27/12/2024

Bài 15 – Lớp Kitô học trong Năm Đức tin: Ơn gọi của người tín hữu

Nói đến ơn gọi hay ơn thiên triệu, nhiều người tín hữu chúng ta nghĩ ngay đến việc Chúa kêu gọi một số người dâng hiến đời mình cho Chúa. Nhưng thật ra ơn gọi liên quan đến tất cả mọi người sống trên trần thế.

 Ơn gọi của người tín hữu

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Nói đến ơn gọi hay ơn thiên triệu, nhiều người tín hữu chúng ta nghĩ ngay đến việc Chúa kêu gọi một số người dâng hiến đời mình cho Chúa để sống đời linh mục hay tu sĩ với 3 lời khấn: khó nghèo, vâng phục, khiết tịnh. Thật ra ơn gọi liên quan đến tất cả mọi người sống trên trần thế, chứ không riêng các tín hữu Công giáo hay một số người đặc biệt nào.

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Đức Giáo Hoàng Phaolô VI thiết lập Ngày Toàn thể Giáo hội Cầu nguyện cho Ơn gọi Linh mục và tu sĩ (1963), chúng ta được mời gọi để tìm hiểu ơn gọi là gì, ơn gọi bao gồm những yếu tố nào, ơn gọi được chia thành những loại nào và những thách đố về ơn gọi ở Việt Nam hiện nay.

1. Định nghĩa ơn gọi

Ơn gọi, theo nguyên ngữ: “vocatio” bắt nguồn từ động từ Latinh “vocare” có nghĩa là kêu gọi, từ đó phát xuất ra các từ khác ở tiếng Anh “vocation” hay tiếng Pháp “vocation”.

“Ơn gọi là ơn Chúa gọi con người tham dự vào chương trình cứu độ của Ngài.
Khái niệm ơn gọi có nguồn gốc từ Thánh Kinh. Khi Thiên Chúa gọi ai thì Ngài trao cho người ấy 1 sứ mệnh, như trường hợp của Abraham (x. GLHTCG, số 762), Moise, các tiên tri, thánh Giuse hay Đức Maria (x. GLHTCG, số 490)…. Do vậy, ơn gọi được khởi sự từ việc tuyển chọn của Thiên Chúa, và nhằm thực hiện ý định cứu độ của Ngài” (Hội đồng Giám mục Việt Nam, Từ điển Công giáo 500 mục từ, NXB Tôn Giáo, 2011). Một khi con người lắng nghe được tiếng Chúa và đáp lại lời Ngài, con người sẽ nhận được các ơn cần thiết để hoàn thành sứ mạng Chúa uỷ thác, nhận được ơn cứu độ và phần thưởng Chúa ban.

2. Nội dung ơn gọi

Xét theo nghĩa căn bản ơn gọi được hình thành từ 3 yếu tố:

Người gọi: là chính Thiên Chúa cất tiếng và gửi lời cho con người. Sáng kiến phát xuất từ Thiên Chúa do lòng yêu thương và sự quan phòng của Ngài để mang lại ơn cứu độ và hạnh phúc vĩnh hằng cho con người. Vì thế ơn gọi luôn là một hồng ân của Thiên Chúa.

Người được gọi: là con người nghe và đáp lại tiếng Chúa gọi. Tuy nhiên Chúa luôn tôn trọng tự do của con người. Chúa không bao giờ dùng phép lạ hay bạo lực để bắt ép con người phải vâng phục mình. Con người được mời gọi đáp lại bằng tất cả ý thức và tình yêu tự nguyện để hành động cho chương trình của Chúa, nhưng con người luôn có quyền đón nhận hay khước từ ơn gọi của Chúa bất cứ lúc nào.

Nội dung lời gọi: một lời yêu cầu hay một sứ mạng Chúa trao gửi. Khi con người chấp thuận lời yêu cầu hay đón nhận sứ mạng thì Chúa sẽ ban những ơn cần thiết để giúp họ hoàn thành. Yêu cầu có thể chỉ diễn ra trong một thời điểm và sứ mạng có thể kéo dài nhiều năm tháng hay trong suốt cuộc đời.

