14/11/2024

Chúa Nhật II PS-C: Những Lần Hiện ra của Đấng Phục Sinh

Hôm nay là Chúa Nhật về Lòng Thương xót của Thiên Chúa. Chính vì tình yêu thương vô bờ, Đức Giêsu đã hiện ra rất nhiều lần cho các tông đồ, các môn đệ để giúp chúng ta hiểu được lòng thương yêu vô biên của Người và để chúng ta được chia sẻ sự sống diệu kỳ của Thiên Chúa.

 

Những Lần Hiện ra của Đấng Phục Sinh

 Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Chúa Nhật vừa qua chúng ta đã tìm hiểu sự kiện mồ trống như bằng chứng nói lên rằng Đức Giêsu đã sống lại. Chúa Nhật tuần này cũng như những ngày tiếp theo kể ra những lần Đức Giêsu hiện ra với các môn đệ. Đó là những bằng chứng tích cực giúp cho những người tín hữu xác tín về sự hiện diện sống động của Đấng Phục Sinh và đi làm chứng cho Người.

Hôm nay cũng là Chúa Nhật về Lòng Thương xót của Thiên Chúa. Chính vì tình yêu thương vô bờ, Đức Giêsu đã hiện ra rất nhiều lần cho các tông đồ, các môn đệ để giúp chúng ta hiểu được lòng thương yêu vô biên của Người và để chúng ta được chia sẻ sự sống diệu kỳ của Thiên Chúa.

Vì thế, chúng ta sẽ dành ít phút để tìm hiểu về những lần hiện ra của Đấng Phục Sinh.

1. Chúa Giêsu hiện ra bao nhiêu lần?

Chúng ta có thể nói rằng: Đức Giêsu phục sinh đã hiện ra 14 lần. Thánh Ignatiô Loyola, sáng lập ra dòng Tên, đã kể lại những lần hiện ra đó trong tác phẩm “Những bài linh thao” viết vào năm 1544 của ngài, từ số 299 đến 312, trừ số 310 về cuộc hiện ra với ông Giuse Arimathia, theo lòng đạo đức thời đó nhưng thiếu dữ liệu Thánh Kinh. Chúng tôi mạo muội thay thế bằng cuộc hiện ra với tất cả các tông đồ theo thánh Phaolô (x. 1Cr 15,7), như thế hợp lý hơn. Có 13 lần hiện ra đã được Thánh Kinh ghi nhận.

Chỉ có một lần không được Thánh Kinh kể ra nhưng được nhiều Thánh Giáo phụ nói đến. Đó là lần hiện ra đầu tiên của Chúa Giêsu với Người Mẹ Thánh của mình bởi vì Mẹ đã đóng góp nhiều nhất vào công trình cứu độ của Đức Giêsu, Mẹ đã đứng vững dưới chân thập giá và Mẹ luôn tin tưởng rằng Chúa Cha sẽ cho Con của Ngài sống lại. Vì thế, Mẹ phải là người đầu tiên nhìn thấy Đấng Phục Sinh.

Người tiếp theo là bà Maria Magdala. Bà đã đi cùng với nhiều phụ nữ đến mồ Chúa. Thấy được thiên thần hiện ra. Và khi những người khác ra về, bà đã ở lại và Đức Giêsu hiện ra với bà.

Sau đó Chúa Giêsu hiện ra với các phụ nữ, rồi với thánh Simon Phêrô, với hai môn đệ tên đường đi Emmaus, với các môn đệ ở nhà Tiệc Ly tại Giêrusalem như ta vừa nghe kể trong bài Tin Mừng. Tuần sau đó, Người lại hiện ra với các môn đệ trong đó có cả Tôma. Chúa Giêsu còn hiện ra với 7 môn đệ tại bờ biển Tiberias miền Galilê và trao cho Simon Phêrô quyền chăn dắt đàn chiên sau khi hỏi ông ba lần về tình yêu của ông đối với Người. Chúa Giêsu còn hiện ra với các môn đệ trên một ngọn núi ở miền Galilê, sai các ông đi rao giảng Tin Mừng, rửa tội cho muôn dân và nói rằng Người ở cùng các ông mọi ngày cho đến tận thế.

