26/12/2024

Đức Giêsu đã tự hiến cho chúng ta như mẫu mực và như suối nguồn tình yêu

Trong mầu nhiệm Phục Sinh, khổ nạn và vinh quang liên kết chặt chẽ với nhau và tạo nên một sự hợp nhất khắng khít. Qua cuộc khổ nạn, Đức Giêsu biểu lộ vinh quang, vinh quang tình yêu, vinh quang hoàn toàn tự hiến của Người. Người đã yêu Chúa Cha, đã thi hành Thánh ý Chúa Cha cho đến cùng, để biến thành một cuộc hiến dâng hoàn hảo; Người đã yêu nhân loại, đã trao ban mạng sống mình cho chúng ta

 Đức Giêsu đã tự hiến cho chúng ta như mẫu mực và như suối nguồn tình yêu

Viếng thăm mục vụ tại TurinCử hành Thánh lễ tại Quảng trường San Carlo – Chúa Nhật V PS, 2/5/2010

Anh chị em thân mến!

Tôi vui mừng được ở giữa anh chị em trong ngày lễ hội này và cử hành cho anh chị em Bí tích Tạ Ơn long trọng này. Tôi chào mỗi người đang hiện diện nơi đây, đặc biệt vị mục tử tổng giáo phận của anh chị em, là Đức Hồng y Severino Poletto, và xin cám ơn vì những lời lẽ tốt đẹp người gửi đến tôi nhân danh mọi người. Tôi cũng xin chào các Đức Tổng giám mục và các Giám mục hiện diện, các linh mục, tu sĩ nam nữ, đại diện các hội đoàn và các phong trào của Giáo Hội. Tôi kính chào Ông Sergio Chiamparino, Thị trưởng thành phố và bày tỏ lòng biết ơn vì cử chỉ lịch thiệp của ông. Tôi xin được chào vị đại diện chính phủ và các cấp chính quyền dân sự và quân sự. Tôi cũng đặc biệt cám ơn những ai đã quảng đại cộng tác để chuẩn bị cho chuyến viếng thăm mục vụ của tôi. Tôi cũng nhớ đến những ai không thể hiện diện, đặc biệt các bệnh nhân, những người neo đơn và tất cả những ai đang gặp khó khăn. Tôi phó dâng cho Chúa thành phố Turin và tất cả dân cư của thành phố này qua buổi cử hành Bí tích Tạ Ơn, một buổi cử hành, cũng giống như tất cả các Chúa Nhật khác, mời gọi chúng ta, với tư cách cộng đoàn, vào trong hai bàn tiệc Lời chân lý và Bánh ban sự sống vĩnh cửu.

Chúng ta đang ở trong Mùa Phục Sinh là thời gian biểu dương vinh quang của Đức Giêsu. Bài Phúc Âm vừa nghe nhắc lại việc Đức Giêsu được tôn vinh qua cuộc Thương khó. Trong mầu nhiệm Phục Sinh, khổ nạn và vinh quang liên kết chặt chẽ với nhau và tạo nên một sự hợp nhất khắng khít. Đức Giêsu quả quyết: “Giờ đây Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người” (Ga 13,31) và Người đã tôn vinh Thiên Chúa khi Giuđa ra khỏi phòng Tiệc ly để thực hiện dự định phản bội dẫn Thầy mình đến cái chết: chính vào giây phút này Thiên Chúa đã bắt đầu tôn vinh Đức Giêsu. Thánh sử Gioan giúp chúng ta hiểu rõ điều này: thực thế, Thánh sử không nói Đức Giêsu chỉ được tôn vinh sau cuộc Khổ nạn, nhờ biến cố phục sinh, nhưng Thánh sử minh chứng Đức Giêsu đã bắt đầu được tôn vinh qua cuộc Khổ nạn của mình. Qua cuộc khổ nạn, Đức Giêsu biểu lộ vinh quang, vinh quang tình yêu, vinh quang hoàn toàn tự hiến của Người. Người đã yêu Chúa Cha, đã thi hành Thánh ý Chúa Cha cho đến cùng, để biến thành một cuộc hiến dâng hoàn hảo; Người đã yêu nhân loại, đã trao ban mạng sống mình cho chúng ta. Như thế, qua cuộc Thương khó, Người đã được tôn vinh, và Thiên Chúa đã được tôn vinh nơi Người. Nhưng cuộc Thương khó – được xem là cách biểu lộ thực sự và sâu xa tình yêu của Đức Giêsu – chỉ là sự khởi đầu. Chính vì thế, Đức Giêsu quả quyết rằng Người sẽ được tôn vinh trong tương lai (x. c. 32). Sau đó, trong khi Chúa tiên báo Người sẽ rời bỏ thế gian này (x. c. 33), Người đã ban cho họ một giới răn được xem như một chúc thư cho các môn đệ, để Người có thể tiếp tục hiện diện giữa họ một cách hoàn toàn mới mẻ: “Thầy ban cho anh em một giới răn mới: đó là anh em hãy yêu thương nhau” (c. 34). Nếu chúng ta yêu thương nhau, thì Đức Giêsu vẫn tiếp tục hiện diện giữa chúng ta, vẫn tiếp tục được tôn vinh trên trần gian này.