3. Phân loại ơn gọi

Có nhiều loại ơn gọi tuỳ theo 3 yếu tố trên đây:

– Chúa gọi chung tất cả mọi người hay chỉ riêng một số người.

– Con người đáp lại trong suốt đời mình hay chỉ trong một giai đoạn nào đó.

– Nội dung lời gọi thuộc về bản tính con người hay chỉ là sứ mạng riêng biệt cho một loại hoạt động nào đó.

Vì thế, chúng ta có thể phân chia ơn gọi thành 2 loại khác nhau: ơn gọi chung và ơn gọi riêng. Ơn gọi chung có đặc tính là lời gọi của Chúa gửi đến tất cả mọi người, thuộc về bản tính của con người nên có đặc tính là căn bản, phổ quát và kéo dài mãi mãi trong suốt đời sống của họ. Ơn gọi riêng là ơn gọi của Chúa dành đặc biệt cho 1 cá nhân hay cộng đồng nào đó, trao cho họ một sứ mạng đặc biệt và chỉ kéo dài trong một thời gian.

3.1. Ơn gọi chung của con người

Đó là ơn gọi làm người và làm con Thiên Chúa. Ơn gọi này là nền tảng cho tất cả các ơn gọi khác nên rất cao cả (x. MV 3), phổ quát, thánh thiện (x. Rm 1,7; 2Tm 1,9; Dt 3,1). và toàn diện (x. MV 4). Nếu không hoàn thành ơn gọi này thì tất cả các ơn gọi khác đều vô nghĩa. Thí dụ: một người, dù làm giáo hoàng hay giám mục, không sống đúng với ơn gọi làm người và làm con Thiên Chúa, thì cũng không xứng đáng trước mặt Chúa và đáng khinh trước mặt con người. Vì thế, chúng ta cần phải tìm hiểu kỹ lưỡng ơn gọi này. Ơn gọi này được Công đồng Vaticanô II trình bày rất nhiều trong các văn kiện của mình như sau:

+ Con người là thụ tạo duy nhất ở trần gian được Thiên Chúa dựng nên cho chính họ (x. MV 24) để có thể nhận biết và yêu thương đấng sáng tạo mình (x. MV 12). Là một thụ tạo có trí khôn và tự do (x. MV 17-21), con người được mời gọi tìm kiếm và ái mộ những gì là chân thiện mỹ (x. MV 15). Được tạo thành giống hình ảnh Thiên Chúa, con người đã nhận mệnh lệnh chinh phục trái đất bằng cách nhìn nhận Chúa là Đấng Tạo Thành mọi loài và quy hướng về Ngài chính bản thân mình cũng như muôn vật (x. MV 34).

+ Con người được dựng nên để đạt tới cứu cánh hạnh phúc vượt ra ngoài các giới hạn thời gian và được mời gọi đem toàn thân kết hợp với Thiên Chúa trong sự hiệp thông vĩnh viễn vào sự sống bất diệt của Ngài (x. MV 18). Vì thế, con người luôn cảm thấy mình có những khát vọng vô biên và cảm thấy được mời gọi tới một cuộc sống cao cả hơn (x. MV 10). Tuy sống trong lịch sử nhân loại, con người không bị thu hẹp trong nhãn giới trần gian nhưng vẫn mang một sứ mệnh trường cửu (x. MV 74). Tất cả đều được gọi lãnh nhận ơn gọi làm người và làm con Thiên Chúa (x. MV 92), tham dự vào sự sống và vinh quang của Ngài (x. MV 21, TG 2). Vì thế Thiên Chúa mời gọi con người phụng thờ Ngài trong tinh thần và chân lý (TD 11).

 + Ơn gọi căn bản này mang tính cách cộng đồng: vì Thiên Chúa dựng nên con người không phải để sống riêng rẽ nhưng để họ liên kết với nhau trong cộng đồng xã hội. Mọi người được mời gọi đến cùng một cứu cánh duy nhất là Thiên Chúa (x. MV 24), nên cũng được mời gọi để trở nên anh em với nhau (x.MV 92), sống tình huynh đệ đại đồng (x. MV 3,21,34). Sự đồng nhất về cùng đích này là nền tảng căn bản giữa con người với nhau (x. MV 29).