Theo thánh Phaolô viết trong thư gửi giáo đoàn Corinthô vào năm 57, Chúa Giêsu còn hiện ra với hơn 500 môn đệ cùng một lúc, với thánh Giacôbê (hậu), người anh em của Chúa là tông đồ trưởng của giáo đoàn Giêrusalem, đặc biệt là với “tất cả các tông đồ” (1Cr 15,7). Ngài phân biệt “nhóm 12” với “tất cả tông đồ”. Các tông đồ, theo thánh Phaolô, là tất cả những ai đã được Chúa kêu gọi, chọn lựa và sai đi để làm chứng cho Người. Tất cả những ai ý thức được sứ mạng tông đồ của mình đều được Chúa Giêsu hiện ra để củng cố niềm xác tín và chia sẻ sự sống kỳ diệu của Người. Họ sẽ làm nhiều được nhiều phép lạ như các tông đồ trong bài đọc I (Cv 5,12-16) để làm chứng cho Chúa Giêsu là Đấng Hằng Sống như bài sách Khải Huyền (Kh 1,17-18) diễn tả. Nếu mỗi người chúng ta xác tín mình là tông đồ của Đức Giêsu thì chắc chắn ít ra một lần trong đời Chúa Giêsu cũng sẽ hiện ra với ta.

Sau đó, thánh Phaolô cũng nói đến việc Chúa Giêsu hiện ra với mình trên con đường đi Damas như một đứa trẻ sinh non vì ngài đã bách hại Hội Thánh Chúa.

Cuối cùng, Chúa hiện ra với các tông đồ trên ngọn núi Olive ở gần thành Giêrusalem, nhắn bảo các ông đi khắp thế giới giảng dạy Tin Mừng và làm chứng nhân cho Người. Rồi thân xác Người từ từ được cất lên trời trước mắt các ông.

Đó là 14 lần Chúa Phục Sinh hiện ra.

2. Tìm hiểu đặc tính các lần Chúa hiện ra để hiểu được bản chất của đời sống mới

2.1. Đặc tính các lần hiện ra

Chúng ta có thể nói rằng tất cả các lần hiện ra này đều biểu lộ lòng thương xót vô bờ và tình yêu tuyệt vời của Thiên Chúa đối với tất cả chúng ta là con cái của Ngài, để chia sẻ cho chúng ta sự sống lạ lùng của Đấng Phục Sinh.

Khi hiện ra, Chúa Giêsu cũng không phân biệt hay kỳ thị nam nữ, dù rằng vào thời đó người ta chỉ coi trọng lời chứng của nam nhân và chỉ lời chứng đó mới có giá trị pháp lý. Tuy nhiên, Chúa Giêsu vẫn hiện ra rất nhiều lần với các phụ nữ: từ việc hiện ra với Mẹ Maria, với bà Maria Magdala, với các phụ nữ trong nhóm các môn đệ ở nhà Tiệc Ly, ở trên núi miền Galilê, trong nhóm hơn 500 người, hay với tất cả các “tông đồ” hoặc cuối cùng trên núi Olive. Điều này đem lại niềm vui cho tất cả chúng ta vì đều được Chúa Giêsu yêu thương và giao phó sứ mạng làm chứng cho Người.

Chúa Giêsu không phân biệt chức vị cao thấp, tốt xấu: Người hiện ra với thánh Phêrô, Thánh Giacôbê là các tông đồ trưởng, nhưng cũng hiện ra với những môn đệ thấp kém, vô danh vì Người yêu tất cả. Người cũng không phân biệt người thánh thiện hay kẻ tội lỗi vì hiện ra với Người Mẹ Thánh và cả với Thánh Phaolô trên đường đi Damas để tìm bắt các tín hữu Kitô. Vì thế, ta đừng bao giờ mang mặc cảm về sự yếu kém hay tội lỗi và nghĩ rằng chẳng bao giờ Chúa Giêsu hiện ra với mình.