Đức Giêsu nói về một “giới răn mới”. Nhưng đâu là nét mới mẻ của giới răn này? Ngay từ thời Cựu Ước, Thiên Chúa đã ban cho chúng ta giới răn tình yêu; tuy nhiên giờ đây, giới răn này đã trở nên mới mẻ trong mức độ Đức Giêsu bổ sung bằng câu nói rất quan trọng sau đây: “Như Thầy đã yêu thương anh em, anh em cũng thế, anh em hãy yêu thương nhau”. Điều mới mẻ ấy chính là câu “yêu như Đức Giêsu đã yêu”. Toàn bộ tình yêu của chúng ta đều được tình yêu của Đức Giêsu hướng dẫn và đều quy chiếu về tình yêu này, thâm nhập vào tình yêu này, và sẽ được thể hiện vì tình yêu này. Cựu Ước không đưa ra một mẫu mực tình yêu nào, nhưng chỉ đưa ra công thức giới luật yêu thương. Còn trái lại, chính Đức Giêsu đã tự hiến cho chúng ta như mẫu mực và như suối nguồn tình yêu. Ở đây là một tình yêu không biên giới, mang tính hoàn vũ, có khả năng biến đổi mọi hoàn cảnh tiêu cực và mọi chướng ngại hầu thăng tiến trong tình yêu. Và chúng ta đã thấy tình yêu này luôn bắt nguồn từ suối nguồn tình yêu của Đức Giêsu và đã được thể hiện qua đời sống các vị Thánh của thành phố anh chị em.

Qua những thế kỷ vừa qua, Giáo Hội Turin đã có một truyền thống phong phú về sự thánh thiện và quảng đại phục vụ anh em mình – như đã được Đức Hồng y Tổng giám mục và ngài Thị trưởng nhắc đến – nhờ công việc của các linh mục, các tu sĩ nam nữ sống đời hoạt động và chiêm niệm, cũng như của các tín hữu đầy nhiệt huyết. Như thế, lời của Đức Giêsu có một âm vang đặc biệt cho Giáo Hội Turin, một Giáo Hội quảng đại và tích cực, bắt đầu từ các linh mục. Khi ban cho chúng ta giới răn mới, Đức Giêsu yêu cầu chúng ta sống tình yêu của Người, sống bằng tình yêu của Người, Và tình yêu này là dấu chỉ thực sự khả tín, hùng hồn và hữu hiệu để loan báo cho thế giới biết rằng Vương quốc của Thiên Chúa đã đến gần. Dĩ nhiên, chỉ với sức riêng mình, thì chúng ta thực yếu đuối và bị giới hạn. Trong con người chúng ta, luôn có một lực chống lại tình yêu, và trong cuộc sống chúng ta, có biết bao là khó khăn gây nên những chia rẽ, tị hiềm và oán hận. Nhưng Chúa đã hứa sẽ luôn hiện diện trong cuộc đời chúng ta, bằng cách giúp chúng ta có khả năng đáp trả lại tình yêu quảng đại và toàn diện này, một tình yêu biết thắng vượt mọi trở ngại, thậm chí những trở ngại trong tâm hồn. Nếu chúng ta kết hợp với Đức Kitô, chúng ta sẽ có thể thực sự yêu mến như Người. Chúng ta chỉ có thể yêu thương tha nhân như Đức Giêsu đã yêu mến chúng ta khi chúng ta có được sức mạnh này, một sức mạnh được Chúa thông ban cho chúng ta khi chúng ta kết hợp với Người, đặc biệt trong Bí tích Thánh Thể. Hy lễ tình yêu của Đức Giêsu phát sinh tình yêu trở nên hiện diện thực sự trong Bí tích Thánh Thể: đó là nét mới mẻ thực sự trên trần gian, và đó cũng là sức mạnh tôn vinh của Thiên Chúa, Đấng được tôn vinh trong tình yêu của Đức Giêsu tiếp nối trong tình yêu của chúng ta.