+ Trong Đức Giêsu Kitô, con người đã được Thiên Chúa tuyển chọn trước khi Ngài tạo dựng vũ trụ và được tiền định làm dưỡng tử (x. GH 3). Vì thế tất cả đều được mời gọi kết hợp với Đức Kitô (x. GH 3) để đến với Chúa Cha trong cùng một Thánh Thần duy nhất (x. GH 4). Thiên Chúa mời gọi chúng ta đến hưởng vinh quang bất diệt của Ngài (x. GH 41). Chúa Thánh Thần kêu gọi mọi người đến với Đức Kitô nhờ hạt giống lời Chúa và việc rao giảng Phúc Âm (x. TG 15).

Như thế, ơn gọi căn bản là lời kêu gọi con người tin vào Thiên Chúa và sự sống vĩnh cửu, mời gọi con người chấp nhận ơn lành cứu độ (x. Rm 11,29). Đó cũng là lời mời gọi đi theo Đức Kitô (x. Pl 3,14) nếu hiểu theo nghĩa Đức Kitô là con đường dẫn đến sự thật và sự sống và hiểu Tin Mừng là phương tiện đem lại ơn cứu độ (x. Mt 28,19-20).

3.2. Những ơn gọi riêng

Có nhiều loại ơn gọi riêng. Ơn gọi dành cho từng loại người theo chức vụ như: giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân. Ơn gọi dành cho từng sứ mạng riêng biệt như ơn gọi của các vợ chồng, cha mẹ, con cái trong gia đình. Ơn gọi dành cho từng loại nghề nghiệp trong xã hội như ơn gọi của các nhà giáo dục, văn nghệ sĩ, các nhà khoa học, chính trị, các nhà làm kinh tế.

Trong các ơn gọi riêng, chúng ta nên lưu ý đặc biệt đến ơn gọi của Kitô hữu được Công đồng Vaticanô II và sách GLHTCG khai triển đầy đủ.

+ Ơn gọi căn bản của Kitô hữu là ơn Thiên Chúa mời gọi mỗi Kitô hữu thi hành một sứ mạng riêng biệt nghĩa là làm tư tế, tiên tri và vương đế của Chúa Kitô trong hoàn cảnh sống của mình (x. GH 10-11,31-36; TG 15).

+Mỗi tín hữu được kêu gọi nên thánh theo nhiều hình thức khác nhau (x. GH 39-41), theo đường lối và phương tiện khác nhau (x. GH 42).

+Mỗi tín hữu được mời gọi tham gia hoạt động tông đồ (x. PV 9; GH 33; Dt 6; TD 2,16; GLHTCG 863) và truyền giáo (x. GH 17; TG 23,36).

+ Mỗi tín hữu được mời gọi kết hợp với Đức Kitô (x. GLHTCG 521-542), trong tình yêu (x. GLHTCGI 1604, 2331, 2392) của Chúa Thánh Thần (x. GLHTCG 1699). Ơn gọi của các Kitô hữu được hoàn thành trong Hội Thánh (x. GLHTCG 2030).

4. Làm sao để nghe được tiếng Chúa gọi và phân biệt với tiếng của con người?

4.1. Thiên Chúa luôn luôn nói với con người

Đối với mọi người, Chúa nói với họ qua thiên nhiên, vạn vật, trong những biến cố của đời sống hay qua tiếng lương tâm của con người luôn hướng về chân thiện mỹ. Còn đối với các tín hữu Kitô giáo, Ngài còn nói qua Thánh Kinh và Thánh Truyền, qua giáo huấn của Giáo Hội, nhất là qua chính Đức Kitô hiện thân trong cuộc sống mỗi người. Vì thế, nhờ lý trí và đức tin, mỗi người chúng ta có thể nghe được tiếng Chúa mời gọi.

