27/12/2024

Nếu không có mục đích, cuộc đời con người thật vô nghĩa

Xin gửi tới quý vị và các bạn bài phỏng vấn Giáo sư Robert Spaemann về các mục đích của tư tưởng và hành động của con người.

 

Nếu không có mục đích, cuộc đời con người thật vô nghĩa
 
Phỏng vấn ông Robert Spaemann, triết gia người Đức


Nhật Bản là một trong các quốc gia văn minh và có cung cách tổ chức cuộc sống hữu hiệu nhất thế giới, nhưng cũng là quốc gia có số người tự tử cao nhất thế giới, khoảng 30.000 người mỗi năm.

Một trong các nơi nổi tiếng mà nhiều người Nhật chọn để chết là cánh rừng Aokigahara, mệnh danh là “cánh rừng chết” nằm dưới chân núi Phú Sĩ. Đây là cánh rừng rộng 3.500 mẫu tây, nơi hàng trăm người Nhật đã tìm đến để kết liễu cuộc đời mình, mà không muốn cho ai hay biết. Vì thế, rừng Aokigahara có nhiều tên gọi khác như “Rừng tự tử” hay “Rừng ma quỷ của Nhật Bản”. Từ năm 1950 tới nay đã có 500 vụ tự tử tại đây được xác nhận, và chỉ nội trong năm 2004, người ta đã tìm thấy 108 tử thi, thường chỉ còn là các bộ xương người, có khi còn dây thừng trên cổ. Xếp hạng như nơi có nhiều người tự tử cánh rừng chết Aokigahara chỉ đứng hàng thứ hai sau cầu “Golden Gate” tại San Francisco, Hoa Kỳ.

Một trong những lý do khiến cho nhiều người trên thế giới ngày nay tự tử đó là sự chán chường thất vọng: họ nhận thấy cuộc đời không còn có ý nghĩa gì nữa, và vì thế không đáng sống nữa. Do đó, họ quyết định tự tử và kết thúc cuộc sống vô nghĩa của mình. Trong nghĩa đó cái chết tự tử là hậu quả của chủ nghĩa hư vô: cuộc đời không có mục đích, thiếu câu trả lời cho “vấn nạn tại sao”. Con người bị lạc hướng trong môt thế giới, trong đó một vài giá trị truyền thống bị giảm thiểu. Chẳng hạn như trong lĩnh vực triết lý có sự sụp đổ của chủ thuyết mục đích hay thần học, như triết gia Christian Wolff đã nói cách đây 100 năm. Tư tưởng theo đó trong việc hiểu biết thế giới chúng ta không chỉ cần đến năng động nguyên do – hậu quả, mà cũng cần đến câu hỏi về mục đích mà một vật được làm ra hay được coi là tốt lành nữa. Vào thế kỷ XX, người ta đã cất bài ca táng xác thần học, với lời tiên đoán táo bạo rằng thời gian càng qua đi thì thần học lại càng chết.

Nhưng trong niên khoá 1976-1977, Giáo sư Robert Spaemann, triết gia Công giáo Đức, đã dạy một đề tài chứng minh cho thấy việc che mờ thần học đã xảy ra tại sao và như thế nào từ thời hậu Trung Cổ, và ngày nay có thể làm gì để phục hồi nó. Đề tài này đã được sinh viên Reinhard Loew ghi chép, rồi được sửa lại và trở thành cuốn sách xuất bản năm 1981 tựa đề “Câu hỏi tại sao”. Năm 2005 sách được giáo sư Spaemann tái bản với tựa đề “Các mục đích tự nhiên”. Ấn bản tiếng Ý được phát hành hồi tháng 1-2013.

Đây là một tác phẩm phân tích lịch sử triết học đồ sộ: từ Platon cho tới tri thức luận của khoa học hiện đại, và có giọng điệu tranh luận. Đây chắc chắn là tác phẩm lớn nhất của triết gia Spaemann, là triết gia Công giáo Đức nổi tiếng nhất hiện nay. Giáo sư Spaemann sinh năm 1927 là người cùng tuổi với Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, và thuộc một gia đình trở lại Công giáo. Thân phụ của ông goá vợ cũng đã đi tu và đươc thụ phong linh mục.