Tôi muốn đặc biệt khuyến khích các linh mục và phó tế của Giáo Hội Turin, họ là những người đã quảng đại tận hiến đời mình để làm việc mục vụ, cũng như khuyến khích các tu sĩ nam nữ. Làm việc trong vườn nho của Chúa lắm khi rất mỏi mệt. Ngày càng có nhiều cam kết, càng có nhiều yêu cầu, càng có nhiều vấn nạn: mỗi ngày anh chị em phải biết kín múc sức mạnh để loan báo ơn cứu độ qua mối tương giao tình yêu với Thiên Chúa trong kinh nguyện; một lần nữa hãy xây dựng đời mình trên điều thiết yếu của Tin Mừng; hãy trau dồi chiều kích hiệp thông huynh đệ trong linh mục đoàn, trong các cộng đoàn của anh chị em, trong những mối tương giao với Dân Chúa: khi thi hành thừa tác vụ, hãy làm chứng tá cho quyền năng tình yêu đến từ trên Cao, đến từ Chúa là Đấng đang hiện diện giữa chúng ta.

Bài đọc một mà chúng ta vừa nghe trình bày một phương thế đặc biệt để tôn vinh Đức Giêsu: đó là hoạt động tông đồ và những thành quả của nó. Phaolô và Barnabê, sau chuyến hành trình truyền giáo đầu tiên, đã quay lại những thành phố đã được các ngài thăm viếng để khuyến khích các môn đệ, cổ vũ họ sống kiên cường trong đức tin, bởi vì  -  như các ngài đã nói  - : “Chúng ta phải trải qua nhiều gian khổ mới vào được Nước Chúa” (Cv 14,22). Anh chị em thân mến, cuộc sống Kitô hữu không dễ dàng gì; tôi biết rằng tại Turin, cũng không hề thiếu những khó khăn, những vấn nạn, những mối bận tâm: tôi đặc biệt nghĩ đến những ai đang thực sự sống trong những hoàn cảnh tạm bợ, vì thiếu công ăn việc làm, vì tương lai bấp bênh, vì đau khổ về mặt thể lý cũng như luân lý; tôi nghĩ đến các gia đình, các bạn trẻ, những người già nua tuổi tác thường phải sống trong nỗi cô đơn, những người không ai ưa thích, những di dân. Vâng, cuộc sống làm cho chúng ta phải đương đầu với biết bao khó khăn, vấn nạn, nhưng nhờ đức tin, chúng ta lại có được niềm xác tín, xác tín rằng chúng ta không hề đơn thương độc mã, rằng Thiên Chúa yêu mến mỗi người mà không hề phân biệt đối xử, và rằng với tình yêu của Người, Người ở gần mỗi người trong chúng ta, tình yêu của Người cho phép chúng ta đương đầu với những vấn nạn thường nhật, cũng như cho phép chúng ta trải qua và vượt thắng những vấn nạn ấy. Chính tình yêu phổ quát của Đức Kitô Phục Sinh thúc đẩy các Tông đồ thoát khỏi chính mình, loan truyền Lời Chúa, hy sinh bản thân mình cho tha nhân mà không hề giữ lại điều gì khác cho mình, một cách can đảm, tâm hồn an vui và thanh thản. Sức mạnh tình yêu của Đấng Phục Sinh vượt qua mọi giới hạn, Người không hề dừng lại trước bất cứ chướng ngại nào. Và cộng đoàn Kitô giáo, đặc biệt trong những lĩnh vực được dấn thân nhiều nhất về phương diện mục vụ, phải là một công cụ cụ thể của tình yêu Thiên Chúa.