4.2. Những điều kiện để nghe được tiếng Chúa

+ Con người cần phải tạo một bầu khí thinh lặng nội tâm để tiếng Chúa không bị trộn lẫn với những âm thanh của tham vọng, dục vọng, vật chất khiến họ không nghe rõ tiếng Ngài. Hình ảnh cậu bé Samuel (x. 1Sm 3,1-21) lắng nghe tiếng Chúa trong đêm tối gợi ý cho con người đi tìm sự thinh lặng trong tâm hồn cũng như trong môi trường sống.

Một tâm hồn đang sống trong ơn nghĩa Chúa sẽ nghe tiếng Chúa mời gọi cách nhẹ nhàng, cảm nghiệm được sự bình an và hy vọng. Nhưng một tâm hồn sống trong tội lỗi, tiếng Chúa luôn thôi thúc họ, nhiều khi mãnh liệt, để họ không thể sống trong sự bình an giả tạo, ở lỳ trong tội lỗi. Ta có thí dụ của tiếng Chúa kêu gọi Saolô, quật ngã ngài trên đường đi Damas (x. Cv 9,1-9).

Vì thế, muốn phân biệt đâu là tiếng Chúa gọi hay tiếng của con người hoặc tiếng của ma quỷ cám dỗ, ta cần phải tìm hiểu linh hồn mình đang sống trong tình trạng ân sủng hay mất ơn nghĩa với Chúa để tìm cách thanh tẩy tâm hồn.

+ Con người cần phân biệt tiếng gọi của Chúa bằng lý trí và đón nhận sứ mạng bằng đức tin và tình yêu.

Trước một yêu cầu nhất thời, thí dụ như giúp đỡ người nghèo khổ một số tiền, một vật dụng hoặc làm công tác này, công việc kia, ta không biết đó có phải là tiếng Chúa thôi thúc ta hay không. Trước một sứ mạng lâu dài, nhiều khi đòi hỏi hy sinh lớn lao, gặp những thử thách nặng nề, con người ngại ngùng đón nhận hay trước một sứ mạng có vẻ cao quý, mang lại lợi lộc, danh tiếng như làm giám mục, linh mục, tu sĩ, làm giám đốc công ty, làm tổng phụ trách một dòng tu… con người mơ ước có được. Chúng ta phải hết sức cẩn trọng để phân biệt đâu là tiếng Chúa gọi, đâu là sự thôi thúc của con người nên phải suy xét cẩn thận. Sứ mạng càng lớn, thời gian thi hành càng dài, ta càng cần phải cẩn trọng dành nhiều thời giờ để cầu nguyện, bàn hỏi với người có kinh nghiệm hay với vị hướng dẫn tâm linh. Có khi phải dành vài ngày tĩnh tâm trước khi nhận lãnh sứ mạng Chúa trao. Ta cần phải cầu xin Chúa Thánh Thần soi sáng, nâng đỡ để ta nghe được lời Chúa mời gọi và can đảm đáp lại tiếng Ngài bằng lòng tin và tình yêu.

+ Tiêu chuẩn để phân biệt tiếng Chúa gọi

Thiên Chúa có thể gọi con người trong tiếng sấm vang rền trên núi Sinai hay tiếng gió nhẹ hiu hiu nghĩa là trong bất cứ hoàn cảnh nào của cuộc sống. Tuy nhiên, tiếng gọi của Chúa không bao giờ là một lời tiêu cực, huỷ diệt con người, dẫn con người đi vào con đường sai trái, ác đức, xấu xa. Thí dụ: Thiên Chúa không bao giờ yêu cầu ta cướp của, giết người để cứu giúp người nghèo khó.

Lời gọi của Thiên Chúa luôn nâng con người lên cao, làm cho con người cảm nhận được niềm vui, bình an, hạnh phúc, hướng về chân thiện mỹ. Lời gọi của Thiên Chúa có thể thúc đẩy con người đón nhận một sứ mạng gặp nhiều khó khăn thử thách và cả nguy hiểm của cái chết như Chúa Cha đã kêu gọi Đức Giêsu trong sứ mạng cứu độ. Nhưng khi con người đón nhận sứ mạng này, họ sẽ luôn nhận được những ơn cần thiết để hoàn thành sứ mạng ấy.