Giáo sư Spaemann đã dạy triết tại các đại học Stuttgart, Haidelberg, Munich, Salzburg và Lublin, và là tác giả của trên 20 cuốn sách cũng như hàng chục bài khảo luận về các vần đề luân lý sinh học, môi sinh và nhân quyền.

Sau đây, chúng tôi xin gửi tới quý vị và các bạn bài phỏng vấn Giáo sư Robert Spaemann về các mục đích của tư tưởng và hành động của con người.

Hỏi: Thưa giáo sư, xin giáo sư cho biết một cách ngắn gọn thần học là gì?

Đáp: Chúng ta hiểu thần học là việc giải thích các tiến trình từ quan điểm mục đích của chúng. Khi một người bước vào trong một quán ăn và tự hỏi tại sao, thì câu trả lời là để ăn cái gì đó. Dĩ nhiên là cũng có một giải thích trung gian thuộc loại vật chất, mà triết gia Socrate đã đề cập tới rồi. Khi người ta hỏi Socrate tại sao ông lại không vượt ngục, thì ông trả lời: vì đôi chân tôi không di chuyển xa hơn. Và câu trả lời cho câu hỏi tại sao đôi chân lại không muốn đi xa hơn là bởi vì tôi muốn ở lại đây. Trong trường hợp này giải thích khoa học, trái lại, sẽ miêu tả sự co cứng của các bắp thịt: nhưng mà như thế chỉ là giải thích một nửa thực tại mà thôi.

Hỏi: Nới rộng ý niệm lý trí một chút. Đây là một mời gọi mà Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã làm nhiều lần, trước hết là trong diễn văn tại Regensburg hồi năm 2006. Việc tái phục hồi thần học có là một con đường cho mục đích này hay không, thưa giáo sư?

Đáp: Tôi không nói rằng thần học là con đường và sự nới rộng của lý trí là mục đích. Đúng hơn là sự nới rộng này có hậu qủa là việc phục hồi suy tư thần học. Với câu hỏi tại sao ông vào quán ăn không chỉ có lý khi trả lời là bởi vì đôi chân của tôi đưa tôi tới đó, mà cũng có lý khi khẳng định rằng điều này xảy ra vì có một lý đo: đó là để ăn một cái gì đó. Có lý để ý thức nhận ra điều ấy và nhận ra sự kiện khi hạn chế vào nguyên do người ta không miêu tả thực tại một cách hoàn toàn.

Hỏi: Thưa giáo sư, ngày nay đâu là các chướng ngại đối với việc phục hồi ý nghĩa này của thần học?

Đáp: Đàng sau việc khước từ thần học đã có và vẫn còn có sự chú ý liên quan tới thiên nhiên. Suy tư thần học cho phép hiểu các hiện tượng; trái lại việc quan sát và nghiên cứu nguyên do của các hiện tượng cho con người quyền lèo lái chúng. Francis Bacon đã diễn tả điều này một cách hết sức hữu hiệu khi nói: “Việc quan sát các tiến trình tự nhiên dưới khía cạnh hướng đi của chúng tới một mục đích thì khô cằn, nó giống như một trinh nữ được dâng mình cho Thiên Chúa: cô ta không sinh ra cái gì cả”. Hay chúng ta hãy nghĩ tới Thomas Hobbes, theo ông hiểu biết một sự vật có nghĩa là “tưởng tượng ra chúng ta có thể làm gì với sự vật đó, một khi chúng ta chiếm hữu được nó”. Ngày nay, việc tái khám phá ra thần học đã bắt đầu rồi.

Các nhà sinh học đã tìm cách lãng quên thần học, nhưng đã không thành công. Và như thế họ đã đưa ra một ý niệm khác, đó là ý niệm “teleonomia”, mục đích được gài sẵn trong các cơ quan và trong cấu trúc của chúng, một cái được thêm vào thần học, qua đó người ta ám chỉ các tiến trình diễn tiến như thể là chúng có một mục đích, nhưng mà trong thực tế chúng chỉ tuân theo một nguyên do máy móc. Đối với nhà sinh học, như John B.S. Haldane đã viết, thần học “giống như một người yêu một cô gái, không thể sống mà không có nàng, nhưng lại không muốn bị công chúng trông thấy đi với nàng”.

