Hội nghị về tế bào gốc: Một viễn ảnh văn hoá
Hôm nay, tại Vatican diễn ra Hội nghị quốc tế lần thứ hai về nghiên cứu tế bào gốc trưởng thành. Hội nghị kéo dài trong 3 ngày có chủ đề “Y học Tái tạo: Thay đổi cơ bản trong Khoa học và Văn hoá”, quy tụ các nhà chính trị, các nhà nghiên cứu y học và các sinh viên để thảo luận về những phát triển mới nhất trong lĩnh vực này.
Hội nghị về tế bào gốc: Một viễn ảnh văn hoá |
WHĐ (11.04.2013) – Hôm nay, tại Vatican diễn ra Hội nghị quốc tế lần thứ hai về nghiên cứu tế bào gốc trưởng thành. Hội nghị kéo dài trong 3 ngày có chủ đề “Y học Tái tạo: Thay đổi cơ bản trong Khoa học và Văn hoá”, quy tụ các nhà chính trị, các nhà nghiên cứu y học và các sinh viên để thảo luận về những phát triển mới nhất trong lĩnh vực này.
Hội nghị do Hội đồng Toà Thánh về Văn hoá tổ chức, với sự hợp tác của Tổ chức Tế bào vì Sự sống NeoStem và Dự án STOQ Quốc tế [Khoa học, Thần học và Nghiên cứu Hữu thể học], và sự trợ giúp của Viện Hàn lâm Giáo hoàng về Sự sống và Hội đồng Toà Thánh về Gia đình. Thực tại phức tạp này không chỉ liên quan đến khoa học: thật vậy, việc nghiên cứu tế bào gốc trưởng thành nhằm đáp lại tiếng kêu đau khổ của các bệnh nhân và gia đình họ. Đức Hồng y Gianfranco Ravasi, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh về Văn hoá, khẳng định: “Việc này xứng đáng được Giáo Hội khuyến khích và nâng đỡ”. Đức Hồng y Ravasi nhấn mạnh, hơn nữa, Giáo Hội không được bằng lòng với việc chỉ nhìn các sự vật về khía cạnh thiêng liêng, nhưng còn phải tham gia một cách thiết thực, chẳng hạn trợ giúp gia đình các bệnh nhân, nhất là những ai mắc chứng bệnh thoái hóa thần kinh như Alzeihmer, họ phải tốn khá nhiều chi phí chữa bệnh, và mong đợi rất nhiều nơi việc nghiên cứu khoa học về tế bào gốc. Về lĩnh vực này, khoa học và đức tin có thể hợp tác, vì cả hai chia sẻ cùng một mục tiêu: đến gặp những con người đau khổ, và đem lại cho họ một sứ điệp hy vọng thực sự. Hội nghị cũng là cơ hội đề cập đến những thay đổi về mặt văn hoá và những hậu quả xã hội phát sinh từ những tiến bộ của y học tái tạo, trên bình diện chăm sóc sức khoẻ, an sinh xã hội cũng như những đổi mới công nghệ, hoặc những vấn đề pháp lý. Giáo Hội cần thông cảm, hiểu biết và xem xét những thay đổi văn hoá này để có những đáp ứng mục vụ. Đức ông Tomasz Trafny, Giám đốc Uỷ ban Khoa học và Đức tin thuộc Hội đồng Toà Thánh về Văn hoá, nói rằng một trong những mục tiêu của Hội nghị là để dạy cho con người biết về cuộc đối thoại giữa khoa học và đức tin: “Chúng tôi muốn gửi đi một sứ điệp toàn cầu, đến những người có học thức, đến các tín hữu và mục tử của chúng tôi, để nói cho họ biết không việc gì phải sống trong sợ hãi, không việc gì phải chọn lựa một trong hai: khoa học hay đức tin”. Diễn giả chính của Hội nghị là Tiến sĩ John Gurdon, người đoạt Giải Nobel năm 2012 về Sinh lý học và Y học cùng với Tiến sĩ Shinya Yamanaka vì chứng minh rằng họ có thể làm cho da trở về trạng thái của tế bào gốc giống như khi còn trong phôi. Hội nghị lần này diễn ra từ ngày 11 đến 13-4-2013 tại Hội trường mới của Thượng Hội đồng Giám mục. Hội nghị lần thứ nhất diễn ra cũng tại Vatican, từ ngày 9 đến 11-11-2011 với chủ đề “Tế bào gốc trưởng thành: Khoa học và Tương lai của con người và văn hoá”. (Tổng hợp từ Vatican Radio
– bản tiếng Anh và tiếng Pháp, 10-04-2013) |