Còn nếu con người từ chối sứ mạng Chúa trao, họ sẽ mất cơ hội lập công, hưởng ơn lành của Chúa cũng như tạo hạnh phúc cho con người. Hoặc nếu họ cố tình đón nhận một sứ mạng do con người kêu gọi mà không phải do Chúa, thí dụ: làm linh mục, tu sĩ do mua chuộc hay do tham vọng, tìm lợi lộc, họ sẽ không có ơn Chúa ban để hoàn thành sứ mạng của mình, họ sẽ cảm thấy ray rứt, bất an và có nguy cơ rơi vào thất bại hay tuyệt vọng.

5. Vài con số về ơn gọi

5.1. Ơn gọi trên thế giới

Theo thống kê của Giáo Hội (x. Catholic Almanac 2013, NXB Our Sunday Visitor, tr 335), hiện nay Giáo hội Công giáo có khoảng 1,3 triệu người sống theo ơn gọi linh mục và tu sĩ trong số 1 tỷ 200 triệu tín hữu (12 Thượng phụ, 207 hồng y, 1.039 tổng giám mục, 3.855 giám mục, 421.236 linh mục dòng-triều, 721.935 nữ tu sĩ và 54.655 nam tu sĩ, 118.990 chủng sinh). Như vậy tỉ lệ cứ khoảng 1.000 tín hữu thì có 1 người sống trong ơn gọi làm linh mục hay tu sĩ. Nếu nhìn lại 50 năm trước, tỉ lệ trên đã giảm đi một nửa: 50 năm trước có 440 ngàn linh mục, hơn 800 ngàn nữ tu sĩ, hơn 100.000 nam tu sĩ, gần 100 ngàn chủng sinh trong 679 triệu người Công giáo, tức là cứ 1.000 tín hữu thì có 2 người sống ơn gọi linh mục hay tu sĩ.

5.2. Ơn gọi ở Việt Nam

Nhìn vào Giáo hội Công giáo Việt Nam hiện nay, chúng ta đang có 6.456.947 tín hữu trên 90 triệu dân. Khoảng 32.000 người theo đuổi ơn gọi linh mục, tu sĩ (44 giám mục, 4.219 linh mục dòng (942) và triều (3.277), 18.997 tu sĩ nam nữ, 4.096 chủng sinh và dự tu, hơn 5.000 đệ tử các dòng). Nếu tính theo tỉ lệ, cứ 1.000 tín hữu Công giáo VN thì có 5 người theo đuổi ơn gọi, tức là gần gấp 5 tỉ lệ của thế giới (x. Thống kê từ Văn phòng Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam, tính đến ngày 31-12-2011).

6. Vài nhận định về ơn gọi ở Việt Nam

Chúng tôi xin đưa ra vài nhận định có thể làm buồn lòng một vài vị hữu trách, nhưng rất cần thiết, nếu chúng ta muốn đối mặt với những thách đố đang đặt ra cho Giáo Hội Việt Nam (GHVN).

6.1. Trước hết, ơn gọi ở VN vừa thừa lại vừa thiếu.

Thừa, vì VN hiện có 8 chủng viện. Có chủng viện sau khi đào tạo chủng sinh đã phải hạn chế việc phong chức linh mục vì giáo phận không có đủ xứ đạo cho linh mục hay xứ đạo quá ít tín hữu (dưới 500 người) không đủ khả năng và phương tiện nuôi sống linh mục, nhất là một số giáo phận miền Trung. Số các linh mục ở các giáo phận như Đà Nẵng, Quy Nhơn, Huế, Nha Trang, Hà Nội, Đà Lạt đang gấp đôi hoặc gấp ba so với số giáo xứ nên có tình trạng thiếu việc làm cho các linh mục.

Thiếu, vì Giáo hội Việt Nam có thể đang cần gấp đôi, gấp ba số linh mục và tu sĩ để loan báo Tin Mừng và tham gia vào mọi hoạt động trong cộng đồng xã hội. Hiện nay, số tín hữu Việt Nam mới chỉ chiếm 7% dân số cả nước và giữ nguyên trong nhiều chục năm qua, chứng tỏ công cuộc loan báo Tin Mừng chưa hiệu quả và đời sống của những linh mục, tu sĩ cũng như tín hữu Công giáo Việt Nam chưa thu hút người khác đến với Đức Kitô.