Hỏi: Trên bình diện thần học trong các năm qua việc phê bình thuyết tiến hoá loại Darwin nhân danh “một kế hoạch thông minh” đã gây ồn ào. Giáo sư có cho rằng nó cũng là một đóng góp giúp phục hồi thần học hay không?

Đáp: Tôi nghĩ rằng thuyết “kế hoạch thông minh” đề cập đến một người đưa ra kế hoạch ở bên ngoài thế giới, nó đã đưa ra ánh sáng sự sợ hãi của cả những người thù nghịch với thần học: đó là sự sợ hãi Thiên Chúa. Niềm tin nơi Thiên Chúa không phải là một giả thiết của sự hiểu biết các tiến trình thần học, có thể xảy ra với các phương tiện tự nhiên của lý trí, nếu có thì đó là hậu qủa của nó. Khi người ta sợ hãi hậu quả ấy, nghĩa là khi người ta sợ hãi Thiên Chúa, thì người ta thường tìm trú ẩn trong các giải pháp tưởng tượng và vô lý. Dầu sao đi nữa thì đó cũng là một sự sợ hãi không có nền tảng. Đấng Tạo Hoá ở bên ngoài các tiến trình của sự tạo dựng. Nó giống như khi chúng ta phải phân tích một cuốn phim liên quan tới các vấn đề của nhân loại. Ở nguồn gốc cuốn phim chắc chắn là phải có một người hoạch định, nếu không có người ấy, thì cũng không có cuốn phim. Nhưng mà người hoạch định ấy không đi vào trong các cảnh khác nhau của cuốn phim. Ai coi cuốn phim có thể hiểu biết các lý do có giá trị giúp giả thiết rằng có một kế hoạch viên tạo ra chúng, sắp xếp chúng, nhưng không đụng mặt người ấy một cách trực tiếp. Cũng thế, nhà vật lý học không chạm mặt với Thiên Chúa. Chỉ khi nói về vụ nổ “Big Bang” khai nguyên vũ trụ, khoa học gia mới đứng trước một bức tường: nhưng mà bên kia bức tường ấy có cái gì thì ông ta không thể nói gì cả. Trái lại, một người tin thì có thể cống hiến một giải thích, điều này muốn nói rằng các tham vọng của lý trí được củng cố bởi mối dây liên kết với đức tin.

Hỏi: Tại sao ngôn ngữ lại là một thành luỹ của thần học như giáo sư khẳng định trong tác phẩm “Các mục đích tự nhiên”?

Đáp: Bởi vì ngôn ngữ là trung gian, trong đó xuất hiện trước tiên ý nghĩa và trong đó các sự kiện, một cách không thể giản lược được, không được trình bày một cách đơn thuần như chúng là, mà có một ý nghĩa nào đó, ám chỉ một cái gì đó. Chúng như là các biểu tượng cho một cái gì đó giả thiết một người nhận, một ai đó có thể hiểu chúng. Một nhà sinh học viết sách không thể giải thích việc viết sách trong kiểu nguyên do máy móc được. Có một lần khi thảo luận với một nhà sinh học tại Tuebingen, sau bài thuyết trình của ông tôi đã nói rằng chúng tôi không chú ý đến việc hiểu biết các tiến trình thần kinh não bộ nằm bên dưới bài thuyết trình của ông, nhưng muốn hiểu xem điều ông đã nói có đúng hay không. Ngôn ngữ không thể bị huỷ bỏ và đặc tính thần học của nó cũng thế. Triết gia Nietzsche đã hiểu điều này và đã thừa nhận rằng khi một người lún sâu vào việc nói chuyện và vào việc lý luận, thì họ bị hỏng rồi, bởi vì ngôn ngữ chứa đựng các điều đã bị hoá đá, các sai lầm nền tảng của lý trí.

(Avvenire 10-1-2013)