Tôi cổ vũ các gia đình sống chiều kích tình yêu Kitô giáo trong những hành động đơn thuần mỗi ngày, trong những tương giao trong gia đình bằng cách vượt thắng những chia rẽ và thiếu cảm thộng, bằng cách trau dồi đức tin kiên vững mối hiệp thông. Trong một thế giới có nhiều đại học và văn hoá và đa dạng, ước gì chúng ta không hề thiếu những chứng tá cho tình yêu mà Phúc Âm hôm nay đã đề cập đến, trong khả năng chăm chú lắng nghe và đối thoại khiêm nhường để tìm kiếm chân lý, chắc chắn rằng chân lý sẽ đến gặp gỡ và nắm bắt chúng ta. Tôi cũng muốn cổ vũ mọi nỗ lực, lắm khi thực khó khăn, của những ai có trách nhiệm quản lý công ích: hợp tác để mưu cầu công ích và làm cho thành phố này ngày càng nhân bản hơn và dễ sống hơn là một dấu chỉ nói lên rằng tư tưởng Kitô giáo về con người không bao giờ đi ngược lại tự do nhân văn, nhưng phục vụ cho một cuộc sống viên mãn mãnh liệt hơn, và cuộc sống ấy chỉ được thể hiện trong một nền “văn minh tình yêu”. Với tất cả mọi người, đặc biệt với các bạn trẻ, tôi muốn nói rằng đừng bao giờ đánh mất niềm hy vọng, niềm hy vọng đến từ Đức Kitô Phục Sinh, đến từ Thiên Chúa chiến thắng tội lỗi, hận thù và chết chóc.

Bài đọc II hôm nay cho chúng ta thấy kết cục sau cùng của biến cố Đức Giêsu phục sinh: đó là Giêrusalem mới, thành thánh đến từ trời cao, từ nơi Thiên Chúa mà đến, sẵn sàng như tân nương trang điểm để đón đức lang quân (x. Kh 21, 2). Đấng đã chịu đóng đinh, Đấng đã chia sẻ đau đớn của chúng ta, như Khăn Liệm Thánh cũng đã nhắc lại cho chúng ta một cách hết sức hùng hồn, Đấng đã sống lại và muốn quy tụ tất cả chúng ta vào trong tình yêu của Người. Đây là một niềm hy vọng diệu kỳ, “mạnh mẽ” vững chắc, bởi vì, như Sách Khải huyền đã nói: “(Thiên Chúa) sẽ lau sạch mọi giọt lệ trên mắt họ, và cái chết sẽ không còn nữa; và sẽ không còn khóc lóc, kêu van, cũng chẳng còn buồn sầu; vì những điều cũ sẽ qua đi” (21, 4). Khăn Liệm Thánh chẳng chuyển trao lại cho chúng ta cùng một sứ điệp đó sao? Trong Khăn Liệm này, chúng ta thấy, như thể được phản chiếu, những đau khổ của chúng ta trong những đau khổ của Đức Kitô: “Passio Christi. Passio hominis”  -  Cuộc thương khó của Đức Kitô. Cuộc thương khó của con người  - . Chính vì lý do đó mà Khăn Liệm là một dấu chỉ hy vọng: Đức Kitô đã đối diện với Thánh giá để ngăn cản điều gian ác: để nhờ mầu nhiệm Vượt qua, cho chúng ta thoáng thấy trước giờ phút đó, giờ phút mà đối với cả chúng ta, mọi giọt lệ sẽ được lau khô, và sẽ chẳng còn chết chóc, khóc lóc, kêu than và buồn sầu.

Trích đoạn Sách Khải Huyền kết thúc bằng lời khẳng định sau đây: “Lúc đó, Đấng ngự trên ngai tuyên bố: “Này đây Ta đổi mới mọi sự”” (21, 5). Điều hoàn toàn mới mẻ đầu tiên được Thiên Chúa thực hiện, đó là sự phục sinh của Đức Giêsu, việc Người được tôn vinh trên trời. Đây là khởi đầu của một loạt “những điều mới mẻ”, những điều mà chúng ta cũng đang thông phần. “Những điều mới mẻ” này, đó là một thế giới tràn đầy niềm vui, một thế giới không còn đau khổ và lạm dụng, một thế giới không còn hiềm khích và hận thù, mà chỉ có tình yêu phát xuất từ Thiên Chúa biến đổi mọi sự.

Giáo Hội tại Turin thân mến, tôi đến giữa anh chị em để kiên vững anh chị em trong đức tin. Tôi muốn khuyến khích anh chị em, một cách mạnh mẽ và trìu mến, là hãy sống vững mạnh trong đức tin mà anh chị em đã lãnh nhận, một đức tin mang lại cho cuộc đời một ý nghĩa, mang lại sức mạnh để yêu thương, để không bao giờ đánh mất ánh sáng của niềm hy vọng vào Đức Kitô Phục Sinh, Đấng có thể biến đổi thực tế và làm cho mọi sự trở nên mới mẻ; là hãy sống tình yêu Thiên Chúa trong thành phố của anh chị em, trong các khu phố, trong các cộng đoàn, trong các gia đình, một cách đơn sơ và cụ thể: “Như Thầy đã yêu thương anh em, anh em cũng hãy yêu thương nhau”. Amen.