2.2. Bản chất cuộc sống lại

Tuy nhiên, khi nói đến việc Chúa Phục Sinh hiện ra, người ta thắc mắc làm sao Chúa Giêsu có thể hiện ra cùng lúc với người này người kia trong khi họ lại đang ở những nơi khác nhau và cách xa nhau như thế? Làm sao Chúa lại hiện ra với các môn đệ trong nhà Tiệc Ly ở Giêrulalem như kể trong bài Tin Mừng (x. Ga 20,19-31) nếu các môn đệ nghe lời Chúa nhắn qua các phụ nữ để đi ngay về Gallilê cách ngôi mộ chừng 160 cây số? Không lẽ Chúa Giêsu phải phân thân như Tôn Ngộ Không trong truyện Tây Du Ký? Những thắc mắc như vậy là do con người quá tin vào những kiểu lý luận và bằng chứng của những người theo chủ nghĩa duy lý, duy khoa học thực nghiệm cũng như chưa hiểu được Đức Giêsu sống lại nghĩa là gì, bản chất sự sống kỳ diệu của Chúa chuyển thông cho ta như thế nào.

Chúa Giêsu sống lại là Người giới thiệu cho chúng ta một sự sống mới, một sự hiện hữu mới để chúng ta thông phần vào sự sống kỳ diệu của Thiên Chúa, một Thiên Chúa ở khắp mọi nơi và hiện diện trong mọi thời, nên chúng ta thấy dù cửa nhà các môn đóng kín nhưng Chúa Giêsu vẫn hiện ra đứng giữa mọi người. Người ăn uống với họ để họ thấy vật chất được thâu nhận và biến đổi trong đời sống mới này. Người cho các ông xem tay và cạnh sườn bị đâm thủng của Người và yêu cầu Tôma kiểm chứng để thấy Người chính là con người trước đây đã bị đóng đinh, bị chết nay sống lại.

Đó cũng là sự sống mới mẻ khởi đầu từ một cuộc sáng tạo mới: Chúa Giêsu thổi hơi trên các môn đệ và ban Thánh Thần của Người cho họ. Trong cuộc tạo dựng đầu tiên, Chúa dựng nên con người từ bùn đất, khi Chúa thổi hơi vào thì trở thành con người sống động. Bây giờ, Ngôi Lời Thiên Chúa là Chúa Giêsu sống lại cũng thổi hơi trên các môn đệ để tạo dựng nên những con người mới, những con người được chia sẻ sự sống vĩnh hằng, kỳ diệu của Đấng Phục Sinh nhờ Thần Khí của Người.

Chúng ta có nhiều thí dụ trong Thánh Kinh cũng như trong đời sống của các thánh nhân. Chẳng hạn trong sách Công vụ Tông đồ, thánh Philipphê đang giảng dạy ở miền Samari, Thánh Thần bốc ngài đi gặp viên hoạn quan đang đi trên đường từ Giêrusalem về Gaza để nói cho ông về Chúa Giêsu, rôi sau khi rửa tội cho ông, Thánh Thần lại cất ông đi ngay trước mắt viên quan ấy và đặt ông xuống miền Asđôt, cách xa hàng trăm cây số (x. Cv 8,4-40). Hoặc Thánh Martinô Pores sống ở Nam Mỹ nhưng được Chúa cho vượt Đại Tây Dương trong nháy mắt, đưa vào ngục tù để chữa cho một tù nhân ở châu Âu. Khi ngài dẫn đoàn học sinh đi chơi, thầy trò vui vẻ đến quên giờ về đọc kinh chiều trong khi đường còn rất xa, thánh nhân xin tất cả nhắm mắt lại cầu nguyện, mở mắt ra đã thấy mình ở trước cổng tu viện.

Khi gắn bó với Đấng Phục Sinh, Thiên Chúa giàu lòng thương xót sẽ cho chúng ta cảm nghiệm được sức mạnh và quyền năng kỳ diệu của Người để chúng ta hiểu rằng Người đang hiện diện sống động bên ta, chia sẻ sự sống kỳ diệu cho ta để ta không còn lệ thuộc vào vật chất, vào không gian, thời gian và định luật của thể xác, để tâm hồn chúng ta mở rộng ra cho mọi người, mọi vật quanh mình.

Lời kết

Hôm nay suy nghĩ về lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa và sự sống kỳ diệu của Đấng Phục Sinh chia sẻ cho chúng ta, chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta, ít là một lần trong đời, cảm nghiệm được sự hiện diện sống động của Chúa khi Chúa hiện ra với chúng ta để chúng ta làm chứng cho Người, sử dụng quyền năng của Người để cứu giúp muôn loài như sứ mạng Chúa trao.