa số được. Tôi tự hỏi vậy nếu khi đa số thay đổi, thì tiêu chuẩn cũng phải thay đội hay sao? Nhưng đây là điều đã xảy ra tại tại Tây Ban Nha, Pháp và Anh quốc…

Hỏi: Như thế thì phải khởi đầu từ nền tảng nào để có thể đối thoại?

Đáp: Từ những gì xảy ra liên quan tới các luật lệ về các cách chữa trị tạm thời, tôi đã yêu cầu là tách rời chúng ta khỏi các luật lệ khác. Và các luật lệ này đã được thông qua vì chúng có sự đồng thuận nền tảng. Trong khi các luật lệ khác thì lại không được chấp nhận.

Nhưng mà thật sự thì luật “cuối đời” đã sa lầy. Nó đã rơi vào tình trạng này vì một sự thay đổi của đa số. Đàng khác, chúng tôi đã không muốn có luật “cuối đời”. Chúng tôi đã bị bó buộc phải tranh đấu một khoảng trống trong Quốc hội từ một phán quyết xâm lấn tới sát biến giới của sự trợ tử. Ý tưởng có thể tái tạo các ý chí của con người – mà không có sự đồng ý được thông báo – để cho người ấy chết, đã là và vẫn là một giải thích gượng ép về sự tự do chữa trị được Hiến pháp thừa nhận.

Hỏi: Thưa bà Roccella, đâu có thể lẫn lộn đề tài những người sống tình trạng thực vật với người bệnh “cuối đời được”: nó liên quan tới luân lý đạo đức và xã hội chứ. Đây là hai lĩnh vực đối nghịch nhau. Người sống đời thực vật là bệnh nhân chỉ không thể tự ăn uống được, còn các bệnh nhân cuối đời là những người chờ chết, mà y khoa không thể làm gì được nữa để cứu họ. Thế trường hợp cái chết của cô Eluana đã không giúp người ta phân biệt hai sự kiện này hay sao, thưa bà?

Đáp: Chẳng những không, mà báo chí còn quảng cáo khiến cho nhiều người chấp nhận tư tưởng những người sống đời thực vật là các ứng viên của việc trợ tử. Tôi đã đọc những điều khủng khiếp, cả trên các nhật báo lớn nữa. Thế rồi còn có một nguyệt san của phe tả định nghĩa các người sống đời thực vật là “các giẻ chùi đít”. Nghĩa là họ cho rằng cần phải giản lược các anh chị em xấu số này xuống hàng thấp hơn con người.

Hỏi: Không phải vô tình mà cũng có người đã cảnh cáo chống lại sự lệch lạc trợ tử vì các lý do tàn bạo là không thể chịu đựng được các chi phí của trợ cấp xã hội. Nghĩa là để cho các người này chết đi vì săn sóc họ tốn kém quá. Bà nghĩ sao?

Đáp: Đây là một hiểu lầm mà người ta cố ý để xảy ra như vậy. Và người ta giấu nó dưới lớp áo thương hại sự đau khổ của các anh chị em sống trong tình trạng thực vật này. Nhưng nếu người ta thừa nhận sự nhân bản, thì đâu có thể giết người anh em được?

Hỏi: Tổng kết của 3 năm đại hội toàn quốc tranh đấu cho quyền sống của các người ở trong tình trạng thực vật đã ra sao, thưa bà?

Đáp: Chúng tôi đã thực hiện được nhiều điều như: công việc của Uỷ ban các nhà chuyên môn cập nhật các tin tức khoa học, việc bảo trợ khoa nghiên cứu các lý do và việc lây bệnh, cũng như việc nhận diện các lộ trình thích hợp. Ngoài ra còn có sự tham dự của các hiệp hội trong việc soạn thảo cuốn sách về các thực hành tốt nhất. Các kinh nghiệm cụ thể của việc quản trị tốt. Một cuốn từ điển giúp giải thích việc dùng từ vựng đúng đắn tránh các lèo lái ý thức hệ. Sau cùng là việc tổ chức một lực lượng âu châu giúp tái định nghĩa các tình trang thực vật nhờ các dụng cụ nghiên cứu mới.

Hỏi: Ngoài ra cũng còn có việc đầu tư và cộng tác trên bình diện vùng miền nữa, có đúng thế không?

Đáp: Đúng thế. Chúng tôi đã vất vả soạn thảo ra các đường hướng chính cho các hiệp hội quy chiếu về các vùng. Hiện nay họ có một dụng cụ khổng lồ để học hỏi các tổng kết chi tiêu và thực hiện các lộ trình chữa trị như thế nào. Các đường hướng này đã được đại hội quốc gia và vùng miền thông qua vì thế chúng trở thành luật, không thể coi thường được.

Hỏi: Chính trị còn có thể làm gì cho các anh chị em sống tình trạng thực vật này?

Đáp: Hiện tại nhà nước đã cung cấp các dụng cụ. Trong các đường nét chính có việc phục hồi họ một cách thích hợp. Bởi vì rất tiếc vấn đề là ở nơi sự không thích hợp: họ cần được phục hồi mà người ta lại cứ giữ họ trong nơi hồi sinh một cách lâu dài và vô ích. Thật thế, họ có thể tiến triển, nếu được phục hồi và kích thích.

Hỏi: Còn đối với các gia đình thì sao, thưa bà?

Đáp: Trong các mục tiêu có việc tài trợ cho các người sống tình trạng thực vật các số tiền chính xác. Các vùng phải trả lời về việc này. Đây không phải là các ngân khoản chung chung như cho các người tàn tật hay các bệnh tật khác. Số tiền đã là 75 triệu nhưng bị rút xuống bây giờ chỉ còn có 20 triệu thôi. Thật là bị cắt chặt một cách quá đáng!

(Avvenire 2-2-2013)