6.2. Ơn gọi Việt Nam trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm

Từ năm 1954 ở miền Bắc và 1975 ở miền Nam, lịch sử ơn gọi Việt Nam đã viết nên những trang hào hùng về các người con trung thành với lời Chúa kêu gọi dù bị cô lập, thiệt thòi, tù tội, bách hại. Nhiều linh mục, tu sĩ gặp thử thách nặng nề vì chủng viện, tu viện chẳng còn gì để nuôi sống sau những đợt tịch thu ruộng đất, nhà cửa, trường học, đổi tiền. Nhiều người thay vì về lập gia đình đã sẵn sàng sống đời nghèo khổ, chủng sinh sẵn sàng đi làm thuỷ lợi, lao động ở các nông trường, tu sĩ đi đan lá buông, sơn mành trúc, bán hàng rong ở bến xe và đã trở thành những linh mục, tu sĩ gương mẫu, biết dấn thân cho người nghèo khổ, bất hạnh.

Sau thời kỳ đất nước mở cửa năm 1986-1992, các chủng viện, tu viện bắt đầu được phép thu nhận chủng sinh, tu sinh với điều kiện phải được chính quyền chấp thuận, lý lịch cá nhân tốt đẹp, rõ ràng… Một số giáo phận miền Bắc do thiếu linh mục trầm trọng nên đã mở các chủng viện “chui”. Một số thanh niên được lựa chọn sơ sài, đào tạo vội vã ít môn thần học cơ bản, chưa được quan tâm nhiều đến đời sống đạo đức, nhân bản nhưng vẫn được phong chức linh mục. Vì thế không thiếu trường hợp linh mục sống buông thả, tìm lợi lộc vật chất và đi ngược với con đường của Đức Kitô.

Trong cuộc khủng hoảng ơn gọi của toàn thế giới, nhiều dòng tu nước ngoài đến Việt Nam tìm ơn gọi nơi các thanh thiếu niên để thế chỗ cho những người già yếu của họ ở châu Âu, châu Mỹ. Với những phương tiện dồi dào, các dòng này cung cấp cho sinh viên Việt Nam nơi ăn chốn ở trong các nhà ở thành phố, nhất là thành phố Hồ Chí Minh, cho học bổng để học ngoại ngữ hay học đại học, hứa hẹn cho ra học cao ở nước ngoài. Thế là “cơn sốt ơn gọi” bùng phát ở nhiều nơi và Việt Nam trở thành “thị trường ơn gọi”.

Nhiều thanh thiếu niên nam nữ trong các vùng nông thôn nghèo khổ, nhất là ở miền Trung và miền Bắc Việt Nam, đổ xô đi tu vì đó là con đường để thoát nghèo, được học hành, sống sung túc, đạt được địa vị danh giá cho mình và cho gia đình. Các dòng tu nước ngoài này vì đang thiếu nhân sự nên dễ dàng nhận vào các thanh thiếu niên mà hầu như không có sự phân định ơn gọi, thiếu việc linh hướng thường xuyên, thiếu việc đào tạo tu đức và nhân bản nên nhiều người trẻ Việt Nam, sau khi học thành tài ở đại học, đã bỏ dòng tu, hoặc vẫn ở lại tu nhưng thái độ sống lại đi ngược với lời khấn khó nghèo, vâng phục và khiết tịnh. Tuy số người này không nhiều nhưng những “con sâu vẫn làm rầu nồi canh”.

Hơn nữa, từ sau năm 1975 các chủng viện, tu viện đón nhận các thanh thiếu niên được đào tạo trong môi trường của ý thức hệ vô thần, duy vật, do thiếu các vị “linh hướng”, do sự trọng vọng của giáo dân đối với các người đi tu sẵn sàng cung cấp tiền bạc phương tiện, do thiếu chương trình đào tạo chính quy về triết học thần học, do thiếu thời gian sống thử luyện, nên chất lượng của các chủng sinh hay tu sĩ không còn cao như trước.

