Thánh Kinh, đức tin và lịch sử cứu độ
Sáng 12-4, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến phái đoàn Uỷ ban Thánh Kinh do Đức Tổng Giám mục Gerhard Ludwig Müller, Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, dẫn đầu, sau khi Uỷ ban này kết thúc hội nghị toàn thể bàn về mối tương quan giữa sự thật và linh hứng trong Thánh Kinh.
Thánh Kinh, đức tin và lịch sử cứu độ |
WHĐ (13.04.2013) – Sáng 12-4, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến phái đoàn Uỷ ban Thánh Kinh do Đức Tổng Giám mục Gerhard Ludwig Müller, Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, dẫn đầu, sau khi Uỷ ban này kết thúc hội nghị toàn thể bàn về mối tương quan giữa sự thật và linh hứng trong Thánh Kinh.
Trước hết, Đức Thánh Cha nêu rõ đề tài này không những cá nhân người tín hữu mà còn được cả Giáo Hội quan tâm, bởi đời sống và sứ vụ của Hội Thánh đều được xây dựng trên nền tảng Lời Chúa. Lời Chúa là linh hồn của thần học và là nguồn cảm hứng cho cuộc sống người Kitô hữu. Kinh Thánh là chứng từ Lời Chúa được viết ra, là ký ức mang tính quy điển chứng thực về Mặc khải. Có trước và vượt trên Sách Thánh, Lời Chúa vốn là trái tim của đức tin không hề bị giản lược vào một quyển sách. Lời Chúa là lịch sử cứu độ và cũng là con người của Đức Kitô, Lời của Thiên Chúa nhập thể. Khi viễn tượng của Lời Chúa ôm trọn và vượt trên Kinh Thánh, thì không thể không có sự hiện diện thường hằng của Thần Khí, Đấng dẫn dắt toàn bộ sự thật. Vậy, chúng ta phải đặt mình trong truyền thống cao cả – truyền thống được Chúa Thánh Thần linh hứng và Huấn quyền hướng dẫn – đã nhìn nhận trong những bản văn quy điển điều Thiên Chúa nói với một dân tộc vốn không ngừng khám phá và suy gẫm sự phong phú của những điều Chúa nói. Tiếp theo, Đức Thánh Cha nhắc đến Công đồng Vatican II “đã khẳng định lại một cách rõ ràng trong Hiến chế Tín lý Dei Verbum, việc giải thích Kinh Thánh phụ thuộc vào quyền thẩm định cuối cùng của Giáo hội vốn tuân giữ lệnh truyền của Chúa và đảm trách sứ vụ giữ gìn và giải thích Lời Chúa… Kinh Thánh là Lời Thiên Chúa đã được quy chuẩn dưới sự linh hứng của Thần Khí, trong khi đó truyền thống chuyển giao một cách toàn vẹn Lời đã được Đức Kitô và Thần Khí trao phó cho các Tông đồ và những người kế vị các ngài, để khi đã được soi sáng, những người kế vị này giải thích và truyền bá Lời Chúa… Việc giải thích Kinh Thánh không hề là một nỗ lực mang tính khoa học của cá nhân, nhưng phải luôn được đối chiếu và đưa vào truyền thống sống động của Hội Thánh, bằng cách làm rõ mối tương quan đúng đắn giữa khoa chú giải và huấn quyền. Những bản văn được Thiên Chúa linh hứng đã được trao phó cho cộng đoàn các tín hữu, là Giáo Hội của Chúa Kitô, để nuôi dưỡng đức tin và cuộc sống bác ái”. Cuối cùng, Đức Thánh Cha Phanxicô chúc mừng các thành viên trong Uỷ ban Thánh Kinh về công việc các vị đã thực hiện, uỷ thác cho các vị, trong Năm Đức Tin này, làm cho Kinh Thánh được chiếu toả trong tâm hồn các tín hữu. (Theo VIS, 12-04-2013)
|