Giáo Hội loan báo tình yêu giàu lòng thương xót của Chúa

Trang Tin Mừng theo Thánh Gioan trong Chúa Nhật hôm nay (Ga 20,19-31) nói nhiều về lòng nhân hậu và sự tốt lành của Thiên Chúa. Sau khi sống lại, Đức Giêsu đến thăm các môn đệ. Người đi qua các cánh cửa đóng kín của Phòng Tiệc ly; Người còn đi đến những địa điểm xa hơn, để cho tất cả có thể nhận được ơn bình an và sự sống với “Hơi thở sáng tạo”.

 Giáo Hội loan báo tình yêu giàu lòng thương xót của Chúa

Kinh Lạy Nữ Vương Thiên đàngCastel Gandolfo – Chúa Nhật II PS, cuối Tuần Bát Nhật Phục Sinh, 11/4/2010

Anh chị em thân mến,

Chúa Nhật hôm nay kết thúc tuần Bát nhật Phục Sinh được xem như thể một ngày “được Chúa làm nên”, một ngày được đánh dấu bằng đặc điểm của biến cố Phục Sinh và của niềm vui nơi các môn đệ khi thấy Đức Giêsu. Ngay từ thời xa xưa, Chúa nhật hôm nay được gọi là “in albis” của từ Latinh “alba”, do chiếc áo trắng mà các tân tòng mặc khi chịu Phép Rửa tội trong đêm Vọng Phục Sinh, và họ chỉ cởi chiếc áo trắng này tám ngày sau đó. Đức Gioan Phaolô II đáng kính đã dành Chúa Nhật này để kính Lòng Chúa Thương Xót nhân lễ phong Thánh cho Nữ tu Maria Faustina Kowalska, 30/4/2000.

Trang Tin Mừng theo Thánh Gioan trong Chúa Nhật hôm nay (Ga 20,19-31) nói nhiều về lòng nhân hậu và sự tốt lành của Thiên Chúa. Trang Tin Mừng tường thuật sau khi sống lại, Đức Giêsu đến thăm các môn đệ. Người đi qua các cánh cửa đóng kín của Phòng Tiệc ly. Thánh Âu Tinh cắt nghĩa “những cánh cửa đóng kín vẫn không ngăn cản được thân xác có sự hiện diện của Thiên Chúa bước vào. Chỉ có ai khi sinh ra mà vẫn giữ cho mẹ mình được trinh tiết thì mới có thể bước vào Phòng Tiệc ly cửa đóng kín” (In Ioh. 121, 4: CCL 36/7, 667); và Thánh Grêgôriô Cả nói thêm rằng Đấng Cứu Chuộc chúng ta, sau khi sống lại, đã hiện ra với một thân xác bất hoại mà ta có thể đụng chạm đến được, nhưng trong một tình trạng vinh quang (x. Bài giảng theo Tin Mừng 21,1: CCL 141, 219). Đức Giêsu chỉ cho các môn đệ thấy những dấu hiệu Thương Khó của mình, và còn cho Tôma cứng lòng được chạm đến Người. Nhưng làm thế nào mà một môn đệ lại có thể nghi ngờ được? Thực thế, Thiên Chúa đã hạ cố cho phép chúng ta rút tỉa được điều hay từ các môn đệ tin cũng như cứng lòng như Tôma. Thực ra, khi chạm đến những vết đinh của Chúa, Người không những chữa lành sự nghi ngờ của người môn đệ yếu lòng tin này, mà còn chữa lành cho cả sự nghi ngờ của chúng ta nữa.

Đấng Phục Sinh không chỉ viếng thăm các môn đệ tại Phòng Tiệc ly, mà Người còn đi đến những địa điểm xa hơn, để cho tất cả có thể nhận được ơn bình an và sự sống với “Hơi thở sáng tạo”. Trên thực tế, đã hai lần Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Bình an cho các con!” và Người nói thêm: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Nói xong, Người thổi hơi trên các ông và phán: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần. Các con tha tội cho ai thì tội người ấy được tha; các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại”. Sứ mệnh của Giáo Hội luôn được Đấng Bào Chữa nâng đỡ, đó là loan báo tin vui, loan báo sự thực về Tình yêu giàu lòng nhân hậu của Chúa cho mọi người, “để anh em tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, – Thánh Gioan nói -, và để nhờ tin mà anh em được sống nhờ danh Người” (20,31).

Dưới ánh sáng của lời Chúa trên đây, tôi đặc biệt khuyến khích tất cả các vị mục tử theo gương Cha thánh Quản xứ Ars, “trong thời đại của người, đã biết biến đổi tâm hồn và cuộc sống của biết bao nhiêu người, bởi vì Cha đã thành công trong việc giúp họ nhận ra tình yêu nhân từ của Chúa. Thời đại của chúng ta cũng cấp bách cần được loan báo và làm chứng như thế về chân lý Tình yêu” (Thư triệu tập Năm Linh mục). Có thế, chúng ta mới luôn có thể làm cho Đấng mà đôi mắt chúng ta không thấy được, nhưng lòng nhân từ vô biên của Người đối với chúng ta lại vô cùng chắc chắn, trở nên thân tình và gần gũi hơn với chúng ta. Hãy cầu xin Đức Trinh Nữ Maria, Nữ Vương các Tông đồ, nâng đỡ sứ mệnh của Giáo Hội, và hãy khẩn cầu Người khi chúng ta hân hoan cất lên lời kinh Regina caeli…