Tình trạng phân hoá và chia rẽ trong mỗi cộng đồng tu trì tuy diễn ra âm thầm nhưng lại có sức tàn phá mãnh liệt kể từ khi các chủng viện và dòng tu được phép tuyển người đi học ở nước ngoài. Vì số người được chọn ít nên có sự can thiệp từ các cấp lãnh đạo giáo phận. Người được chọn có thể là “con ông cháu cha”, không xứng đáng về tài đức so với những người khác nên xảy ra việc ganh tỵ, bất mãn, bất phục trong nội bộ cộng đồng. Rồi khi người đi du học về với bằng cấp đạt được, lại trở thành bề trên cai quản, thì đời sống cộng đồng càng bị phân hoá hơn nữa, nhiều người không còn niềm vui và sự hăng hái làm việc.

Chúng tôi rất ngại ngùng khi phải nói lên những thực tế đau lòng này, nhưng nếu cứ để yên trong lòng Giáo hội Việt Nam như một vết ung nhọt thì sợ rằng tình trạng bất động, thụ động, kém hiệu quả trong việc loan báo Tin Mừng cũng như thu hút người khác đến Đức Kitô sẽ vẫn tồn tại lâu dài như trong suốt mấy chục năm vừa qua.

7. Đường hướng đổi mới ơn gọi

7.1. Khi chúng ta nhận thức được rằng dù Giáo hội thánh thiện từ bản chất nhưng vẫn chỉ là cộng đồng gồm những con người yếu đuối tội lỗi, luôn được Chúa giữ gìn che chở, ta mới có thể sống trong niềm vui, hy vọng, bình an và quảng đại cống hiến cho Chúa vì chúng ta biết rằng Chúa biết rõ và thưởng phạt công mình từng hành động nhỏ bé của ta. Chúng ta tin tưởng rằng dù con người có gian ác, bất công đến mấy, có phạm tội nặng nề đến đâu, thì Chúa vẫn đủ quyền năng và tình thương để biến đổi họ thành những mục tử tốt lành theo lòng mong ước của Người.

7.2. Qua cuộc bầu chọn Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Giáo hội Công giáo đang mời gọi linh mục tu sĩ thay đổi để sống đơn thành, khiêm tốn theo tinh thần nghèo khó thay vì một đời sống xa hoa với những xe hơi, xe  máy đắt tiền, với những căn phòng tiện nghi cao cấp, hoặc xây cất nhà thờ thật lớn, tu viện thật sang. Nhìn vào Đấng Mục Tử tốt lành sống như người hành khất, rong ruổi từ làng này sang làng khác, ăn nhờ ở đậu nhờ lòng quý mến yêu thương của mọi người hoặc chết nhục nhã như một tội nhân trên Thập giá, các linh mục tu sĩ sẽ noi gương Đức Giáo hoàng Phanxicô sống tinh thần đơn sơ khó nghèo của Chúa.

7.3. Các linh mục, tu sĩ cũng như từng tín hữu giáo dân được mời gọi nhìn vào Đức Kitô Phục Sinh để nhận ra Người là vị Mục Tử nhân lành đến rao giảng Tin Mừng cứu độ cho đàn chiên và đàn chiên nghe được tiếng Người, theo Người trên con đường sự thật và sự sống. Sự thật về con người, về đất nước, về Giáo hội có phũ phàng, chua chát, làm buồn lòng ta thế nào đi nữa thì chúng ta vẫn sống trong hy vọng, bình an và tích cực hành động để biểu lộ sự thật giải thoát và sự sống kì diệu của Thiên Chúa trong đời sống mỗi người. Nhờ ơn lành và sức mạnh của Chúa Thánh Thần nâng đỡ, mỗi người chúng ta sẽ tích cực học hành, tu luyện và hoạt động trong mọi lĩnh vực của đời sống để biểu lộ cái đúng, cái tốt, cái đẹp cho mọi người vì Chúa là nguồn của chân thiện mỹ. Nhờ đó chúng ta lại trở thành lời mời gọi mọi người đến với Đức Kitô và với Thiên Chúa.

7.4. Khi chúng ta nhìn vào vị Mục Tử nhân lành rong ruổi trên khắp nẻo đường đời để dẫn tất cả chiên lạc về một đàn chiên duy nhất bằng nỗ lực rao giảng Tin Mừng, thứ tha tội lỗi, chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ, cho kẻ đói được no lòng, cho cả kẻ chết sống lại, thì chúng ta mới thấy ơn gọi của mình không còn kìm giữ ta quanh quẩn bên nhà thờ, nhà xứ, tu viện với những nghi lễ phụng tự dù trang nghiêm nhưng vẫn chỉ là một phần trong đời sống toàn diện, với những bài giáo lý khô khan, bài đàn bài hát Thánh ca tuy cần thiết nhưng vẫn chưa đáp ứng được những nhu cầu cao cả của con người, với những trò vui của một số hội đoàn Công giáo tiến hành lập đi lập lại khiến giới trẻ buồn chán.

Tâm hồn chúng ta sẽ mở rộng cho biết bao con người trong cộng đồng xã hội không cùng tôn giáo. Trí khôn ta sẽ vươn xa đến những chân trời mới của các khoa Thần học, Kinh Thánh và cả khoa học tự nhiên, xã hội nhân văn để thấy cái đúng, cái tốt, cái đẹp trong mọi sự. Bàn chân ta mới dám đặt lên những vùng đất xa lạ, cằn cỗi như Ngôi Lời đã bỏ trời xuống thế để chia sẻ cho mọi người ơn lành của Chúa Cha. Lúc ấy mỗi linh mục tu sĩ hay tín hữu giáo dân sẽ thật sự là những chứng nhân của Chúa Giêsu trong mọi lĩnh vực của đời sống để thu hút tất cả về cho Người. Lúc ấy chúng ta mới thấy ơn gọi và đời tu của mình đẹp đẽ và hào hùng vì chúng ta dám xả thân giúp đời, hành hiệp giang hồ, hàng ma phục linh như Đức Giêsu Phục Sinh. Lúc ấy ta mới thật sự trở thành “ánh sáng muôn dân để đem ơn cứu độ đến tận cùng cõi đất” (Cv 13,47).

Lời kết

Khi đó ta sẽ thấy mình tự hào đứng vào đoàn người thật đông đảo sau lưng Đấng Mục Tử nhân lành vì đã “trải qua cơn thử thách lớn lao, giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên” (Kh 7,9.14). Khi đó ta thật sự vui sướng vì ơn Chúa gọi ta và ta trở thành lời gọi cho mọi người.

 

 

Nguồn tra cứu

Xem  mục từ “Ơn gọi” trong:

– Hội đồng Giám mục Việt Nam, Từ điển Công giáo 500 mục từ, NXB Tôn Giáo, 2011.

– Olivier de La Brosse, AM. Henry, P. Rouillard, Từ điển Đức tin Công giáo.

– Giáo hoàng Học viện T. Piô X, Thánh Công đồng Chung Vaticanô II, Mục lục Phân tích chủ đề. Các văn kiện Công đồng trình bày rất cơ bản về ơn gọi nền tảng cũng như tất cả các ơn gọi riêng. Đặc biệt trong các hiến chế tín lý (TL) về Giáo Hội Lumen Gentium,  Hiến chế Mục vụ (MV) về Giáo Hội Gaudium et Spes, Hiến chế Phụng Vụ (PV) Sacrosanctum Concilium, Sắc lệnh về Chúc vụ và Đời sống Linh Mục (LM) Presbyterorum Ordinis, Tuyên ngôn về Tự do (TD) tôn giáo Dignitatis Humanae, Sắc lệnh về Hoạt động Truyền giáo (TG) của Giáo Hội Ad Gentes

– Hội đồng Giám mục Việt Nam, Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo (SGLHTCG), NXB Tôn Giáo, 2012. Có 80 số trình bày về nhiều khía cạnh của ơn gọi chung và ơn gọi riêng của người tín hữu.

– Hội đồng Giám mục Việt Nam, Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo (TLHTXHCG), NXB Tôn Giáo, 2007. Có 43 số bàn về ơn gọi căn bản và các ơn gọi riêng trong lĩnh vực xã hội.